Bài viết của ĐĐ. Thanh Thắng: "Búa hộ pháp"
Minh Thạnh
24/02/2011 22:39 (GMT+7)


Tất cả chúng ta, chắc chắn đều biết ơn và tán thán công đức Đại đức Thích Thanh Thắng về bài viết: "“Sư cô trụ trì” chùa Quan Âm cải đạo theo Chúa: Bóc trần sự thật, một bài viết rất kịp thời và hết sức hiệu quả trong việc giải độc đối với luồng gió cải đạo.

Tôi cũng sớm nhận được email nội dung bài báo “Thánh lễ ngoại lệ” do một thầy vốn rất tin tưởng vào ngòi bút về đề tài cải đạo của tôi gửi tới. Sau đó, là rất nhiều cuộc điện thoại, cũng như email, hay cả phản hồi ở nhiều bài đăng trên Phattuvietnam.net, yêu cầu tôi có bài viết, trông cậy vào tiếng nói của tôi.

Nhưng tôi đã không làm được gì kịp lúc, vì lúng túng trước nội dung bản tin. Tôi vẫn ngờ đây là một hiện tượng “mua đạo”, vì bài “Thánh lễ ngoại lệ” có nhắc đến một nhân vật, là “con nuôi của trụ trì”.

Đã “mua đạo” thì rất khó nói, vì có thể có sự đổi chác, thỏa thuận nào đó. Tất nhiên không phải đối với người quá cố, mà là đối với người thân cận nào đó của người quá cố. Mua đạo, dù sao cũng còn sòng phẳng.

Vì vậy, vài ngày sau khi nhận được tin, tôi vẫn lúng túng, không viết được gì, cũng không dám trả lời với thầy và bạn đọc.

Nhưng nhờ thầy Thích Thanh Thắng, với nhiệt thành và đạo tâm của mình, đã phanh phui ra sự việc gian trá này.

Không có đổi chác gì hết, mà tệ đến nỗi, như thầy Thích Thanh Thắng đã viết, “hành vi thiếu lương thiện”, “lợi dụng tình cảnh đau đớn, lúc mê, lúc tỉnh của bệnh nhân để cưỡng đoạt niềm tin tôn giáo”, “một việc phi đạo đức”!

Nói theo ngôn ngữ đời thường, đó là một vụ trộm, mà lại trộm của người hấp hối.

Tối ngày 18/2/2011, bài viết “Thánh lễ ngoại lệ” trên trang “Tổng giáo phận TPHCM” đã được thay bằng dòng chữ ngắn “Access denied”, không còn nội dung bài viết.

Như vậy, mọi chuyện đã quá rõ ràng, vì chiều cùng ngày, tôi đã nghĩ đến khả năng sẽ có bài viết từ đâu đó đôi chối, biện bạch, bào chữa…

Nhưng không, bài viết biến mất trên trang mạng chính thức và có thẩm quyền với một lời giải thích… máy. Do vậy, tôi nghĩ rằng đã có cơ sở để viết bài này.

Những công việc cần thiết Đại đức Thích Thanh Thắng đã làm cả. Một lần nữa, xin gửi đến Đại đức lòng tri ân vô hạn.

Việc tôi có thể làm bây giờ, là phân tích, tìm hiểu ý nghĩa, tác dụng của bài viết của Đại đức.

Đối với nội bộ cộng đồng Phật giáo Việt Nam, đây là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những ai còn mơ hồ về nguy cơ cải đạo tín đồ Phật giáo.

Như thế, rất rõ ràng và hết sức điển hình, người ta có chủ trương, mục tiêu và cách thức cải đạo tín đồ Phật giáo từng ngày từng giờ, từng người rút ruột nền tảng ngôi nhà đạo Phật, không cần bàn luận gì thêm.

Chẳng những cưỡng đoạt niềm tin tôn giáo của một bệnh nhân hấp hối, một Phật tử bình thường, sau đó, vụ trộm tín ngưỡng được phù phép thành một trường hợp đáng nêu gương, đáng tự hào, đáng coi là “hồng ân”, “kỳ công”, như bài “Thánh lễ ngoại lệ” hay “Thánh lễ tại chùa cho một vị chân tu vừa theo Chúa”.

Ấy vậy mà, có một số vẫn dửng dung thản nhiên?

An bình”, “tĩnh tại” như có ai đó viết, và cũng như có người viết phản hồi  trên một trang web khác, là những người nói lên tiếng nói hộ pháp là định… “mở một cuộc “Phật chiến”” hay “làm chính trị”… (!?)

Có một chút trí tuệ nào để “duy tuệ thị nghiệp” khi hiểm họa rành rành như thế mà không biết, lại coi như là không có gì đáng ảnh hưởng, và đi xa hơn, lại phê phán người đi báo động.

Rất may là Báo Giác Ngộ - cơ quan ngôn luận Thành hội Phật giáo TPHCM, cơ quan truyền thông hàng đầu của Phật giáo Việt Nam cũng đã lên tiếng. Số báo 577 đã đăng thông báo: “Đón đọc kỳ tới: “Thực hư Thánh lễ ngoại lệ tại chùa cho một vị chân tu vừa theo Chúa””.

Mong rằng, sau sự kiện “lợi dụng tình trạng đau đớn, lúc mê lúc tỉnh của bệnh nhân để đạt mục đích cưỡng đoạt niềm tin tôn giáo” để rồi sau đó “đổi trắng thay đen”, “đảo lộn phải trái”, dùng làm miếng mồi câu cho việc cải đạo tiếp theo, sẽ làm cho một thiểu số tăng ni tín đồ Phật giáo thức tỉnh, nghĩ lại, đặt sự “an nhiên” trong “trí tuệ” “hậu đại học”, hay sự “tĩnh tại” vào những hành động, việc làm cụ thể để giúp cộng đồng Phật giáo nhận biết hiểm họa cải đạo, để có động lực và nhiệt huyết bảo vệ và hoằng dương Phật pháp, để lượng tín đồ của mình không bị "ăn mòn" trở thành "quý hồ tinh" trong những lâu đài cát.

Mong rằng quý Phật tử có đạo tâm hộ pháp tìm mọi cách, đặc biệt nhờ vào những ứng dụng của internet (email, facebook…) và cả photo, truyền miệng, chuyển tải bài viết của thầy Thích Thanh Thắng đến với tất cả Phật tử, các trang web Phật giáo trong và ngoài nước.

Và tất cả cơ quan ngôn luận.

Vì bài viết của thầy Thích Thanh Thắng là một bửu bối hết sức quý giá trong việc hóa giải hiểm họa cải đạo tín đồ Phật giáo.

Khi một việc làm “kém lành mạnh”, “thiếu lương thiện”, “phi đạo đức” đưa ra ánh sáng, bố cáo trước thiên hạ thì chắc là khó có ai còn bị “thuốc” bởi việc làm đó nữa. Vấn đề là ở chỗ này.

Đúng vào lúc trong nội bộ Phật giáo có những ý kiến khác biệt về việc cải đạo, thì xảy ra sự kiện chấn động này. Tôi nghĩ rằng, đã có bàn tay gia hộ của Long thần Hộ pháp.

Một trăm bài viết lý luận về “Kỹ thuật cải đạo tín đồ Phật giáo” của tôi không bằng một bài viết kể lại chuyện đi thực địa của thầy Thích Thanh Thắng.

Bài viết của thầy Thanh Thắng như một cái búa của Hộ pháp giáng xuống, những lời lẽ hành động được coi là tốt đẹp nhất của bài báo ngụy tạo đó hiện nguyên hình!

Tăng ni Phật tử chúng ta hãy phổ biến bài viết của  Thầy Thích Thanh Thắng như một bửu bối hộ pháp, một kiểu kính chiếu yêu soi chân tướng của việc cải đạo.

Và những ai còn có niềm tin vào những người “bề trên” chủ trương, cổ xúy, tiến hành cái việc “không lương thiện”, “phi đạo đức” này chắc cũng phải nghĩ lại.

Ngoài thông tin đăng trên web Phattuvietnam.net, rằng tác giả bài viết là linh mục Vũ Quốc Thịnh, dòng Chúa Cứu Thế, thì trên Blog “Anh em Cựu Phan Sinh Việt Nam” cũng ghi rõ chú thích tác giả sau bút danh Thanh Tâm, là cha Thịnh DCCT (trên blog này, mà một bạn đọc gửi cho tôi, truy cập vào 6g sáng ngày 19/2/2011, vẫn còn bài viết trơ trẽn đó, với tên được đổi là “Một ni cô trở lại đạo”).

Dòng tu mà tác giả nói trên trực thuộc luôn than phiền là tại Việt Nam không có tự do ngôn luận.

Thế nhưng nay một vị linh mục thuộc dòng tu đó lại ngang nhiên viết một bài về sự việc “thiếu lương thiện”, “kém lành mạnh”, “cưỡng đoạt” theo kiểu “đổi trắng thay đen”, “đảo lộn phải trái” thì là quá tự do đấy chứ. Tự do đến mức xâm phạm thô bạo đến lợi ích của người khác, tôn giáo khác.

Vì vậy, Phật tử chúng ta cần cùng nhau làm rõ việc này, thông tin đến nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan truyền thông, theo như ý của thầy Thích Thanh Thắng, và cũng để phản bác luận điệu tại Việt Nam không có tự do ngôn luận. Đây là cơ hội tốt để mọi người cùng nhau đưa những lập luận xuyên tạc “thiếu lương thiện”, “phi đạo đức” đủ mọi kiểu ra trước ánh sáng.

Cụ thể là khởi kiện tác giả bài viết theo các điều khoản luật định như thầy Thích Thanh Thắng đã trình bày trong bài viết của mình.

Xử lý theo pháp luật một hành vi như vậy là hết sức cần thiết để ngăn ngừa nó tái diễn.

Nhưng điều cần thiết trên hết là làm lộ rõ thủ đoạn và bản chất của việc cải đạo, cảnh báo, hóa giải và ngăn chặn việc cải đạo này.

Theo: PTVN

Các tin đã đăng: