Vài ý kiến về việc đem giáo lý Phật Đà đến giới trẻ
Tùng Bách (Bình Định)
06/02/2010 23:17 (GMT+7)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

      Kính bạch chư tôn đức!
      kính thưa quý phật tử!

Con rất vui mừng được biết cách đây một ngày (ngày 3/04/2009) Ban Huớng Dẫn Phật Tử TW đã tổ chức hội thảo bàn về tuổi trẻ tại chùa Quán Sứ - Hà Nội.

Điều này nói lên rằng Giáo Hội đã có sự quan tâm đến thành phần thanh niên phật tử trẻ - thế hệ rường cột cho Giáo Hội và đạo pháp hôm nay và mai sau.

Kính bạch chư tôn đức!

Như chúng ta đã biết qua lịch sử hơn 2500 năm truyền bá đạo phật khắp thế giới đã chứng minh vai trò hộ pháp đắt lực của cư sĩ tại gia mà đặc biệt là cư sĩ phật tử trẻ tuổi. Điều này hoàn toàn dễ dàng nhận thấy và không thể phủ nhận được.

Qua website phattuvietnam.net, con đã đọc được một số tham luận của một vài đại biểu thanh niên phật tử trẻ. Trước hết con hoàn toàn đống ý với ý kiến của các vị biểu biểu trên, bên cạnh đó con xin phép được góp vài thiển kiến vào công cuộc đem giáo lý phật đà đến với tuổi trẻ:


Một là: Như chị Cẩm Vân và anh Phương Dũng đã trình bày con hoàn toàn tán đồng quan điểm rằng Ban Hướng Dẫn Phật Tử TW nói riêng và Giáo Hội nói chung cần quan tâm sâu sắc hơn nữa đến thế hệ thanh niên phật tử trẻ hiện nay, xem họ là đối tượng tiềm năng để truyền bá tư tưởng cao cả của Đức Thế Tôn.

Ban nên thành soạn thảo quy chế thống nhất để trên toàn quốc cùng một lúc tồn tại ba hình thức: GĐPTVN, CLB Thanh Niên Phật Tử, Và Đạo Tràng chuyên tu.

Tuỳ điều kiện từng chùa, từng địa phương mà duy trì theo hình thức sinh hoạt cho thích hợp. Bởi vì con thiết nghĩ rằng với tình hiện hiện tại, Giáo Hội khó mà duy trì một mô sinh sinh hoạt duy nhất nào mà cần phải phát tiển cùng một lúc ba hình thức sinh hoạt trên. Điều quan trọng là Giáo Hội nên có "cơ chế" để chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý các mô hình đó.

Hai là: Ban Hướng Dẫn Phật Tử TW nên hoạch định kế hoạch "Phật giáo hoá gia đình". Thật ra kế hoạch này GĐPTVN đã sử dụng từ lâu, đã đang và sẽ tiếp tục còn thực hiện. Tuy nhiên theo con nhận thấy việc " Phật giáo hoá gia đình" hiện nay chưa được Giáo Hội cũng như GĐPTVN quan tâm và chú trọng. Nó chỉ được diễn ra nhỏ lẻ ở từng đơn vị gia đình, từng địa phương chứ chưa thật sự trở thành một kế hoạch mang tính lâu dài và có quy mô.

Thiết nghĩ nếu chúng ta cứ tập trung lo nghĩ đến việc truyền bá đạo phật cho thanh niên bên ngoài mà quên rằng con em trong mỗi gia đình phật tử của Giáo Hội thì quả thật một lổ hổng lớn. Số lượng tín đồ Phật giáo chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tổng dân số Việt Nam, giả sử Giáo Hội kêu gọi chỉ cần mỗi gia đình gửi một hoặc hai con, em, cháu,....vào sinh hoạt một trong ba tổ chức trên thì ta đâu sợ Giáo Hội ngày mai thiếu bóng trẻ thanh niên.

Điều đáng bàn là Giáo Hội đã lên phương án thực hiện hay không và cách làm như thế nào. Con trộm nghĩ rằng Giáo Hội không chỉ thực hiện tốt kế hoạch này mà còn "lên khuôn" kế hoạch " Phật giáo hoá dòng họ" và " Phật giáo hoá khu dân cư có phật tử sinh sống" chúng ta thực hiện từ từ từng bước một và con tin chắc một lúc nào đó sẽ đem đến kết quả tươi sáng và tích cực.

Ngay tại chùa mà chúng con sinh hoạt GĐPT hiện đang gặp khó khăn ở số lượng đoàn sinh ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Đứng trước tình hình này Ban Hộ Tự khuyến khích mỗi gia đình bổn đạo của địa phương nên đưa ít nhất một con, em, cháu....về sinh hoạt trong GĐPT.

