Chúng tôi tiếp tục nhận được đơn của tập thể Ban hộ tự, đạo tràng
chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Tp.Hà Nội phản ánh một
số cán bộ xã cố tình lợi dụng danh nghĩa Ủy ban Nhân dân, công bố văn
bản không dấu, không chữ kí của người có trách nhiệm, nhằm bôi nhọ nhà
sư, gây mâu thuẫn trong nhân dân tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở khu dân
cư. Bị can Phí Đình Hưng, cựu Chủ tịch UBND xã đang bị truy tố, vẫn
tham dự cuộc tiếp xúc cử tri thôn 5 và kì họp HĐND toàn xã, tiếp tục
phát biểu nói xấu về nhà chùa...
Đơn viết: “Tình hình nhà chùa như Báo đã biết và có bài viết, do đó
mấy tháng qua nhà chùa dần đi vào ổn định, vãi chùa ngày càng đông, đạo
tràng tiếp tục sinh hoạt bình thường. Song đợt tiếp xúc cử tri cuối
tháng 12/2012, UBND xã Chàng Sơn lại làm một việc không đúng với tinh
thần tiếp xúc cử tri trước kì họp HĐND, đó là đem ra đọc trước hội nghị
một bản báo cáo có nội dung “luận tội” nhà sư vi phạm Điều 13 Luật Di
sản văn hóa, phê phán việc thành lập đạo tràng... nhằm đánh lạc hướng
dư luận, mục đích để cử tri bỏ phiếu bất tín nhiệm, phế truất nhà sư
Thích Minh Phượng hiện đang trụ trì chùa Chân Long”
Qua xác minh, chúng tôi thu thập được hai văn bản không số, không
ngày tháng, không có chữ kí của người có trách nhiệm, được đóng dấu
treo của UBND xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Tp.Hà Nội, nội dung là
Báo cáo các bước giải quyết về tình hình và kết quả sự việc tại chùa
Chân Long. Hai văn bản có nội dung giống nhau, nhưng hình thức lại khác
nhau: Một văn bản chỉ đề TM. UBND xã Chàng Sơn, KT. Chủ tịch, không có
tên người kí; một văn bản đề tên người kí thay là
Phó Chủ tịch UBND xã Chu Thế Huấn, nhưng không có chữ kí của ông Huấn,
không có dấu, phần nơi nhận đề Thường trực Đảng ủy, HĐND xã, Đài
Truyền thanh xã. Hai văn bản này được gửi cho các thôn chỉ đạo họp dân,
kể “tội” nhà sư.
Sư thầy Thích Minh Phượng ->
Nội dung hai văn bản thể hiện sự hằn học
nhà sư, xin trích: “Bên cạnh đó, qua kiểm tra nội tự chùa, UBND xã còn
phát hiện việc sư Thích Minh Phượng tự ý đưa thêm mấy pho tượng mới
vào để thờ mà không có ý kiến gì với chính quyền địa phương”. Việc cung
tiến tượng mới vào chùa là tấm lòng của Phật tử và chức phận của nhà
sư, chỉ cần nhà sư làm đúng các thủ tục an vị tượng và bố trí hợp lí
trên ban thờ, đúng với giá trị văn hóa tín ngưỡng, cớ sao phải “xin
phép” chính quyền? Việc nhà chùa sửa nhà tắm cũ đã sập xệ thành khang
trang hơn, làm nhà để xe lợp mái Phi-brô xi-măng, theo Luật Xây dựng
không phải xin phép, hơn nữa chỉ làm gọn gàng, sạch sẽ cảnh chùa, cũng
bị văn bản cho rằng sai phạm, xây dựng trái phép. Thật là một việc làm
cố tình gán ghép “tội trạng” cho người tu hành?
Đạo tràng thành lập và hoạt động là tín
ngưỡng của nhà chùa, Phật sự của nhà sư và Ban hộ tự, phù hợp với Pháp
lệnh về Tôn giáo. Đạo tràng là nơi hội tụ của những phật tử, có cùng
chí hướng chuyên tu theo Phật pháp, do một hoặc nhiều vị sư hướng đạo,
gắn với khuôn viên chùa cụ thể. Vậy mà tại hai văn bản nói trên, người
làm ra nó lại ghi: “Hiện nay trong chùa thành lập Hội đạo tràng, nhưng
không có nội quy hướng dẫn của cấp trên và không báo cáo chính quyền
địa phương, làm dư luận bất bình trong nội tự chùa và nhân dân địa
phương”. Nói như vậy, hoặc xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người làm
văn bản, hoặc đánh tráo khái niệm nhằm kích động nhân dân chống lại sư
thầy Thích Minh Phượng.
Sau khi dẫn ra một loạt cái gọi là “sai
phạm”, hai văn bản này “kết tội” nhà sư Thích Minh Phượng vi phạm Điều
13 Luật Di sản văn hóa, trong khi điều luật này không quy định cấm
những việc làm nói trên. Cuối cùng hai văn bản nêu giải pháp: “Khi đón
sư thầy Thích Minh Phượng đã được sự đồng thuận của nhân dân, nay những
vi phạm của thầy Thích Minh Phượng như báo cáo đã nêu, có nên trưng cầu
dân ý về sự tín nhiệm hay không?”. Đến đây, mục đích của họ muốn “mượn
tay” nhân dân để phế truất sư thầy Thích Minh Phượng, đồng thời gây
mâu thuẫn, bất ổn trong nội bộ nhân dân (do trong dân chúng xã Chàng
Sơn có không ít người là phật tử, đạo tràng do sư Phượng trực tiếp
hướng đạo).
Các pho tượng trên ban vẫn được chăm sóc cẩn thận
Đây là cách làm tùy tiện của chính
quyền cấp xã, có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa Ủy ban của một nhóm
người, nhằm gây rối trật tự an ninh tại địa phương. Việc để bị can Phí
Đình Hưng tiếp xúc cử tri thôn 5, tham dự và có tham luận tại kì họp
HĐND xã, để ông ta lợi dụng diễn đàn nói xấu nhà chùa và sư thầy Thích
Minh Phượng là việc làm trái quy định, thiếu tôn trọng cử tri.
Những việc làm trái nói trên tại xã
Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Tp.Hà Nội cần được các cơ quan chức năng
xác minh làm rõ, nghiêm trị những cá nhân cố tình lợi dụng danh nghĩa
chính quyền, gây tình hình bất ổn tại địa phương, đồng thời yêu cầu
chấm dứt ngay những hành vi tương tự.
Theo Hoàng Linh - Báo Người cao tuổi
* Đọc thêm tin liên quan:
Sự việc ở chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội: Hành vi trái pháp luật của nhóm “Tôi yêu Chàng Sơn”
Đơn của tập thể Ban Hộ tự, đạo tràng chùa Chân Long và một số công
dân xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội phản ánh: “Gần đây, tại
địa phương xuất hiện nhiều người quá khích, tự xưng là nhóm “Tôi yêu
Chàng Sơn”.
Nhóm người này, ngang nhiên tụ tập, hội họp lấy chữ
kí; chụp ảnh, quay clip tung lên mạng vu khống nhà sư và các vãi ở chùa
Chân Long bán tượng Phật, xây nhà vệ sinh tự hoại gần Tam bảo. Tổ chức
nhiều cuộc gây rối trật tự tại nhà chùa, đòi đuổi nhà sư Thích Minh
Phượng ra khỏi chùa và giải tán tổ chức đạo tràng. Chính quyền xã không
những không ngăn cản hoạt động của nhóm này, mà còn có biểu hiện bao
che”...
Phóng viên Báo Người cao tuổi đã về địa phương xác
minh. Đại diện UBND xã Chàng Sơn cho biết, chính quyền không biết việc
xuất hiện và hoạt động của nhóm “Tôi yêu Chàng Sơn”. Ông Phí Đình Sử,
Trưởng Công an xã cũng không nắm rõ thông tin về nhóm người này. Hoạt
động của nhóm “Tôi yêu Chàng Sơn” rầm rộ suốt thời gian dài, nhiều lần
tổ chức hội họp lấy ý kiến tại sân Quán đội 4; phân công người đi lấy
chữ kí, quyên góp tiền cho kế hoạch gây áp lực với tổ chức đạo tràng,
đòi đuổi nhà sư Thích Minh Phượng ra khỏi chùa; làm vè, viết bài rồi
in, phô-tô hàng trăm bản phát tán vào các ngõ xóm; ghi âm, chụp ảnh,
quay clip tung lên mạng In-tơ-nét, công khai địa chỉ:
http://www.youtube.com/user/Toiyeuchangson. Vào ngày rằm, mồng một hằng
tháng, rất đông thanh niên và phần tử quá khích vào chùa gây rối, phá
phách, lấy đồ lễ ra ăn uống tại sân chùa… Tổ chức đạo tràng, Ban Hộ tự,
một số công dân nhiều lần gửi đơn lên chính quyền, phản ánh sự việc và
yêu cầu giải quyết, vậy mà UBND xã Chàng Sơn lại “không hề biết”, thì
thật lạ?
Sau nhiều lần liên hệ không gặp lãnh đạo và cán bộ
phụ trách tôn giáo của huyện, ngày 20-7-2012, Tổng biên tập Báo Người
cao tuổi kí Công văn 173/CV-BNCT gửi UBND huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
Nhưng đã hơn một tháng trôi qua, Báo Người cao tuổi vẫn không nhận được
hồi âm. Hơn nữa, huyện Thạch Thất cũng chưa có biện pháp giải quyết
dứt điểm, khiến sự việc diễn ra ở chùa Chân Long ngày càng căng thẳng,
ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương.
Ngày 6-8-2012, UBND xã Chàng Sơn ra Thông báo số
23/TB-UBND, yêu cầu nhà sư Thích Minh Phượng và Ban Hộ tự chùa Chân
Long tự tháo dỡ nhà tắm, nhà để xe ô-tô, chuyển toàn bộ số tượng mới và
hai con hạc do Phật tử hảo tâm công đức ra khỏi chùa, thời hạn từ ngày
10-8 đến 15-8-2012. UBND xã Chàng Sơn căn cứ vào Luật Di sản văn hóa
năm 2011 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản, để cho
rằng, nhà sư Thích Minh Phượng và Ban Hộ tự xây dựng nhà tắm, nhà để
xe; thay đổi vị trí các pho tượng; mang tượng mới và hai con hạc vào
chùa là vi phạm Điều 13 của Luật này.
Việc áp dụng điều luật như vậy là không chính xác, bởi toàn bộ diễn
biến sự việc trong chùa (theo nội dung Thông báo số 23/TB-UBND của UBND
xã Chàng Sơn), không có các yếu tố, hành vi bị nghiêm cấm quy định tại
Điều 13 của Luật này như: Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích; hủy hoại
hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa… Ngược lại, việc nhà chùa tiếp
nhận các pho tượng do Phật tử cung tiến còn làm ngôi chùa thêm linh
thiêng, bồi đắp ý nghĩa văn hóa tâm linh. Việc sửa chữa nhà tắm cũ cho
khang trang, sạch sẽ và xây nhà để xe mái lợp phi-brô xi-măng không
phải là hành vi xây dựng trái phép công trình trong khuôn viên chùa.
Qua xác minh, nhóm “Tôi yêu Chàng Sơn” có khoảng 300
người tham gia, chủ yếu là các thanh niên và phần tử quá khích. Dấu
hiệu bao che, hậu thuẫn của một số cán bộ địa phương là rất rõ. Trong
buổi tụ tập phá phách của nhóm này vào ngày 19-6-2012, một số cán bộ xã
cũng có mặt chứng kiến. Song, thay vì có biện pháp ngăn chặn, thì chỉ
“án binh bất động”, thậm chí cản trở những người dân tích cực quay
phim, chụp ảnh ghi lại sự việc để làm bằng chứng.
Việc tồn tại nhà tắm trong khuôn viên của chùa là hợp
lí, đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tại Biên bản cuộc họp ngày
3-11-2010 của Ban Hộ tự, các Phật tử đạo tràng. Thực tế nhà tắm được
sửa chữa từ nền cũ. Việc xây nhà để xe cũng không làm ảnh hưởng đến
cảnh quan ngôi chùa.
Nhóm “Tôi yêu Chàng Sơn” vu khống cho nhà sư Thích
Minh Phượng bán tượng là không có cơ sở. Các pho tượng cổ trong chùa
đều làm từ đất sét nhào trấu để đắp. Ngày 23 tháng chạp năm 2011, trong
khi bao sái tượng, các già vãi chấp tác lỡ tay làm vỡ một pho ở Tam
bảo. Sư Phượng đã làm thủ tục cúng xuất thần, rồi hướng dẫn các già
mang tượng đi tắm sông. Sau đó, chính quyền đã cho vớt lên, nhưng không
đưa đi giám định, khiến nhiều nghi vấn vẫn tồn tại trong một bộ phận
dân cư. Việc nhà sư Thích Minh Phượng sắp xếp lại các pho tượng cho
đúng vị trí ở Tam bảo, trong đó có pho tượng Thích Ca Mâu Ni bị thiếu,
được một người dân cung tiến tượng mới, là hoạt động bình thường của
người tu hành, trên cương vị trụ trì nhà chùa. Vậy mà nhóm “Tôi yêu
Chàng Sơn” tri hô là việc làm sai, gây sức ép, lại được chính quyền
đồng tình, bằng việc ra thông báo yêu cầu chuyển toàn bộ tượng mới và
hai con hạc ra khỏi chùa.
Hoạt động của nhóm “Tôi yêu Chàng Sơn” không những vi
phạm pháp luật, mà còn gây mất ổn định an ninh - chính trị, trật tự xã
hội tại địa phương. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần làm rõ động
cơ, mục đích và người đứng đầu nhóm “Tôi yêu Chàng Sơn”, yêu cầu nhóm
này dừng ngay các hành vi bôi nhọ danh dự nhà sư, cũng như tổ chức đạo
tràng chùa Chân Long.
Theo Sơn Hùng - Hoàng Kim - Báo Người cao tuổi