Mảnh đất này từng là
kinh đô của 8 triều đại phong kiến Trung Quốc, trải dài từ năm 771 trước
Công nguyên đến năm 913. Vì thế, Lạc Dương đã đóng vai trò là một trung
tâm kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo quan trọng trong lịch sử Trung
Quốc.
Long Môn thạch quật (hang đá Long Môn)
cách trung tâm thành phố Lạc Dương khoảng 12km về phía Nam, là hình mẫu
của các công trình chạm trổ, điêu khắc tượng Phật trong vách núi đá.
Cùng với hang đá Mạc Cao (tỉnh Cam Túc)
và hang đá Vân Cương (tỉnh Sơn Tây), hang đá Long Môn là một trong ba
địa điểm điêu khắc cổ đại nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, đã được UNESCO
xếp hạng Di sản văn hóa thế giới vào năm 2000.
Hội đồng di sản thế giới đánh giá hang
đá và tháp Phật tại khu vực Long Môn đã thể hiện nghệ thuật tạo hình quy
mô và ưu tú nhất cuối thời Bắc Ngụy cho đến thời Đường. Các tác phẩm
nghệ thuật tôn giáo đã thuật lại một cách tường tận về Phật giáo, đại
diện cho đỉnh cao nhất của nghệ thuật chạm khắc đá Trung Quốc.
Hang đá Long Môn có chiều dài khoảng
1km, hiện nay còn tồn tại khoảng 1.400 hang với 100.000 bức tượng, trong
đó có nhiều bức chỉ cao 2,5cm. Tượng Phật lớn nhất cao 17m.
Hang Tân Dương được ghi nhận là hang
động có niên đại lâu nhất trong hệ thống hang đá Long Môn với nhiều pho
tượng được chạm khắc từ thời Bắc Ngụy (386–534). Trong số đó, pho tượng
khắc trên đá vôi sớm nhất ở hang này là vào năm 478.
Ngoài Long Môn thạch quật, Lạc Dương còn
nổi tiếng với những trung tâm nuôi trồng hoa mẫu đơn. Mẫu đơn cũng là
loài hoa biểu tượng của thành phố bên bờ sông Lạc Hà.