Truyền thông Phật giáo đang bị "hình ảnh hóa"?
17/12/2013 19:47 (GMT+7)

Khi các trang mạng phát triển, cùng với kỹ thuật ảnh số thì xu hướng hình ảnh hóa trong truyền thông cũng phát triển lên đến đỉnh cao và ảnh hưởng mạnh đến truyền thông Phật giáo.

Trong bài viết này, khi chúng tôi so sánh truyền thông Phật giáo với truyền thông các tôn giáo khác, thì điều đó chỉ có mục tiêu làm rõ hơn vấn đề đang tìm hiểu, không có nghĩa là truyền thông Phật giáo nên “bắt chước” truyền thông các tôn giáo khác.

Cần thúc đẩy truyền thông Phật giáo tiến nhanh hơn trong hướng vận dụng truyền thông hiện đại để đạt kết quả tương tự. Như vậy, truyền thông hiện đại mới là hình mẫu, truyền thông các tôn giáo khác chỉ là ví dụ.

Bài viết này đặt vấn đề xu hướng “hình ảnh hóa”, có thể được coi là điều đáng lo ngại trong sự phát triển của truyền thông Phật giáo hiện đại. Việc tăng hình ảnh trên các trang báo giấy đã được chú trọng ngay từ thời hoàng kim của báo giấy. 

Hình ảnh càng được sử dụng nhiều khi kỹ thuật in màu phát triển. Nhiều tờ báo in thu hẹp nội dung văn bản, dành diện tích cho hình ảnh. Có tờ báo thu nhỏ khổ ảnh để tăng chất lượng ảnh đăng. 

Tạp chí in chất lượng ngày càng cao để chuyển tải hình ảnh ngày càng nhiều, càng đẹp là một xu thế dễ nhận thấy. Nhiều tạp chí có dáng dấp một album ảnh trình bày công phu, cầu kỳ, sang trọng.
 Ảnh minh họa
Khi các trang mạng phát triển, cùng với kỹ thuật ảnh số thì xu hướng hình ảnh hóa trong truyền thông cũng phát triển lên đến đỉnh cao và ảnh hưởng mạnh đến truyền thông Phật giáo.

Chụp ảnh dễ dàng hơn nhiều so với viết văn bản tin, bài. Không khó để có nhiều ảnh đẹp khi chụp thật nhiều ảnh rồi chọn lọc. Những điều đó đã khiến trên nhiều trang mạng Phật giáo tin bài phần lớn chỉ toàn là ảnh chụp. 

Phần văn bản ngày càng thu hẹp. Có khi, nội dung văn bản chỉ là những đoạn chú thích ảnh nói chung. Bạn đọc hiện nay vào xem tin trên trang mạng Phật giáo chỉ như là xem album ảnh.

Trong khi đó, bạn đọc lại chuộng xu thế đó, xem ảnh vừa đẹp, vừa thu hút, vừa không mất thì giờ như khi đọc tin, bài văn bản. Những tin có nhiều ảnh được xem nhiều hơn. Một số ấn phẩm định kỳ Phật giáo cũng theo xu thế này. Mở ra toàn là hình, rất đẹp, in trên giấy láng đắt tiền.

Điều này là bình thường trong hoạt động truyền thông, nhưng là không bình thường trong truyền thông tôn giáo, mà ở đây là Phật giáo.

Nếu dừng lại ở các tin có phát biểu của các nhà lãnh đạo Phật giáo, những cuộc lễ có diễn văn quan trọng, thì bây giờ, bạn đọc phật tử sẽ không biết được nội dung, mà chỉ thấy ảnh quý thầy đọc diễn văn, phát biểu ý kiến. 

Vì vậy, hình ảnh phát biểu ở mọi cuộc lễ như nhau, quý thầy, cô đứng trên bục, trước mặt đầy hoa, sau micro. Vậy thôi. Nội dung phát biểu, thông tin chi tiết càng ngày càng ít được chú trọng đến, và lần lần đi đến chỗ không có nữa.

Cái bất thường của truyền thông tôn giáo là ở chỗ này. Truyền thông tôn giáo nặng tính chất tâm linh, tư tưởng, suy nghĩ. Nhưng nay chỉ còn là xem hình với hình, chỉ thỏa mãn con mắt! Tuy hình ảnh có thể truyền tải nội dung tâm linh , tư tưởng, nhưng không thể thay thế được, cũng không thể so sánh với ngôn ngữ viết. Tiếp nhận truyền thông chỉ bằng nhìn hình ảnh một vị tôn đức cầm giấy đọc thì chẳng thể nào bạn đọc tiếp nhận nội dung quan trọng nhất của bản tin. Thế là không còn truyền thông được giá trị tư tưởng, tâm linh, mà chỉ còn những hình ảnh về na ná giống nhau.

Tình trạng như thế cũng thấy trên bản tin Ngày An Viên. Hình ảnh HD quay rất trau chuốt, nhưng tin làm theo giáo khoa truyền hình, thời lượng chỉ khoảng 1 phút rưỡi, nên ít đi sâu vào nội dung. Kết quả là khán giả cũng chỉ xem hình là chính.

Truyền thông Phật giáo mà chỉ chủ yếu xem hình, trước mắt, có vẻ như một sự lựa chọn “thời đại”, nhưng những giá trị truyền thống không còn.

Hình chụp đọc diễn văn, phát biểu thì thầy nào cũng trang nghiêm như thầy nào, cũng trịnh trọng, cũng tươi cười trong không gian đầy hoa tươi. Đâu còn gì giá trị khác biệt, đặc thù? 

Trong khi đó, nếu quan niệm đúng mức, thì từng bài diễn văn tôn giáo, đạo từ là từng bài pháp ngắn, đặt vấn đề, lý giải từng trường hợp cụ thể dưới ánh sáng Phật pháp. Không còn truyền thông được nội dung này là không còn nội dung truyền thông cơ bản, quan trọng. Công chúng truyền thông sẽ chỉ là những người xem hình, vui vẻ, bắt mắt, nhưng hời hợt, không còn đọc và nghiền ngẫm nội dung tư tưởng.

Nhìn qua truyền thông đạo Ca tô La Mã ở Việt Nam, thì thấy rõ mặc dù vẫn có xu hướng đưa nhiều hơn hình ảnh, nhưng vẫn thấy có cố gắng giữ gìn truyền thông trọn vẹn những văn bản, bài phát biểu tôn giáo quan trọng. 

Trên báo giấy, có tờ nâng cao chất lượng in ấn, tăng số lượng hình ảnh, cũng là tăng tính chất họa báo, nhưng người đọc vẫn thấy những nội dung cần tham khảo, thí dụ tờ “Hiệp thông”. Còn có tờ báo vẫn giữ tỷ lệ hình/văn bản như cũ (thí dụ tờ “Công giáo và Dân tộc”). Còn các bản tin phổ biến dạng pdf, dễ dàng phổ biến bản in giấy thì cũng vẫn giữ cân xứng hình ảnh/văn bản. Trên trang mạng đạo này, các văn bản tôn giáo vẫn được truyền tải chi tiết.

Xu thế hiện nay của báo giấy là ngày càng chú trọng nội dung diễn giải, phân tích, bàn luận chi tiết sự kiện. Điều đó gắn liền với việc gia tăng lại tỷ lệ văn bản so với hình ảnh. Thời kỳ hình ảnh màu đủ kiểu, đủ cỡ tràn ngập báo giấy đã qua. Những người làm truyền thông Phật giáo cần chú ý đến điểm này.

Nâng cao tính tư duy, thiên về trí tuệ của một đơn vị truyền thông không thể hướng tới việc ngày càng giản lược thông tin văn bản, để bạn đọc chỉ lật nhanh qua những trang báo xem hình, hay kéo gấp chuột để chỉ coi ảnh khi truy cập.

Nói như thế tuyệt không phải là yêu cầu giảm số lượng hình ảnh mà là yêu cầu tăng nội dung văn bản trong truyền thông Phật giáo.

Trong hoạt động truyền thông, các đơn vị Phật giáo tổ chức sự kiện nên đầu tư nhiều hơn cho thông cáo báo chí. Bên cạnh đó, nên phổ biến đồng thời văn bản quan trọng của sự kiện như diễn văn, đạo từ, bài phát biểu bằng hình thức thích hợp để các trang mạng có thể đăng tải nhanh chóng. Văn bản diễn văn, phát biểu quan trọng, đạo từ có thể in như phần bổ sung, phụ lục dưới tin bài, phục vụ người đọc có nhu cầu tham khảo.

Phật giáo Việt Nam chúng ta hiện nay ít chú ý đến các văn bản đường hướng hành đạo, lý giải giáo lý, giải quyết các vấn đề cụ thể dưới ánh sáng giáo pháp, như dạng “thông điệp”, “thư chung”, “tông thư”, “diễn từ”… 

Trước năm 1975, ở miền Nam, có cố gắng biên soạn “Thông điệp Phật đản” của Đức Tăng thống dưới hình thức một luận văn, đóng tập in thành cuốn để phổ biến nhưng chỉ được vài năm. 

Vì vậy, trước mắt, nên chú trọng truyền thông các bài phát biểu quan trọng, đạo từ của các vị cao tăng làm tài liệu truyền thông có tính chất định hướng cho đông đảo tu sĩ, tín đồ. 

Với yêu cầu như vậy, thì việc chú ý nhiều hơn phần văn bản của các bản tin là điều hết sức phù hợp. Người làm truyền thông Phật giáo không nên chỉ xem mình có vai trò phóng viên ảnh , mà cần chú ý ghi nhận nhiều hơn bằng văn bản trong việc chuyển tải nội dung sự kiện.

Minh Thạnh
Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả

Theo Phatgiao.org

Các tin đã đăng: