Đó là tính trên lượng. Còn trên chất, thì chúng ta đào tạo
được bao nhiêu Phật tử có học hành, hiểu biết giáo lý đúng đắn? Hay chỉ
là những con số đến quy y rồi trở về với nguyên trạng mê tín, lạc hậu?
Trong khi đó, PG lại được các nhà khoa học, nghiên cứu trên thế giới, kể
cả nhà bác học Anh-xtanh công nhận là ưu việt hơn cả. Sự mâu thuẫn này
thật sự rất đau xót, và trách nhiệm lớn nhất có lẽ ở ngành hoằng pháp, ở
vai trò của người xuất gia đã không làm tròn câu “Hoằng pháp vi gia vụ-
Lợi sanh vi bổn hoài”.
Tất nhiên, người xuất gia có nhiều hạnh nguyện, nhưng hạnh nguyện cao
nhất phải là hoằng pháp. Vì nếu không như thế, thì giáo pháp cao quý
của Đức Phật sẽ mai một dần, và Tam Bảo sẽ không còn đủ 3 ngôi. Mà xét
cho cùng, giáo pháp mới là ngọn đuốc dẫn đường cho người ta biết sống
thế nào an lạc, hạnh phúc. Giáo pháp như tấm bản đồ giúp con người tìm
lối đi tốt đẹp giữa rừng rậm cuộc đời, mất tấm bản đồ ấy, chắc chắn con
người sẽ lạc bước vào tội lỗi. Thế cho nên, coi trọng công tác hoằng
pháp cũng không có gì quá đáng.
Và hiện tại, chúng ta đang phải giải một bài toán hoằng pháp vừa có
nhiều khó khăn lẫn thuận lợi trong một bối cảnh xã hội mới, hiện đại
hơn, phát triển hơn.Qua thời gian hoạt động thực tế, lẫn quan sát, suy
tư, và rút kinh nghiệm, chúng tôi tạm đặt nghiệm số của bài toán là x,
trong khi những tham số có sẵn là a, b, c, d, e, f, sẽ lần lượt được
trình bày để quý vị tham khảo và góp ý.
a= KHẢ NĂNG GIẢNG SƯ
Khả năng giảng sư có thể coi là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc
hoằng pháp. Vì không có con người thực hiện, thì sẽ không có công việc
hoàn thành. Và khả năng giảng sư bao gồm những yếu tố như sau:
a1: nhiệt tình
a2: năng khiếu
a3: sáng tạo, năng động
a4: rèn luyện, học tập
a5: các kỹ năng khác hỗ trợ
a6: phước đức
*nhiệt tình: hay đúng hơn phải gọi là tâm nguyện của
vị giảng sư. Người có tâm nguyện mạnh mẽ đối với hoằng pháp, thì sẽ
không ngại khó, ngại khổ, không cân đo quyền lợi, không tính toán thù
lao. Có khi phải lạy Phật, khấn trước Phật, phát nguyện nghiêm túc, như
một lời thề, như thế sẽ có thêm sức mạnh bản thân, đồng thời thêm lực
gia hộ từ chư Phật, chư thiên. Không phát nguyện đàng hoàng, chúng ta sẽ
vui làm, buồn bỏ, không cố gắng giữ uy tín. Từ tâm nguyện, nhiệt tình
này, sẽ chiêu cảm nhiều thứ khác, thí dụ chúng ta sẽ ham học hỏi, nghiên
cứu tài liệu để giảng dạy cho sâu sắc (a4), cố gắng sáng tạo cách dạy
hấp dẫn, dễ hiểu (a3), tìm thêm các hoạt động khác lôi cuốn người học
đến chùa (a5) v.v... Nói chung, nhiệt tình là cái gốc của vị giảng sư
dấn thân, và khi đã dấn thân thì sẽ xoay sở để vượt qua mọi khó khăn.
*năng khiếu: có nhiệt tình rồi, nếu có thêm năng
khiếu nữa thì giảng sư sẽ thành công lớn. Thực tế, trong tăng đoàn chúng
ta số người có năng khiếu giảng dạy không nhiều lắm. Đây là món quà
“trời cho” không thể trách móc ai được. Tuy nhiên, trong trường hợp ít
năng khiếu sư phạm đi nữa mà có nhiệt tình thì việc hoằng pháp cũng được
bù đắp ít nhiều, cũng thành công khả quan. Bù đắp từ đâu? Từ việc
nghiên cứu, học hỏi tài liệu, từ việc mày mò sáng tạo. Bản thân chúng
tôi cũng không hề có năng khiếu sư phạm, nhưng khi lên giảng chúng tôi
đã chuẩn bị giáo án rất chu đáo, làm thêm những mô hình minh họa cho bài
học, cắt dán từ tranh ảnh, vui mắt, dễ thuộc, khiến Phật tử thích thú,
không buồn ngủ. Tóm lại, giảng sư không có “năng khiếu” cũng đừng sợ, cứ
mạnh dạn vào cuộc, dần dần “nghề sẽ dạy nghề”.
*sáng tạo, năng động: điều này tưởng trùng lắp với
năng khiếu, nhưng thật ra không phải. Có người năng khiếu sư phạm đầy
mình, nhưng lười động não, thì chỉ dừng lại ở mức độ nào đó. Còn người
có tính sáng tạo, dù họ không chuyên dạy học, mà chuyên về mỹ thuật, văn
chương, trồng cây kiểng chẳng hạn, khi cần tham gia hoằng pháp họ vẫn
động não tìm ra cách dạy tốt. Tính sáng tạo nằm trong mỗi con người, bất
luận đang theo nghề gì, và khi cần thiết thì họ có thể áp dụng vào mọi
hoạt động khác nhau. Chúng tôi là người chỉ quen làm thơ, làm báo, chưa
đi dạy bao giờ, vậy mà đã cố gắng sáng tạo ra những cách cho Phật tử học
pháp dễ nhớ, mau thuộc. Nói cho cùng, dù có năng khiếu hay không thì vị
giảng sư cũng phải sáng tạo thường xuyên, để tránh sự đơn điệu, nhàm
chán cho người học lẫn cho bản thân mình.
*rèn luyện, học tập: giảng sư phải bổ sung kiến
thức, cập nhật hoá những thông tin mới, tiếp cận được với hơi thở cuộc
sống và con người hôm nay, thì mới tìm ra cách thuyết phục thính chúng.
Cho nên, bên cạnh học nội điển, chúng ta còn ủng hộ việc đọc báo, xem
thời sự, xem phim, ca nhạc, với mục đích không phải tham luyến mà là
quan sát cuộc sống, tìm lối đi phù hợp cho hoằng pháp. Khi giảng, nếu
dẫn chứng ngay những gì đang xảy ra trong xã hội, thì mọi người thú vị
hơn. Thí dụ, trong một buổi nói chuyện về chữ hiếu, chúng tôi đã kể câu
chuyện một ông phó chủ tịch UBND tỉnh bất hiếu với mẹ già, bị đăng báo
cách đây mấy năm, ai nấy đều thích nghe. Hoặc khi nói về cõi trời, chúng
tôi dẫn chuyện phim Tây Du Ký khiến các em thiếu nhi dễ hình dung, thậm
chí còn cười rộ, khoái chí. Nhờ vậy, giữ được không khí lớp học sinh
động, tươi tắn.
*các kỹ năng khác hỗ trợ: qua kinh nghiệm, chúng tôi
thấy rằng muốn tạo cho Phật tử ham học lâu dài thì ngoài việc giảng
pháp chúng ta có thể chen vào những sinh hoạt tập thể lành mạnh, để tạo
một không gian vui vẻ, phong phú. Chẳng hạn, có thể ca hát, vẽ vời, đố
vui, nữ công gia chánh, thơ văn, học ngoại ngữ, tin học... Ngôi chùa
biến thành một trung tâm văn hoá, giúp ích cho đời sống tinh thần của
Phật tử, chứ không quá xa lạ, trang nghiêm, đặc biệt với Phật tử trẻ.
Như thế họ sẽ gắn bó với Tam Bảo, thì lúc ấy muốn hoằng pháp cỡ nào cũng
được. Vị giảng sư nên học thêm vài môn thế học lành mạnh để làm phương
tiện. Nếu không, có thể mời những Phật tử thành thạo đến hợp tác, giúp
sức.
*phước đức: đây mới chính là tiềm lực ẩn phía sau,
gần như quyết định sự nghiệp của vị giảng sư. Người có phước đức lớn, từ
nhiều đời nhiều kiếp, thì nổi tiếng ngay, thuận lợi đủ bề. Người kém
phước đức, thì gặp nhiều nghiệp duyên, thậm chí muốn lên giảng cho người
ta cũng không được, vì không đủ hảo tướng, hoặc ngôn ngữ, hoặc sự ủng
hộ v.v... Tuy nhiên, với một tâm nguyện mạnh mẽ thì chúng ta có thể
chuyển nghiệp được. Có người cứ cần mẫn làm công tác cho chùa, cho huynh
đệ, chuyện nhỏ chuyện lớn gì cũng không từ nan, tích lũy phước đức để
sau này thực hiện hoài bão. Có người bắt đầu bằng những buổi dạy pháp
rất khiêm tốn, chỉ một vài Phật tử cũng tận tụy truyền trao sở học. Có
người lặn lội vùng sâu vùng xa, tìm nơi đói pháp mà trao. Có người ủng
hộ tài vật cho giảng sư khác, hoặc lo cho tăng ni sinh ăn học, cúng
dường sách vở. Có người ấn tống kinh sách, băng đĩa phát cho Phật tử...
Những nhân tốt đó đều đưa đến quả lành là vị ấy sẽ đạt được tâm
nguyện hoằng pháp. Thật ra, khi đã phát nguyện mạnh mẽ là vị ấy đã nuôi
cái đức rồi, trước sau gì cũng được gia hộ. Chúng tôi nghĩ rằng đây mới
là cái gốc để giảng sư vun bón nhiều nhất, vì có phước đức thì tự nhiên
sinh ra năng khiếu, sinh ra sự sáng tạo, trí thông minh học hỏi, và
những thuận duyên khác nữa (như sự ủng hộ của trụ trì, chính quyền, tài
chánh...). Ngược lại, nếu có sẵn phước đức mà không biết giữ gìn, lại
làm hao tổn đi, như tính toán thù lao, chê vùng khó khăn, xa xôi, ganh
tỵ đồng nghiệp, kiêu căng, mất oai nghi phẩm hạnh... thì sự nghiệp hoằng
pháp cũng bị gãy đổ.
b= SỰ ỦNG HỘ CỦA TRỤ TRÌ, CHÍNH QUYỀN, GIÁO HỘI
Chúng ta đang sống trong quốc độ nào thì đương nhiên phải tôn trọng
sự quản lý của chính quyền sở tại, và khi làm Phật sự thì chịu sự quản
lý của Giáo hội, của trụ trì nơi trú xứ ấy. Nghị định của Chính phủ đã
cho phép các hoạt động của tổ chức tôn giáo trong đó có hoạt động truyền
đạo, giảng đạo tại cơ sở (điều 7, chương III), do đó chúng ta hãy tuân
thủ những nguyên tắc cần thiết để bảo đảm sự an toàn, minh bạch. Thí dụ
xin cấp giấy phép nếu có tổ chức đạo tràng quy mô, hoặc những buổi lễ
long trọng. Nếu cần thiết, có thể giải thích cho địa phương hiểu mục
đích tốt đẹp của việc hoằng pháp là góp phần nâng cao trí tuệ người Phật
tử, để họ góp phần đúng đắn vào công việc xây dựng đạo pháp, xây dựng
quốc gia, xã hội.
Thông thường, vị trụ trì gây được thiện cảm với chính quyền thì việc
hoằng pháp rất thuận lợi. Có những nơi, chỉ cần xin giấy phép lần đầu
tiên và mời đại diện chính quyền tham dự, thế là những lần sau họ không
thắc mắc, đòi hỏi nguyên tắc gì nữa. Nói chung, đức độ của vị trụ trì
thuyết phục được mọi người xung quanh. Chính vì thế, trong những lần tổ
chức hoằng pháp, chúng tôi thường chú ý chọn những ngôi chùa có vị trụ
trì đức độ, dù vị ấy không giỏi giang, không học hành nhiều cũng chẳng
sao. Đức độ ấy đủ chiêu cảm những yếu tố thành công khác.
c= CƠ SỞ VẬT CHẤT
Dĩ nhiên, công tác hoằng pháp phải cần một số cơ sở vật chất làm
phương tiện hoạt động. Thí dụ, phòng ốc, ampli, loa, đèn, phấn bảng, bàn
ghế, bút mực v.v... Tuy nhiên, đừng quá quan trọng tiêu chuẩn này rồi
thấy cái gì cũng khó khăn, không đủ điều kiện hoạt động, rồi bỏ cuộc.
Hoằng pháp có nhiều dạng, nhiều cách. Có khi tổ chức thành buổi giảng
quy mô cho hàng trăm Phật tử, có khi tổ chức thành lớp học cho vài chục
người, có khi chỉ cần trao đổi đơn giản trong vòng vài người bằng dạng
đàm đạo...
Vấn đề là đem được giáo pháp đến cho Phật tử, bất luận nhiều ít, đừng
tham lam phải làm lớn, làm rình rang mà quá sức mình, quá sức cung cấp
của trú xứ. Tuỳ duyên mà độ chúng sanh, miễn sao tâm nguyện của mình
chân thành là được. Có nhiều vị học ra trường về lại địa phương, bảo
rằng chùa nhỏ, chùa nghèo, không hoằng pháp được. Nhưng chúng tôi đã thử
nghiệm tại những ngôi chùa cực kỳ hẻo lánh, tạm thu xếp cho các em ngồi
tại chánh điện, lấy kệ tụng kinh làm bàn viết, hoặc tận dụng một chái
nhà kho ngổn ngang, nóng nực làm nơi ngồi học, không có bàn ghế thì dùng
những bộ ván lung lay thường ngồi ăn cơm, không có ampli thì dành dụm
tiền mua tạm một bộ loa mini...
Ấy thế mà lớp học rất đông, từ 40 tới 100 em, và học cả năm trời
không bỏ cuộc, kết thúc giáo trình 10 bài chính quy gồm Lịch sử Đức
Phật, Tam quy Ngũ giới, Bổn phận Phật tử tại gia, Thập thiện nghiệp, Tứ
nhiếp pháp, Vu lan bồn, Nhân quả, Vô thường, Luân hồi, Thiểu dục tri
túc. Dẫn chứng dài dòng như thế để khuyến khích tinh thần tăng ni sinh
trẻ đừng ngại khi phải dấn thân hoằng pháp trong điều kiện thiếu thốn.
Cơ sở vật chất đôi khi chỉ là ngoại lực, nhưng nội lực trong bản thân
chúng ta mới là quan trọng.
d= ĐỐI TƯỢNG HOẰNG PHÁP
Bài toán này thành công bao nhiêu còn tuỳ thuộc vị giảng sư biết đánh
giá đối tượng nghe pháp để chọn lọc bài học, chọn cách giảng dạy cho
phù hợp. Chúng tôi tạm chia theo các yếu tố sau:
d1: độ tuổi
*già: đa số thích nghe chuyện nhân quả, chuyện cổ,
cõi nào sẽ về sau khi mệnh chung... Cái lo của họ là tương lai nằm ở
kiếp sau và thêm nữa là bệnh tật đang làm họ khổ sở.
*trẻ: cái lo lại là tương lai nằm trong năm, mười
năm tới, có thành đạt, giàu có hay không. Có thể nhấn mạnh nhân quả để
định hướng thiện nghiệp cho họ. Nhưng trên hết vẫn là tính khoa học, dí
dỏm, sinh động.
*trung niên: họ cần lý giải những ưu tư trong cuộc sống dưới cái nhìn
của Phật Giáo, thắc mắc rất nhiều, và thường có chiều sâu do đã trải
nghiệm cuộc sống. Vì vậy, vị giảng sư cần tham khảo nhiều tài liệu để
giảng dạy sâu sắc hơn, nếu chỉ bám tài liệu một cách khô khan e rằng họ
mau nản vì không giải quyết được những bận tâm của họ.
d2: thành phần
*nông dân: tất nhiên họ sẽ thích cách nói giản dị,
dễ hiểu hơn là dùng chữ nghĩa văn hoa. Đôi khi giảng sư học được những
phương ngữ nơi vùng đất ấy, sẽ tạo thêm thiện cảm với họ. Hoặc tìm hiểu
hoàn cảnh vài người, rồi dẫn chứng, họ rất cảm động, nghĩ rằng giảng sư
quan tâm đến họ. Người nông dân học chậm, nhưng tâm hồn lại thuần khiết,
nên giảng sư dạy cái gì là họ tiếp thu trọn vẹn cái đó. Không cần dạy
nhiều, chỉ cần xoáy vào những trọng tâm của cuộc sống là đủ giúp họ có
cái nhìn đúng đắn với đạo, gây nhân quả tốt, chuyển nghiệp. Tham dạy
nhiều mà họ học không nổi, họ sẽ chán, mà giảng sư cũng chán
*trí thức: đối tượng này lại rất khó chinh phục,
nhưng khi đã chinh phục được rồi thì họ sẽ phát triển Phật pháp, rất
đáng mừng. Trước hết, giảng sư phải giỏi. Giỏi về pháp lẫn về oai nghi,
ngôn ngữ, kiến thức tổng quát. Họ không chấp nhận để người khác dắt đi
dễ dàng, mà thường lắng nghe rồi suy tư, phản biện, thắc mắc... Mối quan
tâm của họ không chỉ là những vấn đề thiết thực trong cuộc sống, mà còn
là những vấn đề trừu tượng hơn, vĩ mô hơn. Có người học để thoả mãn
khao khát về kiến thức nên họ càng đào sâu bài học, đào sâu vấn đề hơn
nữa. Có trường hợp, họ cùng nghiên cứu song song với giảng sư, chứ không
chỉ nằm ở vị trí thầy trò. Bởi thế, giảng sư phụ trách đối tượng này sẽ
rất thú vị, nhưng cũng rất lo lắng, phải chuẩn bị bài vở chu đáo hơn,
nghiên cứu trên diện rộng hơn.
*dân lao động thành thị: đối tượng này nói chung tập
nhiễm nhiều thứ phức tạp hơn các đối tượng nêu trên, nên giảng dạy cho
họ không đơn giản. Đa số họ bức bách với cuộc sống, một kiểu bức bách
khác hẳn người nông dân, nên họ căng thẳng và nghi ngờ hơn. Có thể nói,
đòi hỏi giảng sư kiên nhẫn và từ bi nhiều hơn, nếu không dễ bỏ cuộc.
d3: số lượng
*nhiều: thì giảng sư soạn bài theo kiểu chính quy.
Giảng đường càng đông càng có sự trân trọng, cộng hưởng, xem ra không
khó giảng dạy. Kinh nghiệm, nhiều giảng đường lớn hàng mấy trăm thính
chúng mà vẫn rất trật tự.
*ít: số lượng ít đâm ra lễnh loãng, khó giữ được
không khí phấn khởi. Vì thế giảng sư phải biết cách trò chuyện sao cho
thân thiện một chút, đừng quá trang nghiêm sẽ gây sự mệt mỏi nhanh
chóng. Kinh nghiệm chúng tôi từng được quý thầy giảng dạy trong bối cảnh
gọn nhẹ, gần như đàm đạo, không ngờ hiệu quả lại rất cao.
e= ĐỊA PHƯƠNG
Tuỳ theo vùng nông thôn, biên địa, hay thành thị mà chúng ta có cách
giảng dạy khác nhau. Chưa kể, phải quan sát vùng đó dân chúng nghèo hay
giàu, sống bằng nghề gì là chính. Đôi khi những dẫn chứng, minh họa của
chúng ta quá xa lạ với họ thì họ cũng không cảm nhận nổi. Chúng tôi có
lần về một vùng sông nước miền Tây, khi giải thích bài học liền thí dụ
ngay chuyện nước lũ và bông điên điển, làm ai nấy chịu liền. Ngược lại,
về thành thị mà nói chuyện con ba khía chưa chắc có mấy người biết đến.
Chúng ta nhớ câu “nhập gia tùy tục” là dễ chinh phục người ta nhất.
Nhưng qua kinh nghiệm thực tế, chúng tôi thấy nông thôn là mảnh đất
tốt đẹp cho các tăng ni sinh trẻ khởi đầu sự nghiệp, hơn là chen chúc
tại các khu đô thị. Chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn trong các bài khác,
nhưng rõ ràng Giáo Hội đang có một chủ trương đúng đắn là khuyến khích
lớp trẻ về với nông thôn, chắc chắn sẽ có những hỗ trợ cần thiết cho quý
vị hành đạo.
f= TÀI CHÁNH
Tài chánh góp phần không nhỏ vào công tác hoằng pháp. Nó bao gồm chi
phí cho in ấn tài liệu, mua sách vở tham khảo, phát thưởng cho học viên,
trả thù lao cho giảng sư... Thực ra, tuỳ điều kiện mà có thể giảm hoặc
tăng phần này phần kia. Thí dụ, tăng ni sinh trẻ về vùng sâu vùng xa
hoằng pháp, dĩ nhiên không ai trả thù lao cho mình rồi, thậm chí còn
chấp nhận dành dụm tiền in tài liệu học cho Phật tử, chịu tốn tiền xe đi
lại. Bước đầu phải hy sinh vì lý tưởng, phải tạo phước đức, đừng lo
không ai bù đắp. Tinh thần tận tụy ấy sẽ được chư Phật gia hộ sau này.
Qua những yếu tố kể trên, chúng tôi chỉ mạo muội phác thảo một sơ đồ
cho bài toán hoằng pháp, để mong tìm ra lời giải tốt đẹp. Chúng tôi xin
được nhận về những góp ý của chư vị tôn túc và Phật tử xa gần. Riêng đối
với các tăng ni sinh trẻ đang ấp ủ hoài bão hoằng pháp, thì chúng tôi
xin gởi gắm đôi lời như sau: hãy tuỳ duyên, tuỳ điều kiện của mình mà
giải bài toán, không tự ti, bỏ cuộc, cũng không tham vọng to tát. Nghiệm
số x có thể lớn, có thể nhỏ, nhưng tâm nguyện thì bình đẳng như nhau.
Chúng tôi chợt nhớ câu chuyện của ĐĐ Chúc Phú kể rằng, ngày xưa khi
thầy còn nhỏ, ở trong một vùng quê hẻo lánh của miền Trung, có một vị
tăng về trụ trì ngôi chùa làng nghèo khó. Vị này không học hành bao
nhiêu, chỉ có thể dạy cho lũ trẻ trong xóm những bài học rất vỡ lòng như
Tam quy, Ngũ giới. Không ngờ ấn tượng tuổi thơ đó đã khiến cậu bé yêu
mến đạo Phật và xuất gia tu hành.
Sau này cậu bé trở thành vị đại đức học cao, hiểu rộng, vừa làm báo
Giác Ngộ, vừa quản lý tăng chúng của một ngôi chùa lớn, vừa đi giảng
dạy, chính là thầy Chúc Phú bây giờ. Câu chuyện đó khiến chúng tôi cảm
động, và chợt nghĩ, công lao vị thầy trụ trì ngày xưa tưởng nhỏ nhưng
không nhỏ chút nào. Tại sao chúng ta cứ ngồi mơ ước những gì to tát, có
khi vượt quá tầm tay, mà không biết nắm bắt những gì giản dị hơn? Bài
toán hoằng pháp khó khăn, hay chính chúng ta luôn đòi hỏi quá nhiều?