Lật tẩy chiêu bán nhang dạo "đội lốt" nhà chùa
24/06/2010 00:37 (GMT+7)

Xem hình
Cận cảnh một "tu sĩ" bán nhang
Những ngày gần đây, Đời sống & Pháp luật Cuối tuần nhận được thông tin của nhiều người dân tại các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Long An… phản ánh việc hàng trăm đối tượng giả danh là người tu hành đi bán nhang dạo với giá cao gấp hàng chục lần thực tế. Phóng viên đã theo chân nhóm đối tượng này để vạch chân tướng nhóm bán nhang dạo "đội lốt" nhà chùa. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Nhà tu hành" thu nhập 8triệu/tuần

Sáng sớm ngày 27/4, phóng viên có mặt tại quán Ngọc, một trong hàng chục quán ăn nằm trên quốc lộ 50 đoạn ngang thị trấn Cần Đước (huyện Cần Đước, Long An). Trong số năm bàn đang có khách ngồi ăn, thì có đến bốn bàn là những người "hành nghề" bán nhang dạo. Tất cả họ đều mặc đồ bộ giống như phật tử, hoặc đồ tu sĩ màu nâu, màu khoai môn; có người cạo trọc đầu, có người vẫn để tóc xanh, và tất cả đều sùm sụp đội nón bảo hiểm kể cả khi đang ngồi ăn. Những người mặc đồ tu hành này đã không kiêng kị gì trong việc ăn uống, lại còn ăn rất nhiều: kêu các "tô đặc biệt" (bát lớn hơn mức bình thường), thêm trứng gà, hoặc súp thịt, súp xương...

Một phụ nữ mặc bộ đồ màu môn, nghe mọi người kêu tên Lan, ngồi chồm hỗm trên ghế, miệng phì phèo điếu thuốc nói với người đàn ông ngồi bàn kế bên: "Tuần rồi em chỉ bán được sáu ngàn tư thôi anh Hùng...". Người có tên là Hùng tỏ vẻ thông cảm: "Mưa quá, anh cũng chỉ kiếm được tám "chai" (tám triệu) chứ mấy! Tuần này ráng lên!".

Tại quán ăn Ngọc, chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, đã có năm nhóm xuất phát, sáu nhóm khác ghé vào ăn, mỗi nhóm gồm khoảng 5 - 6 người đi trên xe gắn máy. Giá đèo hàng trước mỗi xe đều chở một cái giỏ chất đầy nhang, ước lượng mỗi giỏ chứa khoảng 200 nắm nhang. Theo như câu chuyện của những người bán nhang dạo bàn tán với nhau, với giá bán từ 10 - 30 ngàn/ nắm nhang, nếu bán hết giỏ nhang này, mỗi đối tượng có thể đút túi số tiền từ 2 - 6 triệu đồng.

Không tha cả chị bán bắp luộc

Ba mươi phút sau khi "bám đuôi" hai đối tượng đầu tiên đi trên một chiếc xe Dream, phóng viên nhận thấy các "nhà tu hành" này đã tiếp cận được "con mồi" đầu tiên là một người... bán bắp luộc ở thị trấn Cần Đước (tỉnh Long An). Dừng xe, hai đối tượng này tự xưng là phật tử đi bán nhang cho chùa Phật Huệ (Gò Công Đông) và khuyên: "Chị nên "rước" lấy cái lộc vào nhà. Có cái lộc số 9, rồi 19, 29... cho đến cái lộc 99". Thấy người bán bắp luộc băn khoăn chưa hiểu thế nào là lộc số 9 với 99, những người bán nhang dạo miệng liến thoắng: "Nghĩa là chị nên mua số lượng nhang có số lẻ là 9: 19 nén, 29 nén... hoặc 99 nén, mua càng nhiều thì tích đức càng lớn". Từ xa, phóng viên nhận thấy chị bán bắp luộc ngần ngừ rồi rút ví, đếm tiền để nhận lấy bó nhang từ tay hai "tu sĩ" này. Sau khi hai bóng áo nâu rồ máy xe chạy đi mất, phóng viên hỏi chuyện người mua nhang và được biết chị đã mua 19 bó nhang nói trên với giá 250 ngàn (thực chất nếu mua ngoài thị trường, giá của 19 bó nhang trên chỉ khoảng 19 ngàn đồng). "Cả vốn và lãi nồi bắp luộc chỉ được từng ấy tiền, nhưng có mấy khi gặp chuyện làm công đức nên thôi, khỏi phải tính toán", người bán bắp luộc tên Nguyễn Thị Thu hồ hởi.

Trưa ngày hôm sau, phóng viên quay lại "điểm tập kết" cũ của các đối tượng bán nhang và bám theo một nhóm đối tượng khác gồm 6 người mặc đồ tu màu nâu. Nhóm đối tượng này hôm nay thay đổi quy luật, không "xé lẻ" nhóm mà đi nguyên băng theo đường đến thị xã Tân An (tỉnh Long An), gửi xe vào một bãi xe công cộng rồi đi bộ gõ cửa các nhà. Thủ đoạn của nhóm là khi thấy chủ nhà vừa hé cửa ra thì họ đã sấn luôn vào nhà, miệng liên tục "Nam mô a di đà phật" rồi ấn nhang vào tay gia chủ, yêu cầu "mua làm phước" cho chùa Phật Huệ. Theo quan sát của phóng viên, chỉ trong khoảng một tiếng buổi trưa, bằng thủ đoạn này, nhóm đối tượng nêu trên đã thực hiện trót lọt sáu "phi vụ".

Mạo danh nhà chùa

Trao đổi với Đời sống & Pháp luật, nhà sư Thích Thiện Hòa, trụ trì chùa Phật Huệ (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) cho biết, nhà chùa không hề cho người đi bán nhang. Từ trước đến giờ nhà chùa cũng chưa từng bán nhang ra ngoài. Các đối tượng mua nhang rồi in ấn nhãn mác của chùa Phật Huệ là đã mạo danh nhà chùa.

Ni Sư Chức Viên, chùa Hưng Quang (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) cho biết, trước đây cũng có một nhóm người mạo danh là tu sĩ chùa Hưng Quang, đem nhang bán khắp nơi với giá rất cao. Một tép nhang chừng 30 -50 cây hiện nay được các "phật tử dởm" bán với giá từ 10 đến 30 ngàn đồng. Trong khi đó, một "thiên" nhang thơm (1000 cây) bán tại chùa Hưng Quang chỉ có giá 28 ngàn đồng. Như vậy, những người giả danh phật tử đang bán nhang với giá cao gấp mấy chục lần giá của nhà chùa. "Chùa Hưng Quang chỉ bán nhang cho phật tử trong chùa, chưa bao giờ cho người đi bán ở ngoài", ni sư Chức Viên khẳng định.

"Hang ổ" nhóm mạo danh nhà chùa

Nắm được quy luật của các đối tượng bán nhang, chiều 29/4, phóng viên ngồi ở nhà chờ bến phà Mỹ Lợi (bờ Cần Đước) nhằm theo chân họ làm rõ chân tướng của các "nhà tu hành". Theo lời một nhân viên bến phà, từ 16 giờ trở đi là "giờ về" của các sư giả và phật tử giả. "Buổi sáng, họ đi tập trung, buổi chiều, ai bán xong sớm thì về sớm...", anh nhân viên bến phà nói chưa dứt câu thì ba chiếc xe gắn máy chở 6 người mặc đồ nâu phóng tới. Anh nhân viên nháy mắt cười: "Họ đó."

Lên phà, các đối tượng đi nhanh lên tầng trên và đến giờ mới giở nón bảo hiểm bỏ qua một bên để lộ những cái đầu trọc nham nhở tóc, ngồi duỗi chân thoải mái. Một người xổ tiền từ cái túi vải ra lòng nón bảo hiểm, ngồi đếm rồi nhăn mặt: "Một triệu tư, bèo quá." Cả đám còn lại phá ra cười, chê anh ta không có số buôn bán.

Lên bờ chừng 500 mét, nhóm đối tượng rẽ vào ấp Năm Châu (xã Bình Đông, huyện Gò Công Đông). Trên con đường trục dài khoảng vài trăm mét, nhang thành phẩm chất đầy hai bên đường. Các đối tượng tản vào các cơ sở sản xuất nhang tư nhân, khi trở ra lại khệ nệ xách những giỏ chật cứng nhang.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những người giả danh tu hành bán nhang hoạt động theo kiểu "cuốn chiếu địa bàn": hễ bán xong khu vực nào là họ chuyển địa bàn sang nơi khác. Ngoài số trụ lại tại địa phương, một số đối tượng đã "bành trướng thị trường" cả ra các tỉnh miền ngoài. Một người dân trong ấp Năm Châu cho biết, ở xóm này hiện có hàng chục người đang bán nhang ở tận Tây Nguyên. Họ chỉ việc mang theo bao bì, ra ngoài đó họ mua nhang thường ngoài chợ rồi xịt "hương trầm" (một loại hóa chất rẻ tiền, không phải trầm) cho thơm rồi bán với lời quảng cáo đây là nhang của chùa để bán với giá cao.

Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, chính quyền địa phương có nhận được thông tin về việc một số người dân tại địa phương có hoạt động mạo danh nhà chùa để đi bán nhang dạo giá cao. Tuy nhiên, do các đối tượng này chỉ hoạt động tại các địa phương khác nên xã không thể xử lý. "Hiện tại, UBND xã chỉ có thể hạn chế bằng cách không cấp giấy giới thiệu cho bất kỳ một đối tượng nào để tránh việc họ lợi dụng lòng tin của người khác để trục lợi", ông Hiệp nói.


                         Một số "chiêu" bán nhang của nhóm "tu hành dởm":

1. Lén nhét vào khe hở bàn thờ (hoặc điểm nào thuận tiện trong nhà gia chủ) một miếng giấy vẽ hình nhăng nhít. Khi tiếp cận được với chủ nhà, các đối tượng lừa đảo sẽ "phán" rằng chủ nhà đang gặp vận xui, làm ăn không như ý vì bị... ếm bùa. Lúc chủ nhà còn đang nửa tin nửa ngờ, bọn họ sẽ đốt một cây nhang để "dò đường", sau đó chỉ đúng vị trí lá bùa đang yểm. Lúc này, chủ nhà đã quá "bái phục" nên nhóm bán nhang sẽ đề nghị được đem lá bùa về chùa để "trừ tà". Đổi lại, gia chủ chịu khó móc tiền ra mua nhang để ủng hộ nhà chùa.

2. Bước vào nhà, gia chủ chưa kịp nói gì thì họ đã tụng niệm, rồi "Nam tả, nữ hữu. Nam thất, nữ cửu... " bấm đốt tay, ngó láo liên và khẳng định chủ nhà đặt sai vị trí tranh, hoặc tượng thờ, kê bàn thờ chưa chuẩn. Sau khi nói dông dài về âm dương, ngũ hành, rồi phong thủy..., họ nhất quyết không đòi tiền công mà chỉ xin uống nước rồi đi... bán nhang. Chủ nhà cảm động quá, móc tiền ra mua nhang để ủng hộ "thầy".

3. Bỏ đồng xu mệnh giá 1.000 đồng vào túi vải điều rồi mặc đồ vàng, đi chân đất lê la các chợ. Thấy quầy nào có vẻ có tiền là tiếp cận, móc đồng xu ra tặng: ""Thầy" chuyên làm phước, thấy con có tâm đạo nên tặng "bùa làm ăn" để con mua may bán đắt", rồi đợi mấy ngày sau thì mò lại, xin... bán nhang.

 

Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

(Theo Đời Sống Pháp Luật)

Các tin đã đăng: