'Quái vật' lộng hành ở chùa
14/06/2010 00:22 (GMT+7)

Xem hình

Rùa tai đỏ đang sinh sôi nảy nở tràn lan, nhiều người dân TPHCM còn mang chúng đến chùa cúng rồi thả ra sông! Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Cơ quan chức năng đang bối rối trước “sát thủ thầm lặng” này.

Theo khảo sát của một nhóm sinh viên Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, có hàng chục ngôi chùa ở TP như chùa Quan Âm - quận 5; chùa Ngọc Hoàng - quận 1; chùa Giác Huệ - quận 7... đang lưu giữ rùa tai đỏ do người dân mang đến phóng sinh.

Sát thủ

Theo ghi nhận của chúng tôi,  tại chùa Một Cột - quận Thủ Đức; chùa Ngọc Hoàng - quận 1, số  rùa tai đỏ lên đến cả ngàn con. “Mỗi khi thả thức ăn xuống hồ, đàn rùa tai đỏ xông tới đớp xé, không một loài rùa nào khác đủ sức cướp miếng ăn trước miệng rùa tai đỏ” - một nhà sư ở chùa Một Cột nói.

Chính bản chất ăn tạp và hung dữ đang giúp rùa tai đỏ sinh sản nhanh và trở thành nỗi khiếp sợ của những loài rùa khác. Vì vậy, từ một loài rùa  ở nước ngoài, hiện nay, rùa tai đỏ đang áp đảo các loài rùa quý khác ở các ngôi chùa của TP.

Sinh viên Lê Mai Thanh Trâm, Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TP, hiện là thực tập viên của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR), cho biết trong đợt khảo sát tình trạng phân bố rùa ở các ngôi chùa, đã chứng kiến cảnh phật tử đem rùa tai đỏ đến đây cúng rồi phóng sinh ra sông. Chi cục Kiểm lâm TP cũng xác nhận chuyện nhà chùa mang rùa tai đỏ ra sông phóng sinh vì hồ nuôi đã quá dày đặc “hung thần tai đỏ”.

Đa số rùa phóng sinh do các phật tử mua từ những người bán rong hoặc các tiệm bán cá cảnh kèm rùa. Hiện nay, giá một con rùa tai đỏ dưới 300 g khoảng 30.000 đồng.

Đặc biệt trong những ngày rằm, trước những ngôi chùa lớn, số lượng rùa tai đỏ bày bán khá nhiều, một “sát thủ tai đỏ” nặng 1,5 kg được bán với giá 400.000 đồng. 

Nhu cầu phóng sinh rùa của người dân đang biến những ngôi chùa ở TPHCM trở thành điểm thu hút rùa tai đỏ từ khắp các tỉnh, thành đổ về và vô tình “sát thủ tai đỏ” từ chùa sẽ tràn ra dòng sông, kênh rạch của TP!

Giết thì thương, vương thì họa

Mới đây, chùa Một Cột tình nguyện hiến tặng rùa trong ao nuôi của mình cho Chi cục Kiểm lâm TP đem thả về tự nhiên. Tuy nhiên, trong số hàng ngàn cá thể rùa, lực lượng kiểm lâm chỉ vớt được khoảng 20 con. Số còn lại chi cục “từ chối” vì là rùa tai đỏ!

Sở dĩ chi cục từ chối vì từng xảy ra chuyện dở khóc dở cười trong việc xử lý rùa của chùa Quan Âm. Lần đó, chùa Quan Âm bàn giao cho chi cục toàn bộ số rùa với yêu cầu phải thả tất cả về tự nhiên, không được “sát sanh” con nào.

Khi phân loại, chi cục phát hiện trong số  rùa nhận được có khoảng 150 “sát thủ tai đỏ”. Đáng ra, tất cả số rùa tai đỏ phải đem tiêu hủy để không có cơ hội sinh sản. Tuy nhiên, do lời hứa với người quản chùa mà Chi cục Kiểm lâm phải thả “sát thủ” vào một hồ nuôi riêng. Hiện nay, chưa biết xử lý số rùa này ra sao.

Rút kinh nghiệm, Chi cục Kiểm lâm không “cõng” rùa tai đỏ từ chùa về nữa. Tuy nhiên, việc để chúng tại chùa cũng không phải là một lựa chọn phù hợp.

Thứ nhất, do nhà chùa không phân biệt loại rùa nguy hiểm này với các cá thể rùa khác nên thả chúng sống cùng nhau trong một ao nuôi. Vì vậy, những loại rùa quý của VN như rùa răng, rùa đất lớn, rùa hộp lưng đen... sẽ bị rùa tai đỏ tranh giành thức ăn dẫn đến suy kiệt rồi chết.

Thứ hai, với số lượng hàng ngàn rùa tai đỏ tập trung tại một ngôi chùa thì khó tránh chuyện nhà chùa đem ra sông phóng sinh! Đặc biệt, nhiều nhà sư còn  cho biết gần đây đã xảy ra hiện tượng những người bên ngoài vào chùa ăn cắp rùa để bán kiếm tiền. Đây cũng là con đường lây lan rùa tai đỏ rất khó kiểm soát.

Tàn phá môi trường dữ dội

Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), rùa tai đỏ có nguồn gốc ở Bắc Mỹ, xuất hiện tại VN khoảng 10 năm nay. Chúng đứng đầu trong số 206 động vật xâm hại môi trường. Một nhóm sinh viên chuyên nghiên cứu về rùa thuộc Trường Đại học Nông Lâm TPHCM còn quay được cảnh một con rùa tai đỏ trong cơn đói đã  xâu xé ăn một con rùa tai đỏ nhỏ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM,  khẳng định rùa tai đỏ giống như ốc bươu vàng, là một loại ngoại xâm sinh sản rất nhanh và tàn phá môi trường dữ dội. Các nhà khoa học đã khuyến cáo không nên phát triển loài này tại VN.

Theo ông Cương, hiện tượng người dân đem rùa tai đỏ vào chùa cúng rồi đem ra sông thả là cực kỳ nguy hiểm.  Nếu nhà chùa đồng ý bàn giao, chi cục sẽ đem về tiêu hủy. Sắp tới, chi cục sẽ thu thập các tài liệu nói rõ tác hại của rùa tai đỏ để tuyên truyền cho phật tử cũng như nhà chùa, yêu cầu họ không phóng sinh rùa tai đỏ nữa.

Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)
(Theo Người Lao Động)

Các tin đã đăng: