Phản ánh hiện thực cuộc sống, đưa hình ảnh người tu sĩ Phật giáo, mà xã hội thường gọi là ‘nhà sư” lên sân khấu, lên màn bạc điện ảnh cũng là chuyện bình thường, nếu đó là những tác phẩm chính kịch.
Tuy nhiên, đối với hài kịch, thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Nhân vật trong hài kịch là nhân vật hề. Mà đã xây dựng hình tượng nhân vật người tu sĩ Phật giáo là nhân vật hề, thì trong đó, đã hàm chứa sự bất kính, xem thường, thậm chí có thể là nhạo báng, chế giễu..
Chúng ta có bao giờ thấy người tu sĩ Thiên Chúa giáo Ca tô, cho dù là một sư huynh, một ma xơ được đưa lên sân khấu tấu hài chưa? Theo chủ quan chúng tôi, câu trả lời là chưa!
Trước đây, hình ảnh người tăng sĩ Phật giáo trên tấu hài chỉ thấy ở sân khấu hài hải ngoại. Tuy nhiên, đạo diễn đã có ý thức pha loãng đi, dụng ý để khán giả hiểu đó là sư cũng được, không phải là sư cũng được. Như thế tránh được những lời chất vấn, vì đạo diễn có thể dễ dàng trả lời đó không phải là sư..
Trong những trường hợp như vậy, nhân vật hề không cạo tóc, không mặc áo tràng (chỉ mặc áo dài khăn đóng), tức là không phải sư về mặt hình thức. Nhưng trong lời nói, cử chỉ, hành động, công việc… thì lại là sư. Anh hề gõ mõ, tụng kinh, cầu siêu, niệm Nam mô, bái lạy…, tự xưng là “thầy”.
Những nghệ sĩ tấu hài trong nước (tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên) trước đây chưa làm cái chuyện có phần bất kính đối với người tu sĩ Phật giáo như thế.
Ở đây, có lẽ cần đi vào chuyên môn một chút. Ở nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, người đạo diễn được coi là tác giả tác phẩm, có quyền hạn rộng rãi và có trách nhiệm hàng đầu đối với tác phẩm (tác phẩm nghệ thuật sân khấu là vở diễn trên sàn diễn, tác phẩm nghệ thuật điện ảnh là phim chiếu trên màn ảnh, không phải là kịch bản trên giấy). Người đạo diễn có thể thay đổi trang phục diễn viên chỉ đạo diễn xuất, tạo hiệu ứng lập lờ nơi khán giả, hiểu sao cũng được.
Mới đây, trong một vở tấu hài của một hệ thống truyền hình cáp ở TPHCM, khán giả thấy một nhân vật có hình tướng một vị sư xuất hiện.
Vì là sư tấu hài, tức sư hề, nên tất nhiên nhân vật sư không thể ăn vận pháp phục trang nghiêm tề chỉnh được. Nhân vật đội mũ ni che đầu (nhưng không cạo tóc), mặc áo vạt khách (vạt mẻ) loại áo chỉ mặc trong chùa, nhưng đến nhà một “Thánh cô”. Hình ảnh trang nghiêm của một vị có hình tướng sư không còn nữa.
Trong vở diễn, nhân vật có hình tướng sư có lúc bị phép thuật làm cho co giật, nhảy múa lung tung, quờ quạng tạo hiệu quả gây cười..
Cùng diễn với nhân vật thủ vai có hình tướng sư là 2 cây hài gạo cội Bảo Quốc và Mỹ Chi. Tất nhiên, mục đích cao nhất của tấu hài là làm bật ra tiếng cười. Vì thế, diễn xuất của những diễn viên càng thiện nghệ bấy nhiêu, thì nhân vật có hình tướng sư trở nên khôi hài bấy nhiêu.
Một trong những yếu tố tạo nên cái hài ở hài kịch là sự mâu thuẫn. Một vị tăng sĩ bản chất trang nghiêm, nay trở nên đối nghịch với bản chất trang nghiêm bao nhiêu thì yếu tố tấu hài tăng lên bấy nhiêu.
Vấn đề nằm ở chỗ này, khi đưa nhân vật có hình tượng sư lên sàn diễn hài kịch. Đã hài kịch thì đương nhiên là gây cười. Mà đã gây cười thì không thể tránh khỏi bất kính, xúc phạm.
Đó là chưa nói đến các từ ngữ nhà Phật được dùng một cách bừa bãi. Chưa đến nỗi đưa Phật lên sàn diễn tấu hài, nhưng ‘Mô Phật” được thay bằng những bổ ngữ khác, “Mô Rùa” chẳng hạn! Điều này cũng tương tự như những show tấu hài hải ngoại.
Mong rằng những điều như vậy không còn xuất hiện trên sân khấu tấu hài, đặc biệt là trên truyền hình, lãnh vực có nhiều khán giả.
Theo PTVN