Hàng trăm nhà sư trong bộ cà sa truyền thống đã tuần hành trên các đường
phố của Mandalay, thành phố lớn thứ hai Miến Điện. Dọc trên đường rất
đông người ủng hộ đoàn biểu tình.
« Để bảo vệ đất Mẹ Miến Điện, hãy ủng hộ tổng thống » là khẩu hiệu
chính của các nhà sư. Một số khẩu hiệu khác chỉ trích đặc phái viên của
Liên Hiệp Quốc Tomas Ojea Quintana, bị cáo buộc là thiên vị người
Rohingya. Ông Tomas Ojea Quintana được Liên Hiệp Quốc cử đến Miến Điện
hồi vào cuối tháng Bảy để chuẩn bị cho việc lập một ủy ban điều tra về
tình trạng vi phạm nhân quyền tại miền tây Miến Điện.
Theo Wirathu, một nhà sư 45 tuổi dẫn đầu đoàn biểu tình, khoảng 5.000
sư tăng tham gia vào cuộc tuần hành và hàng nghìn người khác cũng
xuống đường. Trả lời AFP, nhà sư này cho biết mục tiêu của cuộc biểu
tình này là « để cho thế giới biết rằng người Rohingya không thuộc các
sắc tộc Miến Điện ».
Myanmar Buddhist monks rally on the streets of Mandalay (AFP)
Xin nhắc lại là, bạo lực bùng phát hồi tháng Sáu giữa người Rohingya,
theo đạo Hồi và cộng đồng Rakhine, một sắc tộc chủ yếu theo đạo Phật,
đã làm ít nhất 90 người thuộc cả hai cộng đồng thiệt mạng tại bang
Rakhine (miền tây Miến Điện), theo số liệu chính thức. Các nhóm bảo vệ
nhân quyền cho rằng trên thực tế, con số nạn nhân cao hơn thế nhiều.
Chính quyền Miến Điện đã mở cuộc điều tra về các vụ bạo động tại
Rakhine. Tổng thống Thein Sein cáo buộc các tu sĩ Phật giáo và một số
người có uy tín trong cộng đồng Rakhine đã kích động hận thù chống
người Rohingya. Tuy nhiên mặt khác, vào trung tuần tháng Bảy, tổng
thống Miến Điện đã đưa ra nhận định rằng : « không thể chấp nhận những
người Rohingya nhập cư bất hợp pháp, và những người này không thuộc dân
tộc Miến Điện ». Ông Thein Sein cũng nêu ra khả năng đưa người
Rohingya đến một nước khác hoặc tập trung họ vào các trại do Liên Hiệp
Quốc quản lý.
Hàng ngàn sư sãi ở Myanmar tuần hành trên các đường phố của Mandalay (AFP)
Hiện tại ở Miến Điện có khoảng 80.000 người thuộc sắc tộc Rohingya.
Sắc tộc này được coi là có nguồn gốc từ nước láng giềng Bangladesh.
Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, người Rohingya là một trong
các sắc tộc bị bức hại nhất thế giới.
Theo Trọng Thành - RFI