Trong bối cảnh hướng đến Hội thảo Hướng dẫn Phật tử toàn quốc
năm 2011, nhằm giới thiệu những ý kiến của chư tôn đức và quý Phật tử
đối với Phật sự Hướng dẫn Phật tử ở mọi lãnh vực, mới đây, chúng tôi đã
có cuộc thưa chuyện với Thượng tọa Thích Minh Thiện, Phó Ban Hoằng pháp
Trung ương, Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An về
Phật sự hướng dẫn Phật tử ở tỉnh Long An, một tỉnh giáp với TPHCM, có
tốc độ công nghiệp hóa mạnh mẽ, là nơi tập trung lực lượng công nhân
ngày càng đông đảo, đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Cũng như chư vị tôn đức khác, Thượng tọa Thích Minh Thiện cũng tỏ ra
ngần ngại khi nói đến việc làm của mình. Thượng tọa cho là thực tế, tốc
độ công nghiệp hóa ở Long An chậm hơn nhiều tỉnh giáp TPHCM khác, như
Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…, nên chắc chắn Phật sự hướng
dẫn Phật tử công nhân, nhất là Phật tử thanh niên công nhân do Ban Trị
sự Phật giáo các tỉnh thành nói trên tiến hành sẽ có nhiều điều đáng nói
hơn, tiêu biểu hơn, và có thể có nhiều việc có thể rút ra để làm kinh
nghiệm chung.
Nhưng dù sao, với sự cởi mở và nhiệt thành vốn có đối với hoạt động
Phật sự, Thượng tọa cũng vui lòng trả lời các câu hỏi của chúng tôi, với
mong muốn, như lời Thượng tọa, chỉ mong “góp một vài nét để làm phong phú hơn bức tranh chung”.
Cư sĩ Minh Thạnh (CSMT): Bạch Thượng tọa, xin Thượng tọa giới
thiệu chung về việc công nghiệp hóa tỉnh Long An và việc gia tăng số
lượng công nhân tại tỉnh Long An.
Thượng tọa Thích Minh Thiện (TTTMT): Long An là một
tỉnh có nhiều thuận lợi trong tiến trình công nghiệp hóa như: liền kề
TPHCM, giao thông thủy, bộ đều thuận lợi… Trên thực tế, quá trình công
nghiệp hóa ở Long An đã đạt nhiều kết quả, với một số khu công nghiệp
tập trung và rất nhiều nhà máy, xí nghiệp di dời từ nội thành TPHCM hoặc
được xây dựng mới.
Do vậy, tất yếu số lượng công nhân là người tại địa phương, hoặc từ
nơi khác tới cư trú quanh nhà máy, sẽ gia tăng, với nhịp độ ngày càng
nhanh, theo sự phát triển kinh tế của đất nước.
Từ đó, một số chùa quê nay đã thành những ngôi chùa thị trấn, hay chùa ngoại ô đô thị.
Hiện thực khách quan này buộc các thầy trong Ban Trị sự tỉnh phải có
sự chuyển biến trong Phật sự hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử.
Việc trước hết của Phật sự này là một số chùa phải bổ sung đối tượng
Phật tử để hóa độ. Đó là đối tượng Phật tử công nhân, mà chiếm một tỷ lệ
đông đảo là thanh niên.
Không hẳn là các thầy chủ động, nhưng nhân duyên đã tới, thì không thể không làm.
CSMT: Bạch Thượng tọa, vì sao rất nhiều thầy chú trọng đến đối
tượng Phật tử doanh nhân, tức là những ông chủ, trong khi đó thầy và Ban
Trị sự Phật giáo tỉnh Long An lại chú trọng đến đối tượng Phật tử công
nhân, tức là đối tượng người làm thuê?
TTTMT: Chúng tôi vẫn chú trọng đến đối tượng Phật tử
doanh nhân, là chủ, là người lãnh đạo, quản lý các nhà máy. Vì muốn
thực hiện tốt Phật sự hướng dẫn Phật tử công nhân, thì việc có quan hệ
tốt với Phật tử doanh nhân, là quý vị chủ sở hữu, điều hành, quản lý xí
nghiệp, nhà máy có đông đảo công nhân dưới quyền là điều rất nên hướng
đến để tạo thuận duyên.
Một khi Phật sự Hướng dẫn Phật tử công nhân được quý vị chủ nhân,
người làm công tác quản lý, điều hành nhà máy xí nghiệp ủng hộ, góp
phần, giúp tay, thì kết quả đạt được sẽ tốt hơn gấp bội.
Ở Long An có nhiều vị Phật tử giám đốc nhà máy là Phật tử thuần
thành, rất tích cực trong việc vận động Phật tử công nhân đi chùa định
kỳ, thường xuyên nghe pháp, góp phần phổ biến kinh sách, băng giảng,
tràng hạt…
Nhiều vị chủ nhân nhà máy, xí nghiệp ý thức rằng, hỗ trợ Phật sự
hướng dẫn Phật tử công nhân là đem lại lợi ích cho doanh nghiệp. Vì khi
đã là Phật tử thuần thành, thì công nhân sẽ trách nhiệm hơn trong công
việc ở nhà máy, biết giữ chính niệm khi làm việc, không tham lam tài sản
doanh nghiệp, giữ sự chân thật trong quan hệ với bạn việc và người quản
lý, có ái ngữ, giữ sự đoàn kết trong tập thể lao động…
Vì vậy, trong Phật sự hướng dẫn Phật tử công nhân, chúng ta hãy trước
tiên hướng đến quý vị doanh nhân, chủ sở hữu, người điều hành nhà máy,
xí nghiệp, xem đây là cửa ngõ tốt để tiếp cận, thâm nhập số lượng đông
đảo công nhân trong nhà máy.
Tuy nhiên, điều chúng ta cần lưu ý là mục tiêu cuối cùng là hóa độ số công nhân đông đảo, giúp họ tin kính Tam Bảo.
Hướng tới Phật tử công nhân là hướng đến đối tượng đông đảo với mức
độ gia tăng số lượng rất mạnh. Đó là mảnh đất bao la để gieo trồng hạt
bồ đề, và đó cũng là đối tượng khá nhạy cảm, cần sự quan tâm.
CSMT: Bạch Thượng tọa, vì sao Thượng tọa nhắc tới ý “nhạy cảm” ở đây?
TTTMT: Vì một phần không nhỏ công nhân là lao động
nhập cư, xa gia đình sống tập thể ở nhà trọ. Vì sống trong điều kiện như
vậy, nên dù là từ gia đình có truyền thống đạo Phật, thì họ cũng đã có
khoảng cách nhất định với tôn giáo truyền thống gia đình, rất dễ bị lung
lạc chính tín khi họ còn trẻ, không nắm vững Phật pháp.
Sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, người thanh niên công nhân rất
cần môi trường tín ngưỡng, tâm linh, có thầy, có bạn. Nếu chúng ta đáp
ứng được nhu cầu đó, thì họ khó có thể đi sai đường, như bị khuyến dụ
cải đạo chẳng hạn.
Sống tập thể, chung đụng và tự do, không còn sự kiểm soát của gia
đình, một số bộ phận thanh niên có chiều hướng trôi theo lối sống buông
thả, phóng túng. Tệ nạn và những vấn đề xã hội khác dễ phát sinh. Do đó,
vai trò của tôn giáo với định hướng đạo đức đối với đối tượng thanh
niên công nhân là hết sức cần thiết.
Đạo Phật là đạo lợi lạc quần sinh. Trong bối cảnh như vậy, một đạo
Phật có trách nhiệm với cuộc đời, đem đạo vào đời, tất yếu phải hướng
đến đối tượng thanh niên công nhân.
CSMT: Bạch Thượng tọa, Thượng tọa nghĩ sao, khi ở TPHCM chẳng
hạn, vẫn có những vấn đề thanh niên công nhân, nhưng ít thấy nói đến
việc tập trung quan tâm trong Phật sự hướng dẫn Phật tử?
TTTMT: Từ lâu, TPHCM đã là một đô thị lớn, nên việc chuyển đổi quan niệm về đối tượng hóa độ không đặt ra cấp thiết như ở Long An.
Còn ở Long An, các chùa quê chiếm tỷ lệ khá cao, từ trước đến nay vẫn
chủ yếu phục vụ yêu cầu tín ngưỡng cho người nông dân địa phương, và
theo tập quán thường là đối tượng trung niên và lớn tuổi.
Vì vậy, đối với vấn đề chuyển đổi trong tư duy Phật sự trở nên cấp
thiết hơn, và việc nhấn mạnh đến yêu cầu Phật sự Hướng dẫn Phật tử đối
với đối tượng mới (thanh niên công nhân) là ưu tiên hàng đầu.
CSMT: Bạch Thượng tọa, vậy những giải pháp nào cần được chú ý để thực hiện tốt Phật sự hướng dẫn Phật tử thanh niên công nhân?
TTTMT: Đầu tiên, lãnh đạo giáo hội địa phương, nơi
trọng điểm công nghiệp hóa, đô thị hóa phải có những tác động để chuyển
biến nhận thức của tăng ni trong vùng.
Điều này rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định để tăng ni Phật tử
có được nhận thức đúng đắn, theo kịp sự phát triển của thời đại, thì mới
có sự chuyển biến trong Phật sự hướng dẫn Phật tử. Ở đây có thể có rất
nhiều ví dụ:
Một ngôi chùa quê ngày xưa chỉ tích cực đón Phật tử vào các ngày 30,
mùng 1, 14, rằm Âm lịch, thì nay, còn phải tập trung vào ngày nghỉ của
công nhân, cụ thể là ngày chủ nhật.
Số lượng Phật tử nhà chùa phải tiếp đón có thể đông hơn trước nhiều
lần và hoạt động của thanh niên công nhân khi đi chùa cũng sẽ khác với
Phật tử truyền thống nhà chùa. Thí dụ họ hiếu động hơn, nên nhà chùa
phải đứng trước những vấn đề mới phải giải quyết.
Trình độ văn hóa thanh niên công nhân thường cũng cao hơn các cụ ông,
cụ bà, thường là trung học, so với biết đọc, biết viết chẳng hạn, nên
yêu cầu họ đối với việc tìm hiểu giáo lý cũng khác, đòi hỏi Tăng ni phải
có trình độ Phật học và kỹ năng giao tiếp tốt hơn so với trước.
Tuy nhiên, trình độ thanh niên công nhân vẫn còn cách khá xa trình độ
giới trí thức, do đó, có thể có, trong một chừng mực nào đó, sẽ có
những hành vi bộc lộ sự giới hạn về trình độ ứng xử, gây khó khăn cho
nhà chùa, mà nhà chùa phải kiên nhẫn, khéo léo, chịu đựng trong quá
trình thực hiện Phật sự hướng dẫn Phật tử thanh niên công nhân.
Nhà chùa ở các khu vực công nghiệp hóa phải đứng trước sự lựa chọn,
hoặc là mở rộng cửa đón tiếp thanh niên công nhân, từng bước hóa độ họ,
chấp nhận những khó khăn, phiền hà, có thể còn là tốn kém, rắc rối.
Hoặc là đóng cửa, xua đuổi thanh niên công nhân, chỉ mở một cánh cửa hẹp cho những người lớn tuổi ở địa phương như trước đây.
Tất nhiên, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An hướng tăng ni, nhất là
tăng ni ở các vùng đang công nghiệp hóa về lựa chọn thứ nhất, trừ những
trường hợp quí vị cao niên có hạnh nguyện tịnh tu. Đây là công việc đầu
tiên và là công việc bắt buộc.
CSMT: Bạch Thượng tọa, như vậy hẳn là Tăng ni các chùa ở vùng có
nhiều thanh niên công nhân cư trú phải thay đổi nhiều lắm và sẽ rất khó
khăn, vất vả?
TTTMT: Theo đạo hữu, sau vấn đề nhận thức và nâng cao trình độ Tăng ni, còn là những vấn đề gì nữa?
CSMT: Theo ý riêng của con, còn là sự nâng cấp và chuyển đổi về
cơ sở vật chất, những chuyển đổi về “phần cứng” để phù hợp với “phần
mềm” mới.
TTTMT: Đạo hữu cứ trình bày ý riêng của đạo hữu về vấn đề này.
CSMT: Theo con, những gì không thích hợp cho việc mở rộng cửa
tiếp đón Phật tử thanh niên công nhân cần được loại bỏ. Nhà ở quê con
cũng tại Long An, huyện Bến Lức, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh. Ngôi
chùa bên cạnh nhà con ở Bến Lức có đặt rất nhiều quan tài dùng để bố thí
trước cửa chùa. Theo con, không nên để những quan tài như vậy nữa, vì
sẽ là một cách “đuổi khéo” đối với thanh niên. Từ ngày có một số lượng
quan tài ở đầu ngõ vào nhà chùa cũng như vào nhà con, khách của con trên
thành phố, là giới trung niên trí thức, cũng ngại xuống chơi, dường như
vì có những dị ứng tâm lý hàm ẩn, nữa chi là đối với đối tượng thanh
niên.
Tiếp đó là cần phải có sân chùa rộng rãi, nhiều cây xanh, hoa
cảnh để Phật tử thanh niên công nhân thư giản, tĩnh tâm, tìm sự an tịnh
nơi cửa Phật để giải tỏa áp lực của công việc lao động.
Cũng cần có giảng đường hay phòng học để tổ chức các lớp giáo lý, sinh hoạt thanh niên…
Bàn ghế, chén bát, nồi niêu… cũng phải gia tăng để phục vụ một số
lượng đông đảo hơn. Nhưng thưa Thượng tọa chắc còn nhiều yêu cầu về cơ
sở vật chất mà còn chưa đề cập đến một cách đầy đủ?
TTTMT: Sau ý kiến riêng của đạo hữu, thầy cũng có
một số kinh nghiệm. Đó là việc biên soạn in ấn những quyển giáo lý tóm
tắt, bỏ túi, trình bày giáo lý một cách vắn tắt, cô động, để Phật tử
thanh niên công nhân đọc mỗi khi rỗi rãi; ghi hình, in dĩa phổ biến
những buổi thuyết pháp dành riêng cho Phật tử thanh niên công nhân.
Ngoài ra, trong kế hoạch, thầy có định làm bàn thờ Phật dành riêng Phật tử thanh niên công nhân.
CSMT: Bàn thờ Phật cho thanh niên công nhân? Bạch Thượng tọa, họ ở
nhà trọ, tập thể nay đây mai đó, sao có thể thiết lập bàn thờ Phật?
TTTMT: Đã là Phật tử, thì rất nên có bàn thờ Phật.
Nhiều thanh niên công nhân Phật tử đã chia sẻ mong muốn đó với thầy và
tất nhiên họ buồn vì không thể được như ý. Do vậy, cần có một hình thức
thờ Phật riêng cho Phật tử thanh niên công nhân xa nhà.
Theo thiết kế, bàn thờ có ảnh Phật, có dạng lư hương thật nhỏ dành để
cắm loại hương ngắn. Tất cả đặt trong một chiếc hộp. Mở ra là một bàn
thờ nhỏ, đóng lại thì gọn như một quyển từ điển, dễ dàng khi đem theo
mỗi khi dời chỗ ở.
Thanh niên Phật tử công nhân, nam cũng như nữ, đều rất thích chuỗi
hạt đeo ở cổ tay. Vì vậy, thầy đã đặt làm rất nhiều tràng hạt như thế để
tặng và hướng dẫn họ niệm Phật, lần chuỗi.
Cũng có những ảnh Phật nhỏ, thiết kế để dán lên tường, dễ dàng dành
cho tập thể thanh niên công nhân cùng phòng đều theo đạo Phật (hình thức
bàn thờ hộp chỉ dùng cho cá nhân).
Những buổi cơm chay gieo duyên với nhà chùa dành riêng cho Phật tử
thanh niên công nhân cũng được chú trọng. Các em công nhân đã là Phật tử
thuần thành đều được khuyến khích đưa bạn đến chùa nghe pháp và chỉ báo
nhà chùa (như chùa thầy trụ trì) thì sẽ được tặng một bữa cơm chay gieo
duyên. Đạo hữu nói đến việc chuẩn bị thêm bàn ghế, chén bát, nồi niêu
là đúng đó.
Thanh niên công nhân rất thích hợp với những hình thức như đi lễ bái
nhiều chùa, cúng dường trường hạ, làm công tác từ thiện xã hội… được tổ
chức vào các ngày chủ nhật.
CSMT: Bạch Thượng tọa, trong Phật sự Hướng dẫn Phật tử, có những
khó khăn trở ngại nào đáng lưu ý? Cách khắc phục ra sao? Thanh niên công
nhân đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, với sự khác biệt văn hóa
giữa các vùng miền, có là một trở ngại trong Phật sự hướng dẫn Phật tử?
TTTMT: Trong Phật sự hướng dẫn Phật tử thanh niên công nhân, khó khăn chính là sự eo hẹp thời gian.
Thanh niên công nhân phải làm việc 6 ngày/tuần, nhiều khi tăng ca,
chỉ nghỉ ngày chủ nhật. Trong tuần, họ đã qua 6 ngày làm việc căng
thẳng, chịu áp lực nặng nề của kỷ luật lao động, nên không tiện tổ chức
khóa tu, dù chỉ một ngày, vì hình thức này cũng yêu cầu kỷ luật và ràng
buộc theo thời gian ấn định.
Phật tử thanh niên công nhân chỉ thích hợp với hình thức tu thư giãn
(sinh hoạt thanh niên, thuyết pháp, khóa lễ ngắn) hay kết hợp di chuyển
(lễ nhiều chùa, cúng dường trường hạ…).
Khó khăn thứ hai là, hướng dẫn Phật tử thanh niên công nhân không có
được thuận lợi môi trường gia đình Phật giáo như đối với hướng dẫn Phật
tử thanh niên địa phương.
Khó khăn thứ ba là nhân sự tăng ni ở các chùa quê không đủ đáp ứng,
cũng như chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng đáp ứng Phật sự hướng dẫn
Phật tử thanh niên công nhân.
Khó khăn thứ 4 là còn vướng mắc về vấn đề nhận thức, thí dụ có vị
Tăng ni hay Phật tử vẫn cho rằng Phật tử thanh niên công nhân gây ồn
náo, làm mất thanh tịnh nhà chùa (đi chùa cặp đôi nam nữ, đến chùa nhưng
không vào lễ Phật mà chỉ dạo chơi nói chuyện riêng bên ngoài v.v…)
Khó khăn thứ 5, là nhiều chùa chưa chuẩn bị đủ về cơ sở vật chất, về
tài chính để triển khai Phật sự hướng dẫn Phật tử thanh niên công nhân
Khó khăn thứ sáu là, dù chịu đi chùa, lễ Phật, nghe pháp, nhưng cũng
có một số thanh niên công nhân Phật tử ngần ngại trong việc quy y thọ
giới, vì sợ không giữ trọn, dù quý thầy có hướng dẫn là cũng có thể phát
nguyện chỉ thọ những giới mình xét thấy giữ được.
Điều mà đạo hữu nói, sự khác biệt địa phương vùng miền không là khó
khăn trong Phật sự hướng dẫn Phật tử. Các thầy đều rất hạnh phúc những
khi lên khóa lễ tại chùa ở một tỉnh Nam bộ như Long An, có tiếng tụng
kinh đủ giọng Bắc, Trung, Nam, thể hiện sự thống nhất đoàn kết Phật giáo
Việt Nam.
Khó khăn tuy có, nhưng thuận lợi là cơ bản. Trong Phật sự hướng dẫn
Phật tử thanh niên công nhân, cái vui là mình phục vụ số đông và giới
trẻ. Phật tử thanh niên, là công nhân, đông và trẻ, là nguồn khích lệ
rất lớn đối với các thầy trong Ban Trị sự Phật giáo tỉnh. Còn riêng
thầy, hướng dẫn số đông Phật tử thanh niên công nhân là một niềm vui.
CSMT: Bạch Thượng tọa, Thượng tọa có nghĩ rằng, vì có quan điểm
và thực tế Phật sự như thế, Thượng tọa đã đắc cử Hội đồng Nhân dân tỉnh
Long An với số phiếu thứ nhì toàn tỉnh?
TTTMT: Mình phát nguyện nỗ lực làm Phật sự vì số
đông, thì số đông sẽ trông cậy vào mình. Thầy coi việc đắc cử với số
phiếu vào thứ hạng cao là một hình thức giao phó trách nhiệm của số đông
Phật tử, trong đó có tỷ lệ đông đảo Phật tử là Phật tử thanh niên công
nhân đang làm việc và là cử tri của tỉnh Long An.
CSMT: Xin cảm ơn Thượng tọa đã dành cho buổi tiếp chuyện. Kính
chúc Thượng tọa có được những thành tựu mới trong Phật sự hoằng pháp và
hướng dẫn Phật tử thanh niên công nhân.
MT (thực hiện)