Vụ clip bôi nhọ hình ảnh Phật giáo: Ai chịu trách nhiệm?
16/03/2012 20:31 (GMT+7)

Qua sự phản hồi của những người tôn trọng và bảo vệ nền văn hóa cho một xã hội có không ít người làm văn hóa nhưng thiếu văn hóa trầm trọng!

Clip "Thầy trò Đường Tông đi thỉnh bao cao su" do sinh viên học viện báo chí dàn dựng để tuyên truyền cho chương trình “friendly condom” Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung ương Ðoàn) vào đầu tháng 2-2012. Nội dung vẽ hình thầy trò Đường Tăng đi thỉnh bao cao su, thế mà được người làm công tác chấm giải nhất.

1/ Thứ nhất, cái gọi là sinh viên học viện báo chí đã nói lên trình độ văn hóa tất yếu phải có. Một văn hóa được trang bị có nghĩa người làm công tác văn hóa phải biết tôn trọng cá nhân kẻ khác, đời tư kẻ khác. Ví dụ, một người bị nhiễm HIV không bao giờ bị nêu tên hay bị phân biệt đối xử trong cộng đồng xã hội. Người làm công tác văn hóa cũng không thể đưa hiện trạng nan y ra đùa cợt trước công chúng hay trên báo chí. Thế thì lấy một truyền tích tôn giáo để quảng bá đùa cợt một cách vô ý thức trên phương tiện truyền thông đại chúng, đó là loại văn hóa gì trong một xã hội gì hiện nay?

2/ Ban giám khảo chấm giải, ít ra cũng phải có một ý thức tối thiểu để đánh giá tác phẩm mà trên nguyên tắc: - không vi phạm tác quyền của người khác, - không xúc phạm danh dự kẻ khác, - không ảnh hưởng an ninh xã hội, - không vi phạm một loại ngôn ngữ thô tục thiếu văn hóa, - không ảnh hưởng đến bất cứ một loại văn hóa, tín ngưỡng hiện thời…

3/ Báo đài truyền thanh truyền hình khi phát sóng đưa tin, không chỉ nhắm đến lợi nhuận mà còn phải biết phân biệt quảng cáo cái gì, quảng cáo cho ai, và nội dung quảng cáo có ảnh hưởng xúc phạm hoặc có thể hiện được tính văn hóa của xã hội? Chẳng lẽ bốn nghìn năm văn hiến của một dân tộc được cô đặc bởi hai chữ lợi nhuận, lợi dụng và mù quáng???

Gần đây, trên các phương tiện truyền thông thường dùng Phật giáo là đối tượng để trêu cợt châm biếm, phải chăng đây là chủ trương của các cơ quan truyền thông hay một chính sách ngầm để công kích Phật giáo???

Giới trí thức trong và ngoài nước rất ngạc nhiên xã hội ta hiện nay xuất hiện quá nhiều điều bất ngờ  mà không phải do tàn dư Mỹ Ngụy để lại, như tội phạm: Cướp của giết người, tai nạn giao thông, không an toàn lao động; lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhân dân; bạo lực học đường, hành hạ trẻ con, lạm dụng ấu dâm; thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, kiến thức sinh viên học sinh không tương thích…và…còn quá nhiều hiện tượng tiêu cực không ngờ.

Yêu cầu các cơ quan chức năng hãy trả lời mục quảng cáo trên đây đang được phát tán công khai.

Thiết nghĩ, cho dù xã hội đến chỗ loạn lạc thì nhân cách chẳng lẽ phải đánh mất, ý thức chẳng lẽ không còn cần thiết? Một đất nước bị tàn phá như Nhật trong cơn địa chấn và sóng thần, người dân nói chung và trẻ con nói riêng vẫn còn giữ được phong thái từ tốn, lịch sự, thể hiện nét văn hóa có giao dục, hà tất đất nước ta đang trên đà phát triển và tiến bộ mà cung cách hành xử cũng như sự hiểu biết tối thiểu lại đi ngược trào lưu.

Những người làm văn hóa còn thiếu văn hóa như thế hà tất đại chúng thất học làm sao không là tội phạm xã hội?

Ai có trách nhiệm trong vấn đề nầy? Bộ giáo dục đào tạo? Cơ quan truyền thông? Chủ quản chuyên ngành quảng cáo Friendly condom? Học viện báo chí?

Hy vọng tất cả đầu óc và lỗ tai đều bình thường để nhận biết đâu là văn hóa – vô văn hóa  hầu đất nước nầy không bị thêm tai tiếng  những điều bất lợi.

Minh Mẫn (12/3/2012)

Clip Thầy trò Đường Tông khiến cư dân mạng nổi giận

Những ngày qua, clip Thầy trò Đường Tông đi thỉnh bao cao su lan truyền trên mạng internet đã gặp không ít sự phản ứng dữ dội từ các bạn trẻ.

Đây là tác phẩm của sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền được trao giải xuất sắc trong cuộc thi tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án “Friendly Condom” (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ thuộc Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khoẻ sinh sản.

Ngay sau khi được lan truyền trên mạng, bên cạnh một số ít lời khen clip… sáng tạo, ý tưởng hay, phần lớn đều cho rằng tác phẩm trên quá phản cảm, xúc phạm đến tôn giáo, báng bổ cả một tác phẩm lớn của một tác gia lớn là Ngô Thừa Ân.

Trên Youtube, bạn đọc có nickname Trung1354 bình luận: Tôi không thể hiểu tại sao người ta có thể nghĩ ra những trò kì quái như thế này. Những kẻ này còn không biết nhận thức thế nào là đúng hay sao?

Bạn G91 thẳng thắn: Đừng đem tôn giáo ra làm trò đùa vì đây là vấn đề rất nhạy cảm. Ngay cả Tổng thống Mỹ còn phải xin lỗi người Hồi giáo vì scandal đốt kinh Koran đấy.

Theo Thúy Hằng - TNO


Clip "Thầy trò Đường Tông đi thỉnh bao cao su": Một sự cố tình có chủ ý?

Những ngày qua, trên mạng phản ánh một cách gay gắt về một ý tưởng của nhóm sinh viên thuộc 10 trường đại học ở Hà Nội cho dự án “Friendly condom” (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ - Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung Ương Ðoàn) vào đầu tháng 2-2012.

Chúng ta sẽ đánh giá như thế nào về ý tưởng được xem là“sáng tạo” này? Ai có thể đảm bảo rằng việc sử dụng “Friendly condom” (Bao cao su thân thiện) sẽ  đem lại kết quả tích cực cho việc tư vấn sức khoẻ sinh sản vị thành niên?  Một khi ý thức về lối sống của giới trẻ hiện nay đang bị báo động hơn bao giờ hết. Ở đây, người viết đưa ra một tỉ dụ: nếu thay hình ảnh của thầy trò “Đường Tông” (sự biến dạng của cốt truyện Tây Du ký ) bằng hình ảnh của vị lãnh tựu vĩ đại  của dân tộc thì chúng ta sẽ nghĩ gì? Nếu nói rằng, đây là một ý nghĩ sáng tạo mang đầy ý nghĩa thì nó sẽ nằm ở gốc độ này của nghệ thuật?  Đứng trên phương diện nào để nhận xét; về đạo đức ư? về nhân học hay về mỹ học? Tất cả những phương diện trên đều không đồng thuận với ý tưởng này. Việc  làm clip này dù vô tình hay cố ý đều không thể chấp nhận.

Đường Tam Tạng trong Tây du ký của tác giả Ngô Thừa Ân là một vị Thánh Tăng có thật sống vào đời Đường, là một trong bốn vị đại dịch giả nổi tiếng nhất của Trung Hoa và có sự ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hoá của nước này. Người làm ra ý tưởng này có nghĩ đến viễn cảnh khi nhân dânTrung Hoa xem được đoạn clip này  về hình ảnh của một vị Thánh Tăng của họ bằng hình ảnh như vậy thì sẽ có phản ứng như thế nào? Lấy một nhân vật có thật trong lịch sử để làm “ý tưởng thô kệt” mà được chấm giải xuất sắc thì “ban giám khảo và chuyên gia khoa học” đó là những vị có kiến thức như thế nào? Phải chăng, họ bị giới hạn về kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hoá và khoa học? Điều đáng phải lưu tâm ở đây là nhóm sinh viên này thuộc Học viện báo chí và tuyên truyền. Vậy họ đã được đào tạo như thế nào và cách thức học tập nghiên cứu ra sao mà có những ý tưởng như vậy? Phải chăng, Học Viện báo chí luôn đào tạo những sinh viên như vậy để làm đội ngũ kế thừa trong tương lai?

Học viện báo chí và tuyên truyền sẽ nghĩ như thế nào khi cho tham dự cuộc thi với ý nghĩa xuyên tạc tôn giáo như vậy? Và Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung ương Ðoàn)  có suy nghĩ gì? Hiện nay những vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước luôn có những phương hướng để tạo điều kiện thuận lợi cho các Tôn giáo phát triển và  xem Tôn giáo là một phần quan trọng để góp phần bảo vệ đất nước và an sinh xã hội.

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10; Căn cứ vào Nghị quyết số 21/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2004; Pháp lệnh này quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Trong Điều 1 có nêu rõ như sau: “ Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng lẫn nhau”.

Nhóm sinh viên có ý tưởng về “Friendly condom” (Bao cao su thân thiện) phải chăng đã đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước? Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung Ương Ðoàn) có vẻ như đã không tuân thủ với Pháp lệnh mà Quốc Hội đã ban hành? Và tạo cơ hội cho những thành phần chống phá nhà nước có cơ hội xuyên tạc Nhà nước ta nhưng thật chất Đảng và Nhà nước không phải như vậy.

Người viết đề nghị đơn vị tổ chức cuộc thi, chuyên gia khoa học và Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung Ương Ðoàn) có sự giải  trình thoả đáng về việc sự kiện trên, hầu tránh những trường hợp tiêu cực trong nhận định và suy nghĩ có phần chủ quan này.

Thích Nhất Đăng


Giáo dục gì ở cái gọi là clip "Thầy trò Đường Tông đi thỉnh bao cao su”?

Clip sử dụng hình ảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, bị nhóm thực hiện “chế” thành “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh... bao cao su”! Ðây là clip do sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền dàn dựng, vừa được trao giải xuất sắc trong cuộc thi tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án “Friendly condom” (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ - Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung ương Ðoàn) vào đầu tháng 2-2012.

Thời gian đưa lên mạng chưa bao lâu Clip đã trở thành đề tài chế giễu kể cả những trang mạng chính thống của đài truyền hình, nó không còn tác dụng giáo dục cộng đồng như nhóm sinh viên Báo chí “sáng kiến” nghĩ ra.

Trước đây trái Sầu Riêng cũng một thời gian điêu đứng cũng vì ai đó “sáng kiến” liên hệ giữa những gai nhọn bên ngoài của một loại trái cây thơm ngon bổ dưỡng đồng với bệnh AIDS, sau đó phải đính chính và loại bỏ “sáng kiến” đó.

Một cá nhân nào đó vẫn chấp nhận được, bởi tầm nhìn và giới hạn kiến thức. Đằng này, Clip hoạt hình Đường Tông đi thỉnh bao cao su có cả một tập thể gồm 25 sinh viên thuộc 10 trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Và Trần Sỹ Minh-giám đốc Ngôi nhà Tuổi trẻ cho biết cuộc thi nhằm tìm ra năm thông điệp xóa ngăn cản, kỳ thị, tạo sự tiếp cận và sử dụng bao cao su tích cực. Thành phần giám khảo là chuyên gia về khoa học vui, đạo diễn phim hoạt hình, chuyên gia làm công tác dân số. “Phụ trách chung trung tâm với rất nhiều mảng nên tôi không có điều kiện theo dõi sát sao nội dung cuộc thi. Nếu clip bị độc giả phản ảnh là “phản cảm” thì đó là điều hoàn toàn nằm ngoài ý muốn" - ông Minh phân trần[1].

Qua sự trần tình trên cho thấy Clip được cân nhắc chứ không phải nhầm lẫn hay sơ ý mà có cả “chuyên gia khoa học”! Theo định nghĩa Khoa học (trong tiếng Latin scientia, có nghĩa là “kiến thức” hoặc “hiểu biết”) là các nỗ lực thực hiện phát minh, và tăng lượng tri thức hiểu biết của con người về cách thức hoạt động của thế giới vật chất xung quanh[2]. Vậy thì Clip đó không ở lĩnh vực phát minh mà chỉ dựa vào cốt truyện Đường Tăng thỉnh kinh đã có từ thời Ngô Thừa Ân khoảng 1368 đến 1644 năm.

Ai cũng biết Đường Tăng là một vị thánh tăng có tên thật là Trần Huyền Trang (chữ Hán: 玄奘; bính âm: Xuán Zàng; 602–?) là một Cao tăng Trung Quốc, một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách Phạn ngữ ra tiếng Hán. Nhà sư cũng là người sáng lập Pháp tướng tông (zh. fǎxiàngzōng 法相宗), một dạng của Duy thức tông (zh. 唯識宗, sa. yogācāra, vijñānavāda) tại Trung Quốc. Vì tinh thông Kinh điển Phật giáo nên nhà sư còn mang danh hiệu là Tam Tạng (pháp sư), là người tinh thông cả Tam tạng.

Như vậy lời của ông Trần Sỹ Minh-giám đốc Ngôi nhà Tuổi trẻ khẳng định có “chuyên gia khoa học” tham dự. Chúng tôi đề nghị kiểm tra tính xác thực các vị “chuyên gia khoa học” còn như chỉ mang tính hình thức có thuyết phục không? Hay chỉ để hù dọa cụm từ “chuyên gia khoa học” khi sự việc lỡ dở để khỏa lấp khoảng trống trách nhiệm và kiến thức phổ thông, khi đưa ra một tiểu phẩm không mang tính giáo dục mà trái lại bị phản cảm.

Không biết có phải vì cái vía quá lớn của ông Trần Sỹ Minh-giám đốc Ngôi nhà Tuổi trẻ và Clip đoạt giải nên đồng loạt các trang báo mạng có cả các trang chính thống của đài truyền hình cũng đưa tin như là một thành quả phát minh vĩ đại, mà không cần thẩm định lại quả là đáng buồn cho cái tính xu thế thời thượng ngày nay.

Vào đầu thập niên 90, Trương Quốc Dũng đã hư cấu một Huyền Trang khác trong truyện thật ngắn mang tựa đề “Đường Tăng”. Trong lời bạt của cuốn sách “40 truyện rất ngắn”, nhà phê bình Lê Ngọc Trà nhận định sắc nét: “Truyện Đường Tăng đầy những câu văn ngắn có hồn. Chữ ít nhưng dường như chữ nào cũng sống, cũng có một âm điệu tình cảm, một không gian[3]...”. Sau đó không lâu tờ báo SGGP đã đính chính và tác phẩm bị thu hồi. Những tưởng cách làm cẩu thả đó đã được rút kinh nghiệm, nào ngờ hôm nay lại có một cuộc thi do một cơ quan Trung Ương đứng ra tổ chức, người dự thi lại là giới trí thức trẻ mà lại có nội dung bỡn cợt quá đáng và xúc phạm nặng đến tín ngưỡng tâm linh như vậy thật là đáng thất vọng. Bởi tương lai đất nước do thệ hệ trẻ quản lý mà tư tưởng lại ấu trỉ đến thế là cùng, thử hỏi sông núi Việt Nam sẽ đi về đâu?

Lệ Thọ (13.03.2012)

Chú thích:

[1] Tuoitreonline Clip tuyên truyền sức khỏe sinh sản phản cảm

[2] http://vi.wikipedia.org/wiki/Khoa_hoc.

[3] Giải nhất trong cuộc thi truyện rất ngắn 1993-1994 (dưới 1000 chữ) của bán nguyệt san Thế Giới Mới

Các tin đã đăng: