Ngài nói rằng, Phật giáo ủng hộ hòa bình, khuyến
khích sự hòa hợp và không đồng tình với sự giết hại. Và ngài nhắc nhở
binh lính Bhutan rằng: "Trước hết, các bạn là những người Phật tử, và sau đó là những người lính".
Và ngày 15-12-2003, Bhutan đã tiến hành một chiến
dịch đánh đuổi binh lính Ấn Độ đang đóng quân trong địa phận Bhutan ra
khỏi đất nước. Cuộc đánh đuổi này được xem như là cuộc xung đột với
cường độ thấp, nó chỉ kéo dài trong vòng 2 ngày.
Suốt 8 năm, từ 1995 đến 2003, 3 nhóm quân của Ấn Độ
đã đóng 30 doanh trại bất hợp pháp tại những điểm trọng yếu ở các chân
đồi trong địa phận của Bhutan. Trong vòng 6 năm (1997 - 2003), chính
quyền Bhutan đã cố gắng giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại hòa
bình, nhưng vẫn không đem lại kết quả. Vào năm 2003, chính quyền Bhutan
đã cố gắng đàm phán lần cuối cùng. Tại kỳ họp Quốc hội thứ 81, trong
buổi họp kín đầu tiên của kỳ họp này, Quốc hội Bhutan đã chỉ đạo Chính
phủ tiến hành cuộc đàm phán cuối cùng ấy, nhưng vẫn thất bại. Không còn
lựa chọn nào khác, Vua Druk Gyalpo đệ IV (ảnh) đã thống lãnh đoàn quân gồm 6.736 binh lính để đánh đuổi quân lính Ấn Độ ra khỏi đất nước.
Trước khi xuất quân, đức vua đã nhắc nhở quân lính:
"Giống như bạn là một người con trai, là người cha, người anh và là
người bạn, những binh lính của phe đối lập cũng là những người có quan
hệ thân thiết với gia đình, bạn bè của họ. Làm sao chúng ta có thể đang
tâm giết họ? Chúng ta cần phải có lòng từ khi đánh đuổi họ ra khỏi bờ
cõi".
Những người lính Bhutan kể lại rằng, để hỗ trợ cho
quân đội, 672 người Bhutan đã tình nguyện tham gia lực lượng dân quân.
Một đơn vị gồm có 120 binh lính đóng quân tại những chân đồi. Vào ngày
15-12-2003, tại Japhu 4, một tiền đồn đặt cách 100m từ phía biên giới Ấn
Độ, chúng tôi thấy một nhóm người Ấn Độ, gồm cả nam lẫn nữ, đang đi qua
những cánh đồng lúa hướng về phía chúng tôi. Chúng tôi đã chặn họ lại,
sau khi kiểm soát kỹ lưỡng, chúng tôi đã giữ lại 11 người. Hai trong số
11 người ấy là trung úy của quân đội Ấn Độ, những người còn lại là thủ
quỹ và sĩ quan hậu cần.
Trước đó, Vua Druk Gyalpo đệ IV đã đưa ra những lời
giáo huấn nghiêm khắc với quân lính Bhutan rằng, phải đối xử với tất cả
tù binh như đối với bất kỳ một người Bhutan nào. Cho nên chúng tôi đã
cung cấp thức ăn, nước uống cho họ, cho phép họ sử dụng nhà vệ sinh.
Hai trung úy Ấn Độ đã chia sẻ về những khó khăn của
họ ở trong rừng và diễn tả về tâm trạng nhớ nhà của họ, về sự mong muốn
được gặp gia đình. Họ cũng giống như bất kỳ người nào trong chúng ta,
tìm kiếm những niềm vui bình dị với người thân và khát khao tình thương
yêu. Cũng như chúng ta, họ cầu nguyện cho cha mẹ được mạnh khỏe, con cái
được hạnh phúc.
Những người Ấn Độ ấy tỏ ra rất cảm kích khi chúng tôi
mua cho họ những chai nước giải khát. Ít ngày sau đó, để đáp lại lòng
tốt của chúng tôi, vị thủ quỹ thú nhận với chúng tôi là đã giấu một số
vũ khí và nói cho chúng tôi biết nơi cất giấu, nhờ vậy mà chúng tôi đã
tìm thấy.
Chín ngày sau khi cuộc xung đột diễn ra, tại Gelephu,
Vua Druk Gyalpo đã mời các quan chức quân đội tham dự dạ tiệc. Trước
khi dạ tiệc diễn ra, Đức vua đã nói: "Không có lý do gì để cho chúng ta
vui mừng, mặc dù cuộc xung đột đã kết thúc. Không có gì đáng kiêu hãnh
trong chiến tranh cả. Chúng ta luôn mong muốn giải quyết những mâu thuẫn
một cách hòa bình. Người Bhutan không bao giờ dựa vào sức mạnh của quân
sự để chiến đấu. Nước Bhutan bị kẹp vào giữa hai quốc gia có dân số
đông nhất thế giới. Vị trí địa lý không cho phép chúng ta nuôi dưỡng ý
tưởng bảo vệ chủ quyền của chúng ta thông qua sức mạnh quân sự".
Cuối năm 2003, người Bhutan đã bày tỏ tình cảm của họ
đối với những nạn nhân của vụ xung đột bằng những lễ đốt đèn cầy và cầu
nguyện. Giờ thì họ đã hiểu rằng, hòa bình không thể nào có được từ sự
chờ đợi thụ động. Họ cũng đã học được rằng, chiến đấu để chiến thắng
niềm tin của phe đối lập là tốt hơn so với việc dựa vào sức mạnh vũ khí
để chiến thắng trong các trận đánh.
Hoàng Minh dịch (Theo Kuensel online)
Source: Giác Ngộ