Thực hư “Thánh lễ ngoại lệ tại chùa cho một vị chân tu vừa theo Chúa”
27/02/2011 10:05 (GMT+7)


Phóng viên Giác Ngộ đã đi thực tế xác minh thực hư về câu chuyện này...

Giả được dựng y như… thực

Mở đầu bài viết, tác giả Thanh Tâm đã thể hiện sự ngỡ ngàng và hạnh phúc khi thông tin về một thánh lễ đặc biệt được tổ chức tại “một ngôi chùa” và “vì lẽ người quá cố là người trụ trì ngôi chùa thân yêu mang tên Quan Âm (Bình Hưng - Bình Chánh)”.

Nơi thờ tự tại tư gia bà Lương Thị Phụng - Ảnh: G.T

Ngay sau đó là phần tường thuật về câu chuyện “cải đạo” của vị “trụ trì chùa Quan Âm” bằng sự quan sát của một người “trong cuộc” rất tinh tường, hiểu chuyện, sẻ chia và cảm thông sâu sắc đối với người “chân tu” đạo Phật cuối đời tự nhiên mật khải nguyện làm tông đồ nước Chúa. Đại khái như sau:

“Chuyện xảy ra là trong những ngày cuối năm 2010, ở căn phòng của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch vang lên những lời kinh, tiếng hát để cầu nguyện cho bệnh nhân. Cạnh lời kinh tiếng hát ấy có cả việc cử hành bí tích giải tội và cả rửa tội nữa.

Rồi một ngày kia, nằm trong căn phòng nhỏ ấy bỗng dưng có bệnh nhân ngồi dậy và xin những người đang làm việc tông đồ là “muốn theo đạo Chúa!”. Hết sức ngạc nhiên vì lẽ bệnh nhân rõ ràng là một sư cô nhưng lại ngỏ ý theo đạo. Một người bình thường bảo theo đạo đã là khó huống hồ chi là một vị sư cô.

Thế rồi, ngày 13 tháng 12 năm 2010 tại bệnh viện, sư cô Lương Thị Phụng đã được nhận bí tích thánh tẩy trở thành con cái Chúa với tên mới là Maria Lương Thị Phụng.

Sau những ngày chạy chữa, sư cô trở về ngôi chùa thân thương của mình. Tình người, tình Chúa cũng đi theo sư cô về ngôi chùa ấy. Thi thoảng những người giúp cho sư cô biết Chúa, biết Đạo cũng đến để thăm hỏi, để cầu kinh.

Chỉ sau một thời gian tin theo Chúa, Maria Lương Thị Phụng đã được Chúa gọi về Nhà Cha trên trời ngày 7 tháng 2. Thể theo lời thỉnh nguyện của người quá cố, gia đình đồng ý cho linh mục đến chùa Quan Âm (nơi sư cô trụ trì) để dâng lễ cầu nguyện cho người ra đi.

Hiện diện trong ngôi chùa hôm nay, hiện diện trong thánh lễ an táng cho Maria Lương Thị Phụng hôm nay hết sức dễ thương. Chủ tế là một linh mục dòng Chúa Cứu Thế, bài ca, bài đọc được các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán và các sơ thuộc Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn, một số giáo dân và cả gia đình tang quyến. Đặc biệt là trong thánh lễ này có cả sự hiện diện của quý tu sĩ của chùa và những Phật tử thân quen với người quá cố.

Trước khi cử hành thánh lễ, mọi người chào nhau bằng ánh mắt của tình thương, của tình liên đới giữa những người mang danh là Phật tử và giữa những người mang tên Giêsu. Vài người hỏi linh mục chủ tế rằng có ngạc nhiên không thì ngài mỉm cười bảo “Thiên Chúa có đường lối của Ngài”

Hình ảnh của bà Maria Lương Thị Phụng thật dễ thương. Bà được Thiên Chúa chọn, Thiên Chúa gọi trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt: trong bệnh viện, trong tư cách là nữ tu trụ trì chùa.

Thế là từ ngày 13 tháng 12 năm 2010, Hội thánh Công giáo có thêm một Kitô hữu nữa tên là Maria và ngày 7 tháng 2 năm 2011, Nước Trời lại có thêm một công dân mang tên Maria Lương Thị Phụng nữa”…

Có hay không “sư cô Lương Thị Phụng” “trụ trì chùa Quan Âm” và thực hư về một thánh lễ

Khi được hay tin và lần theo bài viết, chúng tôi (NV), đã có mặt tại cơ sở mà tác giả Thanh Tâm gọi đó là “ngôi chùa thân thương”. Cùng đi với chúng tôi còn có TT. Thích Huệ Minh - Thư ký Ban Đại diện Phật giáo huyện Bình Chánh và ông Trần Thanh Tạo - Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Bình Hưng.

