"...Ngày lễ Phật đản (Vesak Day) là ngày lễ dành cho Phật tử khắp thế
giới và cũng là cơ hội cho tất cả thành viên của cộng đồng quốc tế thừa
hưởng từ tín ngưỡng lâu đời này.
Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki-moon - Ảnh: UN
Lễ Phật đản năm nay diễn ra trong bối cảnh sự nghèo
đói và xung đột lan rộng, đây chính là dịp để kiểm chứng giáo lý đạo
Phật có thể thấm nhuần vào chúng ta như thế nào trước những thách thức
hiện tại.
Chấp nhận đương đầu với những khó khăn đang đặt ra đối
với thế giới chúng ta rất phù hợp với tinh thần Phật giáo. Chính Đức
Phật khi là một hoàng tử, đã từ bỏ sự an bình trong cung điện để đi tìm
bốn nỗi thống khổ của sinh, bệnh, già và chết.
Khi không thể tránh khỏi những thực tế khổ đau, Phật giáo đã chỉ ra
những cách nhìn sâu sắc vào việc làm thế nào để chuyển hóa chúng. Lịch
sử đạo Phật cung cấp rất nhiều ví dụ đầy cảm hứng về khả năng chuyển hóa
của giáo lý Phật giáo.
Đại đế Asoka huyền thoại, người từng trị vì một chế độ bạo tàn tại Ấn
Độ vào khoảng ba thế kỷ sau thời kỳ Đức Phật nhập Niết-bàn, khi thành
tâm hướng về Phật giáo, đã từ bỏ bạo lực và hướng đến nền hòa bình.
Các
giá trị mà vua Asoka theo đuổi bao gồm quyền con người, nền dân chủ và
tôn trọng những giá trị của cuộc sống trở nên phổ biến đối với tất cả
các tôn giáo lớn. Những điều nhà vua kiên trì thực hiện sau nhiều năm
của chiến tranh thảm khốc là bằng chứng xác thực rằng thiện chí của các
cá nhân có thể dẫn đến chấm dứt khổ đau hiện thời. Hơn bao giờ hết,
chúng ta rất cần tinh thần bất bạo động để có thể giúp duy trì nền hòa
bình và giảm thiểu xung đột.
Tôi chân thành gởi lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể tín đồ đang đón
mừng ngày lễ Phật đản và những hy vọng chân thành rằng, chúng ta có thể
vẽ nên những lý tưởng tâm linh để tăng cường sự kiên định trong việc
cải thiện thế giới chúng ta".
Bảo Thiên dịch (theo UNDV)