Thời
gian gần đây, những trang báo mạng Việt Nam, trong đó có những trang
lớn như Vietnamnet.vn liên tục có những thông tin không trung thực và
đầy ác ý đối với Phật Giáo, cụ thể là bản tin: Nhà sư ăn trộm xe SH chở bạn gái đi chơi; tiếp đó là chùm truyện tranh lấy Phật tổ trong Tây Du Ký ra giễu nhại, tiếp đó nữa là bản tin nói các Cao tăng và các Chùa ở Ấn Độ sử dụng nô lệ tình dục, khiến cho chúng ta, những người con Phật hết sức đau lòng.
Sự thực thì người ăn trộm xe đó không hề là nhà sư gì cả, có chăng trước
đó có một thời gian vô chùa làm chú tiểu, tu không ra gì bị thầy đuổi
về nhà, rồi lang thang lêu lổng rày đây mai đó, rồi đi ăn trộm xe của
người ta. Hay chuyện các thánh nữ lên chùa làm nô lệ tình dục cho các
Cao tăng ở ấn Độ là nói về hủ tục còn rơi rớt lại của Ấn Độ Giáo, tức
đạo Bà La Môn chẳng liên quan gì đến Chùa, càng không liên can gì đến
Cao tăng Phật giáo cả, thế mà không biết vì sao người dịch lại lái suy
nghĩ của người đọc về Phật giáo không biết.
Cuộc sống đương
nhiên không thể tránh khỏi nhầm lẫn, sai sót, nên mới có xin lỗi, sám
hối, và đức Phật cũng đã xác định người không từng phạm lỗi và người có
lỗi nhưng biết ăn năn hối cải là bằng nhau về mặt tư cách đạo đức.
Chính vì thế nên hỷ xả, bỏ qua cho nhau luôn là điều đáng trân trọng
trong cuộc sống. Tuy nhiên với những trường hợp cố tình nhầm lẫn, nhẫm
lẫn được lặp đi lặp lại có tính hệ thống và đầy ác ý thì bỏ qua cho
nhau không giải quyết được vấn đề, nếu không muốn nói tạo điều kiện cho
vấn đề thêm trầm trọng.
Mặc khác, chỉ ra sai lầm, giúp người
khác không phạm sai lầm nữa không hề mâu thuẫn gì với thái độ sống hỷ
xả cả. Có người miệng chả bao giờ phê phán điều sai lầm của người khác,
nhưng ghim sâu ghi chặt những sai lầm đó trong lòng thì đâu thể gọi là
hỷ xả được. Hỷ xả của nhà Phật phải đầy đủ cả từ bi và trí tuệ, một
mặt phải biết thông cảm, tha thứ, cho qua, nhưng mặt khác phải giúp cho
họ nhận ra sai lầm và không tái phạm nữa, đó là giải pháp mà cả hai
cùng thắng.
Trở lại trang báo điện tử Vietnamnet, với những gì mà báo Giác Ngộ cũng như Phattuvietnam.net phản
biện, rõ ràng là họ đã sai lầm hoàn toàn. Nhưng điều quan trọng là họ
đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, buộc chúng ta phải suy nghĩ đến
động cơ sai lầm của họ, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể. Mặc khác,
tìm hiểu xem cách phản ứng của Phật giáo mà đại diện là báo Giác ngộ và
Phattuvietnam.net có đúng mức, hiệu quả chưa. Báo chí là một đơn vi
kinh doanh như bao đơn vị kinh doanh khác, nên mục đích của họ đương
nhiên là lợi nhuận. Báo chí kinh doanh bằng thông tin, với những thông
tin nóng, sốt, hấp dẫn được nhiều người mua thì họ có nhiều lợi nhuận,
trong trường họp báo mạng thì bán được nhiều quảng cáo, điều này không
có gì sai trái.
Tuy nhiên, nếu vì mục đích lợi nhuân mà bất
chấp tất cả, sẵng sàng chà đạp lên trên những giá trị đạo đức, chuẩn
mực xã hội, đưa những tin tức giật gân, gây sốc, báng bổ…mà chúng ta
hay gọi là lá cải để câu khách thì cần phải lên án. Điển hình nhất cho
sự làm ăn vô đạo đức, và cái giá phải trả trong báo chí gần đây là News
of the World thuộc tập đoàn News Corporation của Rupert Murdoch. Họ
không phải không biết những chuẩn mực đạo đức, xã hội, nhưng nói như Các
Mác “khi lợi nhuận lên tới 100% thì dù cắt cổ mình nhà tư bản cũng dám
làm”. Chẳng hạn như ở bản tin “Sư ăn trộm xe sh chở bạn gái đi chơi”.
Thực ra hàng ngày trên đất nước Việt Nam có biết bao nhiêu là vụ trộm
cướp, ai thèm quan tâm, nhưng sư mà ăn cắp là chuyện động trời, đặc
biệt là ăn cắp rồi chở bạn gái đi chơi thì không gì thu hút khách
bằng. Nói thế để thấy rằng họ biết sai nhưng vẫn cứ làm vì mục đích lợi
nhuận, nên trong trường hợp này nói đạo lý với họ là rất hạn chế.
Điều này có thể dễ dàng kiểm chứng qua sự kiện vừa rồi. Với phản ứng của Phattuvietnam.net
thì Vietnamnet dềnh dàng vài hôm, khi đạt được mục đích câu khách rồi
họ cũng rút bài xuống, nhưng ngay sau đó lại tiếp tục đăng chùm truyện
tranh có tính cách báng bổ Phật giáo, tiếp đó là bài thánh nữ ấn Độ vào
chùa làm nô lệ tình dục cho Cao tăng. Kỳ này đến lượt báo Giác Ngộ phản ứng, nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì.
Ngoài việc lên tiếng một cách “thay phiên” của báo Giác ngộ và
Phattuvietnam.net là một sự im ắng đến kỳ lạ từ Giáo hội đến các Tự,
Viện, quần chúng Phật tử (chắc là không biết). Cho nên ai phản đối cứ
phản đối, ai làm bừa cứ làm bừa, ai không biết thì cứ “hòa bình muôn
năm”.
Ngay ở cách phản ứng của hai trang báo Phật giáo có thể gọi là lớn nhất này, cũng bộc lộ nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Khi
báo Phattuvietnam.net lên tiếng thì báo Giác ngộ im lặng; khi báo Giác
ngộ lên tiếng thì Phattuvietnam.net lại im lặng, khiến người đọc bực
bội với Vietnamnet rất nhiều mà buồn lòng với cách phản ứng của các cơ
quan truyền thông Phật giáo cũng không ít.
Thứ nhất,
cách phản ứng như thế dễ khiến người đọc không cảm nhận được sức nặng
của vấn đề, vì hình thức và số lượng là vô cùng quan trọng trong mọi so
sánh. Thứ hai nó nói lên sự rời rạc tự phát của chúng ta, như kiểu việc
anh làm, việc tôi tôi làm, chúng ta không liên quan gì đến nhau, nếu
đồng thuận là sức mạnh thì ở đây chúng ta chưa có sức mạnh. Thứ ba là
những việc như thế này quá lớn để có thể chỉ trong cậy vào một tờ báo.
Trên cơ sở đó chúng tôi thử đề ra một số giải pháp như sau:
1. Về mặt hành chính: chúng ta phải xây dựng cho được một phản ứng đồng
bộ từ Trung ương đến các Ban trị sự, Ban đại diện, các Tự, Viện, các
đoàn thể quần chúng Phật giáo trên cả nước. Hình thức phản ứng đề nghị:
thư phản đối của tất cả các đơn vị trên gửi trực tiếp đến nơi làm ra
bản tin sai trái đó, trong trường họp cụ thể này là tòa soạn báo
Vietnamnet...
2. Về mặt truyền thông: Các tờ báo lớn của Phật
giáo đều phải viết bài phân tích, chỉ rõ sai lầm của họ và treo trên
trang nhà, nếu không có thì lấy ở báo khác về treo lên, tất cả các
chùa, các tổ chức Phật giáo có trang mạng đều cũng làm như thế.
Tồi tà phụ chính là việc chung của mọi người con Phật chứ không phải
việc riêng của tờ báo nào. Có thể có người nghĩ rằng đã có báo khác
đăng rồi, đăng lại làm gì nữa, cái chính ở đây không phải là thông tin,
mà là sự đồng tâm của tập thể, mặc khác, trước một sự kiện quan trọng
ta thấy hàng loạt báo đều đưa tin kia mà. Từng bước xây dựng những tờ
báo mạng Phật giáo bề thế, uy tín để sẵng sàng và đủ sức hóa giải những
luận điệu sai trái, vu khống bôi nhọ Phật giáo trong không gian mạng.
Thời đại bây giờ là thời đại công nghệ thông tin, người nào làm chủ
được thông tin sẽ làm chủ được tình huống, nên chúng ta phải đặc biệt
quan tâm đến sân chơi đầy tiềm năng này, đừng để đến lúc cần nói không
biết nói ở đâu. Trách người ta không hiểu mình thì ít, không làm cho
người ta hiểu mình mới thật là đáng trách.
3. Về công tác
hoàng pháp: Tại các đạo tràng tu tập, quý giảng sư phải đưa nó vào nội
dung thuyết trình để mọi người Phật tử biết được việc làm sai trái đó.
Đây là diễn đàn trao đổi hết sức quan trọng, ở đó thông tin được trao
đổi trực tiếp, đa chiều, đặc biệt thính giả đều là Phật tử đầy tình cảm
và trách nhiệm bảo vệ Phật pháp. Thông qua họ ta sẽ có một lực lượng
“tuyên truyền viên hùng hậu” sẵng sàng cải chính những điều sai quấy.
Truyền miệng là cách thức truyền tin nhanh nhất và hiệu quả nhất. Mặc
khác, nhiều Phật tử cũng ít rành về báo chí, đặc biệt là báo trên mạng
thì càng mù tịt, nên những dịp trao đổi như thế này giúp Phật tử nắm rõ
vấn đề hơn. Đừng để phật tử bán tín bán nghi, còn ngoại đạo thì tha hồ
tung hô, đục nước béo cò.
4. Về mặt giáo dục: Tại các trường
Phật học trong cả nước, về lâu dài, chúng ta cần phải giáo dục Tăng, Ni
ý thức trách nhiệm và cách thức phản ứng trước những xuyên tạc nhầm
vào phật giáo, phải xem nó như là một học trình trong hệ thống giáo
dục. Đối với những trường họp như báo Vietnamnet cần đem ra bàn luận
công khai, ngay tức thì giữa lớp, cần khích lệ, hướng dẫn Tăng, Ni có
hành động kịp thời, đúng mức cũng như định hướng cho quần chúng Phật
tử. Ngoài ra, chúng ta có tổ chức Gia đình Phật tử, là nơi tập hợp các
em thanh thiếu niên Phật tử, đây là thế hệ rất đam mê và rành về công
nghệ thông tin, và hầu như lướt web mỗi ngày, chúng ta phải thông tin
kịp thời cho các em được biết, để các em có phản ứng trên không gian
mạng, chẳng hạn như tẩy chay không vào trang đó nữa, hay viết những
comment phản đối, vạch trần những sai trái đó…
Như đã nói từ
đầu, tận cùng việc làm của họ là lợi nhuận, nếu những phản ứng của
chúng ta khiến cho việc làm sai trái của họ mất nhiều hơn được thì tự
nhiên họ sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình. Với những phản ứng trên,
việc làm sai trái của họ bị phơi bày ra trước đông đảo quần chúng,
khiến họ bị mất uy tín, bị quần chúng tẩy chay, lượng người đọc giảm
sút, kéo theo thị phần quảng cáo giảm sút. Mặc khác, các nhà sản xuất
sẽ rất đắn đo khi quảng cáo sản phẩm trên báo của họ, vì không còn hiệu
quả nữa và rất có thể bị họa lây vì ác cảm của quần chúng Phật tử.
Phản ứng như thế mới triệt để đối với những sai trái trong hiện tại và
ngăn ngừa chúng trong tương lai, nếu không chúng ta không có cách nào
giải quyết được vấn nạn này, vì xu thế báo chí ngày càng tha hóa, lá
cải hóa.
Gia tài pháp bảo mà đức Phật dày công gây dựng, được
lịch đại Tổ Sư giữ gìn cho đến ngày hôm nay đã hơn 2500 năm, chúng ta
phải có trách nhiệm bảo vệ với tất cả nỗ lực, khả năng của mình, không
khéo lại giống như đứa con hư hỏng, chỉ biết tiêu pha không biết giữ
gìn, phát triển thì gia tài ấy nguy mất. Tất nhiên mọi người đều cho
rằng mình đang hoằng dương Phật pháp theo cách của mình, nhưng đứng
trước tình trạng Phật giáo bị bôi nhọ một cách công khai đầy ác ý trên
các phương tiện truyền thông rộng lớn mà chúng ta không phản ứng một
cách thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, triệt để thì mọi người cũng nên coi
lại cách hoằng dương Phật pháp của chính mình.
Thanh Tri