Trước đó, được hỏi về chùa Quan Âm, TT. Thích Huệ Minh hết sức bất ngờ vì trong danh bạ tự viện mà Thành hội và Ban Đại diện Phật giáo địa phương quản lý đều không có. Riêng ông Tạo đã cho chúng tôi biết, đây không phải là một ngôi chùa mà chỉ là một cơ sở thờ tự tự phát do bà Lương Thị Phụng mua cách đây gần 10 năm làm nơi cư ngụ và đôi lúc thực hiện nghi thức đồng bóng, từng bị cơ quan chức năng của chính quyền địa phương vài lần nhắc nhở. Theo ông Tạo, những năm gần đây bà Phụng vì sức khỏe kém đã không thường xuyên thông báo với chính quyền địa phương về các hoạt động tín ngưỡng của mình.

Đúng như những gì ông Tạo khẳng định, qua tìm hiểu, xác minh với quần chúng địa phương và một số tu sĩ hiện đang tạm trú tại cơ sở, bà Lương Thị Phụng chưa thọ giới pháp của người xuất gia, không hề là “sư cô”. Cơ sở này cũng chưa được các cấp Giáo hội công nhận và tên “chùa Quan Âm” do người dân địa phương truyền miệng cho nhau. Riêng giấy tờ nhà đất của cơ sở hiện tại cũng không chính thức.

Bà Lương Thị Phụng (x) chỉ là một cư sĩ chứ không phải là "sư cô"
(Ảnh do thân nhân bà Phụng cung cấp)

Khi đề cập đến thánh lễ được tổ chức tại cơ sở này, chúng tôi đã nhận được thái độ bức xúc của các vị tu sĩ và một số người dân thân cận với cơ sở có mặt trong buổi tiếp chuyện.

Qua đó được biết rằng, trước Tết Nguyên đán, bà Lương Thị Phụng liên tiếp trở bệnh nặng và phải nhập viện. Trong thời gian điều trị ở bệnh viện, bà đã được một số nữ tu Thiên Chúa giáo dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán làm quen và tỏ ra gần gũi mà người con nuôi chăm sóc bà thường được gọi là Thanh Phước tường tận về mối quan hệ này. Theo cô Nhị Tam, một người thường chăm nom bà cho biết, có lần các nữ tu Thiên Chúa giáo mang bánh thánh vào mời bà ăn nhưng vì tay chân lúc đó bất động nên bà không thể hiện sự phản ứng được. Có lần bánh được đưa vào miệng, bà đã phun ngược trở ra…

Đến ngày 22-1-2011 (tức 19 tháng Chạp năm Canh Dần), nhận thấy sức khỏe của bà Phụng ngày càng yếu đi, để trợ duyên, bà đã xuống tóc để nhắc nhở bà chuyên tâm niệm Phật và quy hướng Tam bảo. Đến ngày 6-2 (tức mùng 4 Tết) bà Phụng qua đời. Sau đó một ngày, nhận được tin báo từ người con nuôi Thanh Phước, một đoàn gồm linh mục và gần 20 nữ tu Thiên Chúa giáo đã đến cơ sở và tổ chức buổi lễ dài gần 30 phút. Khi đến nơi họ chỉ biết có mỗi Thanh Phước mà không thông báo cũng như xin phép gì tang gia hay thầy Thiện Luật, người trước đó được bà Phụng mời về để quản lý cơ sở và điều hành lễ tang sau khi bà mất. “Chúng tôi cứ ngỡ họ chỉ vào viếng lễ tang nên không phản ứng gì. Nhưng khi nhận thấy họ tự động xếp bàn ghế, làm lễ theo nghi thức Thiên Chúa giáo và thời gian kéo dài nên Ban kinh sư đã đánh báo chúng ra dấu hiệu ngừng nhưng họ vẫn phớt lờ”, thầy Thiện Luật tỏ vẻ khó chịu khi thuật lại câu chuyện. Người dân địa phương có mặt buổi tối đó đều tỏ vẻ bất bình về việc làm này.

Ngày 11-2 (tức mùng 9 Tết), thi thể bà Phụng được chôn cất cũng là lúc mà bài viết “Thánh lễ đặc biệt” được đưa lên trang nhà VietCatholic News, trang nhà Tổng Giáo phận TP.HCM và sau đó tràn lan gần như hầu hết các trang web Thiên Chúa giáo trong và ngoài nước khác. Vào lúc này, tại cơ sở, một buổi họp đã diễn ra và tất cả mọi người thân thiết với cơ sở đều chỉ trích việc Thanh Phước báo tin cho nhóm tu sĩ Thiên Chúa giáo và đã không chấp thuận cho Thanh Phước tiếp tục ở lại cơ sở.

TT. Thích Huệ Minh, Thư ký Ban Đại diện PG H.Bình Chánh:

“Sự việc đáng tiếc này là một kinh nghiệm mà chúng tôi cần rút ra để có những đề xuất cách giải quyết đối với các cơ sở tín ngưỡng - tâm linh tự phát tại địa phương liên quan đến Phật giáo. Đây cũng là một bài học và là lời cảnh tỉnh đến với Tăng Ni, Phật tử cần có sự gắn kết với các cơ quan Phật giáo và cần có những thái độ quyết liệt đối với những biểu hiện không đúng với Chánh pháp diễn ra tại đơn vị mình”.

Qua những gì tường thuật ở trên sau khi xác minh thì việc gọi là “Thánh lễ ngoại lệ tại chùa cho một vị chân tu vừa theo Chúa” thực hư thế nào đã rõ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bất ngờ về cách tiếp cận thông tin và rao tin mừng của tác giả Thanh Tâm cũng như nhóm tu sĩ Thiên Chúa giáo đến với lễ tang của bà Phụng. Không biết họ cố tình sử dụng từ ngữ rất tinh tường vì lý do và với mục đích gì nhưng có một thực tế là đã “tự dựng chuyện” và sử dụng quyền tự do thông tin làm phương hại, gây nên những làn sóng bất bình và có những phản ứng gay gắt mà chúng tôi nhận được.

Bởi lẽ, trong mối quan hệ kéo dài với bà Phụng (lúc bà chưa được xuống tóc) và với sự am hiểu vấn đề khi viết một bài như thế, không lẽ tác giả Thanh Tâm cùng những tu sĩ Thiên Chúa giáo kia không biết bà Phụng chẳng hề xuất gia một ngày nào cả, chẳng hề được Giáo hội chứng nhận là sư cô huống gì phong lên đến bực “chân tu”, trụ trì một ngôi chùa (?). Không những vậy, việc tiếp cận bà Phụng và ngay cả làm lễ cho bà Phụng, họ đã thực sự được sự đồng ý của chính bà và người có quyền được đại diện cho cơ sở khi bà đã mất? Đó là chưa đề cập đến việc cơ sở mà họ đến không phải là ngôi chùa, cơ sở Phật giáo được Giáo hội cũng như luật pháp công nhận.

Hơn nữa, những gì diễn ra sau đó cho thấy sự cố tình và thái độ không được trong sáng của việc làm này khi vào chiều ngày 18-2 vừa qua, có 2 nữ tu Thiên Chúa giáo xưng là đại diện dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán đến cơ sở bà Phụng với mục đích trao đổi cùng những người tại cơ sở “để giải tỏa hiểu lầm từ bài viết”. Tại đây, đại diện cơ sở đề nghị xác định ai đã viết lên bài đó và với mục đích gì thì họ liên tiếp khẳng định không biết và cho rằng họ không liên can gì cả bằng những lời lẽ thiếu thiện chí và trước sau bất nhất, lại có những cách xưng hô, hành động tùy tiện không được mấy lịch sự trong giao tiếp dù đến với mục đích giải tỏa sự hiểu lầm, theo như lời họ nói.

Quyền tự do theo tôn giáo hay không theo một tôn giáo nào là quyền hiến định được Hiến pháp và pháp luật nước CHXHCN Việt Nam bảo hộ. Xét ở khía cạnh này, thông tin “Thánh lễ ngoại lệ tại chùa cho một vị chân tu vừa theo Chúa” là hoàn toàn sai sự thật, tự dựng theo trí tưởng tượng một cách khá hoàn hảo, dù với mục tiêu gì, nhưng rất tiếc là lại được đăng tải trên trang nhà của Tổng Giáo phận TP.HCM cùng nhiều trang tin khác đã tạo nên luồng thông tin không trong lành trong thời gian qua, xúc phạm đến niềm tin tôn giáo và cá nhân, gia đình người có niềm tin tôn giáo.

Bảo Thiên (Giác Ngộ)

Các tin đã đăng: