Lễ cầu nguyện hòa bình thế giới
của Đức Đạt Lai Lạt Ma tổ chức tại Washington DC đã chấm dứt sau 11
ngày. Đây là cuộc lễ kéo dài nhiều ngày nhất và quan trọng nhất, vì,
ngoài lễ cầu hòa bình, còn kèm chúc mừng sinh nhật và truyền quán đảnh
đặc biệt.
Những ngày trước, ngoài cuộc lễ trang
nghiêm và chí thành ra, Ngài luôn có buồi thuyết giảng cho quần chúng,
đối với Ngài, thuyết giảng quan trọng hơn lễ Quán đảnh Kalachakra. Qua
những buổi giảng, Ngài hy vọng thính chúng sẽ chuyển hóa nội tâm, tự
thân có an ổn thì xã hội mới có hòa bình. Thời gian lưu lại Hoa Kỳ,
Ngài đã gặp quốc hội, chiều nay, lúc 2 giờ, được Tổng Thống Mỹ, Obama
tiếp đón. Đây là điểm mà Obama xác định thái độ dứt khoác với Tàu Cộng,
các vị tiền nhiệm đã e sợ Trung Quốc. Kể cũng lạ, dù là bất cứ quốc gia
nào có chủ quyền, đều có quyền quyết định tiếp đón ngoại giao với bất
cứ ai, huống nữa là Mỹ, một đất nước đứng đầu thế giới, chỉ vì lời yêu
cầu của Bắc kinh mà không dám tiếp Ngài, thảo nào có lần trước đây, Tàu
Cộng bảo Mỹ là con cọp giấy. Đã bao năm sau chiến tranh lạnh, Mỹ nhân
nhượng Bắc kinh cũng chỉ vì muốn Bắc kinh không còn khắn khít với Liên
xô, sau khi Liên Xô sụp đỗ, Mỹ nhân nhượng để mở rộng thị trường, nhưng
không ngờ sự nhân nhượng và giúp đỡ, Bắc kinh nhanh chóng vượt trội,
biến thành con rồng châu Á, mối đe dọa thường xuyên đối với các nước
trong khu vực và thách thức Mỹ trên phương diện ngoại giao, kinh tế và
chính trị, giờ đây còn lấn sân cả giao thông hàng hải. Tổng Thống Obama
tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma với tư cách cá nhân, một cá nhân có tầm vóc vĩ
đại hơn cả một nguyên thủ lưu vong, vì Ngài đã từ nhiệm lãnh đạo tinh
thần chính phủ Tây Tạng, và chối bỏ cả vị thế truyền thừa tín ngưỡng
tôn giáo sau khi siêu mãn. Vì thế Bắc kinh chống cuộc tiếp kiến Đức Đạt
Lai Lạt ma là chuyện phi lý; Các trang mạng của Trung quốc cũng đòi
trừng trị Mỹ về mọi mặt, chứng tỏ tính ngạo mạng, trịch thượng của một
quốc gia còn dưới cơ đối thủ. Tàu cộng xen vào quyền quyết định ngoại
giao của một cường quốc như Mỹ, thì những quốc gia khác đối với Tàu Cộng
là trẻ con muốn bắt nạt lấn lướt lúc nào chả được.
Ngày mãn đàn, sau thời kinh chung kết, hồi hướng cho nền hòa bình nhân loại, Ngài tiếp tục giảng pháp cho đại chúng.
Về ngoại giao, các đoàn thể tôn giáo và
chính trị, đều có người đến chúc mừng, trong đó một vị Hồng y của
Vatican, có Martin Luther King III, cháu nội Thánh Gandhi. Nhật, Nam
Triều Tiên, và một số văn nhân trí thức,, nghệ sĩ, diễn viên…cũng cử đại
diện đến tham dự. Washington DC tuy là một bang của Mỹ, nhưng là thủ
phủ Hoa Kỳ, tổ chức Kalachakra tại đó mang tầm quốc tế. Về mặt tổng thể,
khá chu tất và thành công tốt đẹp, ngoại trừ khâu làm thẻ và lúc phát
thẻ, nếu không có cộng đồng Phật tử Việt Nam hỗ trợ, chắc chắn họ sẽ gặp
nhiều lúng túng. Theo báo cáo của ban tổ chức, chi phí hết 4 triệu USD,
thu nhập 5.9 triệu, số thặng dư chia làm nhiều phần để ủng hộ Tsunami
Nhật, cư dân homeless tại Washington DC, cộng đồng Tây Tạng Canada,
Châu Phi…Họ đã công khai tài chánh ngay ngày cuối.
Về nhân cách của Đức Đạt Lai Lạt Ma,
tướng mạo của gấu và âm giọng của sư tử nói lên tính đặc thù của một
chính vị vương. Ngài vẫn chưa phai nhòa cách đi đứng của một tộc Tạng
sống vùng cao nguyên và phong cách bình dị của một nông dân. Tính bình
đẳng thể hiện qua cách tiếp xúc với một Tổng thống cũng như lúc trò
chuyện với một người thường dân. Trong khi làm lễ, một người quá ái mộ
Ngài, họ tiến lên lễ đài để cúng dường Ngài chiếc mũ, dĩ nhiên bị bảo vệ
ngăn, Ngài vẫy tay bảo họ tiến đến, nhưng bảo vệ nhận chiếc mũ trao lại
Ngài, lật qua lật lại xem xét, Ngài đội lên đầu giữa tiếng vỗ tay hoan
nghinh của đại chúng, rồi trả lại cho thiện chủ. Thể hiện tính bình đẳng
và khiêm tốn trong mọi lúc mọi nơi. Từ trên Pháp tòa cao, Ngài nhoài
người về phía trước thật sát để choàng khăn cho các sư , các tình nguyện
viên và những thành phần đặc cử.
Trên lễ đài, bên trái từ ngoài nhìn vào,
các Lạt Ma kinh sư trưởng thượng trì tụng, Ngài Đạt Lai Lạt Ma ngồi
giữa, phía tay mặt là vị sư và vài ni cô Việt Nam. Chẳng hiểu sự hiện
diện của các tu sĩ Việt Nam trên lễ đài là do ban tổ chức mời hay họ tự
động chen lên. Nếu ban tổ chức sắp xếp thì chỉ dành riêng cho đoàn Phật
giáo người Việt thôi sao? Đạo tràng do chư Tăng Tây Tạng hành lễ theo
nghi Mật thừa Kim Cang tạng thì Tăng Ni Việt Nam lên ngồi đó để làm gì?
Phật giáo Việt Nam tại Mỹ không có ai đủ tầm vóc đạo đức và tuổi tác để
đại diện lên dự lễ, những vị vô danh tiểu tốt lên lễ đài ngồi như pho
tượng phổng làm giảm uy tín của một đại lễ? Phải chăng nhân sự người
Việt trong ban tổ chức không thỉnh các thượng thủ Tăng già tại Mỹ hoặc
tại Washington DC ? Điều làm cho những ai hiểu giáo luật Phật giáo Bắc
truyền đều ngỡ ngàng : Trong Pháp hội, duy nhất Đức Đạt Lai Lạt Ma
đắp y 25 điều, các Lạt Ma khác đắp y 5 hoặc 7 điều. nhưng một tu sĩ
Việt Nam hơn 40 tuổi đời đã thượng lên chiếc y 25 điều ngang bằng với vị
Pháp chủ ở Đạo tràng và ngồi trên lễ đài, nói lên tính cao ngạo hiếu
danh của một tu sĩ chưa đủ tưổi hạ mà đòi ngang bằng với Đức Đạt Lai Lạt
Ma!!! Vấn đề luộm thuộm trong nghi lễ Việt Nam cũng thế. Thầy
Nguyên Tánh bảo không tán, thầy Minh Châu lại đòi tán, các cô ni kẻ tụng
nghĩa, người tụng âm, vì thế thầy Giác Thiện tuy học nghi lễ từ thầy Lệ
Trang ở Việt Nam, cũng ngần ngại quyết định, bởi cả nể chư Tăng trên
đất khách, ai đó dùng chữ :” quý thầy ở VN qua đây dành..” là
không đúng. Người dùng chữ nầy ở phần nhận xét trong trang “ Phật Tử
Việt Nam. Net” chắc chắn không phải là Phật tử trong hay ngoài nước, chỉ
có đương sự trong nội tình lúc bấy giờ mới rõ sự lủng củng. Phật tử
Việt Nam quá ngao ngán các sư thiếu phẩm hạnh ở mọi lúc mọi nơi.
Volunteer Việt Nam, Mỹ, Tàu rất ư nhiệt
tình. Ở Mỹ, việc xin nghỉ việc để làm công quả dài ngày như thế, rất
khó, thế mà nhiều anh chị và cả gia đình đều thường trực có mặt trong
những ngày qua tại Pháp hội. Suốt 11 ngày cung ứng gần ngàn xuất ăn trưa
cho chư Tăng ni, tình nguyện viên và nhân viên bảo vệ, kể cả hoa quả
trên lễ đài, chẳng những thế, còn phong bì cho toàn bộ tu sĩ khi mãn
đàn. Những ngày cuối, số lượng người tham dự gia tăng đáng kể, 20 ngàn
người, chưa kể trẻ con, thế mà chưa ai than phiền, lớn tiếng va chạm,
trẻ con cũng vui vẻ thích thú. Mọi người tự động đứng lên mỗi khi thấy
Ngài xuất hiện hoặc ra về. Ngài cười nói hồn nhiên phủ tràn năng lượng
từ ái.
Giờ ăn trưa, một số người Tạng lớn tuổi
tụ tập ngoài sảnh đường hát nhày những vũ điệu đơn giản, nghèo tiết tấu
của đời du mục trên cao nguyên Hy Mã, để nhớ lại một thời thái bình độc
lập thuở xa xưa. Một vài người ngoại quốc cũng tham gia ủng hộ. Tuy
nhiên, trong khi chờ đợi Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại đạo tràng lúc Ngài
đi gặp Tổng Thống Obama, nhóm nghệ sĩ Tây Tạng đến với thính chúng vài
màn đơn ca, vũ điệu trữ tình giống như hát đối của Việt Nam, thể hiện
nét lạc quan yêu đời mang tâm trạng hy vọng trở lại thời bình an của tộc
Tạng, nhạc cụ dân tộc khá đơn điệu. Kết thúc văn nghệ, nhóm nghệ sĩ
phất phới cờ Tây Tạng, cả pháp hội vang dậy tiếng hoan hô. Người nghe
không tìm thấy âm điêu ủy mị của kẻ lưu vong. Trang phục phụ nữ với
chiếc áo dài kín đáo và duyên dáng, nam giới trang phục cổ truyền luộm
thuộm như thời du mục. Nét mặt thuần túy châu Á, âm giọng pha tạp Mông
cổ.
MC trân trọng tri ân các mạnh thường
quân, chính phủ bang, cộng đồng Việt Nam và những danh nhân tham dự để
cho buổi lễ hoàn thành tốt đẹp.
Mạn Đà La thực hiện rất công phu theo
một tiêu chuẩn nhất định; Đức Đạt Lai Lạt Ma làm lễ kết đàn gần 20 phút,
giải đàn Mạn Đà La, số cát màu gom lại, một ít phân phối cho các Lạt
Ma, số còn lại đích thân Ngài và ban kinh sư y mão tề chính, mang ra
sông Potomac chú nguyện, rải.
Qua những sinh hoạt trên thế giới và uy
tín của Đức Đạt Lai Lạt Ma, mọi người thấy rằng họ giữ được nề nếp và sự
đoàn kết thuần nhất làm rạng rỡ nền văn hóa Phật giáo hòa lẫn tín
ngưỡng du mục, mặc dù họ mất nước. Họ có một tổ chức khoa học và giáo
dục tu viện khá nghiêm minh, vì thế tôn ti trật tự đã giúp họ tồn tại
trước vũ lực. Trên vùng đất Hoa Thịnh Đốn, số lượng người Tạng và các sư
Tạng rất ít, cũng như Lào, Thái, Nhật, Ấn…tuy chùa không nhiều, nhưng
cái nào xứng tầm vóc cái đó. Việt Nam quá nhiều chùa, mỗi chùa một vị
sư, nhất Tăng nhất tự như sứ quân chiếm lĩnh một vùng, vì thế không thể
an cư ba tháng mỗi năm theo truyền thống, đã làm hao mòn thực lực Phật
giáo cả về vật chất lẫn tinh thần, nội lực lẫn uy tín; Chẳng lạ gì những
Phật tử Việt Nam chọn Phật giáo Mật thừa làm điểm tựa thay vi như một
số người đã ngã sang ngoại đạo như bà phu nhân Trung tướng Ng.N.L thất
vọng vì quá tin tưởng, tận tình hỗ trợ các sư Việt Nam thiếu nhân cách.
Một phần cũng do lỗi quần chúng không phân bệt đâu là bậc chân tu. Có
vị bằng cấp đầy người, vợ đàn con đống, làm chùa, bán chùa ở Virginia,
như trao đổi hàng hóa nếu nơi đó không có thu nhập, thế mà vẫn có người
tin và theo.
Cộng đồng người Việt cũng như Phật Giáo
Việt Nam tại Mỹ, không ai phục tùng ai, chính vì thế sinh ra vô số tổ
chức, vài ba người cũng làm thành một tổ chức, một giáo hội, họ chụp mũ
lẫn nhau; một ông thầy vài ba tín đồ cũng lập lên ngôi chùa, chùa không
ra chùa, nhà không ra nhà, Ở Washington DC, có nơi chỉ một sư và một nữ
tín đồ tu riêng. Quần chúng tín đồ Phật giáo quá cần tín ngưỡng, nơi xứ
lạ, ngoài ngày giờ lao động vất vả, họ chỉ biết tìm đến tôn giáo như một
lối thoát có ý nghĩa cho cuộc sống. Một số Phật tử tại gia, họ có pháp
hành và hiểu một ít giáo lý, họ tu tại nhà và it khi đến chùa. Một số
trí thức xuất thân từ Gia Đình Phật Tử trước 1975, họ gắn liền với Phật
giáo, luôn ưu tư cho tiền đồ Phật giáo, họ cũng ít đi chùa vì chưa tìm
ra một vị tu sĩ thân giáo khẩu giáo song hành. “Y pháp bất y nhân” là
lối nói để lừa gạt quần chúng hiện nay, nghĩa là tín đồ cứ nhắm mắt để
họ phạm giới thoải mái, miễn sao họ nói pháp lưu loát; nếu thế thì mở
máy ra nghe tốt hơn, vì cái máy vừa nói pháp vừa không sa đọa. Thời nào
cũng có vong thân như thế, nhưng sự băng hoại của giới tu sĩ Phật giáo
ngày nay đến mức báo động mà quần chúng không còn phân biệt sư thật sư
giả là đâu. Tại Mông cổ và Trung quốc hiện nay cũng thế, một số mạo
nhận Lạt Ma , Ronpoche Tây Tạng để lạm dụng đức tin quần chúng, những
thành phần như thế, chúng ta thừa biết chúng xuất xứ từ đâu. Nhưng ở Ấn
và Dharamsala chưa xẩy ra như thế, vì Tây Tạng có một hệ thống tu viện
và giáo dục thuần nhất. Nhờ sự thuần nhất như thế, cộng đồng Tây Tạng họ
tổ chức hàng năm các cuộc cầu nguyện hòa bình và truyền quán đảnh mang
tầm quốc tế ở các quốc gia khác nhau rất thành công do tính đoàn kết
nhất quán của họ, họ chỉ biết Đức Đạt Lai Lạt Ma là đấng duy nhất đáng
tôn sùng. Việt Nam, mỗi tu sĩ là một Thượng đế của một nhóm tín đồ, vì
thế có tình trạng đệ tử riêng, thầy riêng, chùa riêng, giáo hội riêng…
Qua đại lễ Kalachakra của Cộng đồng Phật
giáo Tây Tạng, liệu Phật giáo Việt Nam có rút tỉa được bài học nào từ
sự đoàn kết và tính trong sáng của các Tăng sĩ Tây Tạng như thế?
MINH MẪN
16/7/2011