Trung
Quốc và Ấn Độ đang cạnh tranh nhau trong việc gây ảnh hưởng bằng tôn
giáo ở châu Á với các hoạt động như tài trợ cho các cuộc hội thảo, các
website tôn giáo, trưng bày thánh vật...
90% dân số Myanmar theo đạo Phật, nên việc “mượn” tôn giáo này để thúc
đẩy các quan hệ văn hoá với Myanmar là một cách hợp lý mà Ấn Độ đang
thực hiện. Và không chỉ có Ấn Độ.
Tượng Phật và thánh vật ở Myanmar
Vào tháng 12.2012, Ấn Độ và Myanmar đã đồng tổ chức hội
thảo về nghiên cứu Phật giáo kéo dài ba ngày tại học viện Phật giáo
quốc tế Sitagu ở thành phố Yangon của Myanmar.
Ngoại trưởng Ấn Độ, ông Salman Khurshid đã cùng tham dự
với phó Tổng thống U Sai Mauk để khai mạc hội thảo có sự tham gia của
nhiều khách mời đến từ nhiều nước Đông Nam Á.
Ông Khurshid cũng tham dự lễ khánh thành công trình
tượng Phật cao 5m ở chùa Shwedagon linh thiêng ở Yangon. Tượng Phật này
được chính Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cúng dường trong chuyến thăm
Myanmar vào tháng 5.2012.
Tháng 11.2011, Trung Quốc đã cung tống xá lợi răng Phật
đến Myanmar. Thánh vật của đền Linh Quang ở Bắc Kinh đã được đưa đến
nhiều thành phố của Myanmar, trong đó có cả thủ đô cũ Yangon và thủ đô
mới Naypyidaw, và đã thu hút nhiều Phật tử đến chiêm bái.
Được truyền thông Trung Quốc đưa tin rầm rộ, sự kiện
nói trên là hoạt động nằm trong khuôn khổ thoả thuận giữa đền Linh
Quang và chùa Shwedagon nhằm mở rộng các mối quan hệ tôn giáo giữa hai
nước.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang cạnh tranh nhau trong
việc xây dựng quan hệ với Myanmar. New Delhi đang tìm kiếm các cơ hội
xây dựng đường sá, hải cảng, và đập thuỷ điện để cạnh tranh với hàng
loạt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc triển khai ở
Myanmar.
Và các nhà ngoại giao cho rằng Ấn Độ có thể sử dụng
“sức mạnh mềm” để tạo sự ảnh hưởng ở Myanmar. Cựu ngoại trưởng Ấn Độ,
ông Krishnan Srinivasan nhận định: “Phật giáo ở châu Á là một trong
những vốn quý to lớn nhất của chúng tôi, một yếu tố đặc biệt trong sức
mạnh mềm của chúng tôi”.
Mặc dù thừa nhận Trung Quốc có nguồn tài chính to lớn để tạo ảnh
hưởng với Myanmar, ông Srinivasan cho rằng Trung Quốc không sánh được
với Ấn Độ trong việc sử dụng Phật giáo như một sức mạnh mềm ở Myanmar.
Ở thành phố Lumbini, nơi
đức Phật chào đời, Trung Quốc muốn đổ 3 tỉ USD vào để xây dựng sân bay
mới, đường cao tốc, khách sạn, các trung tâm hội nghị, các đền đài, và
một đại học về Phật giáo, nhưng đại hội Phật giáo toàn cầu do Ấn Độ tổ
chức đã phản đối điều này.
Nói về các hoạt động quảng bá Phật giáo ở nước ngoài
của Trung Quốc, giáo sư về quan hệ quốc tế Sabyasachi Basu Roy
Chaudhuri của Ấn Độ, nhận xét: “Đây không phải là hành động chống đỡ
của Bắc Kinh trước các chỉ trích toàn cầu về chính sách của họ đối với
Tây Tạng, nơi ngày càng có nhiều tăng lữ tự thiêu để phản đối sự ngược
đãi. Đó còn là việc tạo cảm xúc văn hoá và tôn giáo để kết nối với các
nước có Phật giáo phổ biến”.
Một sức mạnh mềm
Ở Nepal, Trung Quốc đã cấp vốn cho dự án 3 tỉ USD để phát triển thành
phố Lumbini, nơi Đức Phật chào đời. Và Nepal là một vùng đệm quan
trọng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, mà New Delhi không hề thấy thoải mái
khi Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng ở Nepal, giống như ở Myanmar.
Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Sri Lanka cũng
làm Ấn Độ lo lắng. Và trong tháng 8.2012, Ấn Độ đã đưa các thánh vật
Kapilavastu lưu giữ ở bảo tàng quốc gia ở New Delhi đến giới thiệu ở
nhiều vùng của Sri Lanka, thu hút sự chú ý của đông đảo Phật tử ở đảo
quốc này.
Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ lo ngại sự bao vây
chiến thuật của Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ với các nước
láng giềng của Ấn Độ như Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal và
Myanmar.
Trong khi đó, Trung Quốc lại lo ngại việc Ấn Độ tăng
cường các mối quan hệ với Nhật Bản, Việt Nam, Úc, và các nước khác. Các
chiến lược gia Trung Quốc lo ngại rằng Mỹ đang tìm cách đưa Ấn Độ đến
với các nước này để đối phó với Trung Quốc.
Trong sự căng thẳng không dứt này, Phật giáo có thể
tiếp tục là một yếu tố quan trọng trong tổng thể sức mạnh mềm mà Ấn Độ
và Trung Quốc đang sử dụng để giành được trái tim và tâm trí trong khu
vực.
Theo Trà Sương (Al Jazeera/SGTT)