Tổ chức Hội nghị Liên minh Phật giáo Quốc tế lần thứ tư
09/10/2014 20:27 (GMT+7)

       Việc tổ chức hội nghị lần này nhắm đến mục đích thúc đẩy, tạo cơ hội cho những chiến lược kinh doanh mới đối với mạng lưới di sản Phật giáo ở Ấn Độ. Hơn 300 đại biểu đến từ 30 quốc gia đã tham gia sự kiện này (ảnh).  



      Sự hình thành Liên minh Phật giáo Quốc tế là kết quả những nỗ lực của Lama Lobzang và Hội đoàn Ashoka tại Hội nghị Phật giáo Toàn cầu ở New Delhi vào năm 2011. Các vị đã nhân danh sự lợi ích của Phật giáo, kêu gọi Phật tử khắp nơi trên thế giới cùng kết hợp lại tạo nên một tiếng nói toàn cầu trong việc bảo tồn các thánh tích Phật giáo.

       Lama Lobzang phát biểu, “mục tiêu chính của Liên minh Phật giáo Quốc tế là trở thành một ‘hành lang’ hợp nhất đủ sức ảnh hưởng nhằm vận động chính quyền địa phương cũng như các tiểu bang ở Ấn Độ cùng phối hợp để bảo tồn và phát triển các thánh tích Phật giáo”. 

       Hội nghị Liên minh Phật giáo Quốc tế lần thứ tư này đóng một vai trò quan trọng đối với cả Phật giáo và Ấn Độ. Chính phủ sẽ chung tay với các đại biểu nước ngoài, các doanh nghiệp, các đối tác truyền thông để thúc đẩy và bảo tồn các thánh tích Phật giáo. Còn nhiều thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng. 

      Theo The Times of India, Hội nghị Liên minh Phật giáo Quốc tế lần này có các đại biểu, các nhà khai thác tour du lịch, và các cơ quan đại diện truyền thông từ Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Đông Á, Australia, và New Zealand đã đến tham dự. 

     Tiến sĩ Ansari phát biểu: “Du lịch Phật giáo phổ biến ở nhiều nước, đặc biệt các nước Đông Nam Á. Chúng tôi muốn thúc đẩy du lịch Phật giáo ở Ấn Độ vì đây là quốc gia có tiềm năng to lớn trong phân khúc này, đặc biệt là tại các tiểu bang như bang Bihar, Odisha, và Uttar Pradesh. Du lịch Phật giáo đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành công nghiệp du lịch của nước nhà”. 

Hoàng Lam (theo Buddhist door)

Các tin đã đăng: