Trong suốt tháng Giêng người lễ chùa đông đảo. Đây là cơ hội làm ăn đối với họ.
Sau giao thừa, lễ ở một chùa lớn vào bậc nhất TP.HCM, tôi thấy trước
cửa chùa rất nhiều người có hình thức “Tăng Ni”, có lẽ đều từ nơi khác
tới, vì họ tách biệt hẳn với những vị sư trong chùa, đang lo toan những
công việc trong văn phòng hay trên chánh điện.
Một người giả sư khất thực trên đường phố - Ảnh: Bảo Toàn
“Tăng Ni” giả lẫn lộn với Tăng Ni thật, tập hợp trước cửa chùa với nhiều việc khác nhau, đó là vấn đề.
Thử lướt qua cảnh trong sân chùa. Một số các vị Ni ngồi viết thư
pháp, trên bàn hẳn hòi. Đứng xem thấy dùng bút lông rất thông thạo, nét
bút chuyên nghiệp, nội dung gắn liền với tinh thần đạo Phật. Đây không
thể là một nhà tu giả.
Nhưng kế bên là một người đàn bà đứng tuổi, áo tràng nâu, khăn trùm kín đầu nên không biết là có xuống tóc hay không.
Bà rao bán nhang không khác gì cách rao hàng ở ngoài chợ. Và điều
đáng lưu ý là thỉnh thoảng bà lại chăm sóc một đứa bé, đầu không tóc,
mặc đồ nâu kiểu nhà chùa, tuổi còn ẵm tay, theo cách nhìn bình thường
của dân gian, người ta nghĩ ngay đó là… con bà.
Cạnh bên có một thanh niên, ăn mặc theo lối nửa
Nam tông, nửa Khất sĩ, bình bát đầy ắp tiền, vẻ mặt hiền từ nhưng có vẻ
ngượng ngùng, khi tôi quan sát kỹ.
Cạnh bên có một vài vị hình thức Ni, đứng bán nhang trong im lặng,
không mời mọc, không tỏ ý cạnh tranh, tôi nghĩ có lẽ nhà tu hành thật.
Một chiếc ô tô sang trọng chở các vị sư, chắc hẳn là thật, chạy chậm
chậm vào chùa, với một số người dẹp đường, nhìn có vẻ lơ đãng cảnh thật
giả lẫn lộn trước cửa chùa, rồi lẳng lặng vào trong.
Như vậy, sư giả, mà giả trong hình thức khó coi nhất, mẹ con, bình
bát đầy tiền… đã được chấp nhận gián tiếp. Họ đứng tại cổng chùa (phía
bên trong khuôn viên), lẫn lộn với Tăng Ni thật, và các vị sư trong chùa
hẳn cũng thấy cũng biết, nhưng cũng không thấy ai nói gì.
Những sư giả, trông có vẻ không sạch sẽ, dáng đi, nét mặt có vẻ
ngượng ngùng, không lương thiện đó, với các vị Tăng thật, tài hoa trong
nét bút, hay trên chiếc xe hơi…, mặc cùng một màu áo Phật, cùng xuống
tóc…Không biết các vị sư thật nghĩ gì, nhưng với tôi, quả là chuyện
không thể chịu đựng.
Nếu sư giả lẩn khuất ở đâu đó, làm tiền chui lủi, lựa lúc không ai biết, thì có thể không thể nói đến.
Đàng này, họ đứng chung với sư thật tại chùa, đối với người phát hiện
thì ngại ngùng nhưng không tránh né, cũng không e dè gì sư thật trong
chùa, thì quả là không ra làm sao nữa.
Hiện tượng sư giả này chắc chắn sẽ phổ biến trong lễ hội tháng
Giêng, ở khắp đình chùa miếu mạo, chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng đến hình
ảnh của Tăng bảo ngay trước tòa Tam bảo, tai hại cho sự tôn nghiêm của
Phật giáo thật chẳng biết bao nhiêu, nhất là đối với cái nhìn của đại đa
số quần chúng.
Những hình ảnh thế này trong sân chùa dễ gây nên
những ngộ nhận đáng tiếc cho người mới đến với đạo - Ảnh: Bảo Toàn
Có phải là Phật tử không những người bỏ những đồng tiền lẻ vào bình
bát của thanh niên cạo đầu mặc áo sư. Nếu không phải là Phật tử thì họ
sẽ không cho, vì sư không liên quan tới họ.
Nhưng nếu là Phật tử, thì chẳng lẽ họ ngô nghê đến mức không thể biết
đó là sư giả, giả một cách vụng về và ngượng ngùng, nhận tiền trong
bình bát giữa đêm khuya – khất thực phi thời?
Không nói gì đến Giáo hội ở trên, mà sư thật trong chùa cũng không
phản ứng gì hết. Ít ra là thời gian tôi quan sát được. Thế là điều không
thể tránh khỏi khi không gặp trở ngại gì, thì sư giả ngày càng đông, tụ
tập đến chùa, rồi đông hơn cả sư thật.
Ai cũng biết trong quân đội, dù là sĩ quan cấp úy cho đến anh dân
quân tự vệ ra đường trang phục mang giày, không đúng điều lệnh đều bị
kiểm soát quân sự gọi lại, từ nhắc nhở cho đến thậm chí bắt về cơ quan
chức năng, với nhiều hình thức kỷ luật tùy mức độ. Còn giả dạng sĩ quan
để làm việc không chính đáng thì khỏi nói, ra tòa mà lãnh án nặng. Quân
đội nước nào cũng vậy, vì sự tôn nghiêm của quốc gia.
Còn ở đây, sư giả đứng ở sân chùa với sư thật, khác nào sĩ quan giả
trêu ngươi trước cổng Bộ tư lệnh. Phật giáo không có sức mạnh cưỡng chế
như quân đội, nhưng cũng giống ở quân đội ở thể diện tôn nghiêm, và cũng
giống bất kể tổ chức đoàn thể nào khác, là không thể chấp nhận sự giả
mạo.
Nhưng nay, ở một bộ phận tu sĩ Phật giáo dường như có sự thờ ơ chấp
nhận, thỏa hiệp nào đó. Có thể không khó hiểu vì một bộ phận tu sĩ quá
thụ động, đến mức mình bị giả mạo, bôi nhọ, hạ thấp sự trang nghiêm mà
hầu như đến mức không thấy, không biết, làm ngơ.
Xin nghĩ rằng, điều tai hại đó không chỉ giới hạn ở mức đồng hóa
người tu sĩ chân chính với kẻ không lương thiện, mà còn là sự xúc phạm
đến Tam bảo, là một trong nhiều yếu tố gây thối thất tín tâm với khách
lễ chùa.
Một đứa bé thấy thầy sư nhếch nhác, hạ liệt như thế, thì ấn tượng đầu đời của nó đối với đạo Phật sẽ như thế nào?
Rồi vào nhà thờ, thấy mục sư lịch sự trong âu phục thắt cà vạt, đường
bệ, lịch sự (hầu như không có mục sư, linh mục giả mặc áo vest, áo
chùng thâm đi xin tiền, bán hàng), chúng sẽ so sánh thế nào?
Người theo đạo Phật 40 – 50 tuổi còn không phân biệt được sư thật, sư
giả. Sư giả ngang nhiên đến “hành nghề” tại chùa, trong sân chùa, thì
làm sao những đứa bé mới lớn dù con nhà Phật giáo phân biệt được đâu là
sư giả, đâu là Tăng Ni thật?
Chúng tôi xin không nói đến biện pháp ở đây, mà chỉ xin lưu ý đến vấn đề ý thức. Có ý thức ắt có biện pháp.
Nếu không thì việc sư giả tràn ngập ngày càng nhiều chùa chiền trong
lễ hội tháng Giêng và ngày càng nhiều hơn sư thật là chuyện nhãn tiền.
Minh Thạnh (GNO)