Nạn xả thịt thú ở khu vực chùa Hương: Chẳng lẽ bó tay?
12/03/2010 01:37 (GMT+7)

Năm nào cũng vậy, cứ đầu Xuân là ngàn vạn du khách gần xa kéo nhau đi trẩy hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), một lễ hội lớn với phong cảnh vào hàng đẹp nhất nước ta. Song ngoài việc được tham quan, vãn cảnh, du khách đến với chùa Hương còn được chứng kiến những hình ảnh bất đắc dĩ, đó là nạn xả thịt thú bày bán tràn lan tại các nhà hàng từ đầu làng Hương Sơn (bến Đục) đến bến Trò (suối Yến) và tận chân chùa Thiên Trù.

Tràn lan thịt thú

Ngay từ ngày khai hội (19/2/2010, tức mùng 6 Tết Âm lịch), thịt thú đã được treo kín khu làng Hương Sơn để mời chào khách. Có 3 tiểu khu kinh doanh thịt thú rừng rầm rộ làlàng” Hương Sơn, bến Đục (đầu suối Yến) và đoạn nhà hàng chạy dọc bến Trò nằm dưới chân chùa Thiên Trù (trong cùng suối Yến). Trong đó, khu bến Trò là trung tâm của “chợ” thịt thú rừng với hơn 30 cửa hiệu, nhà hàng thịt thú bày san sát. Nhà hàng nào cũng có đến 7 - 8 con thú đủ loại. Để mời chào du khách, các chủ nhà hàng thường giới thiệu đó là thịt chồn, thịt cầy, thịt hoẵng, thịt nai… Có những con thú vẫn còn nguyên lông cũng được chủ hàng bày bán. Khách mua tới đâu, cắt tới đó.


Một vài nhà hàng tế nhị hơn thì chỉ treo báo, hươu, cầy… nhồi bông. Song trên bàn pha thịt, các loại thịt còn tươi rói vẫn được chủ hàng giới thiệu đó là thịt thú rừng. Để thưởng thức, khách có thể vào ăn tại chỗ hoặc mua về.Ngay cả khu nhà hàng lớn áp sát ngay chùa Thiên Trù, thịt thú các loại cũng được phanh thây, treo lủng lẳng trên móc sắt. Giá bán các loại thú ở mỗi quán khác nhau, trung bình khoảng 150.000 – 200.000 đồng/kg cầy hương, 200.000 – 250.000 đồng/kg thịt hoẵng... Khi được hỏi thịt thú này ở đâu ra, nhiều chủ hàng nói rằng đó là thịt thú rừng, được mua từ các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đâu là thật, giả


Sau khi có thông tin về việc xẻ thịt thú, trong đó có thú rừng bày bán tràn lan tại khu vực chùa Hương, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, báo cáo sự việc. Ngày 10/3/2010, Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản báo cáo Sở NN&PTNT và Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT). Báo cáo cho biết: Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác của Chi cục Kiểm lâm không phát hiện có động vật hoang dã tươi sống. Các nhà hàng ăn uống đưa ra các món thịt thú rừng nhưng qua kiểm tra thì đó chỉ là thịt “giả”. Cụ thể, thịt nai chính là thịt bê thui, thịt cầy hương là thịt thỏ cắt tai, cầy vòi là chó đập đầu kéo dài mõm. Riêng hình ảnh con hươu sao của một cửa hàng treo quảng cáo thì ông Lê Minh Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm xác nhận đó là hươu nuôi. 7 cá thể hươu (5 đực, 2 cái) treo bán được xác định là của hộ anh Nguyễn Văn Vũ ở xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình bán cho ông Bùi Ngọc Dũng ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Số hươu sao này có nguồn gốc từ nuôi sinh sản để lấy nhung nhưng đã già không còn nhung nên họ bán để giết thịt. 7 cá thể hươu này đã được Hạt kiểm lâm Mỹ Đức kiểm tra, lập biên bản số 0015276 ngày 11/2/2010. Cũng trong ngày 9/3, Hạt kiểm lâm Mỹ Đức phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường, CA TP Hà Nội và UBND xã Hương Sơn truy quét và lập biên bản thu giữ được 7 cá thể ĐVHD nhồi bông quảng cáo bao gồm: 4 cá thể mèo, 2 cá thể chồn, 1 cá thể hươu sao.


Như vậy có thể thấy, việc xẻ thịt thú bày bán tràn lan ở khu vực chùa Hương là có thật. Chỉ có điều, thú thật hay thú giả thì khi nào kiểm tra mới biết. Việc các chủ hàng sử dụng “công nghệ” chế biến để biến thịt thỏ, thịt chó, thịt bê, thậm chí thịt cú mèo... thành các loại thịt động vật “hoang dã” đã là chuyện thường ngày ở các quán nhậu. Song điều đáng nói ở đây là trong khi bán hàng, nhiều nhà hàng đã treo biển thịt các loại thú rừng như: Thịt Nai, thịt Hoẵng, thịt Hươu. Một vấn đề dễ gây nhầm lẫn hơn nữa chính là các loại thú giả được bán lẫn với thú thật nuôi (như trường hợp 7 con hươu sao nói trên). Tuy nhiên, theo ông Tuyên, nếu thú thật mà được nuôi khai thác thì người nuôi vẫn có thể bán hoặc giết thịt, giống như cá sấu (!).

Chẳng lẽ bó tay?


Trong vụ việc này, Chi cục kiểm lâm chưa có căn cứ để xử lý vi phạm của một nhà hàng nào. Theo ông Tuyên, nếu nhà hàng treo biển bán thịt thú rừng (dù bán thịt thú giả) thì khi bị phát hiện, nhà hàng đó sẽ bị xử phạt về hành vi quảng cáo kinh doanh động vật rừng trái quy định, theo khoản 2, điều 8, Nghị định 99 của Nhà nước về Bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hình phạt này không nặng, chỉ từ 1 – 2 triệu đồng. Hơn nữa việc phát hiện rất khó, vì khi thấy bóng dáng của lực lượng kiểm lâm hoặc chính quyền địa phương, các nhà hàng thường giấu biển đi để lẩn tránh. Thực tế với hành vi này, ông Tuyên cho biết Chi cục Kiểm lâm đã từng phạt nhưng không nhiều.


Để giữ vững trật tự kỷ cương trong việc kinh doanh thịt động vật trên địa bàn chùa Hương trong mùa lễ hội, năm nay Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp cùng với Hạt kiểm lâm Mỹ Đức và UBND xã Hương Sơn để tuyên truyền trên loa truyền thanh về công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, quản lý bảo vệ ĐVHD tới nhân dân địa phương. Hạt kiểm lâm Mỹ Đức cũng đã tổ chức ký cam kết được 61 hộ kinh doanh ăn uống trên địa bàn xã Hương Sơn (chùa Hương Tích) không quảng cáo, kinh doanh giết mổ trái phép ĐVHD. Song vẫn như mọi năm, tình trạng xả thịt thú bày bán tràn lan và treo biển lừa dối khách hàng vẫn không ngừng diễn ra, khiến báo chí phải lên tiếng. Nhưng khi hỏi có biện pháp nào để giải quyết triệt để việc này, ông Tuyên cho biết là rất khó (!?).


Chùa Hương là địa danh nổi tiếng của Hà Nội va cả nước. Lễ hội chùa Hương năm nay cũng được chọn là một trong những hoạt động văn hóa hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội. Chẳng lẽ giữa Thủ đô văn hiến vẫn tồn tại những hình ảnh không đẹp từ những hàng quán bày bán thịt thú thật và thú giả như vậy sao!

Hoàng Quyết – Thắng Văn (Kinh Tế Đô Thị)

Các tin đã đăng: