Mở đầu bằng một câu chuyện
Người viết bài này có lần nghe Ni sư Trí Hải kể câu chuyện như sau qua băng giảng, đại ý:
Một số cư sĩ một ngôi chùa làng miền Trung phát hiện vị tăng sĩ trụ trì chùa… ra quán ngồi uống cà phê. Các Phật tử họp nhau thành một đoàn, tiến vào quán, cúi xuống trước bàn cà phê vị tăng sĩ đang ngồi uống, dâng lên vị tăng sĩ một mâm đầy ắp cà phê bột, dễ có tới hơn chục ký, và nói: “Chúng con thỉnh thầy về chùa dùng cà phê ạ!”
Vị tăng sĩ không biết trả lời sao, bèn theo đoàn Phật tử bưng mâm cà phê về chùa để… uống cà phê!
Bình luận
Câu chuyện, theo Ni sư Trí Hải, là chuyện thật. Tuy có vẻ chỉ là chuyện vui, nhưng nó mang nhiều ý nghĩa, thể hiện một chiều quan hệ giữa cư sĩ với tăng sĩ, chiều điều chỉnh hành vi tu tập.
Đoàn Phật tử trong câu chuyện đã điều chỉnh hành vi của vị tăng sĩ trụ trì một cách tế nhị và cũng khá thú vị. Tất nhiên, chúng ta ủng hộ và khen ngợi việc làm của nhóm Phật tử đó, vừa có tác dụng tích cực, vừa trong khuôn khổ đạo đức, công khai, minh bạch (không phê phán, vận động sau lưng).
Một hành động như vậy rõ ràng là cần thiết và phù hợp với yêu cầu chung.
Quan hệ giữa tăng sĩ và cư sĩ thường vẫn được hiểu là quan hệ thầy trò, một chiều. Thầy dạy trò, điều chỉnh hành vi, hoạt động tu tập của trò, và hầu như là không có chiều ngược lại. Người cư sĩ không có nhiệm vụ điều chỉnh hành vi tu tập của bậc thầy. Vì điều này trái với đạo lý và tập quán truyền thống thông thường: trò không thể “dạy” lại thầy.
Nhưng qua câu chuyện được kể bởi Ni sư Trí Hải và ghi nhận ở trên, cũng như nhiều trường hợp khác mà không phải là hiếm thấy, thì việc cư sĩ tham gia vào hoạt động điều chỉnh hành vi tu tập của tăng sĩ là một thực tế hiển nhiên, đang tồn tại, và có chiều hướng ngày càng phát triển nữa là đàng khác.
Thực tế đó không thể phủ nhận, mà thiết tưởng, cần phải ghi nhận, đánh giá và có thái độ cũng như cách ứng xử thích hợp.
Thực ra, tác động của cư sĩ đối với hoạt động tu tập của chư tăng đã có từ thời đức Phật và đó là điều tất yếu, đương nhiên trong một giáo hội có tứ chúng, và vị đạo sư tối cao khi đó là đức Phật.
Chư tăng không phải đều đã đắc đạo 100%, và trong số những hành vi của họ có những hành vi trở thành vấn đề . Chính những hành vi vấn đề này đã góp phần vào việc đức Phật chế định ra giới luật trong một tiến trình kéo dài, không phải chỉ một lần, một lúc.
Sau khi đức Phật Niết Bàn, giáo hội với tứ chúng (tăng, ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ), gồm 2 thành phần chính là xuất gia và tại gia, được mở rộng, phát triển trong hoàn cảnh không còn vị đạo sư tối thượng, tất yếu vấn đề còn phức tạp hơn nữa.
Di huấn của Đức Phật là lấy giới luật làm thầy, đã trở thành nguyên tắc cơ sở để giải quyết các vấn đề tất yếu ngày càng phát sinh. Với một khuôn mẫu để điều chỉnh việc tu học như vậy, thì nếu có hướng điều chỉnh từ chúng tại gia đối với chúng xuất gia, thì cũng là điều nằm trong khuôn khổ.
Nhưng ở đây phát sinh 2 vấn đề:
* Thứ nhất, nếu hoạt động tu học của chúng xuất gia không hề phạm giới, như ra quán uống cà phê, hút thuốc…, thì hướng điều chỉnh từ phía chúng tại gia (chúng có giới phẩm thấp hơn) còn có thể chấp nhận được không, nếu dựa trên nguyên tắc lấy giới luật làm thầy?
Muốn điều chỉnh thì phải có tiêu chuẩn. Uống cà phê ngoài quán thì đâu có lệch chuẩn “lấy giới luật làm thầy” mà điều chỉnh. Cơ sở nào để điều chỉnh?
* Thứ hai, sử dụng phương thức gì để điều chỉnh? Trong giới xuất gia thì có bố tát, tụng giới. Nhưng chúng tại gia thì không có hoạt động như vậy.
Từ đó, đã đưa đến việc tác động tùy tiện. Cư sĩ nói “xấu” chư tăng, viết thư chuyền tay, lên mạng là tùy tiện trong phương thức. Tự đưa những chuẩn mực mới là tùy tiện về mặt nguyên tắc.
Phản ứng trước việc thầy trụ trì ra quán uống cà phê là tùy tiện về nguyên tắc, vì như đã nói, thầy đâu có phạm giới, mà cư sĩ lại có thể tác động “điều chỉnh” như vậy!
Cũng vậy, người viết bài này, nhớ rằng mười mấy năm trước, khi điện thoại di động còn là một phương tiện xa xỉ, thì việc nhà sư móc điện thoại di động ra gọi được coi là không thể chấp nhận được. Còn hiện nay, thì lại là việc hết sức bình thường. Nói tùy tiện là ở chỗ đó.
Vậy, đâu là giải pháp cho 2 vấn đề trên. Nói là tùy tiện, thì sao chúng ta lại có thể tán thành với nhóm Phật tử “mời thầy về chùa uống cà phê” trong câu chuyện kể trên? Lẽ nào ai cũng muốn hiểu sao cũng được, làm gì cũng được?
Theo chúng tôi, câu trả lời cho vấn đề này nằm ở chính trong câu chuyện được dẫn trên. Chúng ta ủng hộ nhóm Phật tử “mời thầy về chùa uống cà phê” là vì chính vị thầy trụ trì ấy đã phải thuận theo nguyện vọng của họ, chấp nhận sự điều chỉnh, để mà “về chùa uống cà phê”! Giải pháp ở đây chính là sự đồng thuận, chính là tư tưởng lục hòa trong Phật giáo.
Đồng thuận còn phải là công khai, minh bạch, như nhóm Phật tử cúng hơn chục ký cà phê bột kia vậy. Họ không tạo dư luận, không nói sau lưng, mà đến thưa thẳng ngay trước mặt thầy, giữa quán cà phê.
Một khi đã đồng thuận, lục hòa, thì đã có những tiêu chuẩn mới được ấn định ngầm và đương nhiên trường hợp trong câu chuyện kể trên, vị thầy trụ trì chắc chắn không còn tái diễn cái việc ra quán ngồi uống cà phê nữa, vì thầy đã đồng thuận, đã “ý hòa” với nguyện vọng của nhóm cư sĩ kia.
Đây là một vấn đề có ý nghĩa căn bản về mặt lý luận. Có đồng thuận, ý hòa thì hướng điều chỉnh hoạt động tu học của tăng ni xuất phát từ phía cư sĩ mới có chuẩn, việc điều chỉnh mới có giá trị, mới đưa lại kết quả thiết thực. Mà đồng thuận, như đã nói, phải là 2 phía nhất trí, công khai, minh bạch, không mờ ám, dối trá sau lưng.
Chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại Kinh Pháp Cú nổi tiếng:
“… Hạnh phúc thay tăng già hòa hợp
Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu”
Khi mà đã “hòa”, đã “đồng”, thì mọi vấn đề đều có thể được giải quyết, mọi tiêu chuẩn đều có thể được ấn định, mọi điều chỉnh đều có thể được chia sẻ, mọi tác động đều cũng có thể được chấp nhận, dù là từ hướng nào, phía nào tăng hay tục, trò hay thầy, trên hay dưới, cao hay thấp…
MT (Theo PTVN)