4h30 phút, từ trong con đường số 2 khu phố 3, phường Hiệp
Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM, từng dòng người cả đàn ông lẫn đàn bà
tuổi từ 30 đến 70 đi ra.
Với bộ đồ xám, chân mang dép lê, đầu đội mũ vành che nửa mặt, tay
xách túi đen, họ trông giống như những người lao động chân chính dậy sớm
đi làm.
Thế nhưng theo chị M., người bán nước lâu năm tại đây, đó toàn là sư
giả, ngày nào cũng vậy, cứ 4h30 phút họ lại kéo nhau đi “làm ăn”.
Theo sự mách nhỏ của chị, chúng tôi quyết định theo hai người phụ nữ, một người chừng 30 tuổi và một trên 50.
Vừa mới bước ra khỏi hẻm, cả hai tấp ngay vào quán nước bên đường kéo
ghế ngồi. Quá quen, người bán nước đem đến hai ly cà phê đen kịt cho hai
“sư” ngồi nhấm nháp.
Chị bán đồ ăn sáng bên cạnh không ai kêu, ai bảo, cũng bưng hai tô cháo lòng đặt lên bàn của hai người.
Sau cữ cà phê, ăn sáng, hai “sư” băng qua quốc lộ 13 chờ xe buýt.
Sau chầu cà phê, ăn sáng, hai “sư” bước qua quốc lộ 13 sang bên kia
đường và đi thẳng về trạm xe buýt giáp ranh giữa quốc lộ 13 và đường Kha
Vạn Cân.
4h50 phút, tuyến xe buýt số 8 đầu tiên ghé vào, họ bước lên xe. Vừa lên,
hai “sư” nhìn qua, nhìn lại và đi xuống ngồi hàng ghế sau cùng. Xe buýt
lúc này không có một bóng người. Nhanh như cắt, hai sư lôi trong túi
đen ra bộ quần áo cà sa màu vàng, ung dung ngồi thay đồ, lấy đôi dép
tông, mũ cất vào trong túi xách. Sau ba phút hai phụ nữ đã biến thành
những nhà sư mặt đầy khổ hạnh với cái đầu trọc, chân đất, tay cầm vòng
tràng hạt, vai mang túi xách vàng và sẵn sàng xuống xe đi khất thực.
Chị Hảo, nhân viên soát vé xe buýt số 8 nói, ngày nào cũng vậy, cứ sáng
sớm là gặp những người này. "Họ lên xe mà tự nhiên như ở nhà, cởi hết
quần áo ra ngồi thay, không giữ một phép lịch sự hay ngại ngùng gì hết.
Tất cả đều “sư giả” đi lừa thiên hạ lấy tiền đó".
"Sư" chờ xe buýt.
Sáng nào cũng đón tiếp hai “sư” này đầu tiên nên chị Hảo dường như
nhớ từng khuôn mặt, dáng người của các vị. Nào là bà Mập, ông Minh, vợ
chồng con bé… Họ toàn là những người sức dài, vai rộng mà lười lao động.
Xe buýt tới trạm bưu điện Chợ Lớn trên đường Châu Văn Liêm quận 5, hai
“sư” bước xuống xe. Lúc này có hai xe ôm đang chờ sẵn, họ leo lên và đi
thẳng hướng bến xe Chợ Lớn. Tới bến xe chợ lớn, hai “sư” lên xe số 7 đi
về hướng Gò Vấp. Xe buýt chạy hết đường Nguyễn Tri Phương tới đường 3/2
quận 10, hai “sư” đột ngột bước xuống và bắt đầu đi khất thực.
6h30 phút, dòng người đông đảo trên đường 3/2, ai cũng phải để mắt tới
hình ảnh hai vị “sư” tội nghiệp, vẻ mặt trang nghiêm và đầy khổ hạnh, đi
từng bước một, miệng lẩm bẩm đọc kinh.
Quá quen thuộc, người dân hai bên đường, cô bán nước… khi thấy hai
“sư” đi qua đều mang những đồng tiền lẻ bỏ vào bát đựng tiền và khấn lạy
như muốn cầu mong may mắn tới mình trong ngày mới.
"Sư" khất thực trên đường 3/2 quận 10
Đang đi trên đường bỗng một chiếc xe Toyota
thắng gấp tấp vào lề đường, một người thanh niên bước xuống móc ví bỏ
vào trong bát hai tờ 50 nghìn. Và rất nhiều người đi xe máy trên đường
cũng dừng xe và bỏ tiền vào bát của hai “sư”.
Khi nhận được tiền, hai sư không vội bỏ vào
túi liền mà đi chừng 5 bước tay phải lấy tờ tiền nhét vào trong túi
xách và tiếp tục đi.
Đi hết đường 3/2 tới vòng xoay Dân Chủ, hai “sư” lôi trong túi ra chai
nước suối uống vội vàng. Vượt qua vòng xoay, hai “sư” hướng thẳng đường
Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3.
Tới ga Sài Gòn hai sư rẽ sang Nguyễn Thông.
Trời lúc này đã về trưa, nắng gay gắt, bước chân của hai sư cũng nhanh
hơn lúc ban đầu.
Tới đầu đường Kỳ Đồng, hai “sư” bỏ hẳn dáng
đi cúi đầu và bước thật nhanh về trạm xe buýt gần đó. Trên con đường
hơn 6km từ 3/2, quận 10, xuống Kỳ Đồng, quận 3, có 112 người đã bỏ tiền
vào bát của hai “sư”.
Nhận tiền từ người đi đường
Anh Phú, người chạy xe ôm lâu năm tại cổng Ga Sài Gòn cho biết: "Mấy
người sư này, không đi cố định một con đường. Để lấy lòng tin của mọi
người, cứ một tháng, hai tháng họ mới đi lại trên đường cũ. Hai vị sư
kia cả hai tháng nay mới đi ngang đây. Có hôm tôi chở khách xuống Bình
Thạnh hay qua quận 7 gặp họ đi".
Chiếc xe buýt số 7 đưa hai “sư” về lại bưu điện Chợ Lớn. Bước xuống xe,
hai “sư” bước như chạy tới quán cà phê cóc trong con hẻm 202 đường Hải
Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5 uống nước và lột bỏ quần áo nhà sư ra.
30 phút sau, hai “sư” bước ra với bộ đồ màu xám như lúc sáng sớm. Họ bước qua đường đón xe buýt 56 về Bến Thành.
Vừa tới Bến Thành, hai sư nhảy lên lên xe 19 thẳng hướng Thủ Đức. Xe vừa
qua cầu Bình Triệu, hai “sư” bước xuống và đi thẳng vào con đường số 2
và mất hút trong những mái là lụp sụp. Đồng hồ lúc này chỉ 12 giờ 30
phút.
“Việc khất thực của nhà sư gần như
không còn, cũng không được cấp phép từ sau năm 1975. Những người mặc
áo nâu sòng đi ngoài đường để xin tiền hiện nay đều là sư giả”-
Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM,
khẳng định. Thế nhưng, tình trạng giả sư vẫn đang tồn tại dai dẳng và
trở thành vấn nạn trong nhiều năm qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy
tín nhà chùa, làm mất mỹ quan Thành phố. |
Theo: Bưu điện Việt Nam