Từ lễ Noel nghĩ về lễ hội…Phật Đản
Viết bởi Linh Thuần
06/02/2010 23:09 (GMT+7)

Hàng năm, cả nước đều long trọng cử hành đại lễ Phật đản trang nghiêm với cờ, hoa, với chim bồ câu trắng biểu tượng của hòa bình nhưng lại chưa hề có biểu tượng ông Bụt bằng xương, bằng thịt mang thông điệp tình thương, sự hiểu biết của đạo Phật, của đức Phật đến tận tay mọi người. Trông người mà nghĩ đến ta

Những ngày này đi đến đâu cũng đều nhận thấy không khí lễ hội Noel ngập tràn trên khắp ba miền đất nước. Tuy chỉ mới du nhập vào Việt Nam mới đây nhưng lễ hội Noel được coi như là lễ hội văn hóa thu hút nhiều tầng lớp nhân dân đặc biệt là các bạn trẻ. Trong đêm Giáng sinh, ngoài hình ảnh của Chúa thì hình ảnh ông già Noel tốt bụng, phúc hậu, cần mẫn gõ cửa từng nhà để trao tận tay mình những phần quà có ý nghĩa cho các em nhỏ là một hình ảnh đẹp mang chiều sâu văn hóa đã được khéo léo lồng ghép và có sức biểu cảm cao. Người viết bài này không hề có ý định làm phép tính so sánh sức hút giữa hai tôn giáo lớn hiện nay trên thế giới là Phật giáo và Thiên Chúa giáo vì mọi sự so sánh đều khập khiễng, người viết chỉ nhìn nhận nó trên quan điểm xã hội hóa mà thôi.

Hình ảnh ông già Noel đã trở nên thân thiết
đối với trẻ em Việt Nam trong thời gian gần đây - Ảnh: Internet

Phật giáo đã chung sống với người dân Việt Nam gần 20 thế kỷ. Sợi dây liên lạc đã thắt chặt đạo Phật với dân tộc thành một khối bất khả phân ly. Tư tưởng, giáo lý đạo Phật đã thấm nhuần đến tinh thần dân tộc và ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới quan, nhân sinh quan người Việt. Hình ảnh ngôi chùa và các vị Thầy đã trở nên gần gũi thân quen với tất cả mọi người; chắc hẳn trong mỗi chúng ta từ thửa còn bé thơ bên chiếc chõng tre, giữa trưa hè mát rượi, không ai là không được các bà, các mẹ, các chị, các cô, dì ... kể cho nghe những câu truyện cổ tích, mà những câu truyện cổ tích ấy bao giờ cũng in đậm rõ nét hoặc phảng phất hình dáng của ông Bụt (Buddha) – ông Phật hiền lành, tốt bụng luôn cứu giúp, cưu mang những người dân lương thiện, những kẻ khốn cùng, người hoạn nạn. Biết bao người đã trở thành nhân chi mỹ vì hành trang mà họ mang theo trong suốt cuộc hành trình là hình ảnh ông Bụt hiền lành và giáo lý Nhân - Quả. Phật giáo hoàn toàn đóng góp cho xã hội trên phương diện tích cực này.

Như chúng ta đã biết, sở dĩ đạo Phật có một sức hút kỳ lạ đối với hầu hết các dân tộc Châu Á Thái Bình Dương và giờ đây chuyển dịch sang Châu Âu vì giáo lý của đạo Phật chủ yếu tập trung vào tư tưởng giải thoát cho mọi chúng sinh thoát khỏi biển khổ của cuộc đời bằng giáo lý Tứ diệu đế, Nhân – quả, Duyên khởi... Tư tưởng độc lập không để ý chí phụ thuộc hay nô lệ vào một đấng tối cao dù cho đó là đấng sáng tạo đã khiến cho đạo Phật có được vị trí đặc biệt trong tư duy, nếp nghĩ của các dân tộc Á Đông nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung.

Xin lấy ví dụ đơn giản nhất về tác dụng của giáo lý nhân quả Phật giáo đối với xã hội. Ngoài việc giáo dục cá nhân trong xã hội sống lành mạnh, làm nhiều việc thiện, hạn chế việc xấu ác, bất nhân, phi nghĩa; giảm đi một phần tai ương cho xã hội. Không chỉ giáo dục một cá nhân tốt, một gia đình tốt, một xã hội tốt mặt khác giáo lý nhân quả còn xác định trách nhiệm cá nhân – vốn là vấn đề quyết định cho sự sống còn của mỗi con người. Nó không ra lệnh hay trừng phạt mà trả con người về với vị trí vốn có của nó; đó là con người luôn tự ý thức về trách nhiệm, vai trò của mình trong gia đình và xã hội theo chuẩn mực: Tự giác - Giác tha - Giác hạnh viên mãn.

Đặc điểm của xã hội hiện đại là sai lầm trong vận động, Stress và ý tưởng tiệu cực. Đó là chưa kể đến các nguyên nhân như hóa chất, thực phẩm, âm thanh, sóng vô tuyến, môi trường ... của xã hội tiêu dùng đã trực tiếp tác động một cách tiêu cực lên đời sống con người. Để đạt được sự bình an nội tại, để giải quyết tất cả các vấn đề trên người ta tìm đến Phật giáo, đến với những gì mà Đức Phật đã nói và làm cách đây trên 25 thế kỷ.

Để tôn vinh những giá trị nhân bản, nhân văn của Đức Phật, của đạo Phật đã đóng góp cho xã hội loài người, tổ chức Đại hôi đồng Liên hiệp quốc đã chính thức công nhận ngày Đức Phật đản sinh là ngày lễ hội tôn giáo của toàn thế giới vào năm 2006. Qua đây chúng ta có thể nhận thấy Đức Phật đã mặc nhiên được công nhận là nhân vật lịch sử có thật, nhà tư tưởng vĩ đại và như thế với hệ thống học thuyết tôn giáo hoàn chỉnh, với phương pháp tư duy biện chứng về nhân sinh, vũ trụ chỉ duy nhất đạo Phật chịu đựng được sự thử thách, khảo nghiệm của thời đại mà không hề gây mâu thuẫn với bất kỳ phát minh mới nào của nền khoa học kỹ thuật hiện đại.

Như thế, với những gì mà đạo Phật đã đóng góp, hình ảnh ông Bụt hiền lành, phúc hậu gắn liền với bề dày giá trị văn hóa đặc sắc của làng quê Việt Nam đã đi vào chiều sâu tâm linh của không gian lịch sử như:

Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì gặp người tiên độ trì [1] ...

Những điều ấy đáng nhẽ phải được khai thác triệt để, phải được sống lấp lánh trong đời sống văn hoá tinh thần hiện đại của người dân Việt Nam hôm nay. Thế nhưng, phải thừa nhận rằng đã lâu nay chúng ta hình như đang “ngủ quên” trên vòng quyệt quế, trên những giá trị đóng góp của đạo Phật của Đức Phật, của quá khứ hào hùng Lý –Trần mà chúng ta chưa “xây dựng” được một Đức Phật của chúng ta trong bối cảnh đời sống hiện đại.

Cần lắm những ông Bụt thời hiện đại

Chúng ta có đội ngũ Tăng – Ni tài, đức trên khắp ba miền đất nước, chúng ta có được sự đồng thuận từ phía các tín đồ Phật tử, các dân tộc anh em trên toàn thế giới, vậy thì có lẽ nào chúng ta lại không thể không có được những ông Bụt (Buddha) hiền lành phúc hậu vào các dịp lễ Phật đản hàng năm ? Trung Quốc cũng đã từng có một Hòa thượng Bố Đại với chiếc đãy to khoác trên vai đi hóa duyên cứu độ chúng sinh và hình ảnh ấy đã được biết đến như là một hóa thân của Đức Phật Di Lặc – vị Phật luôn đem đến sự bình an, hạnh phúc cho mọi người. Vậy thì tại sao chúng ta lại lãng quên đi hình ảnh ông Bụt của Việt Nam mình ???

Chúng ta rất cần những ông Bụt thời hiện đại mỗi khi Phật đản về
như vị Hòa thượng Bố Đại trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc

Hàng năm, cả nước đều long trọng cử hành đại lễ Phật đản trang nghiêm với cờ, hoa, với chim bồ câu trắng biểu tượng của hòa bình nhưng lại chưa hề có biểu tượng ông Bụt bằng xương, bằng thịt mang thông điệp tình thương, sự hiểu biết của đạo Phật, của đức Phật đến tận tay mọi người. Thiết nghĩ, với chiều sâu không gian tâm linh văn hóa trên hai nghàn năm, với một khối lượng lớn các tín đồ thanh niên nam, nữ Phật tử, với sự nhiệt tình ủng hộ tài vật từ phía các nhà doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, chúng ta thừa sức để sáng tạo nên những “ông Bụt” ; những ông Bụt bước ra từ thế giới cổ tích vào lễ Phật đản 2010.

Viết đến đây, người viết cứ liên tưởng đến mùa Phật đản năm sau trên khắp mọi miền đất nước hình ảnh ông Bụt hiền lành, phúc hậu râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc, vai khoác đãy có mặt ở hầu hết các tụ điểm vui chơi giải trí của người dân, hoặc len lỏi đến tận hang cùng, ngõ hẻm để trao đến tận tay mọi người những món quà ý nghĩa cùng những thông điệp tích cực cho một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển.

Linh Thuần (theo: giacngo)

[1] Thơ: Trích từ " Truyện cổ nước mình " của Lâm Thị Mỹ Dạ (Theo SGK Tiếng Việt lớp 5, tập 2)

Các tin đã đăng: