Ăn chay từ phương tiện đến đích thật
Minh Thạnh
02/12/2010 23:04 (GMT+7)


Từ câu chuyện gà tây chay

Trong lễ Tạ ơn, một cuộc lễ truyền thống có tính chất tôn giáo tổ chức trong tháng 11 ở Mỹ, trên một cơ quan truyền thông của người Việt hải ngoại, một nhà sư nêu ý kiến về việc nên hội nhập, mà một trong những hình thức biểu hiện là cũng nên ăn gà tây như người Mỹ, nhưng người theo đạo Phật thì nên ăn gà tây chay (tức là món chay tạo hình gà tây).

Tưởng cũng cần nói thêm trong các dịp lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh, ở Mỹ, hàng vài chục triệu con gà tây bị giết thịt để phục vụ cho truyền thống các cuộc lễ.

Gà tây… chay, một khái niệm vừa làm chúng tôi nặng lòng, cũng như có cái gì đó hơi hài hước, buồn cười.

Có cần hội nhập đến mức Phật tử người Việt cũng phải có gà tây, cực chẳng đã, gà tây chay hay không?

Thực ra, từ điểm nhìn của đạo Phật, cần phải thấy rằng việc giết thịt thú vật để mừng một buổi lễ tôn giáo là một điều hạn chế. Ngay thời đức Phật hiện tiền ngài cũng có lời khuyên không nên giết hại chúng sinh để tế lễ.

Giết thịt để tế lễ hay ăn mừng lễ thì cũng thế. Nếu nó là truyền thống, thì đó là một truyền thống cần cân nhắc dưới quan điểm từ bi của Phật giáo, vì là một truyền thống gây đổ máu, chết chóc, nhất là đối với gà tây.

Không biết gà tây nuôi công nghiệp ở, Mỹ ra sao, chứ ở Việt Nam, hồi tôi còn nhỏ, tôi thấy gà tây mà hàng xóm nuôi là một con vật rất đáng yêu. Người ta nuôi nó như gia súc (chó, mèo, chim cảnh), vì gà tây biết chủ. Những con gà tây mà tôi thấy biết xòe đuôi mừng chủ, hiểu được ý chủ trong một số trường hợp.

Nghe nói người Mỹ ghê tởm việc giết bồ cầu, một loài chim hiền lành để ăn, thì không hiểu sao họ giết vài chục triệu gà tây để ăn lấy vui nhân lễ tạ ơn thượng đế.

Điểm ưu việt của đạo Phật so với các tôn giáo khác chính là ở chỗ này. Đạo Phật không sát hại muôn loài, trong các lễ nghi của mình, và cả trong sinh hoạt. Chẳng những đạo Phật không cho phép sát sinh, không ủng hộ việc sát sinh, giải phóng khỏi sự sát sinh, mà còn vận động không sát sinh, và tích cực hơn, ngăn cản sự sát sinh nếu có thể.

Nếu làm một con gà tây chay chẳng hạn, phô diễn con vật bị giết làm món ăn dù chỉ là hình thức, rồi cầm dao cắt ba cắt tư nó ra, thì dù không sát sinh, thì cái tinh thần sát sinh vẫn có.

Ở đây, so với cách gọi một số món ăn chay theo kiểu giả mặn, như  đùi gà, tôm kho, cá cơm… thì cầm dao xẻ thịt một con gà giả có vẻ nặng nề hơn.

Đáng suy nghĩ để “sách tấn”

Phật giáo chúng ta đã vượt hơn các tôn giáo khác về tinh thần từ bi đối với muôn loài, nên ý kiến chủ quan của chúng tôi, là không vì lẽ gì mà chúng ta lại  bắt chước, dù trong tinh thần, chỉ là hình thức, những điều chưa hay của các tôn giáo khác hay từ ngoài đời, cho dẫu đó là truyền thống của xã hội nào đó đi chăng.

Câu chuyện kể trên chỉ là một chi tiết để dẫn vào vấn đề lớn hơn, là ăn chay, từ phương tiện đến ăn chay đích thực.

Việc làm món giả mặn, chỉ trong tên gọi hay đến việc tạo hương vị giả, dù sao cũng chỉ là việc chẳng đặng đừng, sơ cơ, phương tiện, tạm thời ở “chặng đường đầu”. Nó chỉ thích hợp ở những quán ăn chay, vì dù gọi như thế, giả mùi như thế, vẫn còn tốt hơn rất nhiều ăn mặn, ăn thịt.

Nhưng trong chùa chẳng hạn, thì mặc dù ở Việt Nam hay trên đất Mỹ, vì phương tiện hay hội nhập, mà bưng vào trai đường một con gà tây quay giả, rồi vui vẻ xẻ thịt nó, thì quả là không hợp với tinh thần đạo Phật.

Mục tiêu của ăn chay không phải chỉ để tránh không giết hại sinh vật, mà trên hết là để tu tập hạnh bất sát, hạnh từ bi.

Vì vậy, đã là Phật tử, đã hướng thiện bằng cách ăn chay, thì nếu buổi đầu có phải nhờ vào tên gọi gà quay, heo quay, thịt nướng, tôm kho,… thì nên mau chóng vượt qua giai đoạn “vỡ lòng” ăn chay đó, để tiến lên cấp độ cao hơn.

Gà quay, cá chiên, thịt kho, bò viên chay… đó là điều nên coi là hạn chế, và lấy làm áy náy. Không nên khuyến khích, hướng dẫn rộng rãi.

Chữ “chay” thường  đi với chữ “tịnh”. Ăn chay, nhưng còn phải phương tiện, thì chưa thực sự tịnh về mặt tinh thần.

Chúng tôi cũng trong hoàn cảnh phương tiện, và hoàn toàn chia sẻ với những đạo hữu Phật tử cũng trong giai đoạn đó. Nhưng cũng hãy nên, như cách nói trong đạo Phật ta, “sách tấn” nhau để cùng “tinh tấn”.

MT (Phattuvietnam)

Các tin đã đăng: