Khỏi phải nói, đối với Phật tử, việc được cung nghênh, chiêm
bái Xá lợi Phật và Thánh Tăng là phúc báo nhiều đời, nhiều kiếp, là nhân
duyên hi hữu. Thế cho nên, từ một bà cụ già Phật tử nơi miền thôn quê,
đến những thanh niên Phật tử chốn đô hội, từ doanh nhân đến các nhà trí
thức Phật tử, ai nấy cũng đều khát khao một lần trong đời được trải
nghiệm sự kiện hy hữu đó.
Thế nên, khi nhân duyên hội đủ, phúc báo đến thời, ai ai cũng hoan hỉ
được đóng góp tâm lực, tịnh tài để tổ chức sự kiện ấy sao cho được thập
phần viên mãn. Vì thế, chẳng lấy làm ngạc nhiên khi một doanh nhân Phật
tử bỏ 100.000 USD ra để lo khâu tổ chức, đặc biệt là thuê riêng một
chuyến máy bay khứ hồi Việt Nam - Ấn Độ.
Nếu vị đại thí chủ ấy không phát tâm, thì hàng trăm, hàng ngàn Phật tử
cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để được hành hương sang đất Phật để cung nghênh
về Việt Nam. Hàng năm, hàng chục ngàn Phật tử vẫn bỏ tiền túi ra đi du
lịch, hành hương, chiêm bái tứ động tâm, thánh địa của Phật giáo trên
đất Ấn Độ. Chúng ta không thể bảo những người đi hành hương ấy là vô
minh, là lãng phí, là thay vì dành tiền đi hành hương thì phải dành tiền
lo cho người nghèo.
Chúng ta cũng không thể bảo những người đi hành hương Ấn Độ là phải đi
xe, đi tàu hòa, tàu thủy vì đi máy bay là xa hoa, lãng phí, vì chi phí
cơ hội của việc tiết kiệm thời gian, sức khỏe của việc đi lại bằng máy
bay còn lớn hơn rất nhiều so với các phương tiện kia, chưa kể việc đi
lại bằng các phương tiện này đến Ấn Độ là không khả thi.
Việc hội tụ của những người con Phật trên chuyến chuyên cơ đó là một sự
hội tụ hy hữu và vô cùng ý nghĩa, là một sự thăng hoa về tâm linh và tấm
lòng hướng Phật, vì sao? Vì được có một chuyến hành hương tập thể, có
quý Thầy, có đồng đạo, lại không phải là một chuyến hành hương thông
thường, mà hành hương để cung đón và rước báu vật của Phật về Việt Nam.
Như vậy, việc di chuyển bằng máy bay theo lẽ thế gian là hết sức bình
thường trong thời đại ngày nay, lại là di chuyển của một đại sự kiện của
Phật giáo, được một đại thí chủ tài trợ, há chẳng phải là một duyên
lành hay sao? Và việc tài trợ ấy chẳng đáng tán thán, ghi nhận hay sao?
Chúng sinh có lòng hướng thiện, xiển dương Phật pháp, tại sao chúng ta
không tùy thuận, tại sao không tùy hỷ công đức? Hàng trăm người được đặt
chân đến đất Phật, hàng vạn người được cung nghênh, chiêm bái trực
tiếp, hàng triệu lượt người sẽ có phúc báo chiêm bái lâu dài, dân tộc
Việt Nam có thêm báu vật của Phật. Sao chúng ta không tán dương, ghi
nhận? Tại sao chúng ta lỡ xúc phạm đến tấm lòng, tình cảm của người con
với đấng Cha lành khi tổ chức một sự kiện trọng thể, trọn vẹn như vậy?
Có lẽ, chỉ có tâm đố kị, hẹp hòi, ghanh ghét, hoặc trí tuệ thiếu sáng
suốt mới dẫn đến việc buông ra những lời như “vô minh”, “lãng phí”, và
ai đó buông ra những lời như vậy có thể gọi là học Phật, Phật tử?
Lại nói về việc sử dụng xe đời mới, đắt tiền, xe sang để vận chuyển Xá
lợi Phật. Đấy đều là xe của các Phật tử, hay nói theo ngôn ngữ đời
thường, là “của nhà trồng được”. Nếu không dùng xe đó để rước Xá lợi
Phật, nó sẽ được nằm trong gara, hay cho ai đó thuê, hoặc cho ai đó
mượn. Giống như trong vườn nhà chúng ta có nhiều hoa trái, trong đó có
những thứ quả ngon nhất, những bông hoa đẹp nhất, thơm nhất. Liệu chúng
ta có dành những quả đó, hoa đó để dâng lên Đức Phật hay không? Và điều
đó có hợp lẽ thường hay không?
Khi một Phật tử bày tỏ lòng thành với Ban tổ chức muốn được dành chiếc
xe đẹp nhất, sang nhất của mình để rước Xá lợi, tại sao chúng ta không
tùy hỷ, không tán thán? Giả sử nếu Giáo hoàng sang thăm dân Chúa tại
Việt Nam, người dân Chúa đem xe đẹp nhất, sang nhất của mình để rước
Giáo hoàng, liệu điều đó có đáng phê phán? Đấy là chưa kể làm sao có thể
so một vị giáo hoàng người trần mắt thịt với đấng đại giác ngộ.
Phải chăng khi chúng ta đủ điều kiện để mặc áo đẹp, chúng ta vẫn phải
mặc áo rách, trong khi lẽ ra chúng ta vẫn có quyền mặc áo đẹp và giúp
những người áo rách có áo đẹp mặc?
Vậy thì, dù là người con Phật hay không, việc chúng sinh bày tỏ lòng
thành đón rước báu vật của Phật một cách trang nghiêm, trọng thể là cần
phải tùy thuận, tùy hỷ và tán thán. Đó cũng là điều mà Tổng biên tập
Nguyễn Anh Tuấn của Vietnamnet, họa sĩ Lê Thiết Cương, “Phật tử” Lê Minh
Hiếu, “nguoibuongio”… phải thấu hiểu trước khi phóng tâm, múa bút.
Theo: phattuvietnam.net