Chuẩn hóa Phật tử – liệu có khả thi?
Viết bởi Kim Vũ
06/02/2010 23:08 (GMT+7)





Vừa qua, báo Giác Ngộ nguyệt san có bài của tác giả Quảng Pháp nêu vấn đề chuẩn hoá Phật tử VN bằng cách mở các lớp học, có kiểm tra, sát hạch, từ đó cấp giấy chứng nhận. Một số độc giả có ý kiến hưởng ứng, một số khác lại cho rằng điều này khó mà khả thi. Lý do, đa số Phật tử đều lớn tuổi, nghèo, nếu không học nổi thì không lẽ họ chẳng được gọi là Phật tử? Nhân đây, chúng tôi cũng xin góp vài ý mọn hầu làm sáng tỏ vấn đề hơn nữa.

I- VỀ TÊN GỌI PHẬT TỬ:


Chúng tôi cùng quan điểm như tác giả Quảng Pháp, nghĩa là ai đến chùa quy y đều được trụ trì cấp phái quy y như từ trước đến nay, không có gì thay đổi. Và dĩ nhiên, chúng ta vẫn gọi họ là Phật tử, bởi tất cả đều là “con Phật” chứ không lẽ quy y rồi lại là “con của ai”?

Tuy nhiên, tờ phái này giống như giấy “chứng minh nhân dân” của mỗi người, khẳng định anh là công dân nước Việt Nam đấy, nhưng công dân được đào tạo đến mức nào thì phải cần thêm những tấm bằng tốt nghiệp tiểu học, trung học, hoặc đại học... Giấy chứng nhận sau mỗi khoá học, khoá thi giáo lý tương tự những tấm bằng tốt nghiệp này, chứng minh nỗ lực tu học của anh. Nếu không có những tấm bằng đó, thì làm sao đánh giá được chất lượng giáo dục mà công dân đã thụ hưởng. Dĩ nhiên, có những người không học, không bằng cấp mà trình độ vẫn cao, nhưng ở đây chúng ta đang đề cập tới vấn đề chuẩn hoá đại trà, quy hoạch trên diện rộng, thì không thể không xét trên cơ sở bằng cấp. Giáo dục thế gian hay giáo dục Phật giáo đều phải có tiêu chí đánh giá chuẩn mực như thế. Vậy, ngoài tờ phái quy y, mỗi Phật tử nên học hỏi Phật pháp để có giấy chứng nhận căn bản hoặc thuần thành cấp 1, cấp 2, cấp 3... chứ không thể chấp nhận một người tự xưng là “con của Phật” mà lại không biết cha mình tên gì, dòng dõi xuất thân ra sao, cha dạy những gì ... Giống như khó thể chấp nhận một công dân VN mà mù chữ giữa thế kỷ 21. Nhà nước đã xoá mù, thậm chí phổ cập tiểu học từ lâu, lẽ nào chúng ta không xoá mù Phật pháp được, không phổ cập Phật pháp căn bản cho tín đồ? Tất nhiên vẫn sót lại một số ít công dân còn mù chữ, nhưng trên đại thể chúng ta đã nâng cao dân trí. PG cũng thử tiến hành phổ cập như thế xem sao.

II- VỀ TÍNH KHẢ THI:

Chúng tôi phát biểu với tư cách những người từng lăn lộn ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa như Mỏ Cày, Chợ Lách, Bình Minh, Tam Nông, Thanh Bình, Lấp Vò, Lai Vung, Hồng Ngự... và đã tự tổ chức lớp học cho hàng nghìn Phật tử nơi đó, đạt kết quả rất tốt. Như vậy, chúng tôi xin được khẳng định để quý vị yên tâm là công tác chuẩn hoá Phật tử hoàn toàn khả thi. Những lý do quý vị nêu ra chúng tôi đều đã gặp, nay kính xin đưa ra những hướng giải quyết như sau:

1- Tách riêng các lớp Phật tử lớn tuổi và trẻ tuổi:

