Mới đây Đài Truyền hình Trung ương đã chiếu một phóng sự ngắn, lên
tiếng về việc thịt thú rừng được treo, bày bán vô tội vạ gần thắng cảnh
Hương Sơn. Hãy khoan nói về việc đó có thể là thịt thú rừng thuộc danh
mục cấm săn bắn, việc có thể thú nhà giả thú rừng.v.v… Ở đây tôi chỉ
muốn nói đến những hình ảnh gây phản cảm đối với khách hành hương.
|
Thịt thú rừng được bày bán ở
hàng quán ven đường (Ảnh: VNN) |
Mùa xuân đi lễ chùa là một phong tục văn hóa đẹp của người Việt Nam.
Dù ai có bận rộn trăm công nghìn việc, nhưng đã đi lễ là phải thong thả,
không vội vàng chen lấn, tinh thần thoải mái, tâm hồn thanh tịnh, không
tà uế, không cãi vã to tiếng, đi đứng nhẹ nhàng. Đã vào chốn cửa Phật
thì ai cũng như ai, không kể thiện nam tín nữ, sang hèn, giàu nghèo,
miễn là thành tâm, thành ý.
Mùa xuân đi chùa, trước là lễ Phật cầu xin sức khỏe, may mắn cho gia
đình, cho bản thân, sau là đi thưởng ngoạn cảnh đẹp của đất trời trong
tiết xuân. Chẳng thế mà mùa xuân còn được gọi là mùa lễ hội. Có lẽ, chả
có đất nước nào trên thế giới lại nhiều lễ hội như Việt Nam. Ai đã thành
tâm đi lễ, nhất là khi chẳng quản ngại đường sá xa xôi, núi cao, suối
sâu, cũng mong muốn khấn cầu những điều tốt lành nhất.
Người Việt Nam ta bản tính hay lam hay làm, đi lễ đầu năm chỉ cầu
mong cho mưa thuận gió hòa, vạn sự như ý, gia đình hòa thuận bình an. Ai
đi lễ cũng khấn cho gia đình, nội tộc, con cháu được vui vẻ, bình an,
hòa thuận, cầu mong cho đất nước được an vui thái bình. Chẳng ai đi lễ
lại chỉ cầu xin lộc may mắn cho riêng bản thân mình. Đó cũng là nét văn
hóa và nhân văn của dân tộc Việt Nam.
Ấy vậy mà, ngay bên thắng cảnh Hương Sơn, ngay bên “Nam Thiên Đệ Nhất
động”, một nơi được coi là đất Phật, người ta lại ngang nhiên sát sinh,
treo thịt thú lên để nhìn ngắm, rao bán! Không hiểu những người vừa sì
sụp khấn bái rồi lại ra mặc cả, mua vài miếng thịt thú rừng về làm quà
có nghĩ đến việc mình vừa tiếp tay cho những người sát sinh trên đất
Phật? Không biết cảnh tượng đó để lại hình ảnh gì cho du khách phương
xa, đặc biệt là du khách nước ngoài, khi họ vừa mới được giải thích về
sự từ bi, hỉ xả, không giết hại một con kiến của Đức Phật và Phật tử?
Tôi có một người bạn nước ngoài cách đây vài năm bắt đầu ăn chay
trường (không ăn thịt các loại cầm, thú), chỉ với một lý do: “Tôi thấy
người ta đối xử tàn tệ với súc vật quá. Tôi không muốn mình là một người
trong số họ”.
Người viết bài này không phải là người ăn chay. Song thiết nghĩ, suy
nghĩ của người bạn đó cũng đáng để suy ngẫm. Người ta thường nói: “Phật
tại tâm”. Vấn đề không phải là ăn gì, mà là ăn như thế nào, cách ăn ra
sao, và nên hành xử đúng chỗ: “Đi với bụt mặc áo cà sa”./.
Hiễn
Nguyễn (VOVNEWS)