Nhóm Tự do Tây Tạng nói ni cô Wangmo đã tự
thiêu bên ngoài tu viện Dechen Chokorling ở quận Aba, tỉnh Tứ Xuyên,
nơi đây đã từng có một số người khác tự thiêu trong năm 2011. Nhóm này
còn cho biết thêm trước khi tự thiêu, cô Wangmo đã hô khẩu hiệu tự do
tôn giáo và kêu gọi sự trở về của nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo
Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma, đang lưu vong tại Ấn Độ.
Từ tháng 3.2011 đến nay, đã có tổng cộng chín nhà sư tự
thiêu, thể hiện sự bất mãn của người dân Tây Tạng đối với chính quyền.
Bảy trong số chín tu sĩ tự thiêu là nhà sư của tu viện Kirti ở Ngaba,
chỉ cách tu viện Dechen Chokorling của ni cô Wangmo vài dặm. Bốn trường
hợp trong số đó được cho là đã chết.
Một nhà sư ở Trung Quốc cho biết: "Những người này
không phạm vào bất cứ điều cấm của Phật giáo khi họ quyết định tự thiêu.
Trong quy định của đạo Phật, một người không được tự sát vì lý do cá
nhân, nhưng nếu từ bỏ cuộc sống mình cho cuộc sống và quyền tự do của
những người khác thì đó lại là một điều tốt. Họ tự kết liễu cuộc sống vì
không thể tấn công hay giết hại bất cứ ai”.
Phản ứng của Trung Quốc đối với những người bất đồng ý
kiến ở Tây Tạng đã nhanh chóng gia tăng và ngày càng khắc nghiệt kể từ
khi nổ ra cuộc bạo loạn ở thủ phủ Lhasa của Tây Tạng vào tháng 3.2008.
Chính quyền Trung Quốc khẳng định tự thiêu là quy định
riêng của vùng Tây Tạng, và phản ứng duy nhất của chính quyền đối với
hành vi này là bỏ tù những nhà sư giúp tổ chức các cuộc tự thiêu như
trên. Một tòa án Trung Quốc đã kết án nhà sư Tsering Tenzin 13 năm tù và
nhà sư Tenchum 10 năm tù vì tội hỗ trợ người đồng môn, Rigzin
Phuntsog, 16 tuổi, tự thiêu hồi tháng 3.2011.
Trung Quốc đã không cho phép đăng tải thông tin về các
vụ tự thiêu trên các phương tiện truyền thông chính thống của Nhà nước,
đồng thời các nguồn thông tin khác có liên quan đăng trên blog, bình
luận… đều bị xoá. Tờ Nhật báo Trung Quốc chỉ đưa tin về hai người Tây
Tạng “bị thương nhẹ” khi cố gắng thực hiện cuộc tự thiêu vào ngày 8.10
vừa qua.
Trong một diễn biến khác, mạng indianexpress.com loan
tin các thành viên của nhóm gọi là quốc hội Tây Tạng lưu vong, cùng với
các tu sĩ Tây Tạng từ khắp Ấn Độ và Nepal, đã bắt đầu một cuộc biểu
tình ba ngày từ hôm nay 19.10 để bày tỏ tình đoàn kết với các trường
hợp tự thiêu gần đây của các nhà sư ở Tây Tạng. Người phát ngôn của
quốc hội Tây Tạng lưu vong, Penpa Tsering, kêu gọi chính phủ Trung Quốc
cho phép phái đoàn độc lập quốc tế đến thăm Tây Tạng.
Theo: SGTT