Nhiều gia chủ không tu hành theo hệ phái nào, cất nhà như chùa làm khách thập phương nhầm lẫn…
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở núi Cấm (huyện Tịnh
Biên, An Giang) xin phép cất nhà rồi tự thay đổi bản vẽ, biến nhà giống
như chùa. Những ngôi nhà “nửa gia nửa tự” này không được Giáo hội Phật
giáo công nhận, chính quyền cũng chẳng cấp phép nhưng xử lý thế nào
lại không hề đơn giản.
Núp bóng xây nhà, biến gia thành… tự
Chỉ đoạn đường khoảng 1 km lên đỉnh núi Cấm thuộc ấp
Thiên Tuế, xã An Hảo đã có tới ba ngôi nhà mà bất cứ ai nhìn vào cũng
tưởng đó là chùa. Theo người dân núi Cấm, lợi dụng vùng này là chỗ tâm
linh nên nhiều hộ dân cất am, cốc để kiếm tiền cúng dường của khách
thập phương. “Họ cất nhà rồi sơn phết y như chùa. Kế đó họ đặt tượng
Phật, chuông mõ trong nhà rồi tụng kinh, gõ mõ y như các sư sãi hành
đạo để khách hành hương lầm tưởng là chùa, ghé vào cúng bái, cúng tiền”
- ông Phạm Việt Tân, Trưởng ấp Vồ Đầu (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên),
nói.
Năm ngoái, huyện Tịnh Biên cấp phép cho một hộ dân cất
nhà dưới chân núi Cấm. Sau đó, đoàn kiểm tra phát hiện hộ dân này xây
nhà giống hệt chùa, sai với giấy phép nên đã xử phạt, yêu cầu khắc phục
nhưng căn nhà vẫn giữ nguyên hiện trạng đến giờ. “Nhìn vào ngôi nhà
của hộ dân này ai cũng đinh ninh nó là chùa nhưng thực chất nó lại là
ngôi nhà. Có rất nhiều hộ núp bóng cất nhà để xây chùa kiểu này và hầu
hết gia chủ của nó không theo hệ phái, tôn giáo nào. Huyện đã chỉ đạo
xử lý 37 điểm am, cốc, “gia như tự” không phép trên núi Cấm nhưng xử lý
thế nào là điều rất khó” - ông Nguyễn Thanh Thoại, Chủ tịch UBMTTQVN
huyện Tịnh Biên, cho biết.
Ai cũng tưởng đây là ngôi chùa hay tịnh xá gì đấy vì dáng vẻ, hoạt động của nó giống như một ngôi chùa.
Tuy nhiên, thực chất đây lại là nhà của một người dân. Ảnh: VĨNH SƠN
Khó xử lý
Sư Thích Tôn Quảng, Phó Ban đại diện Phật giáo huyện
Tịnh Biên, cho biết: Hiện trên núi Cấm có rất nhiều cơ sở thờ tự không
nằm trong Giáo hội Phật giáo VN. Họ xin phép (có khi không) xây nhà,
sau đó xây giống như chùa, thỉnh nhiều tượng Phật, thậm chí rước vài
tăng ni về tu niệm nhằm xin gia nhập Giáo hội… Những ngôi nhà như thế
nếu gọi là chùa thì không đúng vì họ không trương bảng hiệu chùa; còn
nếu nói nó là nhà cũng trật vì họ hoạt động giống như một ngôi chùa.
Vừa rồi có năm điểm thờ tự nộp đơn xin gia nhập Giáo hội nhưng chúng
tôi không chấp nhận. Bởi việc xây một ngôi chùa và công nhận ngôi chùa
phải phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, trong khi những nơi này
lại không phục vụ thiết thực cho việc làm tốt đời đẹp đạo nên Giáo hội
từ chối. Riêng chuyện chính quyền quản lý thế nào trong xây dựng, Giáo
hội không can thiệp.
“Ở ấp Vồ Đầu, từ đầu năm đến nay đã có bốn căn xây kiểu
“biến gia thành tự” mà không xin phép. Sau khi bị cơ quan chức năng xử
phạt mỗi hộ 2,5 triệu đồng thì một hộ đã tự tháo dỡ” - ông Phạm Việt
Tân cho biết.
Trong khi Giáo hội không công nhận, chính quyền chưa
biết xử lý thế nào thì khách thập phương vẫn cứ nhầm tưởng những ngôi
nhà “nửa gia nửa tự” này là chùa, ngày đêm thành tâm đến cúng viếng…
Theo Vĩnh Sơn - PLTPHCM