Với những ý kiến khác nhau trong dư luận đang lên cao trước
hiện tượng Duy Tuệ phỉ báng, đả kích Đức Phật, Phật pháp và Tăng Ni,
không chỉ bằng những bài nói từ hải ngoại trên trang web của ông ta, mà
ngang nhiên bằng sách xuất bản hợp pháp trong nước, có bạn đọc phản hồi
trên mạng nêu nghi vấn, phải chăng bản thân tác giả Duy Tuệ có thế lực
rất lớn trong nước, hay tác giả này có được một sự bảo trợ mạnh mẽ nào
đó, nên đã là một hiện tượng cá biệt?
Bài viết này, từ vấn đề nêu trên, sẽ tìm câu trả lời, mà trước hết
qua việc so sánh hiện tượng Duy Tuệ với hiện tượng Thanh Hải (chúng tôi
sẽ so sánh chi tiết với hiện tượng Lý Hồng Chí – Pháp Luân công trong
một bài khác).
Chúng tôi nghĩ rằng, hiện tượng Duy Tuệ không phải là do cá nhân ai
đó bao che, “chống lưng”, mà thực ra, vì ông ta chỉ mới hiện nguyên
hình trong thời gian gần đây, và cũng không phải nhiều người biết.
Duy Tuệ là một bản photocopy từ Thanh Hải, nhưng bản photocopy đó
chưa chạy hết quy trình sao chụp của nó. Cho nên, mới có sự lầm lẫn, như
sách Duy Tuệ được bày bán trong chùa, một số người được đặt “Phật tâm
danh” vẫn nghĩ ông ta là một tu sĩ Phật giáo, với cái đầu cạo tóc, mặc
áo tràng nâu, áo tràng vàng… không khác gì một vị sư.
Vì thế, thực chất của vấn đề là tác giả Duy Tuệ đã đánh lừa được
một số người. Người ủng hộ ông ta và số người theo ông ta nhận Phật Tâm
danh, đăng ký tham gia vào tổ chức Đại Gia Minh Triết không ít, do ông
ta chưa hiện hẳn nguyên hình.
Riêng tác giả bài viết này, lần đầu tiên thấy hình Duy Tuệ chỉ cách
đây 5 tháng, vẫn hỏi với sự kính trọng, rằng “thầy tu ở chùa nào vậy?”.
Mua được quyển ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, người
viết bài này vẫn còn trân trọng đặt nó vào tủ kinh sách, như những
quyển sách Phật giáo đáng quý khác. Cho đến khi đọc hết ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, người viết bài này mới vỡ lẽ ra, và sau đó, mới thấy hết được tầm mức quan trọng của vấn đề.
Chính ra, đưa đến sự kiện Duy Tuệ gây bức xúc dư luận như hiện nay là do đệ tử của Duy Tuệ đã giới thiệu cho chúng tôi quyển““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm” và các trang web của tác giả này để chúng tôi nghe các bài nói của ông.
Nếu chỉ biết tác giả Duy Tuệ qua hình ảnh không khác người tu sĩ
Phật giáo, hay đọc những quyển sách khác của Duy Tuệ xuất bản vào thời
gian trước, chắc hẳn, Duy Tuệ, đối với tôi vẫn là một tác giả khác, hoàn
toàn khác, đạo đức và đáng kính.
Quyển ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, chẳng qua, là một vụ “lọt lưới” biên tập. Duy Tuệ còn thản nhiên nói những nội dung trong quyển ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”
với Tăng Ni Phật tử (theo như quyển sách, là Tăng Ni Phật tử chùa Phù
Châu), thì đối với biên tập viên một nhà xuất bản không phải chuyên về
tôn giáo, mọi việc sẽ còn dễ lầm lẫn đến mức nào, nhất là ông ta dàn
trải lời lẽ đả kích ra nhiều vị trí tách rời trong quyển sách.
1. Đến đây, chúng ta có thể chỉ ra
“định dạng” photocopy đầu tiên của ông Duy Tuệ từ Bà Thanh Hải. Cả hai
cùng đả kích Phật giáo, nhưng họ chỉ làm việc đó sau khi thu phục được
một số đệ tử nhất định, hầu hết là từ tín đồ Phật giáo hay những người
chịu ảnh hưởng Phật giáo. Việc làm đó là để gây lòng tin trước cái đã
(kẻ lừa đảo nào cũng thế!). Bà Thanh Hải cũng đả kích đức Phật, đạo
Phật, nhưng cũng gài rải rác vào những bài giảng trong các tiết mục “Lời pháp cam lồ” hay “Giữa Vô thượng sư và đệ tử” trên Supreme Master Television, sau khi làm như là bà tán thán Đức Phật, Đạo Phật…
Chẳng hạn, sau khi ca ngợi Đức Phật là bậc toàn trí, đại giác, là
vị minh sư, thì lại tiếp ngay rằng bà ấy nói đó là vị minh sư của thời
cổ đại, phục vụ chúng sinh thời cổ đại, do đó, ngày nay phải thọ tâm ấn ở
minh sư hiện đại (tức Supreme Master). Hay, sau khi bà ta giảng về ngày
trước nên niệm Phật, thì dạy tiếp rằng ngày nay thì niệm “Nam mô Thanh
Hải Vô thượng sư” đều được “cứu rỗi và giải thoát” (câu này in trang
trọng giữa trang 9 quyển sách Bí quyết để được tức khắc khai ngộ hiện đời giải thoát, quyển 1, in ở “Taiwan R.O.C”).
Duy Tuệ cũng làm như thế, rải đều các lời đả kích Đức Phật, Phật giáo, Tăng Ni ra khắp quyển ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”,
cũng như đối với các bài thuyết giảng phổ biến qua mạng, xuất bản thành
dĩa hay USB. Trong sách, thì mỗi đoạn khoảng vài ba câu. Trong bài
giảng thì dài hơn, có thể thành một đoạn vài phút, nhưng sau đó lại nói
ngay qua chuyện khác.
Các nhà xuất bản ở Việt Nam, khi có sự cố “thủng lưới” biên tập,
thường đều cố gắng cho qua, tránh sự phiền phức. Theo chúng tôi, có thể
chỉ có vậy, không hẳn Duy Tuệ được sự bảo trợ của ai đó mới xuất bản
được sách như thế.
Nếu dùng tiền chạy thuốc được, thì Bà Thanh Hải chắc chắn là có khả
năng tài chính hơn ông Duy Tuệ rất nhiều. Thế mà có làm gì được đâu?
2. Bà Thanh Hải tự xưng là “Vô
thượng sư”, hay thông dụng hơn, bằng tiếng Anh là “Supreme Master”, là
vị giác ngộ thời hiện đại, tự chụp ảnh, quay phim mình làm hoạt động
quan hệ công chúng ban đầu từ pháp tướng Ni, sau đó chuyển thành pháp
tướng Bồ Tát Quan Thế Âm (song song với việc phô diễn đủ loại thời
trang). Bản photocopy, ông Duy Tuệ thì dùng từ “Master”, dịch sang tiếng
Việt có phần khiêm tốn hơn: “Đạo sư”. Cũng phải chịu thế, vì ông Duy
Tuệ là hậu bối, xưng hiệu sau Bà Thanh Hải có gần 20 năm, việc dùng y
khuôn danh xưng cũng kỳ, nên sửa đi chút đỉnh.
3. Như đã nói, cả ông Duy Tuệ và bà
Thanh Hải đều khởi sự từ hình tướng tu sĩ Phật giáo. Bà Thanh Hải trong
những năm 1980 là một ni cô, ông Duy Tuệ, còn không được biết đã thọ
giới hay chưa nhưng vẫn có lúc vẫn đóng bộ hình tướng tăng.
4. Cả hai Supreme Master Ching Hai
và Master Duy Tuệ, đều tự tuyên bố tự xưng tụng mình đã được chứng ngộ.
Một điều đáng lưu ý, là điều này đều diễn ra sau khi cả hai đến Ấn Độ.
Bà Thanh Hải tự quảng bá trên Supreme Master Television là tu ở tận Hy
Mã Lạp Sơn. Còn ông Duy Tuệ thì cũng cho biết trong những quyển sách của
mình là đã đến các Phật tích ở Ấn Độ tu học.
5. Ông Duy Tuệ cũng học ở bà Thanh
Hải cách thu phục quần chúng bằng thiền. Ở Bà Thanh Hải là “Supreme
Master Meditation” và thêm vào đó là “Quán âm pháp”. Còn ở ông Duy Tuệ
là “Thiền Minh Triết” và “Duy Tuệ học” (sau này có chuyển đổi để khiêm
tốn hơn thành “môn học Duy Tuệ”). Cả hai đều muốn tạo ra một thứ I – xùm
(“-ism”, nghĩa là chủ nghĩa mới, phương pháp tu tập mới, đương nhiên là
để tiến tới tôn giáo mới).
6. Bà Thanh Hải lập tổ chức “The
Supreme Master Meditation Association”, từ đó đưa đến bản photocopy “Đại
Gia đình Minh Triết” của ông Duy Tuệ, cùng một mô thức. Ở đây, lập tổ
chức nhưng ông Duy Tuệ không dùng danh xưng “hiệp hội”, “hội”, hay “tổ
chức” (association) vì ắt gặp phải những quy định trong hoạt động hội
tại Việt Nam. Nên ông ta lách, thành “Đại gia đình”. Tuy nhiên, về bản
chất, mục tiêu của 2 tổ chức đều là như nhau, đều để tập họp tín đồ.
7. Bà Thanh Hải, về cơ bản, không
sáng tạo được giáo lý riêng. Cách làm để có nội dung thuyết giảng là lấy
một số yếu tố cơ bản trong giáo lý Phật giáo, cố gắng trộn lẫn với một
số tín điều tương đối có giá trị nhất định trong các tôn giáo khác, diễn
đạt lại bằng các hình thức mới, cố ý “lạ hóa”, dùng các từ ngữ khác,
“xào nấu” cho khác đi…, rồi làm như là phát hiện riêng (tất nhiên là
không bao giờ cho biết xuất xứ gốc).
Thực chất, đây là một dạng đạo văn, đánh cắp nội dung, đánh cắp ý tưởng. Ông Duy Tuệ cũng làm như thế.
8. Tìm mọi cách, khai thác mọi tình
huống để khẳng định mình, để đánh bóng, đề cao tên tuổi mình. Có khi hết
sức lộ liễu, trần trụi, thô lỗ, có khi kín đáo, khéo léo… Cả hai Thanh
Hải và Duy Tuệ đều rất thường dùng ngôi thứ nhất số ít “tôi” trong các
bài nói, với sự xác quyết, nhấn mạnh cao độ về mình. Việc đề cao, sùng
bái cá nhân rất rõ, đến mức, nếu mất đi nhân vật chủ chốt, thì các tổ
chức và các hoạt động có thể coi như không còn. Cả hai đều như thế ở tổ
chức của họ, không thấy nhân vật số 2, người cấp phó, nhân vật truyền
thừa hay một tập thể người cấp dưới phụ trách điều hành.
9. Trong cái cách đề cao cá nhân như
thế, Bà Thanh Hải rất quan tâm đến việc sử dụng ảnh chụp và video clip
để quảng bá hình ảnh của bà. Trong việc làm này, y phục, việc chăm chút
trang điểm son phấn, tóc tai, cả đồ trang sức, hậu cảnh và nghệ thuật
chụp ảnh, quay phim để làm nổi bật chân dung hết sức được chú ý. Đây
cũng là cách làm thường thấy ở các ca sĩ, diễn viên muốn tự lăng xê, làm
ngôi sao.
Ông Duy Tuệ cũng bắt chước theo hướng như vậy.
Chúng ta cứ quan tâm quan sát ảnh chụp của ông ta đưa lên mạng
internet hay bìa sách thì sẽ thấy rõ điều đó. Nó được xử lý rất cẩn
thận, trau tria. Tuy nhiên, ông Duy Tuệ chỉ mới đầu tư nhiều cho hình
ảnh, trong khi mảng video clip còn kém xa bà Thanh Hải.
10. Cả 2 đều cố gắng khai các phương tiện truyền thông
hiện đại, đặc biệt là internet để triển khai hoạt động. Sách tuy cũng
được chú ý, nhưng thường được dùng để thể hiện họ như một tác gia có
“trí tuệ”, “uyên bác”. Sách được dùng nhiều trong giai đoạn đầu. Đối với
bà Thanh Hải là vào cuối thập niên 1990, còn ông Duy Tuệ thì trong giai
đoạn hiện nay.
Nhưng cũng phải thấy rằng việc triển khai “giáo lý”, hoạt động và
vận động, thu nhận tín đồ bằng các phương tiện gián tiếp như internet,
sách vở, báo chí… là đặc điểm chung của những tôn giáo mới.
11.Nếu Bà Thanh Hải chú trọng quảng bá cho sự “gia
trì” của bà đối với những người thu phục, thì ông Duy Tuệ cũng thế, mặc
dù cái chất tâm linh ở ông có vẻ ít hơn về mức độ.
Ông Duy Tuệ không bảo những người quy phục niệm ‘Nam mô Đạo sư Duy
Tuệ” kiểu “Nam mô Thanh Hải Vô thượng sư” để được gia trì, nhưng ông
khuyến khích trưng bày ảnh ông, đeo ảnh nhỏ của ông trên ngực để được
may mắn (!?).
12.Bà Thanh Hải và ông Duy Tuệ ít công khai kêu gọi
ủng hộ tài chính trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng hoạt
động kinh tài rất mạnh với nhiều cơ sở, hình thức kinh doanh. Bà Thanh
Hải mở hệ thống nhà hàng chay, chế tác để bán với giá cao những sản phẩm
mỹ nghệ, đồ trang sức, y phục mang dấu ấn của bà, tổ chức bán sách, bán
dĩa DVD, văn hóa phẩm… . Những tác phẩm được nói là của bà sáng tác gồm
cả… tác phẩm hội họa, âm nhạc, điêu khắc!
Ông Duy Tuệ thì chỉ mới tổ chức bán sách, dĩa, có mở rộng sang kinh
doanh sản phẩm điện tử như loa, ampli, USB… Giá thành sản phẩm bán ra
hầu như là cao, vì kèm thương hiệu liên hệ với thương hiệu “Vô thượng
sư”, “đạo sư”, được hiểu ngầm là người mua phải chịu giá cao để ủng hộ,
thay vì đóng tiền ủng hộ trực tiếp.
13.Theo cách thiết lập quan hệ trực tiếp giữa người
lãnh đạo tôn giáo mới với tín đồ, ở bà Thanh Hải có “truyền tâm ấn”, còn
người theo ông Duy Tuệ thì có “Phật tâm danh”. Đây thực sự là hình thức
kết nạp thành viên vào tổ chức, nhưng trực tiếp từ người lãnh đạo,
không ở cấp cơ sở.
Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu những nét chính về những gì mà ông Duy
Tuệ và photocopy lại từ bà Thanh Hải chắc chắn là sẽ chưa đầy đủ. Bạn
đọc có thể góp ý kiến bổ sung.
Cái mà ông Duy Tuệ cải biên, là Bà Thanh Hải về cơ bản không nhắm
đến mục tiêu hoạt động công khai về mặt tư tưởng ở Việt Nam (dù là có
thể có cố gắng nhưng không thành công), còn ông Duy Tuệ thì vẫn cố đeo
đuổi mục tiêu trên.
Tại Việt Nam, bà Thanh Hải dùng một hệ thống nhà hàng chay, cơ sở
sản xuất thực phẩm chay để ẩn lậu các hoạt động có tính chất tư tưởng,
“tâm linh”, còn chính các hoạt động tư tưởng, tâm linh, hiệp hội thì lén
lút. Trong khi đó, ông Duy Tuệ thì cố gắng triển khai các hoạt động tư
tưởng, “tâm linh” một cách công khai, hợp pháp. Đây là điều mà ông Duy
Tuệ thành công hơn so với bà Thanh Hải, dù cả hai đều ở nước ngoài chỉ
đạo hoạt động từ xa.
Để làm được điều này ông Duy Tuệ thời kỳ đầu (khoảng 2006) thì viết
sách “tâm linh”, trông có vẻ như là sách Phật giáo (chưa đả kích Phật
giáo), còn giai đoạn gần đây gia tăng màu sắc sách “kỹ năng sống”, sách
“học làm người” cho những tác phẩm phát hành trong nước, để lồng vào đó
những đòn đả kích Phật giáo. So với việc Bà Thanh Hải phải đưa lậu sách
in từ Đài Loan vào Việt Nam, thì rõ ràng ông Duy Tuệ với sách in trong
nước đã vượt bà Thanh Hải ở mặt này.
Tuy nhiên, trong một vài năm, sự hiện diện về hoạt động tư tưởng và
“tâm linh” của Bà Thanh Hải không cần đến việc phổ biến công khai sách
vở, băng dĩa bài giảng, vì bà có kênh truyền hình Supreme master TV phủ
sóng Việt Nam bằng sóng Ku (thu dễ dàng chỉ bằng một anten parabol nhỏ
đường kính 0,6 m, thiết bị giá thành rất thấp). Nhưng hiện nay, đài
truyền hình này đã ngưng hoạt động, có lẽ vì vấn đề kinh phí. Như thế,
không loại trừ việc Bà Thanh Hải trở lại học tập cách làm của ông Duy
Tuệ, tìm cách phổ biến sách vở, băng dĩa công khai tại Việt Nam.
Việc cải biên, mà theo chúng tôi là rất nguy hiểm, nằm ở chỗ ông
Duy Tuệ đẩy mức độ công kích Phật giáo lên rất cao so với Bà Thanh Hải,
cực đoan hơn, quá khích hơn. Ông Duy Tuệ không chỉ muốn leo lên mức
“minh sư thời đại” như bà Thanh Hải, mà muốn “thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, bôi đen quá khứ, phỉ nhổ truyền thống, phủ nhận Phật giáo cả trong hiện tại lẫn lịch sử.