Trùng tang là gì? Có hay không?
03/01/2013 12:49 (GMT+7)

Vì sao có quan niệm về trùng tang?

Người ta sinh ra vào thời điểm nào là điều có thể biết trước. Sau khi thụ thai, trong bụng mẹ chín tháng mười ngày... ắt phải cất tiếng khóc chào đời. Nhưng khi nào thì chết vẫn là một bí ẩn. Vì vậy có câu: "Sinh có hạn tử bất kỳ".


Ra đời chỉ có một cách là từ bụng mẹ chui ra, còn chết lại thiên hình vạn trạng: Chết già, chết do bệnh tật, chết do tai nạn, chết do thiên tai, chết do chiến tranh, đói rét, chết do tù đầy... Có người chết tại nhà, có người chết ở bệnh viện, có người chết đường, chết chợ. Có người thanh thản ra đi, có người "chết không nhắm được mắt".

Thực tế cho thấy có trường hợp trùng tang vẫn bình an vô sự, ngược lại có trường hợp không trùng tang vẫn gặp rủi ro, tai họa, thậm chí chết người.

Người chết đã đành người thân còn sống cứ băn khoăn, áy náy không hiểu người chết đã "đúng số" chưa hay chết oan uổng... và ảnh hưởng của người chết với người sống như thế nào? 

Đây là những câu hỏi và cũng là nguyện vọng chính đáng của những người còn sống với vong linh của người đã khuất và để giải tỏa cho chính mình. Chính vì thế mà khái niệm về trùng tang, nhập mộ đã ra đời.

Chưa có cơ sở về cách giải?

Theo sách vở ghi lại và cách làm của các thầy và kinh nghiệm dân gian thì việc giải trùng tang có nhiều cách khác nhau như: Gửi lên chùa để "nhốt trùng" lại; Chọn ngày, giờ an táng không phạm vào giờ kiếp sát; Làm huyệt giả; Đổ tỏi vào huyệt khi lấp đất... thậm chí có cả bài thuốc trấn trùng, dùng linh phù để trấn... Tuy nhiên, đây là những cách giải huyền bí, không có cơ sở, khó thuyết phục. 

Đối với Phật giáo thì sống chết là chuyện thường nhiên, do nghiệp lực của tự thân mỗi người chi phối. Sống và chết chỉ là hai hiện tượng trong tiến trình luân hồi bất tận. Vì thế, Phật giáo không có quan niệm về ngày trùng tang, trùng nhật và hoàn toàn phủ nhận việc ngày giờ chôn cất của một người mà có thể ảnh hưởng đến sự sống chết của người khác. 

Tuy nhiên, vì tập tục này ăn sâu vào tâm thức mọi người nên một vài nơi nhà chùa vẫn khuyên các Phật tử không an táng thân quyến vào những ngày trùng, nhằm giúp họ an tâm để chu toàn tang lễ đồng thời nỗ lực cầu nguyện, khai thị, làm phước hồi hướng cho hương linh. 

Quan sát và chiêm nghiệm thực tiễn

Quan sát và chiêm nghiệm khá nhiều người chết và tình trạng xảy ra sau đó với người thân của người quá cố, chúng tôi thấy có 4 trường hợp xảy ra:

1. Người quá cố bị trùng tang kể cả đã làm giải trùng, sau đó có những người thân mất theo (thậm chí nhiều người liên tiếp). Trong trường hợp này người sống rất hoang mang, lo sợ và cho rằng trùng tang là có thật.

2. Người quá cố bị trùng tang có khi không làm giải trùng, nhưng sau đó người thân hoàn toàn bình an vô sự, thậm chí còn gặp may mắn. Trong trường hợp này người thân không tin có chuyện trùng tang.

3. Người quá cố không bị trùng tang, thậm chí có nhiều nhập mộ, nhưng sau đó người thân vẫn gặp rủi ro, bất trắc, thậm chí có người chết sau khi người quá cố qua đời. Trong trường hợp này, người sống trở nên mất lòng tin vào việc dự báo có trùng tang hay không.

4. Người quá cố không bị trùng tang và sau đó gia đình và người thân của người quá cố hoàn toàn bình an vô sự. Trong những trường hợp này người sống tin là người quá cố đã chết đúng số.

Như vậy cho thấy mọi việc đều có thể xảy ra theo chiều hướng đúng hoặc sai với việc dự báo (tính) trùng tang. Tất cả đều xảy ra một cách ngẫu nhiên, có thể trùng hợp hay sai lệch với việc người quá cố có trùng tang hay không, không theo một quy luật nào cả.
Để giải quyết vấn đề, cần có một cơ quan, tổ chức nào đó dưới sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội nên đứng ra nghiên cứu, thống kê vấn đề trùng tang để tìm ra bản chất vấn đề và hướng dẫn dư luận xã hội, tránh để rơi vào tình trạng mê tín dị đoan làm ảnh hưởng tới nhiều mặt của xã hội.

Đừng "bày cỗ cho ma ăn"

Một triết gia đã từng nói: "Cái gì còn tồn tại, cái đó còn hợp lý". Câu chuyện về trùng tang vẫn đang tồn tại, hiện hữu trong đời sống tâm linh và tập tục trong đời sống. Bởi vậy, không nên vội vàng "chụp mũ" đó là thứ mê tín dị đoan cần cấm kỵ trong khi chưa có minh chứng đủ thuyết phục đó là mê tín dị đoan phải loại bỏ. Hơn thế nữa, bản chất vấn đề là hướng thiện, mong cho linh hồn người chết được siêu thoát và sự bình an của người sống. Vậy sao lại cấm đoán. Làm như vậy e rằng chúng ta quá cực đoan và sẽ "phủ định sạch trơn".

Còn nói trùng tang là một hiện tượng khoa học do sóng nhân điện như một số nhà cảm xạ, nhà khoa học giải thích e rằng chưa đủ cơ sở và cũng không thật thuyết phục. Thực chất đó cũng chỉ là sự suy diễn. Bởi lẽ nếu là khoa học thật sự thì phải có sự chứng minh, lý giải, tuân theo một quy luật chặt chẽ... 

Nhưng thực tế cho thấy có trường hợp trùng tang vẫn bình an vô sự, ngược lại có trường hợp không trùng tang vẫn gặp rủi ro, tai họa, thậm chí chết người. Vậy giải thích thế nào, trong khi chúng ta thừa nhận "thực tiễn là thước đo chân lý"?

Điều cần nói thêm là theo sách vở để lại và tập tục trong dân gian có trùng tang và có cách giải trùng tang. Thực ra việc giải trùng tang cũng đơn giản, không tốn kém là bao. Có điều ngày nay một số "thầy" đã lợi dụng lòng tin theo tinh thần "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" và "bị bệnh phải vái tứ phương" để khi chẳng may có người nhà bị trùng tang thì bày đặt ra phải lập đàn cúng tế, đốt vàng mã, "bày cỗ cho ma ăn"... để kiếm chác làm không ít người lâm vào cảnh vay mượn để làm (đối với người nghèo) hoặc gây lãng phí về của cải, thời gian (đối với người giàu) là việc cần lên án và loại bỏ. 

Vũ Quốc Trung

Các tin đã đăng: