Chùa
Long Vân toạ lạc tại xóm Nhà Đèn, thị trấn Paksé, tỉnh Chămpasak-Lào là
một trong những ngôi chùa Việt Nam trên đất nước bạn Lào do bà con Phật
tử tạo dựng lên để làm nơi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng và hướng vọng
về tổ quốc thân yêu. Sự ra đời và phát triển của ngôi chùa Long Vân là
một mối duyên “quốc tế” nhiệm mầu...
Nhiều bà con Phật tử kể rằng, từ cách đây hơn nửa thế kỷ tại xóm Nhà
đèn thị trấn Paksé có một ông Tây người Pháp là một kỷ sư nhiệt điện vì
đam mê nét mỹ thuật điêu khắc của pho tượng Phật Thích Ca toạ thiền
trong hình tượng con rắn 7 đầu nên ông đã đi tìm hiểu về pho tượng.
Được các nhà sư cho hay về truyền thuyết rắn thần Naga 7 đầu che mưa
đức Phật khi ngài toạ thiền dưới cội bồ đề nước dâng lên sắp ngập cả
chỗ Phật ngồi. Rắn thần Naga hiện ra lấy thân mình cuốn tròn từ từ nâng
đức Phật khỏi bị ngập nước và hiện ra 7 đầu phình to tạo thành cái tàng
che mưa cho Phật...Con rắn vốn ác (vì có nọc độc) nhưng đức độ cao quý
của Phật đã cảm hóa được và nó theo "hầu" đức Phật, nên ông Tây đã
“thỉnh” pho tượng về trưng bày.
Chùa Long Vân hiện nay
Mô hình đại trùng tu chùa Long Vân
Bà con Việt kiều khi chết đến thờ trong chùa
Ảnh và tháp ông Trần Quế.
Sau khi ông Tây mãn nhiệm kỳ về nước, gởi pho tượng Phật lại nhờ một
người Hoa kiều giàu có cất giữ giùm. Người Hoa kiều vốn là một thương
gia, lo chuyện làm ăn mua bán mà quên phắc pho tượng rất mỹ thuật và
giàu giá trị “đạo đức” đang bỏ trong một góc kho mặc cho bụi bặm và
mạng nhện giăng mờ.
Ông Trần Quế, một Việt kiều mắc bịnh tâm thần nhẹ là người giúp việc
quét dọn vệ sinh trong nhà người Hoa kiều, một hôm ông Trần Quế quét
dọn nhà kho thấy pho tượng Phật nằm trong góc bị bụi bặm và mạn nhện
giăng mờ mịt ông lau chùi pho tượng sạch sẽ rồi thưa với người chủ Hoa
kiều xin thỉnh về để thờ, người Hoa kiều nghe rất hoan hỷ và để cho ông
Trần Quế thỉnh pho tượng về.
Nghịch nỗi, ông Trần Quế là một người tâm thần không nhà cửa nên ông
cứ ôm pho tượng đi lang thang khắp xóm Nhà Đèn và đến một chỗ đất trống
ông lập một cái bàn thờ để thờ. Mãnh đất đó thuộc quyền quản lý của cụ
Nan Kịp (người Lào). Bà cụ thấy một người Việt Nam, bị bịnh tâm thần mà
biết tôn quý Phật như thế bèn phát tâm cúng cho miếng đất để ông lập an
thờ Phật. Ông Trần Quế che tạm một cách am bằng tranh, tre và thiết một
cái bàn thờ để thờ pho tượng Phật rồi hằng đêm ông tụng kinh, niệm
Phật.
Pho tượng Phật toạ thiền có rắn thần Naga che đầu
Bà con Việt kiều ở trong thị trấn Paksé thấy vậy bèn
cùng nhau tập trung lại kẻ góp công người góp của tạo dựng lên một ngôi
chùa nhỏ bằng gỗ, mái lợp tôn để thờ Phật và làm đạo tràng tu học cũng
là để làm nơi “quy y” của cả người sống lẫn người đã khuất theo truyền
thống văn hoá tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam nơi đất khách quê người.
Ngôi chùa gỗ tồn tại được một thời gian ngắn thì hư hại, xuống cấp
gặp lúc bà con Việt kiều ngày càng ổn định, đời sống kinh tế khá giả
lên, niềm tin vào chánh pháp vào Tam Bảo càng vững đồng thời được sự hỗ
trợ của Hoà thượng Trung Quán và Hoà thượng Nhật Liên nên bà con đã tái
thiết ngôi chùa bằng bê tông cốt thép bền vững nằm bên một nhánh của
con sông Mê Công nước cuồn cuộn.
Hơn nữa thế kỷ trôi qua trong sự ảnh hưởng trực tiếp xâm thực của
dòng nước Mê Công nên chùa đã nhiều lần bị rạn nứt, sụt lún, tuy bà con
Phật tử đã qua nhiều lần sửa chữa, đổ kè bằng bê tông để khắc phục,
chống chọi nhưng sức tàn phá âm ỉ của dòng nước vẫn cứ đe doạ và mối
hiểm nguy “sập chùa” luôn tiềm ẩn. Với mục đích bảo trì những giá trị
lịch sử, văn hoá của tiền nhân, đồng thời yên định nơi chốn trau dồi
đạo đức của hàng Phật tử, bà con đã quyết định mua thêm đất để xây
dựng, chuyển hướng ngôi chùa.
Ngày 25 tháng 9 năm Kỷ Sửu, Phật lịch 2553 (ngày 11 tháng 11 năm
2009) vừa qua, chư Tăng và bà con Phật tử chùa Long Vân đã trang trọng
cử hành lễ đặt đá đại trùng tu ngôi phạm vũ để nối tiếp dòng sử hoằng
pháp lợi sanh của Phật giáo Việt Nam trên đất nước bạn Lào, viết tiếp
trang sử “Việt Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu
Long”.
Với nhân duyên ra đời mầu nhiệm, sự phát triển nhanh chóng của ngôi
chùa, niềm tin vững chắc vào Tam Bảo, tinh thần đoàn kết tinh tấn tu
học, ý thức trách nhiệm đóng góp phần mình cho sự nghiệp tiếp nối
truyền thống văn hoá, đạo đức Phật giáo hai dân tộc Việt Nam-Lào của
chư Tăng và bà con Phật tử thì chắt chắn Phật sự đại trùng tu ngôi chùa
Long Vân sẽ sớm được hoàn thành.
Bài, ảnh Trí Năng