Quả thật đa số tín đồ PG đến chùa là những người già, không còn khả năng học tập bao nhiêu. Họ lo tụng kinh, niệm Phật là đã may lắm rồi, đòi hỏi sự học nữa e rằng “không tưởng”. Rõ ràng, họ là hệ quả của một thời chiến tranh, đời sống khó khăn, giáo dục thiếu thốn, chúng ta thông cảm và đành phải chấp nhận, chỉ nên chăm lo cho họ về sự tu mà thôi, để họ vãng sanh Cực Lạc. Hầu hết các đạo tràng Bát Quan Trai, niệm Phật được mở ra là vì thế. Như vậy, chúng ta không hề “bỏ” họ. Nhưng cũng không vì họ mà bỏ luôn thế hệ Phật tử trẻ hơn. Bởi lớp trẻ lại không chấp nhận ngồi yên một chỗ tụng kinh như mấy cụ già, mà họ có khao khát tìm hiểu Phật pháp, khao khát học tập, từ cái hiểu mới đưa đến lòng tin, mới thực sự gia nhập PG. Nghĩa là, phải tách lớp Phật tử lớn tuổi ra thành một đạo tràng khác, còn với Phật tử trẻ khoảng từ 40- 30- 20 tuổi, thậm chí 8, 9 tuổi, thì phải mở các lớp nâng cao kiến thức cho họ, soạn giáo trình thích hợp. Nếu không, chúng ta sẽ mãi mãi thấy tín đồ của mình già nua, còn người trẻ thì “biến mất”.

2- Nghèo vẫn học được:

Những nơi chúng tôi từng qua, không nơi nào lại không nghèo. Dân chúng lo sinh kế đầu tắt mặt tối, dĩ nhiên khó mà học tập. Nhưng một biện pháp tháo gỡ dễ dàng là chúng tôi luôn dành những phần thưởng vật chất cho họ. Tại sao các vị trụ trì và Giáo hội có thể đi cứu trợ liên tục với số tiền hàng năm lên tới hàng chục tỷ đồng, hoặc xây dựng chùa chiền hoành tráng, mà không hề có kinh phí nào cho công tác hoằng pháp? HT. Trí Quảng cũng đã nhắc nhở vấn đề này rất nhiều lần trong các bài viết trên báo Giác Ngộ và trong các băng giảng. Nhẹ nhàng lắm, đơn giản lắm, chỉ cần mỗi lần kiểm tra bài, chúng tôi tặng cho Phật tử một ký đường, một hộp sữa, vài cuốn tập, hộp bút màu cho con họ đi học, là họ vui mừng phấn khởi. Thi cuối khoá, chúng tôi tặng cả áo dài trắng, hoặc cặp da, đỡ gánh nặng lo toan mỗi lần tựu trường, cả làng cả xóm đều khuyến khích cháu con trau dồi Phật pháp. Chúng ta tài thí song song với pháp thí, thì hiệu quả rất tốt, vừa là từ thiện giúp họ đỡ khổ, vừa là khuyến học, bồi dưỡng trí tuệ. Trọn vẹn cả hai.

3- Tiêu chuẩn cao hay thấp:

Trong bài của tác giả Quảng Pháp, những tiêu chuẩn đưa ra không hề cao. Thí dụ, với Phật tử căn bản chỉ cần biết Quy y, Tam bảo, Ngũ giới, vài nét về Lịch sử Đức Phật, về các vị Hoà thượng... thì họ có khả năng nắm được. Vấn đề là cách soạn thảo giáo trình sao cho phù hợp. Chẳng hạn, với mức học này thì bài Tam Bảo chỉ nên nói về Thế gian trụ trì Tam bảo, chứ không nên đề cập Xuất thế gian trụ trì hoặc Đồng thể Tam bảo chi cho rối. Khoá sau học tiếp bài Tam bảo, thì mới đào sâu thêm những phần còn lại, để nâng thành Phật tử thuần thành. Hoặc định nghĩa chữ “Đạo”, đừng nói “bản thể chân như” gì hết, họ không hiểu nổi. Chúng ta chưa biết cách soạn bài cho người học vỡ lòng, cứ bê nguyên xi bài trong bộ Phật học phổ thông vốn là một bộ sách rất hay nhưng chỉ thực sự dành cho người có trình độ kha khá. Hoặc giảng sư dùng quá nhiều từ Hán Việt, đọc quá nhiều bài kệ chữ Hán, Phật tử chịu thua. Cần soạn bài với ngôn ngữ giản dị, trong sáng, cập nhật đời sống.

Khi Phật tử đã qua khoá căn bản rồi, thì tự nhiên trình độ của họ nâng cao, sẽ theo tiếp những bài khó hơn. Chúng tôi từng cho lớp trẻ học đến các khái niệm Tứ Thánh Đế, Bát chánh đạo, các em tiếp thu rất tốt. Nói chung, lớp trẻ hoàn toàn có khả năng học tập, nếu không, làm sao họ hưởng ứng cuộc thi giáo lý do Ban Hoằng pháp trung ương tổ chức hai năm qua. Đề thi tương đối cao, mà họ vẫn làm được. Chúng ta phải có lòng tin nơi lớp trẻ.

Tuy nhiên, ở đây xin mạn phép nói thêm một ý, có thể thẳng thắn nhưng xin đừng tránh né. Sự thật là có một số đạo tràng thường ngày không mở lớp học nhưng khi cuộc thi giáo lý của Trung ương tổ chức thì mới cuống quít ôn luyện cho thí sinh như luyện “gà nòi”. Thầy sưu tầm những bài trắc nghiệm của các nơi, đem về dạy học trò mình đánh dấu vào. Dĩ nhiên, cũng có khi thầy giảng giải đôi chút, nhưng đại thể thí sinh vẫn học thuộc câu trả lời dù còn mù mờ chưa hiểu rõ lắm. Chủ yếu học cho nhanh để kịp ngày thi cho có phong trào với bè bạn. Tinh thần hưởng ứng đó cũng đáng hoan nghênh, nhưng đấy không phải là phương pháp giáo dục chuẩn mực. Bởi Phật tử không được học một cách có hệ thống, có căn bản từ thấp lên cao, có khi mới biết tam quy, ngũ giới, mà lại nhảy đùng sang một câu thuộc bài Tứ Thánh Đế vô cùng phức tạp. Cách học ấy có thể “chữa cháy” để tham gia cuộc thi giáo lý cho xôm tụ, nhưng xét về lâu về dài thì tạo ra nhiều lổ hổng kiến thức, chạy theo hình thức hơn là chất lượng. Chúng ta thường làm theo kiểu phong trào, bình thường không hề vận động, tổ chức cho có lớp lang, chuẩn mực, có nền tảng lâu dài, tới hồi cần phát động thì ào ào chạy đi “luyện thi”, học hành gấp rút. Qua đợt thi, lại im ắng như cũ. Thiết nghĩ, Giáo hội cần bắt tay vào soạn bộ giáo trình chuẩn, và áp dụng vào tất cả các địa phương. Như vậy, Phật tử được học đều đặn, được sát hạch hàng năm để cấp giấy chứng nhận trình độ, lúc nào cũng có không khí tu học, chất lượng nâng cao.

Tóm lại, chúng tôi đã thử chọn những nơi khó khăn nhất để hoằng pháp, và cũng đã chứng minh được một điều rằng Phật tử hoàn toàn có khả năng học tập, rất ham học tập, chỉ tại chúng ta chưa có một phương thức tổ chức sao cho phù hợp, sao cho khoa học, tiến bộ. Chúng ta vẫn nhìn những mặt hạn chế của con người, của địa phương, mà chưa dám thử nghiệm để tìm đáp án mới nhất. Dám thử, thì “năm ăn, năm thua”, nhưng vẫn có hy vọng thành công. Còn không thử, thì coi như thất bại hoàn toàn, đầu hàng hoàn toàn. Không lẽ đến thế kỷ 21 mà chúng ta không “xoá mù Phật pháp” được cho đồng bào của mình?

Các tin đã đăng: