Trong một thế giới mà sự bất ổn ngày càng leo thang,
chiến tranh, tai nạn, dịch bệnh, đói khát... hoành hành như ngày nay,
thì vụ nổ ở Bồ Đề Đạo Tràng (bang Bihar), xét về mặt hiện tượng, không
phải là một vụ khủng bố lớn.
Tuy nhiên, điều gây chấn động chính là Bồ Đề Đạo Tràng -
biểu tượng tâm linh thiêng liêng, và Phật giáo - tôn giáo của hòa bình,
từ bi, trí tuệ, đã phải hứng chịu một sự tổn thương rất lớn khởi từ sự
thù hiềm, oán hận của một số người chưa được xác định cụ thể. Hiện, vẫn
chưa có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom
nêu trên.
Trong vụ khủng bố, một vị sư bị thương
Vụ khủng bố từng được cảnh báo: nguyên nhân từ đâu?
Sau khi cuộc tấn công khủng bố diễn ra, qua phân tích
các đoạn băng từ camera giám sát, cảnh sát Ấn Độ phát đã hiện có hai
người đàn ông đặt những thiết bị nổ quanh khu Đại tháp, và họ “đang làm
tất cả những gì có thể” để xác định danh tánh những đối tượng này. Cảnh
sát cũng đã bắt giữ và thẩm vấn một người đàn ông có tên Vinod Mistri do
tình nghi người này liên quan đến vụ đánh bom tại Thánh tích thiêng
liêng của Phật giáo.
Nhiều tờ báo cho hay, vụ đánh bom nhắm vào Bồ Đề Đạo
Tràng vốn đã được cảnh báo từ trước, ít nhất là từ khi kẻ khủng bố có
tên David Headley, người Pakistan, quốc tịch Mỹ có liên quan chặt chẽ
với loạt vụ khủng bố kinh hoàng tại Mumbai năm 2008, bị bắt. David
Headley khai rằng, tổ chức Lashker-e-Ttaiba (LeT) ở Pakistan - được xem
là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới hiện nay - đã chuẩn bị cuốn
băng video cho kế hoạch đánh bom Bồ Đề Đạo Tràng. Một kẻ khủng bố tại
thành phố Hyderabad bị bắt vào năm ngoái cũng khai rằng, kế hoạch tấn
công Bồ Đề Đạo Tràng đã được vạch ra.
Các cuộc khủng bố nhắm vào người Phật giáo trở nên đáng
báo động hơn bao giờ hết có thể kể từ năm ngoái, cụ thể sau khi những
cuộc xung đột xảy ra giữa cộng đồng thiểu số những người theo Hồi giáo ở
Myanmar và những Phật tử địa phương tại vùng giáp ranh Bangladesh,
khiến những người Hồi giáo cực đoan gấp rút lên kế hoạch trả thù. Trớ
trêu thay, kế hoạch hãm hại người Phật giáo của họ lại diễn ra tại Ấn
Độ, nơi Phật tử chỉ chiếm thiểu số còn người Hồi giáo lại rất đông. Đỉnh
điểm vụ việc này là một Phật tử người Tây Tạng bị giết tại Bangalore,
miền Nam Ấn, khiến cho bộ phận an ninh Ấn Độ phải huy động mỗi ngày đến
10 ngàn cảnh sát bảo vệ. Trước đó, một số thanh niên Hồi giáo cực đoan
tại Bangladesh đã tự tạo một số hình ảnh phản cảm đối với Hồi giáo, đăng
tải những hình ảnh này lên Facebook và vu khống cho người Phật tử đã
tạo ra chúng, khiến cộng đồng Hồi giáo sôi sục căm phẫn. Ngay sau đó,
hàng loạt ngôi chùa đã bị đốt cháy, nhiều người Phật tử sống trong những
ngôi làng rải rác tại Bangladesh đã phải tìm đường lánh nạn sang
Myanmar...
Trong làn sóng đó, chính quyền Delhi đã gởi đi nhiều lời
cảnh báo đến chính quyền bang Bihar về nguy cơ khủng bố đe dọa Bồ Đề
Đạo Tràng, và cảnh báo gần đây nhất là trước vụ đánh bom này 2 tuần,
nhưng tất cả đều bị chính quyền bang Bihar phớt lờ.
Như vậy, nguyên nhân vụ đánh bom Bồ Đề Đạo Tràng, nếu
nhìn gần, có thể đến từ những vụ xung đột gần đây giữa một số ít Phật tử
với những người Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, nhìn xa hơn, nhất là
trong cuộc khủng bố đẫm máu tại Nalanda xưa kia, chúng ta thấy rõ,
nguyên nhân chính không phải là sự xung đột, mà là sự mê muội độc tôn
tôn giáo cùng với lòng tham tàn của những người tự cho rằng giết hại
người không tuân theo tôn giáo mình là “thánh chiến”.
Lối ứng xử nào cho người Phật tử?
Đối trước sự tấn công khủng bố ấy, người Phật tử ắt
không khỏi cảm thấy bị thương tổn, chạnh lòng. Nhưng, cho dù bị tổn
thương đến thế nào đi nữa, chúng ta vẫn phải luôn luôn ghi nhớ lời dạy
của Đức Thế Tôn:
“Nó nhục mạ ta / hành hung đánh bại / và tước đoạt
ta” / lòng ai ôm giữ / niềm oán hận ấy / thì sự hận thù / không thể
nguôi ngoai (Pháp cú 3). Bởi vì: Đem sự hận thù / làm hết
hận thù / thì thế giới này / từ xưa đến nay / không thể có được/ Nhưng
không hận thù / để hết hận thù, / thì là định luật / của các Hiền thánh /
ngàn xưa đến nay (Pháp cú 4). Lời dạy ấy tuy đơn giản nhưng gói trọn tinh hoa của Phật: từ bi - trí tuệ - xả ly - an nhẫn.
Sau khi Bồ Đề Đạo
Tràng, bằng lòng từ bi - trí tuệ, người con Phật thể hiện lòng thương
xót của mình trước hành động dã man của người gây ra khủng bố, tuyệt
nhiên không nuôi dưỡng hận thù, không hành xử bạo động
Thực ra, trong từ bi vốn sẵn có trí tuệ; có trí tuệ mới
có thể xả ly; có xả ly mới có được an nhẫn (hay nhẫn nhục). Nhẫn nhục là
một hạnh tu quan trọng bậc nhất của Phật giáo. Trong lời dạy cuối cùng,
Đức Phật nhấn mạnh: “Các thầy Tỷ-kheo, nếu ai cắt xả thân thể các thầy
ra từng đốt, các thầy cũng phải tự kiềm chế tâm mình, đừng cho giận dữ.
Lại phải giữ lấy miệng lưỡi, đừng để phát ra lời tiếng không tốt. Tâm
giận dữ nổi lên là tự hại đạo nghiệp, hư mất công đức. Đức tính của
Nhẫn, giữ giới và khổ hạnh không thể sánh bằng. Thực hành đức Nhẫn mới
được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh. Kẻ nào không thể tiếp
nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lộ, kẻ ấy không
thể được ca tụng là người nhập đạo có trí” (Kinh Di giáo).
Nhẫn nhục không phải là đớn hèn, cầu an hay sợ hãi.
Ngược lại, đó là một hành động dũng mãnh, tinh tấn, kiên định và đầy trí
tuệ. Trí tuệ là cái nhìn xuyên suốt, rõ ràng về nhân - duyên - quả.
Nhân như thế nào, duyên như thế nào, thì quả như thế ấy. Đó là cái nhìn
Tứ đế, là nhìn bằng con-mắt-Phật.
Thế giới đang diễn ra nhiều sự xung đột, đặc biệt tương
tàn như chiến tranh, khủng bố. Do đó, niềm oán hận đã bị gieo rải khắp
nơi. Nỗi oán hận này chất chồng lên nỗi oán hận khác không bao giờ được
tháo gỡ. Sinh tử luân hồi tiếp nối triền miên không dứt. Cho nên, người
Phật tử nhất định không gieo tiếp những hạt giống oán hận để phải gặt
hái vào mùa sau.
Nếu nghĩ rằng, vì mục đích bảo vệ Phật pháp, chúng ta
cần đáp trả lại những kẻ gây khủng bố bằng một cuộc khủng bố khác thì
chúng ta đã nhầm. Bởi hành động xấu ác không thể đem đến kết quả tốt
đẹp, và do đó, “phương tiện không thể biện minh cho cứu cánh”.
Cứu cánh, hay mục đích tối hậu của người con Phật phải
là đạt được tuệ giác tối thượng như Đức Bổn Sư và chư Phật quá khứ đã
làm: “đem mọi yếu tố / cầu tuệ giác Phật”, dẫu cho “bao kẻ thượng
mạn / mắng nhiếc đánh đập / vẫn nhẫn được cả / để cầu trí Phật”
(kinh Pháp hoa, phẩm 1). Đến như thân mạng, Bồ-tát cũng xả bỏ cho bầy cọp đói vì “để cầu Niết-bàn tối thượng và cứu cánh” (kinh Ánh sáng hoàng kim,
phẩm 26). Hay Ngài cho đi đôi ngà bởi “đôi ngà Chánh đẳng Chánh giác
còn đáng quý đối với ta gấp cả trăm ngàn lần đôi ngà này” (Kinh Tiểu bộ, Jataka 514).
Với cái nhìn đầy tuệ giác và với một tinh thần nhẫn nhục
như lời dạy của Đức Thế Tôn trong nhiều kinh điển, người Phật tử chúng
ta có thể vô úy, an nhiên vượt qua được những tai ách, như lịch sử
truyền bá Chánh pháp đã minh chứng.
Rõ ràng, từ xưa đến nay, Phật giáo vẫn luôn được xem là
tôn giáo của hòa bình, chưa bao giờ gây đổ máu, cho dù là vì “sự trường
tồn của đạo pháp”, ngược lại, nhiều Tăng Ni, Phật tử còn sẵn sàng xả
thân để thức tỉnh lương tri nhân loại. Tinh thần từ bi cao cả và trí tuệ
siêu việt ấy đã khiến cho thế giới kính phục.
Do đó, trong cơn đau khổ nhất, trong cơn nguy biến
nhất, người Phật tử phải an định, tỉnh thức. Không vì sự tổn thương của
mình mà gây ra bất kỳ cuộc xung đột nào đối với đồng loại. Một kẻ dù bạo
ác đến đâu chăng nữa thì Phật tánh vẫn luôn sẵn có trong họ, như Pháp hoa đã nói. Chúng ta hãy tin như thế!
Vạn Năng - Quảng Kiến (GNO)