Di tích chùa chiền trước nguy cơ “thế tục hoá”:“Cơn ác mộng” trùng tu
14/03/2010 23:36 (GMT+7)

Chùa cổ Giác Lâm bị sơn mới, chẳng biết “kêu cứu” ở đâu.
 Một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian nổi tiếng ở TPHCM đã lên tiếng than: "Tại TPHCM, có đến 90% số ngôi chùa bị bêtông hoá, xây mới nhiều công trình phụ hoặc bị làm cho biến dạng chỉ vì "trùng tu".

Thử đi một vòng các ngôi chùa cổ mà xem, thật quá đau lòng" - bất bình trước tình trạng trùng tu vô tội vạ hiện nay, nhà nghiên cứu này nói.

Rộn ràng “tân cổ giao duyên”

Cũng có thể xuất phát từ ý định tốt, tuy nhiên, do thiếu kiến thức về kiến trúc cổ và giữ gìn di sản, cũng như chạy theo mốt thời thượng mà không ít ngôi chùa tự “tân trang” trở thành không giống ai. Đáng lưu ý là tình hình này đang có nguy cơ bùng phát thành trào lưu, nhiều chùa đua nhau xây mới, chính nhà quản lý cũng không lường hết được.

Chùa Giác Lâm (Tân Bình) nổi tiếng ở TPHCM là ngôi chùa cổ với nhiều nét tiêu biểu của dòng kiến trúc tháp Nam Bộ, cũng như có những pho tượng cổ cách đây hàng trăm năm. Thế nhưng, nhiều người đã sửng sốt không còn nhận ra ngôi chùa này, vì ngôi tháp 3 tầng xung quanh cẩn dĩa sứ nay đã được quét sơn xanh rờn. Thêm vào đó, người ta thỉnh thêm 7 pho tượng Phật bằng gỗ tôn thờ trước bàn thờ chính trong chánh điện, có cơ “đánh bạt” các vị lão tượng cổ ra xa.

Tương tự, chùa Phụng Sơn (quận 11), có từ thời vua Gia Long (228 năm) là công trình nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia bỗng dưng bị... biến thành di tích cấp phường, với việc tô sửa tượng cổ mặt trắng toát như trét phấn.

Các pho tượng Hộ pháp, bộ tượng Tam thánh Già Lam Thánh chúng bị quét sơn công nghiệp nên khả năng hư hỏng không bao xa. Kinh ngạc nữa là sân chùa bị biến thành một bãi để tượng mới: Tiền đường là hai pho tượng Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát làm bằng đá trắng toát, tượng Di Lặc được đúc từ... ximăng, sơn đỏ rực và quanh sân là 4 con sư tử bằng đá dữ tợn canh chừng.

Mới đây nhất, theo ông Phạm Hữu Mý - GĐ Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM, Sở VHTTDL đã cho dẹp mấy cái tượng đó. Tuy nhiên, việc để người ta tùy tiện sơn sửa tượng Phật và bày những tượng ximăng mới cho thấy dường như thời gian qua, công tác quản lý trùng tu tôn tạo di tích không hiệu nghiệm.

Còn thêm “nạn nhân” điển hình của cơn “ác mộng” trùng tu là chùa Giác Viên (Tân Bình). Đây là ngôi chùa cổ nhất Nam Bộ, hiện còn giữ 153 pho tượng cổ, 57 bao lam, có niên đại từ thế kỷ 19-20. Ngôi chùa này bị che bởi một khán thờ mới xây to vật vã, thờ thần tài, ông địa (!) ở chốn cửa Phật.

Chính vì trào lưu đáng sợ này mà việc ngừng chuyện tu bổ, nâng cấp di tích đã trở nên quan trọng hơn là cho phép tiếp tục làm hỏng những ngôi chùa đẹp. Trong năm 2009, Trung tâm Bảo tồn di tích TP không trùng tu một dự án nào.
 
Giải thích về tình trạng này, nhiều nhà nghiên cứu lễ hội và văn hoá dân gian cho rằng, đây là xu hướng “thế tục hoá” chùa chiền theo cách mà người phàm vẫn làm. Cứ nghĩ thỉnh nhiều tượng Phật về thì phật tử đến viếng chùa nhiều hơn. Hoặc nghĩ ra xây mới công trình phụ nào đó cũng gần với việc tăng chỗ đặt hòm công đức, cho khách thập phương đến cúng dường.

Không biết kêu ai!

Bên cạnh nỗi “đam mê” trùng tu, phục chế, sơn phết mới và ximăng hoá tượng Phật, còn một điều khó hiểu nữa là người ta gần như bỏ quên cảnh quan các chùa. Bề ngoài, nhiều ngôi chùa bị xuống cấp nghiêm trọng, vì rác chất đống, cỏ dại mọc, nước thải ngập, bị nhiều công trình phụ xâm hại, quần áo phơi nhếch nhác và thậm chí, có chùa còn không còn bảng hiệu. Những gánh hàng rong, bãi giữ xe, nơi buôn bán giành khách, những người ăn xin chèo kéo... tất cả tạo nên một cảnh tượng đặc trưng ở các ngôi chùa, di tích lăng ở TPHCM.

Nhìn nhận về vấn nạn này, ông Phạm Hữu Mý nhấn mạnh: Xu hướng trùng tu của trung tâm là giữ nguyên trạng, càng giống càng tốt, sử dụng di tích đúng mục đích. Tuy nhiên, yếu tố giữ nguyên trạng hiện gặp phải nhiều vấn đề, vì làm sao có được chất liệu như trước đây, hoặc xử lý tượng cổ sao cho khoa học?

Lâu nay vẫn có những nơi cần trùng tu, nhưng chỉ những di tích quốc gia muốn phục chế thì phải được bộ cho phép. Trong trường hợp xây thêm dãy nhà ở chùa Phụng Sơn là có sự chấp thuận, Sở Xây dựng TPHCM được phân công giám sát. Chúng tôi chỉ thực hiện trùng tu, phục dựng, còn việc giải tỏa những căn hộ xây lấn trái phép, hay công trình xây thêm là thuộc trách nhiệm của quản lý nhà nước.

Có thể nói, trong khi chờ đợi nhà quản lý nhập cuộc, số phận những chùa cổ ở TPHCM nói riêng và những ngôi chùa nói chung gần như đang rất bấp bênh, có cơ “biến dạng” vì nhiều lẽ. Nếu càng chậm chân thì càng nhiều di tích chùa cổ mau biến mất, không biết kêu ai, thay vào đó là những công trình mới, thiếu nét văn hoá cổ và tục hoá nơi thờ phụng.

Minh Thi (Lao Động)

Các tin đã đăng: