Bắc Kinh, Trung Quốc – Chính phủ Trung Quốc đã tiến cử Ban Thiền Lạt Ma
thứ 11 (the 11th Panchen Lama), 20 tuổi - lãnh đạo tinh thần cao cấp số 2
trong Phật giáo Tây Tạng, phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc -
vào cơ quan tham mưu chính trị cho quốc hội Trung Quốc.
Ban
Thiền Lạt Ma thứ 11 do Bắc Kinh đơn phương bổ nhậm
Kỳ họp
thứ 3, diễn ra từ ngày 26 đến 28 -2, của Ban Thường trực Ủy ban Trung
ương Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) đã chuẩn
y Ban Thiền Lạt-ma thứ 11 cùng với 12 nhân vật khác làm tân ủy viên Ủy
ban Trung ương CPPCC.
Việc tiến cử này của Bắc Kinh là một nỗ lực
nhằm hợp thức hóa hơn nữa một Tăng sỹ do họ chọn vốn gây ra sự tranh
cãi, mà các nhà phân tích cho rằng, vị Tăng sỹ ấy có thể sẽ đóng vai trò
trọng yếu trong việc bổ nhậm hóa thân của đức Dalai Lama thứ 14 trong
tương lai.
Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, Gyaincain Norbu là một nhân
vật gây tranh cãi. Vị Tăng sỹ 20 tuổi này được Bắc Kinh bổ nhậm để thay
thế cho cậu bé Gendun Choekyi Nyima, người đã được chọn là hóa thân của
Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 năm 1995. Trong năm này, cậu bé Nyima đã đột
nhiên biến mất. Người ta tin rằng cậu bé đã bị quản thúc.
Cả cha
mẹ Norbu là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ năm 1995 đến nay,
Norbu được Bắc Kinh tiến cử làm đại diện chính thức cho Phật giáo Tây
Tạng ở Trung Quốc – cùng với đức Dalai Lama, giáo phẩm lãnh đạo tinh
thần cao nhất của Phật giáo Tây Tạng, đang tị nạn tại Ấn Độ. Tuy nhiên,
phần đông người Tây Tạng ở Trung Quốc không chấp nhận việc bổ nhậm Norbu
của Bắc Kinh. Họ chỉ thừa nhận cậu bé Nyima là hóa thân của Ban Thiền
Lạt Ma thứ 10.
Trong Phật giáo Tây Tạng, Ban Thiền Lạt Ma đóng
vai trò tham mưu cho đức Dalai Lama, và là vị Lạt-ma thuộc hàng giáo
phẩm lãnh đạo tinh thần cao cấp số 2. Đức Dalai Lama thứ 14, Tenzin
Gyatso rời Tây Tạng đến thành phố Dharamshala, Ấn Độ tị nạn năm 1959 sau
cuộc khởi nghĩa bất thành.
Trong khi đức Dalai Lama chỉ trích
chính sách của Bắc Kinh ở Tây Tạng đang làm xói mòn văn hóa Tây Tạng và
hạn chế quyền tự do tôn giáo, thì Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 lại mạnh mẽ
ủng hộ các chính sách của Bắc Kinh. Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 cùng với các
lãnh đạo Trung Quốc cũng bắt đầu ngày càng xuất hiện nhiều hơn trước
công chúng ở Tây Tạng.
Theo các nhà phân tích, mặc dù việc tiến
cử Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 vào chức ủy viên Ủy ban Trung ương CPPCC, một
cơ quan chính trị mang tính lễ nghi trên bình diện rộng lớn, không làm
thay đổi vai trò, hoặc quyền lực ban hành quyết định của vị tu sỹ này,
nhưng nó nhấn mạnh nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hợp thức hóa thêm nữa
vị trí của Ban Thiền Lạt Ma thứ 11.
Srikanth Kondapalli, Giám
đốc Trung tâm Đông Á học tại Đại học Jawaharlal Nehru nói: “Theo quyết
sách hiện nay của Bắc Kinh, đây là việc bổ nhậm mang tính chiếu lệ cho
Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, để giữ một chức vụ hữu danh vô thực; đồng thời
đây cũng là một động thái xoa dịu quan niệm của người Tây Tạng, cả trong
cũng như ngoài Trung Quốc.”
Vấn đề tương lai của Dalai
Lama
Ban Thiền Lạt Ma chưa thể có vai trò trong vấn đề
thừa kế của đức Dalai Lama 14, một vấn đề hay gây nên sự tranh cãi.
Trong khi, Bắc Kinh muốn duy trì vai trò lịch sử của họ trong việc phê
chuẩn việc bổ nhậm Dalai Lama, thì đức Dalai Lama hiện tại nói có khả
năng ngài sẽ chọn người thừa kế ngài từ cộng đồng Tây Tạng lưu vong.
Một
khả năng có thể được Bắc Kinh tính đến là thiết lập “hội đồng bầu cử”,
một loại lựa chọn liên quan đến các Tăng sỹ xuất thân từ các tu viện
quan trọng nhất của Tây Tạng. Trong cơ cấu này, Ban Thiền Lạt Ma thứ 11,
hiện là ủy viên Ủy ban Trung ương CPPCC hẳn sẽ đóng vai trò trung gian.
“Với
quyết định của chính phủ Trung Quốc đơn phương bổ nhậm Ban Thiền Lạt Ma
hiện tại, họ có thể chọn hóa thân của đức Dalai Lama theo cách tương tự
như vậy trong tương lai,” Giám đốc Srikanth Kondapalli nhận định.