Mỗi khi đi qua những cơ sở Phật giáo những ngày sau lễ, rất dễ thấy hoa tươi thành rác bó thành những bó lớn chờ xe rác đem đi đổ bỏ.
Đó là kết cục tất nhiên của những buổi lễ Phật giáo đầy hoa tươi: Lẵng hoa, bó hoa, bình hoa, hoa cắm trên bàn, trên bục, trên cả tay vịn cầu thang, khung cửa… Có cuộc lễ nhìn sơ qua có thể ước tính nhiều triệu đồng tiền hoa để chưng bày, làm đẹp, nhìn cho thích mắt.
Nhưng khi hoa đã thành rác để trước cửa chùa thì thật là phản cảm, làm hiện ra một bộ mặt Phật giáo xa xỉ, hình thức, tiêu pha…
Nhìn những người đi qua chùa ném những cái nhìn khó chịu, bất bình về những đám rác qua trước cửa thiền, quả thật làm người phật tử không khỏi áy náy. Nhưng cũng không dám nói, vì phải chăng những người dự lễ yêu thích hoa, biết thưởng thức hoa, thuộc về đẳng cấp giao lưu bằng hoa? Mình nói ra thì không giống ai!
|
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Nhưng khi đọc “Vài lời để lại” của Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN, thì xin đặt lại vấn đề trang trí, giao lưu quá nhiều hoa tươi trong các buổi lễ Phật giáo.
Đoạn bàn về hoa tươi trong “Vài lời để lại” của đức Đệ nhất Pháp chủ như sau: “Phần an táng, nên ở vườn chùa Quảng Bá, khi tiễn đưa, xin miễn có những vòng hoa.
Vì rằng: nào vun trồng, nào tưới bón, nào ngắt hái, nào vận chuyển, nào uốn kết thành vòng trang sức tinh nghiêm, chưa kể vai mang tay xách, biết bao nhiêu là công sức, rồi chỉ sớm chiều, mưa thì hủ nát, nắng thì héo khô, lại làm phiền cho người thu dọn xúc đi. Tôi tu hành chưa được là bao; muốn kiệm đức, xin vô cùng cảm tạ những tấm lòng quý mến thương tiếc tôi khi tiễn biệt” (theo Báo Giác Ngộ số 722, trang 11).
Trưởng lão Hòa thượng đã nói rất kỹ, nên thiết tưởng cần lấy đó làm bài học. Nhiều triệu đồng tiền hoa cho những cuộc lễ lớn, có thể dùng vào những việc có ích hơn như ấn tống kinh sách, làm phước thiện…
Trong lúc nhiều người có địa vị trong xã hội bây giờ còn dặn dò chỉ dùng vòng hoa luân lưu trong tang lễ, thì việc chùa Phật giáo mỗi khi sau lễ, kể cả lễ tang, thì số hoa thành rác chất đống trước cửa chùa không thích hợp với tinh thần đạo Phật.
Minh Thạnh
Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả - một cư sĩ Phật giáo ở thành phố Hồ Chí Minh
Theo Phatgiao.org