Thẳng tiến Chùa Hương
Ba giờ sáng, bến xe Hà Đông người đông như giao thừa ở Bờ Hồ. Người rải
từ Ngã Tư Sở đến tận Ba La dài đến chục cây số, có đến mấy ngàn người.
Mới ba giờ sáng mà xe máy đã chen chặt phía đường ra, phía đường vào
thành phố thảng hoặc mới có một cái xe máy phóng như phát rồ, chắc là
dân chạy hàng hay cò xe.
Vừa đến bến xe, đã thấy mấy ông trẻ chỉ trỏ: ông mặc comple của tao, bà
mặc áo bông là của tao, của tao... Chúng tôi ngơ ngác nhìn quanh! Đúng
là họ chỉ mình. Một ông đến xoa tay trước mặt tôi: Các bác đi lễ vào nhà
em nghỉ, đi đò nhà em... Một ông khác bám vào ông bạn tôi: Các bác vào
nhà em, em lo tất cả vé thắng cảnh... Người nhà em đón ngay ở bến xe...
nhà em... Các ông nói như máy khâu, không chú ý chắc không nghe hết lời.
Một bà cẩn trọng: Thế tiền bạc thế nào? Các ông xua tay: không cần,
không cần... người ta lấy thế nào nhà em lấy thế ấy... Cứ vừa lòng các
bác là được.
Đi đò vào chùa Hương
Chúng tôi nhận bừa một danh thiếp. Nhưng
thế mà hay, cậu chủ đò hay cò đò gì đó, nhanh như chớp đã lo cho chúng
tôi vé xe ô tô, sắp xếp chỗ ngồi trên xe... Hóa ra bây giờ đi lễ cũng có
dịch vụ lo đến tận răng. Nhưng lên xe rồi mới thấy kinh hoàng. Xe 24
chỗ nhồi chắc cỡ 40 mạng, thở cũng không đủ không khí, chứ cựa quậy thì
chắc không rồi. Kinh khủng nhất là tắc đường. Xe máy, ô tô lẫn lộn với
nhau, sôi sùng sục như một nồi lẩu. Ở trong xe thì nóng hừng hực, mồ hôi
ướt cả sơ mi bên trong. 40 người trong một xe 24 chỗ không nóng mới là
lạ. Bên ngoài trên xe máy cũng ướt, nhưng mà ướt mưa lạnh. Trời đã ấm
đôi chút so với mấy ngày Tết, nhưng vẫn chỉ ở mười hai, mười ba độ là
cùng, lại thêm mưa lất phất nữa. Ngắm mấy cậu, mấy cô co ro trên xe máy,
dẫu hai người chúng tôi nặng cỡ tạ rưỡi ngồi chung một ghế cũng thấy
hạnh phúc.
Bò mãi, sau hai tiếng rưỡi đồng hồ, xe ô tô chúng tôi cùng đi qua đoạn
đường trên 60km đến bến xe Hương Sơn kiên nhẫn chờ cho khách xuống xe
hết, chúng tôi mới lò dò xuống xe. Ô đây rồi! một bà sồn sồn đội nón sùm
sụp mặc áo mưa túm chặt cánh tay tôi. Ơ cái bà này, làm sao mà túm tay
tôi. Bác hẹn với cháu ở bến xe Hà Đông rồi còn gì. Em là nhà đò Thanh
Phúc đây ạ. Thì ra là người nhà của cái cậu xí phần ở tại bến xe Hà
Đông. Cũng đành tặc lưỡi đi theo. Mà cũng may có cái bà nhà đò. Bà ta
như cái máy ủi, ủi cả một bãi người đưa chúng tôi ra bến Yến. Người đâu
mà đông thế. Con đường từ bến xe ra bến Yến rộng cỡ 6-7m mà người dàn
hàng ngang đến hai mươi người, dò dẫm bước một với tốc độ sốt ruột. Bỗng
một cô gái trẻ hét lên, một ông sồn sồn trung niên rét quá, hút thuốc
lá, ai ngờ đằng sau người ta đẩy, điếu thuốc lá từ miệng ông dúi vào
lưng cô gái đằng trước. Chiếc áo phao đắt tiền của cô gái thủng một lỗ
to. Chưa dừng lại đấy, lại một tiếng hét, cả một mâm đồ lễ của một cậu,
do bị xô đẩy đổ ụp xuống đường. Cậu ta ngồi thụp xuống vơ vội rồi chống
tay úp lên số lễ vật còn lại. Phải một lúc, cậu mới đứng lên được. Bà
chủ đò “xe ủi” chen vượt mọi người cuối cùng cũng dẫn chúng tôi đến bến
Yến.
Con suối âu lo
Đã đến hơn 7h sáng. Bến suối thơ mộng ngày xưa đã mất, chỉ còn lại
một khúc sông ken chặt thuyền tôn sắt, nhuộm cả một vùng màu sơn chống
gỉ, chen hai bên bờ đen đặc người. Không có tiếng nước chảy, chỉ có
tiếng gọi nhau cãi nhau chen trong tiếng loa điều hành oang oang đến
nhức đầu. Nhức mắt, nhức đầu, chúng tôi đề nghị bà chủ đò tìm giúp chúng
tôi một chỗ nghỉ chân. Bà lái đò đon đả: Về nhà nghỉ của em. Nhà nghỉ
của bà cách suối Yến không xa. Khách nghỉ đến trước đã xuống đò vào Chùa
từ sáng sớm. Bà chủ dẫn chúng tôi vào một buồng có 3 chiếc giường đôi
kê gần sát nhau. Bà khoe: Các cháu vừa dọn nhà xong đấy ạ. Đêm qua phòng
này có đám khách 14 người thuê ngủ đêm chờ sáng mai đi lễ sớm. Chúng
tôi nhìn nhau, mắt tròn, mắt dẹt, 14 người trong một phòng có ba giường,
dưới đất không đủ chỗ cho một người nằm. Lại còn đồ lễ, còn hành lý!
Không hiểu họ nghỉ kiểu gì. Nghỉ một lúc, gửi lại đồ đạc tại phòng nghỉ,
chúng tôi lên đường vào Chùa. Lúc ấy bà chủ mới hỏi đến tiền. Năm nay
giá tiền mọi khoản từ vé thắng cảnh, tiền đò đều tăng gần 50%. Giá vé
thắng cảnh 50.000đ/người; giá đò 40.000đ/người, bà chủ tính 100.000đ cho
gọn. Sáu người đón từ Hà Đông, bà chủ xin thêm 1 triệu đồng. Phòng nghỉ
không đáng tiền, các ông bà thanh toán sau. Nhớ không cho thêm tiền lái
đò đấy nhé. Bà chủ dặn kỹ. Rồi xuống đò.
Cảnh chen lấn kinh hoàng tại chùa Hương
Đò chúng tôi có hai hàng ghế băng đặt
dưới lòng đò, thêm hai thanh giằng... tất cả đều tận dụng chở người.
Tổng cộng là 12 người. Nước mấp mé thành đò... Trộm vía, nếu nước tràn
vào đò, chết đuối thì khó rồi vì nước suối Yến không sâu, những chết rét
thì có thể lắm. Thuyền bắt đầu “ra khơi” trên biển thuyền đò chen đặc
trên suối. Nhiều khi lái đò này phải bám vào thành đò kia để đẩy thuyền
đi. Không còn âm vang tiếng niệm Phật: Nam mô à di đà phật như ngày
xưa, mà thay vào đó là vô vàn âm tạp, cãi nhau, gọi nhau thậm chí chửi
bậy. Có hai cái đò đâm vào nhau, hai lái đò mặt đỏ sửng cồ, may là khách
can chứ lại như cái hồi 1991 đánh nhau thì nguy. Năm ấy hai làng Yến
Vĩ, Đục Khê chỉ vì chuyện chở đò, hai thôn đánh trống, đánh kẻng lao vào
đánh nhau. Phải lập đội đặc nhiệm cấp tỉnh về mới giải quyết được. Năm
ấy, tôi dẫn đầu đoàn quay phim đang quay ở Chùa Hương, trong đoàn có nhà
quay phim nổi tiếng Phạm Ngọc Lan. Đánh nhau thì chả sợ chỉ sợ hỏng mất
cái máy quay lúc đó là một tài sản cực lớn.
Nghe nói có tới 4.000 thuyền đò đã được đưa xuống suối Yến để phục vụ lễ
hội. Con suối nhỏ chạy giữa màu xanh của lúa của hoa cỏ đã chết từ lâu.
Bây giờ đã rộng mấy chục mét đủ để chứa số lượng thuyền khổng lồ để chở
một lượng người cũng khổng lồ. Cũng theo một tài liệu năm 2011 có tới
trên 3 triệu lượt khách du tới Hương Tích, năm nay e chừng còn hơn. Đến
cái mức này thì có thể phải phá đá, mở đại lộ để chứa người thôi. Chắc
đến lúc ấy di tích Chùa Hương sẽ không còn nữa, không chừng thay vào đó
là thành phố Hương Sơn cũng nên.
Đoàn chúng tôi vừa đi vừa run rồi cũng đến bến Thiên Trù. Đò cách bến bờ
khoảng 20m. Không thể vào bến được. Các đò đã ken chặt. Khách phải đi
từ đò này qua đò khác, bốn năm cái mới lên được đất. Bây giờ chúng tôi
mới thấy được bước trên đất vững chãi quý bao nhiêu. Chưa dịu được nhịp
tim, sau lưng đã nghe ối một tiếng. Một cậu thanh niên trong khi lên bờ
bước hụt, một chân sa xuống nước, ngực đập vào đò bên cạnh, mặt tái nhợt
không nói nên lời. Mọi người kéo cậu lên bờ, một chiếc giày còn lưu làm
kỷ niệm dưới bùn Thiên Trù. Bà lái đò an ủi: trên Thiên Trù bán đầy
giày dép.
Chùa gần mà xa
Hàng quán giăng đầy mấy trăm mét bến đò Thiên Trù. Có đủ từ bánh mỳ Sài
Gòn đến xúc xích Đức...và cả lủng lẳng đâu đó các thú rừng đã cạo lông,
vẫn còn lông, đã vạc thịt còn xương, vạc dở còn xương dính thịt... Nào
hươu sao, nào hoẵng, nào nai, nào chồn, nào lợn rừng... có đủ cả. Đã
nhìn thấy ông bạn tôi liếm mép. Tôi gàn ngay: Thú đểu đấy ông ạ. Này
nhé: con hoẵng này là con chó cắt chân kéo mõm, con chồn này là con thỏ
cắt tai, con hươu này là con bê...
Cả đoàn lại nhận ra một điều cay đắng: Không đi được. Còn kinh hơn xếp
hàng mua gạo thời bao cấp. May mà cuộc đời đã dạy chúng tôi bài học kiên
nhẫn. Sau 20 phút, chúng tôi cũng tới được chuồng cọp. Đúng là chuồng
cọp thật. Để soát vé, không biết ai đã nghĩ ra cái tổ hợp đường vào điểm
soát vé theo kiểu mê cung zích zắc bằng thép, mỗi lối đi chỉ vừa đúng
cho một người đi. Cái công trình quái dị này được dựng lên giữa núi,
suối cẩm tú Hương Sơn như cái vả vào giữa mặt những người đang ca ngợi
trời đất Hương Sơn, nhạo báng kẻ sĩ văn chương ca ngợi kỳ quan tạo hóa
này. Ngày trước con suối ăn sát vào lối lên chùa, đò cập bến đã nhìn
thấy những bậc đá lên chùa Thiên Trù. Bây giờ đã lấp đất làm thành một
bãi rộng, lại kè đá xung quanh mất cả thẩm mỹ. Xong rồi là đến lập ra
cái mê cung sắt xấu xí này.
Qua được cái mê cung zích zắc, những bậc đá trăm năm lên chùa trong cùng
đã mất rồi. Một đại lộ, đúng là đại lộ với chiều rộng gần chục mét lát
đá mới toanh với hai hàng bờ tường hai bên chạm trổ thô kệch đã thay thế
những bậc đá men theo vách đá thơ mộng ngày xưa. Hỡi ơi, sao nó giống
cô Thị Hến tân thời mặc quần Jean trên mấy sân khấu hiện đại. Nhưng qua
khỏi đại lộ là đứng. Bây giờ thực sự là không thể đi được. Chúng tôi
chọn một tảng đá, ngồi nghỉ. Phía trước là người, rừng người, phía dưới
đầu người ken chật như rổ đậu đen. Lại nhớ đến ngày xưa, con đường vào
đến bậc cổng tam quan Thiên Trù được xây bằng đá rộng cỡ 2,5m. Hai bên
là vườn muỗm, mùa xuân lá vàng rụng đầy thung hai bên như biển vàng xao
xác. Bây giờ con đường rộng gấp 5 lần, gấp 6 lần, hàng quán, nhà trọ như
gối chồng lên nhau, tiếng rao bán củ mài lẫn với tiếng rao cơm phở,
bánh cuốn náo nhiệt, vậy mà vẫn không đủ chỗ cho người đứng người đi.
Hai bên dãy nhà tả hữu vu vừa mới xây xong từng đám đang thụ lộc. Nào
gà, nào bò, nào giò, nào chả... giấy, lá, vỏ trứng vứt đầy bậc thềm.
Nghe đâu mỗi người vứt rác không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 100
ngàn đến 300 ngàn. Nhưng theo như báo đăng, ông Trưởng ban tổ chức lễ
hội đã tuyên bố: “Làm sao lại phạt du khách đi dự lễ hội được”. Vậy thì
cứ thoải mái vô tư đi và rác vẫn là thảm họa của Hương Sơn như nhiều năm
nay.
Chen vai thích cánh qua được lần chuông chúng tôi quyết định dừng lại,
không vào chùa nữa. Không phải không muốn vào mà là không thể vào được.
Sức già làm sao chen nổi, mà vào rồi chưa chắc đã ra được. Thôi đến đây
quay ra cho chắc ăn. Mấy bà bày đồ lễ lên một cái khay nhựa mang
theo,đội lên đầu, thắp nén hương lễ vọng lên chính điện chùa Thiên Trù.
Lần đầu tiên đi lễ chùa mà không thể vào chùa nhìn ngắm kim thân Phật mà
niệm nam mô, cầu cho vô sự năm mới. Một bà trong đoàn mặc cả: Vào chùa
không được nhưng các ông phải cố vào động cho tôi sờ cây vàng, cây bạc
một tý đấy nhé! Ừ thì cố gắng. Mấy ông đàn ông nghiến răng hứa.
Người ơi, mê man là người
Ra khỏi cổng chùa rẽ sang đường bên, chúng tôi quyết tâm hành quân lên
ga cáp treo. Có đến khoảng hai nghìn người thập diện mai phục để được
lên cáp treo, đỡ mấy cây số đường núi. Thấy cảnh người này trèo lên vai
người kia mua vé cáp treo, chúng tôi ngán ngẩm: kiểu này chắc hỏng rồi.
Nhưng một ông trong đoàn nhấm nháy: yên tâm đi. Lão lẻn đi đâu một lúc
xoè 6 cái vé trên tay: tài không? Mấy bà không cười, nặng mặt: Bao
nhiêu? Thêm ba trăm ngàn nữa là có ngay. Vợ ông ta quay mặt: Thế thì khỉ
trên rừng cũng kiếm được vé. Chúng tôi hồ hởi tiến vào nhà ga. Hỡi ơi!
Một tiếng đồng hồ chúng tôi tiến được khoảng 10 mét trong khi muốn vào
được cáp treo còn phải đi 100m nữa. Ngoài trời còn chịu được hơi người
chứ trong nhà ga, người này thở ra người kia hít vào, không thể chịu
nổi, mấy bà đòi ra, đi bộ. Chen ra còn khổ gấp mấy chen vào nhưng ơn
Phật, chúng tôi cũng ra được ngoài nhà ga. Vào phòng bán vé trả vé,
người ta trả lời: Không nhận lại. Ông bạn tôi tìm cái tay phe vé bán vé
cho anh để trả lại vé. Cậu ta cười phá lên: ông bán nửa giá vé tôi mua
giúp. Ở đây mua vé thì được chứ đi cáp treo thì không. Đông thế kia thì
nửa đêm cũng không đến lượt. Thế tại sao anh lại bán cho tôi? Thì ông
muốn mua mà. Ông bạn tôi nổi điên xé đôi sáu cái vé trước mặt anh phe
vé. Anh ta vẫn cười: Nhiều người xé vé lắm ông ạ. Ông xem gốc cây kia
kìa. Vâng, có một đống vé xé thật. Nửa triệu bạc thế là đi tong.
Chúng tôi quyết leo đường núi. Hoá ra cũng như ngày xưa, đường núi
thoáng mát, dẫu đông người đi nhưng vẫn còn không khí mà thở. Thỉnh
thoảng lại có quán nghỉ chân, giá nước cũng rẻ, chỉ bằng 5 bằng 10 so
với ở nhà thôi! Mấy ông bà hý hửng: Đi thế này hoá ra khoẻ người. Nỗi
đau mất hơn nửa triệu bạc với dần...
Nhưng lên đến gần ga cuối cáp treo thì có vấn đề rồi. Tắc đường. Lại tắc
đường. Không thể đi nổi nữa. Bỗng một nhóm thanh niên ào ào chạy xuống:
Thôi quay lại các ông các bà ơi. Không vào được đâu. Chen nhau có người
ngất lịm mà còn không vào được. Chúng cháu khoẻ như thế này mà còn
không vào nổi trong động thì các ông các bà vào thế nào được. Khéo không
kịp vào viện đâu. Không nghe, không nghe, không nghe. Mấy bà đã quyết
vào động là vào động. Trèo được lên đỉnh dốc nhìn về phía trước động:
Trời ơi cơ man nào là người, người ở đâu đông thế. Mấy ông bà chen được
ra mặt tái xám: Không vào được, không vào được. Mấy bà ngồi phệt xuống
bậc đá, mặt thần ra: Thôi về.
Đường về sao nhanh quá. Chỉ hơn tiếng đồng hồ sau chúng tôi đã về đến
bến Thiên Trù. Vào lại quán hẹn thuyền đón về, chúng tôi phải ngồi chờ
vì đò chúng tôi phải đi chuyến nữa, chưa vào được. Cả thuyền tôi 14
người chỉ có 2 người vào được chùa Thiên Trù, không ai vào nổi động
Hương Tích. Chán đến không buồn nói.
Đò của chúng tôi rồi cũng vào đến nơi. Lại thảm cảnh trèo qua ba cái đò
mới lên được đò của mình. Nhưng cái chán nhất là đã ba bốn giờ chiều mà
thuyền vào vẫn ngùn ngụt người. Đến bây giờ chúng tôi cũng không hiểu họ
đi đâu.
Đến bến Yến, trước khi vào bến, chị chèo đò khẽ khàng: Em chỉ là người
chèo thuê, các bác bồi dưỡng cho em một ít. Chúng tôi phản ứng quyết
liệt: Bà chủ đò đã yêu cầu chúng tôi không bồi dưỡng rồi. Chúng tôi trả
tiền rồi... chúng tôi trả tiền rồi... Chị lái đò buông tay chèo, thả
thuyền lững lờ ngoài xa: Các bác thông cảm, chúng em cả năm chỉ trông
vào vụ này. Mấy nhóm bên kia tặc lưỡi góp mỗi người 20 ngàn. Chúng tôi
cũng đành trả vậy. Vào đến nhà trọ, nghỉ một chút, chúng tôi xin lại
hành lý gửi trong phòng. Bà chủ đò thanh toán: 500 ngàn các bác ạ. Sao
cơ, những 500 ngàn? Sáng bà bảo là không đáng tiền cơ mà. Mặt bà cau lại
: Các bác giữ phòng của em cả ngày, em có dám cho ai vào nghỉ đâu.
Phòng 3 giường của em mỗi ngày là cả triệu ấy chứ. Không trả tiền, khỏi
lấy đồ, muốn về nhà, phải trả tiền. Thôi trả cho xong.
Bảy giờ tối, về đến bến xe Hà Đông. Lũ con cháu phóng xe ra đón: Ba mẹ
với các bác đi lễ hội có vui không ạ? Tôi gắt: Đi đâu? Ơ thế ba mẹ đi lễ
chùa mà. Một bà chẩu môi: Có mà đi lễ người thì có.
Mà đúng thật, người đâu mà đông thế, mê man người...
Theo Trần Việt (An ninh Thủ đô)