Thông tin tiếp về vụ "Làm giả giấy tờ nhằm rút tiền chùa Hòa Bình": Gia đình Đoàn Văn Sáng "thách thức" chính quyền
13/04/2012 01:00 (GMT+7)

Ông Đào Duy Hách, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Hòa Bình đưa ra những bằng chứng

(TN&MT) - Như báo Tài nguyên & Môi trường đã liên tiếp phản ánh trong hai số ra ngày 01/03 và 05/04, việc hộ Đoàn Văn Sáng, trú tại tổ 21, phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình có sổ giao đất, rừng tại khu đồi Ba Vành nhưng không có giấy tờ gốc. Ngược lại các bằng chứng được tìm thấy trong kho của TCT Sông Đà lại càng chứng tỏ có sự gian lận ở đây. Ai là người đang "bảo kê" cho Đoàn Văn Sáng làm liều, chặn đường, rào chùa. Ai gọi điện thoại, chỉ đạo giúp đỡ Đoàn Văn Sáng làm dự án 4ha ở dưới chân Đài tưởng niệm. Khu nhà nghỉ Lâm Viên mọc lên trái phép có sự tiếp tay của ai? Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải làm rõ và đưa ra ánh sáng.

Tin liên quan: Thông tin tiếp về vụ "làm giả giấy tờ rút tiền xây dự án chùa Hòa Bình": Có sự "tiếp tay" của cán bộ biến chất ?

Nhân chứng đây

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Duy Hách, nguyên là chủ tịch UBND TP. Hòa Bình cho biết: Năm 1991, ông làm Phó Chủ tịch UBND thị xã Hòa Bình kiêm trưởng ban quản lý dự án PAM. Lúc đó, ông là người trực tiếp đi vận động người dân khu vực thị xã Hòa Bình đi trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Ông Hách khẳng định, khi đó là giai đoạn cuối của công trình nên công nhân Sông Đà "đói lắm". Ông có gặp ông Phạm Công Bổng, lúc đó đang làm Tổng đội trưởng thanh niên Sông Đà. Ông Bổng có tha thiết xin địa phương tạo điều kiện cho anh em công nhân làm kiếm gạo. Cả khu đồi Ba Vành đó được dự án PAM tài trợ cho toàn bộ cây giống, phân bón và gạo (không có tiền mặt). Bản thân ông Hách làm lãnh đạo nhiều năm, từ lúc Phó Chủ tịch đến Chủ tịch, lai lịch về đất và công tác quản lý đất đai, hành chính, ông đều nắm rõ. Bởi vậy, khi thấy việc ông Đoàn Văn Thạc cùng con trai là Đoàn Văn Sáng có cuốn sổ giao đất, rừng trong 50 năm, ông cũng khá bất ngờ. Ông Hách khẳng định, chắc chắn có một nhóm nào đó đã "làm chui " từ trước, hoặc lắp ghép "râu nọ với cằm kia" bởi đến tận năm 1997 - 1998, Quyết định 853 của Thủ tướng về giải quyết hậu Sông Đà, địa giới hành chính mới bàn giao dần về cho tỉnh Hòa Bình quản lý. Vậy lúc đó, đất đang do bên TCT Sông Đà quản lý thì không ai có thẩm quyền vào đây để cấp cho hộ cá nhân được(?) Một chi tiết nữa là, cũng vào thời điểm năm 1991, ông Hách đã trồng 0,4 ha rừng, cấp sổ bìa xanh. Nhưng đến năm 1996, gia đình ông đã mang cuốn sổ đó đi đổi cấp mới theo quy định nên bìa sổ lúc này là màu đỏ. Như vậy, càng khẳng định cuốn sổ giao đất, giao rừng của hộ Đoàn Văn Sáng là không hợp lệ vì nếu đó là sổ thực, giao đất thực thì tại sao năm 1996, hộ Đoàn Văn Sáng không mang giấy tờ của mình đi, đổi mới như các hộ khác? Phải chăng, vì lúc đó, ông Đoàn Văn Thạc vẫn nhận thông báo đi trồng cây và bảo vệ rừng từ Tổng đội thanh niên nên không có giấy tờ đi làm sổ mới(?).

Ngang nhiên và thách thức

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Kiên, nguyên là Giám đốc Công ty Xây dựng Hòa Bình cho biết: Ông từng là chỉ huy, kiến trúc sư tham gia làm nhà cho công nhân ở khu vực đồi Ba Vành nên ông biết khá rõ. Lúc đó, Công ty ông có xây dựng 103 căn nhà để đón công nhân về ở để thi công xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Cả khu vực bờ trái này, Thủ tướng Chính phủ giao cho TCT Xây dựng thủy điện Sông Đà (sau là TCT Sông Đà) quản lý. Cho đến tận năm 2000 vẫn còn chưa bàn giao địa giới hành chính xong thì khó có thể nói khu đồi Ba Vành là của gia đình ông Thạc được, ông Kiên khẳng định.

Còn luật sư Nguyễn Việt Hùng, Đoàn luật sư Hà Nội thì nhìn nhận: "Việc UBND TP. Hòa Bình "bỏ mặc" cho gia đình Đoàn Văn Sáng, Đoàn Văn Thạc ngang nhiên rào đường lên chùa là hành động tiếp tay cho sai phạm. Đó là sự yếu kém trong quản lý Nhà nước khi "phép vua thua dân xã hội". Việc UBND TP. Hòa Bình thiếu cương quyết để cho Đoàn Văn Sáng xây nhà trái phép, rào đường sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về những sai phạm trong quản lý đất đai ở đây. 

Nhóm PVPL

Các tin đã đăng: