Vận dụng quan điểm khách quan và cái nhìn toàn diện nghiên cứu vấn đề nhận thức của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay về đạo Phật
Tác giả Nguyễn Thế Tuấn
16/11/2010 13:16 (GMT+7)

Đạo Phật được du nhập vào Việt Nam khá sớm. Ngay từ buổi đầu, với truyền thống khế lý khế cơ vốn có, Phật giáo đã tạo nên những liên hệ mật thiết trên con đường đi lên của dân tộc ta.

Và trải qua hơn hai ngàn năm truyền bá, phát triển, tuy có lúc thịnh lúc suy, nhưng nhìn chung, Phật giáo đã tạo được những gắn bó tốt đẹp với dân tộc thể hiện qua các mặt như phong tục tập quán, văn hóa nghệ thuật, ngôn ngữ tư duy …

Tuy nhiên, có quan niệm cho rằng đạo Phật dành riêng cho những bậc lão niên, những người yếm thế khiến cho thế hệ thanh niên chưa hiểu đạo Phật có thái độ xem thường, bàng quan và tránh xa, vì sợ gần đạo Phật sẽ “lây” cho họ một tinh thần bi quan, một tư tưởng bạc nhược.

Vậy nhận định trên là đúng hay sai? Thế hệ trẻ có nên tìm hiểu đạo Phật hay không? Sau đây, em sẽ vận dụng nguyên tắc khách quan và nguyên tắc toàn diện của triết học để nghiên cứu và phân tích đề tài “Nhận thức của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay về đạo Phật” với mong muốn làm sáng tỏ vấn đề. Do thời gian hạn hẹp và sự hiểu biết về triết học và đạo Phật chưa sâu sắc, chắc chắn bài viết còn rất nhiều thiếu sót. Vì thế, em mong được sự chỉ bảo, nhận xét chân tình của thầy để bài viết hoàn thiện hơn.

Em xin chân thành cảm ơn.

Chương I: Khái niệm về đạo Phật

1. Khái niệm chung

Ðạo Phật là con đường chân chính, hoàn toàn sáng suốt. Giáo lý nhà Phật giúp con người nhận thức đúng bản thể của mọi sự vật, là lý tính tuyệt đối, lìa tất cả hư vọng phân biệt. Giáo lý ấy do đấng Giác ngộ hoàn toàn đã “phát minh” ra. Ðạo Phật gồm tất cả tự lợi và lợi tha, tự giác, giác tha và có công hạnh độ mình, độ người được hoàn toàn thành tựu, rốt ráo viên mãn. 

2. Một vài nét đặc sắc của Phật giáo

a. Phật là người mà không phải là thần

Nhìn chung các tôn giáo trên thế giới, ngoài Phật giáo ra, giáo chủ của các tôn giáo đều tự cho mình là “thần” một cách siêu nhân. Thần ấy có thể hô phong hoán vũ, điểm đá thành vàng. “Ngài” là chúa tể ban phước giáng họa cho nhân loại. “Ngài” điều khiển mọi vinh nhục sống chết của vạn vật. Loài người chỉ có phủ phục trước mặt “ngài”, ca ngợi và xưng tán, đem tất cả thành tựu vinh quang quy về cho “thần vạn năng”. Ai tin tưởng vào tài năng của “thần” thì được lên Thiên đường, phản đối lại sẽ bị đọa vào địa ngục đời đời.

Giáo chủ của Phật giáo - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, câu nói đầu tiên của Ngài lúc đến nhân gian này là: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Chúng ta nên chú ý chữ “ngã” trong câu “duy ngã độc tôn”, không phải chỉ riêng bản thân Thích Ca Mâu Ni, mà là chỉ cho toàn thể nhân loại. 

Giải thích chính xác câu ấy là: Người ta ở trong vũ trụ đầu đội trời chân đạp đất, mỗi người đều là chúa tể của chính mình, quyết định vận mạng của chính mình, mà không phải nghe theo mệnh lệnh của ai hoặc vị thần siêu nhân nào khác.

Đức Thích Ca Mâu Ni nói là sự giác ngộ, và thành tựu của Ngài, hoàn toàn đều do công phu nỗ lực và tài trí của chính mình.

Đức Thích Ca Mâu Ni cho rằng, điều cát hung họa phước, thành bại vinh nhục của một cá nhân quyết định ở hành vi thiện ác và nỗ lực của chính bản thân họ. Không ai có thể đề bạt ta lên thiên đường, cũng không người nào có thể đem ta đẩy xuống địa ngục. Ca ngợi và tán thán không thể lìa khổ được vui, chỉ có thực hành tu tâm sửa tính mới có thể khiến cho nhân cách của mình tịnh hóa thăng hoa, khiến cho mình hưởng thọ khoái lạc tâm an lý đắc.

Đức Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp 45 năm, nói kinh hơn 300 hội, đều vì chúng ta mà chỉ bày “con đường thành Phật” - tự chính mình sáng tạo trí tuệ và nhân cách viên mãn triệt để nhất. Thế nhưng con đường ấy phải nhờ vào nghị lực, trí tuệ, bằng tâm của chính mình mới có thể đạt được. Cho nên Phật nói : “Ta chỉ là người chỉ đường, còn đi đến là do các ngươi”.

b. Phật không phải là người sinh ra mà biết 

Đức Thích Ca Mâu Ni là một con người bình thường, Ngài họ Kiều Đáp Ma, tên là Tất Đạt Đa, sinh tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, nơi vườn Lâm Tỳ Ni, thành Ca Tỳ La Vệ (nay thuộc Nepal).

Năm 29 tuổi, Ngài xả bỏ vương vị mà mình sẽ kế thừa, xuất gia học đạo, tìm cầu phương pháp giải thoát nhân sinh khỏi khổ não. Trải qua 6 năm, lúc Ngài 35 tuổi, dưới gốc cây Bồ Đề bên bờ sông Ni Liên Thiền chứng được Chính giác, giác ngộ một cách chính xác và thấu triệt đạo lý căn bản của nhân sinh vũ trụ.

Từ đấy người ta mới gọi Ngài là Thích Ca Mâu Ni Phật, hoặc gọi tắt là Phật. Ý là giác tỉnh chân lý, hoặc gọi là bậc giác ngộ.

Như vậy Đức Thích Ca Mâu Ni với chúng ta đều là người bình thường cả, Ngài nhờ vào việc tu hành mà ngộ đạo, mọi người chúng ta đều có thể cùng nhau noi theo giáo pháp mà Ngài đã chỉ dạy để tu hành và chứng quả.

Thích Ca Mâu Ni - Ngài chỉ là một người giác trước, biết trước trong vô số người, mà chúng ta là người giác sau biết sau. Sự bất đồng giữa Phật và chúng ta không phải bất đồng ở chỗ nhân cách, địa vị, mà là bất đồng ở một chữ “Giác”. Cũng như Hàn Dũ nói: “Nghe đạo có kẻ trước người sau” vậy. 

c. Phật giáo không thừa nhận có thần sáng tạo ra vạn vật

Quan niệm vũ trụ vạn vật do thần vạn năng sáng tạo ra là không hợp lý. Bởi lẽ thần chính là sản vật của tư tưởng con người. Loài người dựa vào quan niệm và hình tượng của mình mà tạo ra thần, nhằm mục đích để giải thích nguồn gốc của nhân sinh vũ trụ, Phật giáo gọi đó là “nguyên nhân đầu tiên”. Nếu cho rằng thần có thể sáng tạo nhân sinh vũ trụ thì vị thần ấy do ai sáng tạo ra? Những người tin tưởng tuyệt đối sẽ cho rằng thần là vạn năng, tồn tại một cách tự nhiên. Thần đã tồn tại một cách tự nhiên, không bị ai sáng tạo ra, tự mình có thể tồn tại được thì quan niệm thần sáng tạo ra nhân sinh vũ trụ còn có ý nghĩa gì nữa (bởi vì cùng một lý ấy nhân sinh vũ trụ cũng có thể tồn tại một cách tự nhiên được vậy). 

Phật giáo vốn phủ định giả thiết “thần sáng tạo ra vạn vật”, vốn không thừa nhận vũ trụ có “bắt đầu”, cái gọi là “bắt đầu” của một sự kiện chỉ là cái “kết thúc” của một sự kiện trước mà thôi. Trong một chuỗi quan hệ nhân quả, sự tiêu tan của một sự vật chính là điều kiện để cấu thành một sự vật khác sinh khởi.

Cho nên Phật giáo không chấp nhận vũ trụ vạn vật là do thần sáng tạo, mà cho rằng vạn vật đều do “nhân duyên tụ hợp” mà thành. Ví như một ngọn núi ở trước mắt ta, nó là sự tích tụ của đất, đá; sông hồ là chỗ trũng chứa nước mà thành; lại xem những cái bàn trong phòng học, là do thợ mộc dùng cây, gỗ mà đóng nên.

d. Phật giáo là dân chủ và tự do

Trong một số tôn giáo, lời nói của giáo chủ là mệnh lệnh không được kháng cự, là chân lý không được phép hoài nghi. Ai không phục tùng hoặc tỏ thái độ hoài nghi thì sẽ bị trời, thần trừng phạt. Trong kinh điển của Phật giáo tuyệt đối không tìm đâu ra sự tức giận của đức Phật cả, càng không thể có phương pháp xử phạt tàn khốc. Trong 45 năm giáo hóa của đức Phật, các đệ tử chỉ thấy Ngài lúc nào cũng sắc diện tươi vui, tư cách hòa nhã, từ bi an lành. Ngài đối với người tốt cũng như vậy, đối với người hủy báng cũng như vậy.

Đức Phật đối với đạo lý mà mình nói ra, dứt khoát không cưỡng bức các đệ tử phải tiếp thụ, Ngài khuyến khích họ nên hoài nghi thưa hỏi. Mãi  cho đến 80 tuổi, lúc gần viên tịch nơi giữa hàng cây Sa-la, Ngài vẫn giảng dạy và nhắc đi nhắc lại nếu các đệ tử còn thắc mắc nghi ngờ điều gì cứ hỏi.

Phật giáo cho phép và khuyến khích các tín đồ tự do hoài nghi thưa hỏi những đạo lý mà bản thân giáo chủ nói ra, tiến tới tinh thần nghiên cứu sâu xa hơn nữa.

3. Vai trò của đạo Phật trong đời sống người Việt Nam

a. Phật giáo góp phần nâng cao giá trị đạo đức lối sống người Việt

Học thuyết nhân quả báo ứng của Phật giáo tác động vào xã hội sâu sắc. Nó chỉ rõ xu hướng chuyển động tốt hay xấu của đời người chính là do nghiệp quyết định. Nghiệp mà con người lựa chọn được phân biệt là thiện và ác. Thiện nghiệp sẽ đưa đến thiện quả, ác nghiệp nhất định đưa tới ác quả. Nhận thức về nhân quả báo ứng, nhân dân ta thường nói: gieo gió thì gặt bão, đời cha ăn mặn đời con khát nước...

b. Phật giáo ảnh hưởng đến nền giáo dục, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, chính trị, ngoại giao

Phật giáo vào Việt Nam cũng tạo ra nền văn học, nghệ thuật Phật giáo. Vào thời Ngô, Đình, Lê, Lý, Trần, gần 500 năm, lực lượng sáng tác văn học dân tộc chủ yếu là các nhà sư. Nổi bật như Pháp Thuận (990), Ngô Chân Lưu (933 - 1044)… Ngô Chân Lưu được phong là Khuông Việt đại sư có bài từ nổi tiếng “Vương lang quy”. Nhà sư Mãn Giác (1032 - 1096) có bài “Cáo tật thị chúng” nói lên niềm lạc quan, nhập thế của bộ phận Phật tử. Thiền phái trúc lâm thời Trần với các vị tổ sư Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã để lại nhiều văn thơ Hán Nôm, thành tựu của lịch sử văn học và lịch sử tư tưởng thời bấy giờ. GS. Đặng Thai Mai cho biết một nhà Nho hay chữ cuối thế kỷ XIV có viết trong một bài mình: “Chu chi đỉnh, thần khí dã, Việt chi đỉnh, Phật khi dã… Phật khi dã, Thần dĩ biến, Phật thường lạc. Y! hậu nhân mạc trú thác. (nghĩa là vạc nhà Chu (bên Trung Quốc) là đồ thần, đỉnh đất Việt là đồ Phật. Thần dễ thay đổi, Phật thường vui vẻ. Hỡi người sắp tới chớ đúc lầm).”

Nền giáo dục  Phật giáo điển hình trong triều đại Lý, Trần được chú trọng và nâng cao, xuất hiện các vị thiền sư lỗi lạc làm cố vấn cho triều đình trong tất cả các lĩnh vực: quân sự, ngoại giao, nội chính, v.v…

Kiến trúc điêu khắc Phật giáo phát triển như chùa Thiên Mụ, chùa Một Cột, chùa Thầy, chùa Tây Phương, v.v…

Ẩm thực Phật giáo mà điển hình là ẩm thực chay rất đa dạng phong phú và được mọi người ưa thích vì tính năng y học.

Bằng cái nhìn toàn diện của triết học, rõ ràng trong lịch sử Việt Nam, ảnh hưởng của Phật giáo đã thành một yếu tố quan trọng được ngưng kết lại trong đạo đức, lối sống, văn học - nghệ thuật, trong kiến trúc điêu khắc và trong ẩm thực…

Chương II: Nhận thức của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay về đạo Phật

1. Nhận thức của người Việt Nam về đạo Phật trong cái nhìn khách quan

a. Mái chùa chính là hồn dân tộc

Dân gian có câu “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Thật vậy, trải qua bao cuộc thăng trầm, biến thiên của lịch sử, từ những ngày đầu dựng nước và giữ nước cho đến hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân đế quốc, Phật giáo luôn sát cánh đồng hành cùng vận mệnh của quốc gia dân tộc. Không những thế, truyền thống đạo đức ngàn đời của người dân Việt được hun đúc và thăng hoa trên tinh thần từ bi, bác ái, nhân bản của đạo Phật. “Chị ngã em nâng; lá lành đùm lá rách; một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ…” thể hiện đức từ bi của đạo Phật và tinh thần tương thân tương ái của dân tộc. Giá trị đạo đức, nếp sống của dân tộc và Phật giáo luôn đi đôi, hòa quyện, gắn kết vào nhau như môi với răng, như hình với bóng, vì thế tách rời đạo Phật thì không thấy hồn dân tộc, mà lìa dân tộc, đạo Phật sẽ không tồn tại.

b. Đạo Phật là Đạo của người Việt

Nằm ở vị trí thuận lợi – Phật giáo Việt Nam được truyền trực tiếp từ Ấn Độ thông qua các cao tăng người Ấn. Kể từ khi du nhập, trên tinh thần “tùy duyên bất biến” Phật giáo Ấn đã khéo hòa mình vào tín ngưỡng dân gian để sản sinh ra một đạo Phật thuần Việt mà điển hình là hệ thống Phật giáo Tứ Pháp gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (Có thể thấy rõ những điều này ở chùa Dâu, chùa Tổ tại Bắc Ninh). Bởi lẽ Việt Nam là một nước nông nghiệp, vì thế thiên nhiên, khí hậu, mây mưa sấm chớp chính là những vị “Phật dân gian” gần gũi, hiền hòa ban cho họ mùa màng sung túc, cơm no áo ấm. Ngày nay, tuy xã hội có đổi thay, song ở tận cùng tâm thức, người việt vẫn giữ được nét đặc sắc riêng của Phật giáo Việt Nam. Dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng ai ai (những người biết thờ cúng ông bà, tổ tiên, tin vào nhân quả nghiệp báo) cũng cho rằng đạo Phật là chủ đạo trong hệ tư tưởng người Việt, vì thế không ngoa mà nói “Đạo Phật là Đạo của người Việt Nam”.

2. Quan niệm - nhận thức của thế hệ đi trước về đạo Phật

Mặc dù đã có khá nhiều những bậc cha ông hiểu, tin và thực hành đạo Phật một cách chân chính, thế nhưng phần đông thế hệ đi trước vì thiếu phương tiện học hỏi chính pháp nên không phân biệt được Phật giáo và Thần giáo. Hơn nữa, Phật giáo là nền giáo lý cao sâu, nếu không phải người giàu suy tư, nhiều chiêm nghiệm thì không sao thấu đạt nỗi. Từ hồi thời giờ hiếm hoi, tâm hồn bình dị, làm sao hiểu thấu được những lẽ siêu thoát của Phật dạy.

3. Thiên hình nghi lễ

Người dân đến với Phật giáo chú trọng nhiều về hình thức nghi lễ. Quy y là để khi nào có bệnh thì nhờ thầy cầu an, khi chết nhờ thầy cầu siêu. Cho nên trong gia đình có đứa bé ấm đầu là chạy thỉnh thầy Trụ trì về nhà cầu an. Nếu trong thân quyến có tang, đến ngày tuần thất thì thỉnh thầy về nhà tụng kinh suốt đêm. Vào chùa, bất cứ bàn thờ Phật hay bàn thờ vong đều hì hục lễ bái và lâm râm khấn nguyện. Cứ tin rằng lạy càng nhiều thì phước càng lớn. Đi chùa những ngày sóc, ngày vọng để cúng kính lễ bái, ngoài ra không cần biết gì nữa. Họ quan niệm tu hành rất giản dị, ai thường cúng kính là người đó tu nhiều. Ông thầy Trụ trì nào thường tổ chức cầu an, cầu siêu, cúng cô hồn, cúng sao... là ông thầy ấy tu hành tinh tấn. Người Phật tử nào bỏ tiền nhiều, xin lễ này, tổ chức lễ nọ cho là người Phật tử thuần thành chân chính. Xuất tiền in kinh ấn tống thì chọn ròng rặt các nghi thức cầu an, cầu siêu, kinh Tam Bảo, v.v... Nếu ai giới thiệu ấn tống quyển “Lịch sử Phật giáo” cần thiết hoặc “Những bài giảng” có giá trị thì họ lắc đầu từ chối, bảo rằng: “Ấn tống sách đó thì ít phước!” Bởi nhận định này nên Phật giáo càng ngày càng đi sâu vào hình thức nghi lễ.

b. Tin Phật như vị thần linh

Người dân đến với đức Phật để cầu ban phước, che chở, ủng hộ hơn là tìm giác ngộ. Người ta nghĩ rằng: có tai nạn cầu Phật, Phật sẽ cứu độ cho. Vì vậy ngày bình thường không cần đến chùa, chờ khi cần cầu xin một việc gì, mới mang hương đăng đến chùa cầu nguyện.

Hữu tật thì bái tứ phương,

Vô tật đồng hương chẳng mất.

Quan niệm Phật như vị thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa. Vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lạy, gặp ma quỉ thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước giáng họa, họ không phân biệt đâu trọng đâu khinh, miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng. Hết linh ứng thì họ bỏ không theo nữa, dù Phật cũng thế.

c. Tin Phật qua những hình thức tà giáo

Có những người đến với Phật, không do hiểu Phật pháp mà nhờ ông Đồng, bà Cốt mách phải qui y Phật sẽ khỏi tai nạn chẳng hạn, họ liền đến chùa xin qui y. Hoặc có người do xin xăm hay bói quẻ,  trong xăm quẻ dạy theo Phật hay thờ Phật thì mọi sự an lành..., họ liền phát nguyện qui y Phật. Hoặc vị Trụ trì có học bùa chú trừ ma ếm quỉ,  người có con bệnh đến nhờ thầy trị chữa, nếu con lành bệnh liền xin qui y Phật...

3. Nhận thức của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay về Đạo Phật trong cái nhìn khách quan

Đạo Phật là đạo của mê tín, đồng bóng bói toán.

Đạo Phật mang màu sắc huyền bí, sáo rỗng, giáo điều và phi thực tế.

Đạo Phật là của những người chán đời, yếm thế, thất tình bị xã hội ruồng bỏ.

Đạo Phật là đạo của người già, đạo của người chết.

Đạo Phật là hình thái tín ngưỡng tâm linh mang nặng hình thức, phản khoa học.

Với những nhận định trên một bộ phận thế hệ trẻ cho rằng: việc đến chùa là của các cụ già, đến chùa để cầu xin, tụng kinh niệm Phật, v.v… vì thế ngày càng vắng bóng người trẻ đến chùa. Và càng đáng buồn thế hệ trẻ ngày nay ngoài việc học lấy kiến thức, tìm bằng cấp, công danh, sự nghiệp mà họ dần đánh mất chính mình, buông theo ham muốn thấp hèn để rồi khi nhìn lại “Giật mình, mình lại thương mình xót xa”.

Bên cạnh đó, quan niệm “Trẻ vui nhà, già vui chùa” cũng làm cho thế hệ trẻ xa rời với đạo Phật đồng thuận với việc họ mất đi cơ hội trau dồi, rèn luyện nhân cách lối sống đạo đức của một con người.

Tuy nhiên cũng có một bộ phận không nhỏ thanh niên Việt Nam ngày nay đã tự mày mò nghiên cứu, tìm hiểu về giáo lý của đạo Phật, và lập ra những câu lạc bộ, tạo môi trường rèn luyện cho mọi người, nâng cao kiến thức, nâng cao đạo đức và cách sống của bản thân.

Như vậy có thể nói, giới trẻ Việt Nam ngày nay đang đứng trước rất nhiều cám dỗ và thử thách trong cuộc sống, nên sự nhận thức của họ về đạo Phật chỉ ở một mức độ không đáng kể.

Chương III: Lợi ích của đạo Phật đối với thế hệ trẻ

1. Lối sống

Phật giáo có thể định hướng cho thanh niên nỗ lực tiến tới

Thanh niên hiện nay nếu không có nhân sinh quan chân chính, không có phương hướng phấn đấu chính xác thì khó có thể tránh khỏi việc “giận đời” và bi quan tiêu cực.

Phật Pháp muốn người ta trước phải ngồi xuống, lặng lẽ tỉnh giác quan sát chính mình, nhận thức chính mình, rèn luyện chính mình. Chỉ có tỉnh giác chính mình, mới có thể hiểu rõ được những cuồng vọng, khoa trương, ấu trĩ và vô tri của chính mình. Chỉ có nhận thức chính mình, mới không mù quáng tự đại và tự ti. Và cũng chỉ có rèn luyện chính mình mới có thể có ý chí kiên cường, trí tuệ sáng suốt, đầy đủ dũng khí để đối diện với hết thảy khổ nạn, cắt đứt mọi thứ chông gai, hoàn thành sự nghiệp và nhân cách vĩ đại.

Con đường nỗ lực của thanh niên chính là đại lộ khang trang “tự lợi tự tha”, “ta người tương trợ lẫn nhau”. Phương hướng phấn đấu của thanh niên chính là mục tiêu lý tưởng “lo trước vui sau” “thế giới đại đồng”.

Đó chính là phương hướng của Phật giáo! Là lời chỉ dạy của đức Thích Ca. 

2. Đạo đức

Đạo Phật hướng “Tâm” con người đến nơi thánh thiện, giải phóng tâm khỏi ràng buộc vào những định kiến chấp thủ, cải tạo tâm từ ác thành thiện, từ xấu thành tốt, v.v…

Bởi lẽ giá trị đạo đức của con người mà hơn hết là thế hệ trẻ ngày nay đang trên bờ vực “phá sản”, những giá trị truyền thống tốt đẹp không còn được lưu giữ trong tâm trí họ, mà thay vào đó là lối sống hưởng thụ xa hoa, đua đòi, phi đạo đức. Tình thương được thay bằng chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ, để rồi khi quyền lợi bị xâm phạm cũng đồng nghĩa với việc “máu giang hồ tung hứng, súng đạn thay lời chào”. Điển hình như: các vụ phạm pháp ở tuổi vị thành niên, thanh thiếu niên với mức độ nguy hiểm tăng theo cấp số nhân. Sự hành hung, bạo lực trong học đường ngày càng diễn biến tinh vi và phức tạp,v.v…Vì lý do đó, sự xuất hiện của đạo Phật chân chính là điều rất cần để khôi phục giá trị đạo đức của con người nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Giá trị đạo đức trong Phật giáo được đề cập chủ yếu trên hai khía cạnh “tình yêu thương và sự hiểu biết” thông qua năm giới cấm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, bia và các chất gây nghiện, gây say. Ngoài ra, cần nên “phát tâm Bồ-đề” tức là ý nguyện làm một việc hay nói và suy nghĩ mang đến lợi ích hạnh phúc cho bản thân cho những người xung quanh. Ví dụ: tôi sẽ cố gắng làm cho mẹ tôi vui nhân ngày 8/3, hoặc tôi sẽ học tốt để mang đến niềm vui cho bố mẹ và gia đình tôi. Từ những việc làm nhỏ bé trong phạm vi hạn hẹp dần sẽ mở rộng ra phạm vi toàn xã hội như: giúp đỡ trẻ em nghèo, khuyết tật, mồ côi, thất học, người già neo đơn, công tác từ thiện, tình nguyện trong trường,v.v…

Đạo đức sẽ được thăng hoa nếu bạn biết nghĩ đến những người quanh bạn, và hạnh phúc chỉ có khi bạn biết chia sẻ niềm vui của mình đến với người khác.

Kết luận

Có thể nói, bằng cái nhìn khách quan và nguyên tắc toàn diện, ta có thể hiểu được phần nào về khái niệm, một vài nét đặc sắc của đạo Phật. Rõ ràng, chính trong lịch sử phát triển của dân tộc đã chứng minh tầm quan trọng của đạo Phật đối với đời sống cả về vật chất và tinh thần của người Việt. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay sự nhận thức về đạo Phật ngày càng bị sai lệch, ít nhiều làm giảm đi hình ảnh của đạo Phật

Nhận thức được tầm quan trọng của đạo Phật với dân tộc, chúng ta cần cố gắng khôi phục vai trò của đạo Phật với dân tộc Việt Nam, và đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, bởi họ chính là tương lai, là chủ nhân của đất nước mai sau. Chúng ta cần phổ biến rộng rãi, nâng cao nhận thức của giới trẻ về đạo Phật. Bởi đạo Phật có tác dụng to lớn trong việc xây dựng tính cách, đạo đức sống của lớp trẻ, để đất nước có được những con người đức - tài vẹn toàn.

Nguyễn Thế Tuấn

Sinh viên khoa Triết học và KHXH, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đức Phật và Phật Pháp (Narada maha thera).

2. Phật Giáo trong mạch sống dân tộc (Thích Thanh Từ).

3. Những điểm đặc sắc của Phật Giáo  (Lâm Thế Mẫn).

4. Nguyệt san liên hoa,  số 304 tháng 4 năm 2003.

5. Tản mạn về văn hóa Phật giáo Việt Nam (Phan Đại Doãn ).

6. Suy nghĩ về hướng giáo dục đạo Phật cho tuổi trẻ (TT. Thích Tuệ Sỹ).

 

 

Nguon: http://www.huongtubi.org

Các tin đã đăng: