|
Đại giới đàn tại IBMC năm 2004
|
Vào
mùa hè năm 1966, trong chương trình trao đổi giáo sư giữa Đại học
California tại Los Angeles (University of California, Los Angeles -
UCLA) và Đại học Vạn Hạnh, Hòa thượng đã đến Mỹ và giảng dạy tại đây.
Sau đó các học viên của Hòa thượng đã phát hiện ra rằng, Hòa thượng
không chỉ là một vị học giả nổi tiếng mà còn là một vị thiền sư lỗi lạc.
Chính vì thế, họ đã thỉnh cầu Hòa thượng dạy họ tu thiền, hướng dẫn họ
từng bước trong các thủ thuật hành thiền và cả những giáo lý của đạo
Phật. Từ đó Hòa thượng đã bắt đầu hướng dẫn thiền tập cho các học viên
người Mỹ, ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ và số lượng học viên dần dần tăng
lên.
Vài năm sau, một số học viên có tâm huyết với
thiền, với Phật giáo đã động viên Hòa thượng nạp đơn xin làm công dân
thường trú của nước Mỹ để Hòa thượng có thể tiếp tục công việc giảng dạy
và hướng dẫn thiền tập tại Mỹ. Và Hòa thượng đã được cấp phép thường
trú tại đất nước này.
Hòa thượng Thích Thiên Ân
sinh ra ở làng An Truyền, Phú Vang, Huế, lớn lên trong một gia đình có
bề dày truyền thống Phật giáo. Thân phụ của Hòa thượng chính là vị Thánh
tử đạo Thích Tiêu Diêu. Hòa thượng Thích Thiên Ân xuất gia năm 14 tuổi,
tốt nghiệp học vị tiến sĩ văn chương tại Ðại học Waseda, Tokyo năm
1962; về nước làm Khoa trưởng Văn khoa tại Ðại học Vạn Hạnh và giảng dạy
tại Ðại học Văn khoa Sài Gòn. Năm 1970, Hòa thượng thành lập một trung
trung tâm thiền học, với tên gọi tiếng Anh là International Buddhist
Meditation Center; năm 1973 thành lập Viện Ðông Phương học tại Los
Angeles; năm 1975, thành lập chùa Việt Nam, ngôi chùa Việt đầu tiên trên
đất Mỹ.
Trong cuộc vượt biên của nhiều người Việt
năm 1975, Hòa thượng đã kêu gọi các học trò của mình cùng với nhiều
người khác tham gia công việc giải cứu thuyền nhân cùng người tị nạn
Việt Nam. Và trung tâm đã trở thành nơi cư trú tạm thời của rất nhiều
người Việt. Hòa thượng là người xây dựng ngôi chùa Việt Nam đầu tiên
trên đất Mỹ và trở thành vị sơ tổ của Phật giáo Việt Nam ở Mỹ. Hòa
thượng qua đời ở tuổi 54 vì căn bệnh ung thư, vào năm 1980.
Sau
khi Hòa thượng Thích Thiên Ân viên tịch, Ni sư Karuna Dharma, một trong
những người đồng sáng lập trung tâm, đã lên đảm nhiệm chức vụ điều
hành. Ni sư là thành viên sáng lập Diễn đàn Đối thoại giữa Phật giáo và
Thiên Chúa giáo (Buddhist-Catholic Dialogue) ở Los Angeles. Ni sư đã
từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Giáo hội Tăng già Phật giáo ở Mỹ và Phó
Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học ở Los Angeles. Ni sư còn là vị Chủ
tịch đồng sáng lập Hội Sakyadhita, một Hiệp hội quốc tế của "những người
con gái của Đức Phật".
Dưới sự lãnh đạo của Ni
sư, chư Tăng Ni và các vị giảng sư của IBMC tiếp tục duy trì và đẩy mạnh
các hoạt động hoằng pháp, giảng dạy thiền học của trung tâm. IBMC là
một trong các trung tâm thiền học Phật giáo đầu tiên ở Hoa Kỳ, đóng vai
trò quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo đến với người Mỹ. Hơn 10
ngôi chùa khác đã được khai sinh từ IBMC, do các vị tu sĩ đủ tài đức đã
được đào tạo tại IBMC thành lập để có nơi tu học, hoằng pháp cho riêng
mình.
IBMC còn là trung tâm Phật giáo đầu tiên
trên đất Mỹ tổ chức Đại giới đàn truyền thọ Cụ túc giới cho người phương
Tây để họ chính thức trở thành các vị Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Cho đến
nay, IBMC đã tổ chức hai Đại giới đàn truyền giới, lần thứ nhất vào
tháng 12-1994, và lần thứ hai vào năm 2004.
IBMC
là một trung tâm Phật giáo tu học theo truyền thống của Phật giáo Việt
Nam, có sức ảnh hưởng khá lớn đến đời sống không chỉ của người Việt mà
cả người phương Tây. Từ trung tâm này, nhiều người phương Tây đã xuất
gia tu học và được trưởng thành, trở thành những sứ giả của Như Lai, đi
thành lập đạo tràng, đi hoằng pháp ở nhiều nơi. Một điều rất đặc biệt là
chính tại IBMC, những người Việt thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba, được
sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, đã đến tu học dưới sự hướng dẫn của các
vị tu sĩ người phương Tây chứ không phải người Việt. Thậm chí đôi khi
chính những vị tu sĩ người phương Tây ấy dạy tiếng Việt cho con em người
Việt khi các em đến tu học ở trung tâm.
Hiện tại,
bên cạnh Ni sư Karuna Dharma, còn có các vị sư thầy và sư cô, cả người
Việt lẫn người Mỹ, hỗ trợ trong công tác điều hành, tổ chức các thời
khóa sinh hoạt, tu học của trung tâm. Trong số đó, thầy Kusala Ratana
Karuna là người hoạt động tích cực nhất. Thầy là một người Mỹ, đến học
thiền tại trung tâm từ năm 1979. Năm 1983, thầy phát tâm quy y Tam bảo,
thọ trì Năm giới, chính thức trở thành một người Phật tử. Năm 1994, thầy
chính thức xuất gia tu học. Thầy được thọ Đại giới, trở thành một vị Tỳ
kheo vào năm 1996, và có pháp hiệu bằng tiếng Việt là Thích Tâm Thiện.
Hiện thầy tham gia trong việc giảng dạy giáo lý, hướng dẫn các khóa tu
thiền, điều khiển các buổi thảo luận nhóm tại trung tâm. Đồng thời thầy
còn tham gia thuyết giảng về các đề tài liên quan đến Phật giáo và các
vấn đề xã hội tại các trường trung học, đại học và các nhà thờ trong khu
vực. Không những thế, thầy còn tham gia trình bày tham luận tại các
cuộc hội thảo, hội nghị, các diễn đàn Phật giáo được tổ chức ở trong
nước cũng như trên thế giới. Thầy còn được mời tham dự, trình bày về
Phật pháp trên các chương trình truyền hình và các kênh truyền thông đại
chúng khác ở Hoa Kỳ.
Có thể nói rằng, Trung tâm
Thiền học Phật giáo quốc tế tại Los Angeles, California là một trong
những trung tâm Phật giáo làm tốt công việc truyền bá Chánh pháp, hướng
dẫn tu học cho người Việt cũng như người phương Tây trên đất Mỹ. Các bậc
phụ huynh người Việt cũng như người phương Tây rất tin tưởng và hài
lòng khi đưa con em của họ đến tu học và tham gia các hoạt động xã hội
tại trung tâm, hoặc do trung tâm tổ chức.
Không
những thế, IBMC còn là một không gian tâm linh lý tưởng, một nơi chốn
bình yên để cho mọi người tìm đến mỗi khi họ muốn tìm lại sự bình an cho
tâm hồn, muốn xoa dịu những nỗi ưu phiền, khó nhọc trong cuộc sống mưu
sinh. Đối với người Việt xa quê, đến với IBMC như thể được tắm mình
trong không gian thân thương, bình dị của quê mẹ Việt Nam mến yêu. Với
lối kiến trúc truyền thống của ngôi chùa Việt Nam, với những vật dụng
bình thường, giản dị, không quá bóng bẩy, cầu kỳ, không quá tân thời,
với không gian thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên như ở quê hương Việt
Nam, IBMC đã tạo cho người Việt xa quê cảm giác gần gũi và ấm cúng, bớt
đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết. Đến với trung tâm, nhất là
vào những dịp lễ lớn, vào những ngày lễ truyền thống của dân tộc Việt,
còn là dịp để cộng đồng người Việt gặp gỡ, giao lưu và hàn huyên tâm sự
với nhau cho vơi bớt bao nỗi niềm trong cuộc sống của người tha phương.
Như vậy, IBMC vừa đóng vai trò một không gian tâm linh để tu học, để
trau dồi phẩm hạnh, làm giàu những giá trị sống, vừa là nơi gặp gỡ, giao
lưu không chỉ cho cộng đồng người Việt mà cả người phương Tây.
Với
đội ngũ giáo thọ sư gồm có cả người Việt lẫn người phương Tây, trung
tâm đã tổ chức nhiều chương trình tu học, sinh hoạt phong phú, đa dạng,
phù hợp với mọi người (người phương Đông cũng như người phương Tây), với
mọi lứa tuổi (cả thanh thiếu niên lẫn người lớn tuổi). Đây chính là nét
đặc thù và cũng là thế mạnh của trung tâm so với các chùa hay các trung
tâm tu học khác do người Việt sáng lập.
Ở Mỹ,
việc đăng ký sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để phục vụ
cho công việc hoằng pháp, các chương trình tu học, các sinh hoạt tôn
giáo tiến hành rất đơn giản và dễ dàng. Thậm chí cả việc xây dựng riêng
kênh truyền hình, truyền thanh, hoặc xây dựng chuyên mục trên các kênh
truyền hình, truyền thanh cũng được tiến hành dễ dàng về mặt thủ tục
hành chính, pháp lý. Truyền thanh và truyền hình chính là hai kênh thông
tin đại chúng có sức lan tỏa nhanh và đem lại hiệu quả nhất trong việc
quảng bá và chuyển tải thông tin. Đây là một điều kiện hết sức thuận lợi
cho công việc hoằng pháp. Và Trung tâm Thiền học Phật giáo quốc tế đã
không bỏ qua cơ hội này. Các vị giáo thọ sư của IBMC đã có các buổi
thuyết giảng, tham gia nhiều cuộc phỏng vấn, tọa đàm trên đài truyền
thanh, truyền hình,…
Hy vọng là tất cả các chùa,
các trung tâm tu học của người Việt trên đất Mỹ đều biết tận dụng điều
kiện thuận lợi này để tổ chức tốt hơn các chương trình tu học, truyền bá
Chánh pháp, vì lợi ích chung của cộng đồng chứ không phải sử dụng các
phương tiện ấy để phục vụ cho những mục đích tư lợi, những hoạt động
không chính đáng. Có một thực tế là các chùa hay các trung tâm tu học do
người Việt thành lập trên đất Mỹ thường chỉ thu hẹp đối tượng tham gia
trong cộng đồng người Việt. Hoạt động chính của các chùa, các trung tâm
ấy là tổ chức các sinh hoạt tôn giáo mang đậm màu sắc tâm linh như cầu
an, cầu siêu và tổ chức lễ hội. Công việc giảng dạy giáo lý, tổ chức các
khóa tu học chưa được mạnh lắm, một phần là do Phật tử không có nhiều
thời gian để đến chùa tu học, một phần là do chư Tăng Ni phải tìm kế
sinh nhai, không còn nhiều thời gian để chuyên tâm tu học và để hoằng
pháp.
Để chấn chỉnh thực trạng đáng buồn này thì
cần phải có những con người thiết tha tu học, cần phải có những người
thực tu, thực học, phải có sự đồng tâm hiệp lực của cả một tập thể, một
cộng đồng chứ không chỉ riêng một cá nhân hay một nhóm người nào. Tuy
nhiên, mấu chốt của vấn đề là bắt nguồn từ chính nơi tự thân mỗi người.
Nếu mọi Phật tử đều thiết tha tu học, chân thành hộ pháp, nếu mỗi vị tu
sĩ đều chuyên tâm tu học, không ngừng hoàn thiện bản thân và dấn thân
phụng sự, dốc lòng hoằng pháp thì Phật giáo chắc chắn sẽ được khởi sắc,
và sức lan tỏa không chỉ dừng lại ở cộng đồng người Việt mà cả người
phương Tây. Đây cũng chính là những thành quả mà Trung tâm Thiền học
Phật giáo quốc tế đã đạt được.
Hoàng Minh Phú