Giải thưởng Sách Toshihide Numata năm 2014
22/11/2014 23:10 (GMT+7)

     Vừa qua, Trung tâm Phật học tại Đại học California, Berkeley, đã vui mừng thông báo danh sách hai người đạo được Giải thưởng Sách Toshihide Numata năm 2014: Ông Erik Braun, Giáo sư Tôn giáo học tại Đại học Oklahoma, với tác phẩm “Sự hình thành của tuệ quán: Thiền, Phật giáo hiện đại, và sư Ledi Sayadaw người Myanmar” (The Birth of Insight: Meditation, Modern Buddhism, and the Burmese Monk Ledi Sayadaw), do Nhà sách Đại học Chicago xuất bản vào năm 2013; và ông John K. Nelson, Giáo sư Thần học và Tôn giáo học tại Đại học San Francisco, với tác phẩm “Phật giáo thực nghiệm: Sự cách tân và Chủ nghĩa hành động tại Nhật Bản hiện đại” (Experimental Buddhism: Innovation and Activism in Contemporary Japan), do Nhà sách Đại học Hawaii xuất bản vào năm 2013.

Bìa sách Sự hình thành của tuệ giác (trái) và Phật giáo thực nghiệm 

     Giải thưởng Sách Toshihide Numata về Phật giáo được trao hàng năm cho những tác giả có một hoặc nhiều cuốn sách xuất sắc trong lĩnh vực Phật học. Việc bầu chọn được thực hiện bởi một ủy ban bên ngoài được đề cử hàng năm. Các thành viên của Ủy ban bầu chọn năm nay đều ca ngợi cuốn sách Sự hình thành của tuệ quán: Thiền, Phật giáo hiện đại, và sư Ledi Sayadaw người Myanmar. Một nhà phê bình nhận xét: “Cuốn sách được viết rất hay, có tính sáng tạo, và có nền tảng vững chắc về mặt lý luận. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì đây là cuốn sách đầu tiên của tác giả Erik Braun”.

    Các thành viên của Ủy ban bình chọn đều có ấn tượng tốt đẹp về tác phẩm Phật giáo thực nghiệm: Sự cách tân và Chủ nghĩa hành động tại Nhật Bản hiện đại, và nhận định rằng, Phật giáo thực nghiệm là con đường hội nhập và sự hành động nhanh chóng của Phật giáo Nhật Bản; cuốn sách có đầy đủ các chi tiết hấp dẫn, sự quan sát sinh động.

    Hai vị Giáo sư Braun và Nelson sẽ được trao giải thưởng vào chiều thứ Sáu, ngày 14-11 tại Trung tâm Jodo Shinshu ở Berkeley.

     Thiền Minh sát là một phương pháp thiền đem đến cho các hành giả cơ hội để vượt thoát mọi đau khổ nhờ nhận thức đúng bản chất đích thực của thực tại, là một trong những phương thức phổ biến nhất của việc hành thiền hiện nay. Các truyền thống văn hóa Phật giáo Nguyên thủy ở Nam và Đông Nam Á xem Thiền Minh sát như là món quà quý giá nhất mà Đức Phật đã trao tặng cho nhân loại. Trong cuốn sách đầu tiên của mình, để kiểm chứng phương pháp thực tập Thiền Minh sát đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo, tác giả Erik Braun đã đưa người đọc đến với Myanmar và cho người đọc thấy rằng, những người học Phật ở Myanmar trong thời kỳ thuộc địa là những người tiên phong trong việc đưa phương pháp Thiền Minh sát trở thành một phần không thể thiếu đối với Phật giáo hiện đại.

    Braun tập trung đề cập đến sư Ledi Sayadaw người Myanmar, một nhân vật cực kỳ quan trọng đối với Thiền Minh sát hiện đại, và khám phá sự phổ biến của những nghiên cứu kinh điển triết học Phật giáo rất quan trọng của sư Ledi trong những năm đầu thế kỷ XX. Braun cho thấy rằng, thông qua việc khuyến khích mọi người nghiên cứu các kinh điển sâu sắc như vậy, sư Ledi đã có thể chuẩn hóa và đơn giản hóa các phương pháp thiền định và làm cho các phương pháp đó được phổ biến rộng rãi.

    Tác phẩm của John K. Nelson nêu bật được những sự tương tác phức tạp giữa truyền thống tôn giáo lâu đời và sự thay đổi nhanh chóng về xã hội, văn hóa và kinh tế tại Nhật Bản. Dựa trên những nghiên cứu thực địa dân tộc học và nghiên cứu tư liệu lưu trữ, cuốn sách là một trong những tác phẩm đầu tiên cung cấp cho người đọc một cảm nhận về những gì đang xảy ra trong xã hội khi mà một số lượng lớn các tu sĩ Phật giáo đang cố gắng khôi phục lại vai trò và truyền thống của họ để tạo vị thế trong xã hội Nhật Bản. Cuốn sách đã phản ánh những phương thức cách tân và có phần gây tranh cãi của các tu sĩ Phật giáo đối với những thách thức mà họ đang phải đối mặt trong xã hội hiện đại ở Nhật Bản.

Nguyên Quý (theo Buddhist Channel)

Các tin đã đăng: