Trong một bài trước, chúng tôi đã đề cập đến việc các tôn
giáo khác che đậy diễn biến cải đạo tín đồ Phật giáo bằng cách “ru” Phật
giáo Việt Nam trong “điệu ru hưng thịnh”.
Họ luôn tránh xuất hiện ở vị trí đối đầu trực diện với Phật giáo Việt
Nam trong diễn biến cải đạo.
Muốn thế thì phải che dấu hoạt động cải đạo đi, không cho nó nổi lên
bề mặt để các tín đồ Phật giáo nhìn thấy. Điều này được tiến hành với
“điệu ru hưng thịnh” cho Phật giáo Việt Nam làm nhạc nền, để làm cho tín
đồ Phật giáo ảo tưởng Phật giáo Việt Nam phát triển thuận lợi, tốt đẹp,
không bị cải đạo, không có khó khăn gì hết. Và như vậy, các tôn giáo
mưu tính cải đạo Phật giáo cứ lặng lẽ âm thầm thực hiện diễn biến. Họ đã
phần nào thành công trên ảo giác hưng thịnh của Phật giáo.
Các tôn giáo thực hiện diễn biến cải đạo Phật giáo không phải áp dụng
ngay từ đầu mưu kế thâm hiểm này .
Bốn trăm năm trước, khi đạo Thiên Chúa La Mã mới truyền vào Việt Nam,
họ đã có những va chạm căng thẳng với Phật giáo. Tất nhiên khi nổ ra
những va chạm trực diện với tôn giáo bản địa thì việc truyền giáo không
thuận lợi.
Các bộ sách lịch sử Phật giáo Việt Nam dường như không nói đến việc
Phật giáo Việt Nam đối phó với diễn biến cải đạo, nhưng các bộ lịch sử
giáo Thiên Chúa giáo La Mã tại Việt Nam thì vẫn coi hoạt động truyền
giáo là hoạt động cải đạo, ghi nhận những xung đột với tôn giáo bản địa,
và đồng thời cũng phản ánh quá trình đánh lạc hướng, che dấu diễn biến
cải đạo tín đồ Phật giáo.
Sách Hành hương Công giáo Việt Nam, tác giả Linh mục Rôcô
Nguyễn Tự Do, Dòng Chúa Cứu thế (nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2009) có
cho biết ngay từ năm 1618, tại Nước Mặn, “thủ phủ hành chánh của
Quy Nhơn”, “đã có một cuộc tranh luận tôn giáo công khai giữa
cha Buzomi và một thầy sư nổi tiếng tên Bình” (trang 46). Như vậy,
các tăng sĩ Phật giáo đã sớm ý thức về hoạt động cải đạo tín đồ Phật
giáo. Nếu không có cải đạo tín đồ Phật giáo thì sao lại có “tranh
luận tôn giáo”?
Tuy nói thế, nhưng việc va chạm, mà sự kiện dẫn trên chỉ là một, được
che ngay bằng từ “hiểu lầm”: “Hiểu lầm đến từ các thầy sãi…”
(trang 47 sdt).
Một biểu hiện nữa của việc “hiểu lầm” được nêu ngay sau đó
là sự kiện đập phá tượng Phật: “Người ta còn lén lút đập phá các
tượng thần ở chùa để vu cáo người Công giáo đã đang tâm phá hoại”
(trang 48 sdt).
Chúng ta lưu ý, “đập phá các tượng thần ở chùa”, “tượng
thần” chứ không phải tượng Phật. Người ta cố tránh nói tượng Phật.
Sự va chạm vừa được trình bày, vừa được che đậy để đánh lạc hướng.
Chúng ta cũng đều biết, đối với người theo đạo Phật, hủy phá tượng
Phật là một trọng tội. Họ va chạm với tín đồ đạo Phật, nhưng chắc chắn
đã là tín đồ đạo Phật thì không ai muốn mang tội về mình để làm cái việc
hủy phá đó. Ai đập thì có thể dễ dàng kết luận. Họ đã rút ra bài học
về sự va chạm trực diện đó: “Để xoa dịu những bực tức căm thù dấy
lên, các chúa Nguyễn đã phải có quyết định công khai sai lính bắt giam
các Giáo sĩ, ra lệnh tập trung các ngài, công khai trục xuất các ngài ra
khỏi nước” (trang 48 sđd).
Nhưng sách trên viết tiếp: “Thế nhưng, các Giáo sĩ Dòng Tên đã
dày gió dạn sương. Các ngài lên thuyền ra khơi rồi lại lén lút trở về
với đoàn chiên” (trang 48).
Sách Hành hương Công giáo Việt Nam không ngần ngại dùng từ “lén
lút”. Đã “lén lút” thì không thể đối đầu trực diện nữa.
Việc đánh lạc hướng, che đậy diễn biến cải đạo tín đồ Phật giáo, để thực
hiện tính chất “lén lút” có thể coi như bắt đầu từ lúc này, năm 1625.
Cách nghĩ, cách làm như thế đã được nâng thành chỉ thị và lý luận
không lâu sau đó, khi mà hai địa phận Thiên Chúa giáo La Mã đầu tiên
được thành lập, năm 1659 (sự kiện mà Giáo hội Thiên Chúa La Mã tại Việt
Nam đang kỷ niệm, bắt đầu “năm Thánh” từ cuối năm 2009). Sách Hành
hương Công giáo Việt Nam viết: “Thánh Bộ còn ban những hướng
dẫn và chỉ thị liên quan đến chính trị, về những lầm lạc do lòng ái quốc
sai lệch đưa đến những xích mích giữa các dân tộc, về thái độ thận
trọng đối với các thói tục, nghi lễ, tín ngưỡng địa phương. Thánh bộ còn
dứt khoát khi kết luận: “Nếu có ai trong quý vị, khi đã biết những chỉ
thị này mà lại từ chối tuân phục, thì phải tức khắc trả về Châu Âu để
Đạo Thánh khỏi bị ảnh hưởng bởi sự thiếu thận trọng của họ”” (sđd,
trang 122) (1)
Như vậy là đã rõ về sự “thận trọng” và nguyên nhân của nó.
Ứng dụng những quan điểm vừa có tính chất quan điểm, vừa có tính chất
bắt buộc này, những người truyền đạo Thiên chúa đến Việt Nam từ những
tàu buôn và sau đó là tàu chiến đã thực hiện một chiến thuật mới, dấu đi
những đầu nhọn của diễn biến cải đạo tín đồ Phật giáo.
Bằng cách nặn ra những “tôn giáo” mới!
Tôn giáo mà họ dựng lên được gọi bằng những tên gọi khác nhau: Đạo “thờ
ông bà”, đạo “hiếu”, đạo “thờ cúng tổ tiên”,
thậm chí, đạo “Lương”.
Dù gì đạo gì thì đạo, nhưng trước hết phải là làm biến đi đạo Phật.
Còn đạo Phật, thì còn có những rắc rối do việc thiếu “thận trọng”.
Có cải đạo thì là cải từ đạo “ông bà”, đạo “hiếu”…,
chứ nào phải cải từ đạo Phật đâu?
Người ta gỡ một cách nhẹ nhàng vòng tay của Phật giáo Việt Nam ra
khỏi tín đồ của mình, ầu ơ đưa Phật giáo Việt Nam vào giấc ngủ, mà mãi
đến thế kỷ XX mới bừng tỉnh, với công cuộc chấn hưng Phật giáo.
Đến nay, chiêu thức thâm hiểm này vẫn được tiếp tục. Cả những giáo
phái Tin Lành mới đến từ Mỹ cũng áp dụng nó. Đạo Phật vẫn “hưng
thịnh”, với số tín đồ mà họ ước lượng trong những công trình nghiên
cứu phục vụ cho việc hoạch định chính sách cải đạo là chưa đến 10% dân
số miền Nam Việt Nam, cũng hiểu là tương đương như thế với toàn lãnh thổ
Việt Nam. Còn lại là những người theo các đạo mà họ sáng tác ra.
Họ không truyền đạo trên mảnh đất Việt Nam Phật giáo, mà trên Việt
Nam của đạo “ông bà”, đạo “hiếu”, đạo “thờ cúng tổ
tiên”? Thế đấy, không có cải đạo tín đồ Phật giáo(!)
Họ biết là họ đang mâu thuẫn với chính họ về quan điểm tôn giáo.
Nhưng vì thủ đoạn buộc họ phải nói như thế.
Thế giới ghi nhận tại Việt Nam có đạo Cao Đài, Hòa Hảo, thậm chí có
đạo Ba hai, đạo Bà Ni (tôn giáo của người Chăm Nam Trung Bộ), nhưng
không hề có đạo ông bà, đạo hiếu, đạo thờ cúng tổ tiên…, mà nếu theo lập
luận của ai đó, chiếm đến 60 – 70% dân số Việt Nam.
Thế giới như thế, còn nhà nước Việt Nam cũng vậy.
Không có giấy chứng minh nhân dân nào ghi tôn giáo là “thờ cúng
tổ tiên”, “ông bà” hay “hiếu”…
Bịa ra đạo ông bà, thờ cúng tổ tiên…, suốt từ thế kỷ XVII đến thế kỷ
XX, Vatican dứt khoát không chấp nhận cho tín đồ thờ cúng ông bà, xem
như một thứ “ngoại đạo”.
Thậm chí, đi xa hơn nữa, người truyền đạo coi thờ cúng ông bà là một
thứ đạo, được xác định là một thứ đạo “thờ cúng ma quỷ”, một
thứ đạo tìm cách “liên lạc với người chết”. Họ kể chung trong
một cụm từ đẳng lập liệt kê sự cấm đoán đối với tín đồ: “bụt thần ma
quỷ”.
Nhưng thâm tâm họ đều biết rõ là chuyện đánh lừa.
Linh mục JMT. Nguyễn Thế Thoại trong sách Tôn giáo học và các tôn
giáo lớn ở Việt Nam, đã đưa ra 7 tiêu chí xác định tôn giáo, trong
đó có những tiêu chí hoàn toàn xa lạ với cái mà người ta cố gọi là đạo
“ông bà”, đạo “hiếu” như: tăng lữ, giáo thuyết, giáo hội lịch sử và tự
phủ nhận quan điểm về đạo ông bà, đạo thờ cúng tổ tiên: “Muốn biết
thờ vật tổ, bái vật và thần vật có phải tôn giáo đúng nghĩa chưa, hoặc
muốn nhận xét các tôn giáo ngày nay chúng ta có thể theo bảng điểm vừa
kể” (trang 96).
Ấy vậy mà, ngay sau đó trong phần II: “Một số đạo ở Việt Nam”,
một loạt đạo được kể đến, trong đó có thờ kính Tổ tiên, tờ Thần, thờ
Trời…
Sách nào của Thiên Chúa giáo cũng ghi ở Việt Nam có những tôn giáo
như trên.
Một câu hỏi đương nhiên: Tại sao không xem như không có tôn giáo nào
hết cho gọn, sáng tạo chi những tôn giáo mà ai đều thấy lạ tai, cũng tự
mâu thuẫn với mình như thế?
Câu trả lời cũng đơn giản, vì rằng nói đạo này đạo nọ, dù là vẻ vời
nhào nặn, vẫn còn hơn chấp nhận…vô thần.
Ở đây chúng ta thấy ở họ sự khó xử, lúng túng.
Không lẽ tín đồ Thiên chúa giáo La Mã hiện nay thờ ông bà song song
với thờ Thiên Chúa là đồng thời theo 2 tôn giáo cùng một lúc?
Nhất là, một trong những quan điểm của Thần học về tôn giáo là “homo
religious”. Tức tôn giáo là bản chất của con người, gắn với con
người theo lẽ tự nhiên.
Vì vậy, không để người ta theo đạo Phật được, thì sáng tác ra những
tôn giáo không giáo lý, không giáo chủ, không giáo đường, không giáo
hội, không giáo sĩ…để diễn biến cải đạo cho… “thận trọng”.
Nghĩ như thế, Phật giáo, ngay từ khi đạo Thiên Chúa vào Việt Nam, đã
là tôn giáo thiểu số ở Việt Nam. Thì ra, đâu có vấn đề thiểu số hóa Phật
giáo Việt Nam. Phật giáo Việt Nam thiểu số sẵn rồi mà (!).
Cái kế đánh lạc hướng là như vậy đó.
Nếu chúng ta không báo động về diễn biến âm thầm cải đạo tín đồ Phật
giáo, là còn tiếp tục trúng kế, còn bị dẫn dắt trong ảo giác mê mị. |