BBT PTVN: Sau khi Tuanvietnam.net đăng phản hồi của Đại
đức Thích Thanh Thắng về bài viết của Họa sĩ Lê Thiết Cương, Trang mạng
này tiếp tục đăng bài của một "Phật tử" phản hồi lại bài của Đại đức.
Nhận thấy cần thiết có sự trao đổi để làm rõ vấn đề, Phattuvietnam.net
đăng lại bài này và mong quý độc giả đưa ra ý kiến trên
Phattuvietnam.net và phản hồi với Tuanvietnam.net.
Kính thưa Đại đức,
Tôi là một Phật tử như hàng triệu
triệu Phật tử trên trái đất này. Tôi cũng là một trong những người theo
dõi bằng lòng thành kính của mình với sự kiện rước Phật xá lợi vừa qua.
Đấy quả thật là một sự kiện tâm linh lớn lao cho những Phật tử Việt Nam
nói riêng và cho văn hoá của đất nước nói chung.
Rồi tôi đọc bài của ông Lê Thiết Cương. Tôi không hiểu
gì nhiều về giáo lý nhà Phật. Trong bài, ông Lê Thiết Cương có đề cập
đến một điều mà có thể gọi là sự phô trương. Tôi thấy sự phô trương dù ở
hình thức nào cũng không đúng với tinh thần của những người tu hành.
Đến nay, tôi lại đọc bài của Đại đức trao đổi lại ông
Lê Thiết Cương. Tôi không dám bàn luận những gì liên quan đến giáo lý
nhà Phật. Tôi chỉ băn khoăn một vài điều trong bài viết của Đại đức.
Không biết thì phải hỏi, chưa rõ thì phải thưa. Với ý
thức đó, tôi viết thư này tới Đại đức để bầy tỏ những ý nghĩ chân thành
của mình. Nếu có gì chưa phải mong Đại đức chỉ giáo.
|
9 viên ngọc xá lợi Phật lưu giữ trong 3 tháp
lưu ly. |
Điều thứ nhất: Trong bài viết của mình, Đại đức có trích một đoạn
trong một bài báo:"Thượng tọa Thích Huyền Diệu cho biết ông đã nói với
mọi người rằng với những bảo vật quý này, chỉ có thể rước bằng một
chuyến bay trang trọng, không ngờ nay đã thành hiện thực".
Tôi không hiểu ý của Đại đức trích đoạn viết này có ý
gì sâu xa nữa không? Nhưng với văn bản đoạn trích đó, tôi hiểu theo hai
nghĩa.
Một, đoạn trích nói vậy có nghĩa
là Thượng toạ Thích Huyền Diệu đã TIÊN TRI đúng việc Phật xá lợi được
đưa về Việt Nam bằng cách nào. Nếu như thế thì có gì mà chúng ta phải
kêu lên “không ngờ nay đã thành hiện thực”. Vì điều ấy ai mà chẳng
biết. Việc chuyển bảo vật này bằng máy bay chỉ trở thành lời tiên tri
của Thượng toạ khi Thượng toạ nói về điều ấy ở thời điểm nhân loại chưa
có máy bay mà thôi.
Hai, với phương tiện di chuyển ngày nay và với khoảng
cách từ Ấn Độ về Việt Nam thì ai cũng biết dùng máy bay là thuận tiện
nhất. Nhưng người ta vẫn có thể rước Phật xá lợi về Việt Nam bằng những
con đường khác chứ đâu “chỉ có thể rước bằng một chuyến máy bay trang
trọng”. Mà cái trang trọng và linh thiêng nhất là hướng tâm trí trong
sáng của mình tới những điều kỳ diệu chứ đâu bằng việc dùng một phương
tiện vật chất.
|
Phật xá lợi về đến
sân bay Nội Bài Hà Nội |
Việc rước Phật xá lợi về Việt Nam có thể bằng nhiều cách. Nhưng với
điều kiện hiện nay thì chúng ta rước bằng máy bay là hợp lý. Còn nếu
dùng một chuyên cơ riêng thì có cần thiết đến như thế không? Với số tiền
còn lại, các nhà tu hành sẽ dùng vào những việc kỳ diệu không kém mà
tôi sẽ xin thưa ở một phần sau.
Tôi xin nói thêm, trên báo có dẫn lời của Thượng
tọa Thích Huyền Diệu luôn miệng nhắc hai từ “kỳ diệu”: "Đây quả là điều kỳ diệu. Xưa
Đường Tăng mất sáu năm để đến được đất Phật, nay các vị thực hiện điều
đó chỉ trong vài giờ đồng hồ bằng cả một chuyến bay riêng".
Xin thưa, điều kỳ diệu mà Thượng tọa Thích Huyền Diệu
nói đến chỉ là điều kỳ diệu của khoa học kỹ thuật mà thôi chứ không thể
ghép bất cứ điều kỳ diệu nào thuộc Tâm linh vào việc rút ngắn thời gian
vận chuyển.
Tôi cũng vô cùng băn khoăn khi Thượng tọa so sánh
chuyến đi của Đường Tăng sang Tây Trúc lấy kinh và chuyến chuyên cơ rước
Phật xá lợi về Việt nam. Với ngu ý của một người dân bình thường, tôi
thấy hai việc này không giống nhau.
Con đường của Đường Tăng là con đường đi tìm chân
kinh. Đó là con đường đi tìm chân lý của nhân loại. Còn con đường đi
rước Phật xá lợi là rước một báu vật như người ta rước một bức tượng từ
ngôi chùa này đến ngôi chùa khác.
Tôi nghĩ như vậy, xin các nhà tu hành, các Phật tử và
mọi người thấy có đúng không?
Điều thứ hai: Trong bài viết của Đại đức có câu:
“Nhiều khi muôn bài thuyết pháp cũng không bằng việc tỏ bày một hình
thức để cho người khác khởi niềm tin kính hướng thiện”.
Tôi đồng ý với câu nói này của Đại đức. Nhưng hình
thức mà Đại đức đang bàn đến hay lấy làm ví dụ liệu có phải như vậy
không? Sự cầu kỳ, diêm dúa, phung phí cũng là một loại của hình thức. Sự
giản dị, sâu sắc mà tôn nghiêm cũng là một loại của hình thức. Hành
động nào cũng có hình thức của nó nhưng bản chất chứa đựng sau hình thức
đó nhiều lúc lại ngược nhau. Cầu kỳ, phung phí khác với tôn nghiêm, vĩ
đại.
|
Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. |
Ông cha ta có câu: thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu
chùa. Hồi còn trẻ, tôi nghĩ đó là một câu nói nôm na về việc tu dưỡng
của con người. Nhưng lớn lên, tôi giật mình khi nhận ra đó là một triết
lý cao sâu khôn cùng được trình bày vô cùng giản dị trong hình thức của
ngôn ngữ. Là một Phật tử nhỏ bé, nhưng tôi cũng hiểu được rằng: Phật tại
tâm chứ không tại chùa.
Cố nhà thơ Thế Mạc, người cùng quê tôi, thường xuyên
ăn chay, đọc kinh Phật mà không ít các vị tu hành ở vùng đó đều biết đến
có viết một câu thơ mà tôi không nhớ từng chữ. Tôi chỉ xin diễn lại ý
của câu thơ này. Đó là ngôi chùa bị phá đi rồi nhưng sự linh thiêng của
Đức Phật vẫn trùm phủ xuống đời sống con người.
Điều thứ ba : Đại đức viết: “Với chi phí 100.000 USD =
1,9 tỉ đồng (hoàn toàn do phật tử tự nguyện cúng dường), không bằng 30
phút bắn pháo hoa đêm giao thừa xuân Canh Dần ở Hà Nội (5 tỷ đồng)”.
Kính thưa Đại đức, so sánh này của Đại đức làm cho tôi
ngạc nhiên. Phép so sánh này vẫn là phép so sánh về hình thức. Chỉ
khác, hình thức ở đây được số hóa khoản tiền mà chúng ta dùng vào hai
việc khác nhau. Nếu chúng ta so sánh như vậy, thì tôi xin thô thiển đưa
ra một phép so sánh nhỏ.
Trước khi đưa ra phép so sánh của
mình, chúng ta cùng nhau đọc một đoạn viết trên báo Dân Trí: “Bố mẹ
nhốt con trong nhà để đi tìm cái ăn, mấy ngày sau mới đưa được củ mài
về, con đã lả gần chết. Đói, không có củ thì vặt tạm lá rừng, lá nào sâu
ăn được mình cũng ăn được… Chuyện về cái đói ở Pác Củng kể cả ngày
không hết.
Đã nhiều tháng nay, người dân
thôn Pác Củng, xã Thượng Nông, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang phải kéo
nhau đổ dồn lên núi tìm củ mài, củ sắn, rau rừng để cầm cự với cái đói
tấn công người dân suốt 10 tháng qua.
Thôn Pác Củng có trên dưới 30 em nhỏ. Ngay đầu thôn,
một ngôi nhà sàn dựng tạm làm lớp học cho các em. Vào những ngày bình
thường, các em sáng đến lớp, chiều đi đào củ trên rừng. Nhưng vào những
ngày này các em bỏ cả học để đi kiếm cái ăn.
Cách đây chừng 5 năm, ngay đến đường vào Pác Củng cũng
không có. Năm 2006, nhờ một tổ chức nhân đạo, con đường mòn vào Pác
Củng mới được mở. Khi những cơn đói đang chập chờn mỗi ngày, người dân
Pác Củng không còn thời gian để mơ về ánh điện, trẻ con Pác Củng không
dám nghĩ tới tương lai.
Kính thưa Đại đức, năm 2009, ông Chủ tịch UBND tỉnh
Thái Bình cho biết thu nhập hàng tháng trên một đầu người ở Thái Bình là
30.000 đồng. Chỉ khi được mùa mới lên khoảng 50.000 đồng. Nghĩa là, để
một đứa trẻ có thể sống và đến trường được thì chỉ cần khoảng 40.000
đồng mỗi tháng cho các em. Số tiền cho một con người được sống, được học
hành để có tương lai ít hơn biết bao nhiêu lần so với một đêm bắn pháo
hoa và so với một lễ rước???
Tất nhiên, số tiền gần 2 tỷ đồng kia là của một Phật
tử thực tâm chứ không phải tiền thuế của nhân dân. Và số tiền đó đã
thuộc quyền sở hữu của những người tu hành như Đại đức – những đệ tử của
Đức Phật. Mà con đường của Đức Phật là con đường cứu khổ, cứu nạn. Giá
như một nhà sư, một thượng tọa vv…nào đó nói với Phật tử thành tâm kia:
“Chúng ta cám ơn lòng thành tâm kính Phật của con. Nhưng chúng ta muốn
chỉ xử dụng một phần số tiền đó để rước Phật xá lợi về. Phần còn lại
chúng ta giúp đỡ những đứa trẻ bất hạnh trên thế gian như sự dạy bảo và
lòng mong ước của Đức Phật”.
Kính thưa Đại đức, tôi tin rằng: người Phật tử kia sẽ
rất hạnh phúc khi được làm vậy. Bởi người đó, tôi tin, đến với Phật bằng
lòng chân thành. Khi những đứa trẻ sống trong đói khát và không có
tương lai bỗng đi qua cơn đói khát đó và được đến trường thì đó hoàn
toàn là một phép thiêng có thật mà Đức Phật ban cho chúng thông qua
những đệ tử của mình.
Với tôi, đến tận bây giờ, cho dù ai nói gì thì hình
ảnh Đức Phật trong tâm khảm tôi chỉ duy nhất là hình ảnh về một người áo
vải phong phanh, chân trần đi qua thế gian để ban lòng từ bi vô tận cho
những sinh linh bất hạnh.
Bởi thế, với mệnh giá của một đồng ai cũng mua được
một giá trị vật chất có thể coi như nhau. Nhưng một đồng của nhà tu hành
đặt vào bàn tay của kẻ ngèo đói và bất hạnh mang theo cả một biển từ
bi. Đấy là một hạt giống của tình thương yêu vô bờ và của sự khai mở vô
biên gieo xuống lòng người. Đấy không gì khác ngoài con đường của Đức
Phật và các đệ tử của Ngài.
Kính thưa Đại đức,
Năm nay tôi đã 75 tuổi và về hưu 15 năm nay rồi. Tôi
thường ăn chay vào ngày mồng Một và ngày Rằm hàng tháng. Tôi không mấy
khi đi chùa. Nhưng tôi luôn tâm niệm không làm điều ác và luôn tìm cách
giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn. Tôi đã giành dụm một phần tiền lương
ít ỏi của mình và giấu tên gửi tiền nuôi một đứa trẻ mồ côi cha mẹ. Đấy
là sự thể hiện vụng về nhưng chân thành của tôi đối với Đức Phật.
Thực lòng tôi không dám luận bàn về việc tổ chức rước
Phật xá lợi về đất nước mình phải làm như thế nào. Nếu các nhà tu hành
thấy không còn cách nào khác là phải dùng cả chuyên cơ và nhiều phí tổn
như thế mới thể hiện được lòng tôn kính đối với những báu vật ấy và
không xúc phạm đến lòng từ bi vô bờ của Đức Phật thì tôi hoàn toàn đồng
ý.
Thư tôi viết chỉ là nói lên những băn khoăn nhỏ bé của
mình. Có thể, lá thư thô lược này không đáng để Đại đức phải mất thời
gian đọc nó. Nếu có gì làm Đại đức phật lòng, xin mong Ngài lượng thứ.
Nam mô A di đà phật
Phật tử Lê Minh Hiếu
Theo: tuanvietnam.net