Chỉ 2 tuần phát động số lượng các con em bổn đạo ngày càng đông và GĐPT chúng con cũng dần lấy lại "phong độ" của mình. Qua thực tế này cho thấy, hiện tại và trước mắt không đâu xa nhiều con em phật tử của Giáo Hội  chưa được " phổ cập" phật pháp, vẫn còn "lang thang" bên ngoài chưa có được đưa vào sinh hoạt một trong ba mô hình nào đã nói.

Do đó những thanh thiếu niên trên cần được "ưu tiên" hướng đạo trước và theo thiển ý của con Giáo Hội nên quan tâm và hướng dâẫnphật pháp cho thật sâu, thật chắc số lượng thanh niên "sân nhà" ( nói theo ngôn ngữ thể thao ) này trước khi đem đạo phật truyền ra cho thanh niên ngoài đạo -  "sân khách"

Ba là: Về kế sách lâu dài, bền vững con thiết nghĩ đã đến lúc Giáo Hội nên khuyến khích Ban Hoằng Pháp thành lập một đoàn hoằng pháp chuyên về thanh niên trẻ, giảng các đề tài của thanh niên hiện nay quan tâm như: Đạo phật với dân tộc, đạo phật của tuổi trẻ, đạo phật với tình yêu - hạnh phúc - lý tưởng,....

Năm 2005, sư ông Nhất Hạnh có về thuyết giảng tại chùa Tỉnh Hội Bình Định đề tài: Hạnh Phúc - Tình Yêu - Lý Tưởng cho học sinh, sinh viên tỉnh nhà. Theo quan sát của riêng con sư Ông đã cung cấp được cái mà người trẻ đang cần nên thu hút một lượng thính giả trẻ khá đông từ: trí thức, doanh nhân, công chức, nhân viên, học sinh, sinh viên,.....thậm chí những người bạn sinh viên Lào của con cũng không thiếu một buổi thuyết giảng nào của sư ông trong khoảng thời gian hơn nửa tháng sư Ông hoằng pháp tại Bình Định.

Điều này khẳng định rằng thanh niên rất quan tâm đến đạo phật, rất thích thú học triết học Phật giáo chứ không phải là họ thờ ơ. Chỉ có điều lâu nay con thấy Giáo Hội và Ban Hoằng Pháp chưa có chiến lược cụ thể, cách làm hấp dẫn đủ để thu hút họ.

Còn cũng biết qua nhiều bài thuyết giảng của mình, Sư Ông Nhất Hạnh đã kêu gọi đã đến lúc Giáo Hội và GĐPTVN nên "làm mới" (từ của sư Ông) để chuyển tải nội dung thâm thuý của triết học Phật đà đến với thanh niên. Phải dấn thân và tình nguyện đến với họ và đáp ứng được những gì họ đang thiếu, đang cần chứ không nên chờ thanh niên tự tìm đến với đạo Phật.

Bốn là: Con nghĩ rằng ba Ban ; Hoằng Pháp, Giáo Dục Tăng Ni, Hướng Dẫn Phật Tử nên sớm ngồi lại với nhau hoạch định các phương án đem ánh sáng Phập pháp đến với thanh niên (kể cả thanh niên trong và ngoài đạo Phật, thậm chí thanh niên dân tộc thiểu số). Hoạch định nội dung cần trao truyền cho thanh niên, các cách thức, phương pháp thực hiện, ....Ban Hoằng Pháp nên thành lập nhóm giảng sư chuyên về thanh niên ( con được biết ở Tp Hồ Chí Minh đã có CLB Hoằng Pháp Trẻ. Họ đã và đang gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp thông qua việc thuyết giảng, tổ chức khoá tu mùa hè, xuất bản các ấn phẩm Phật Giáo, ,... Họ còn có cả website www.hoangphaptre.com), nên chăng Ban Giáo Dục Tăng Ni và các Phật học viện biên soạn giáo trình và mở chuyên ngành Thanh Niên Phật Tử & GĐPT, tức là chuyên ngành đào tạo tăng ni sinh sau này làm công việc thuyết giảng, quản lý thanh niên phật tử cho Giáo Hội.

Ba Ban nên phối hợp nhịp nhàng từ biên soạn, lên kế hoạch hoằng pháp ( Ban Hoằng Pháp) , đào tạo giảng sư cho thanh thiếu niên theo nội dung chương trình đã vạch ( Ban Giáo Dục Tăng Ni) - quản lý hướng dẫn phật tử tu tập, sinh hoạt theo đúng nội quy, qui chế,.... ( Ban Hướng Dẫn) con cho rằng sẽ thu được kết quả khả quan.

     Kính bạch chư tôn đức!
     Kính thưa quý phật tử!

Trên đây là mấy lời tâm huyết của con, người phật tử với hơn 15 năm sinh hoạt trong GĐPTVN. Con rất hi vong và mong ước một ngày nào đó số lượng thanh niên biết sống và làm theo lời Phật dạy ngày càng nhiều để làm lành, làm đẹp thêm cho cuộc sống, góp phần xây dựng một xã hội an lành và thanh tịnh cũng tức là một xã hội: công bằng - dân chủ - văn minh.

Những thiển kiến của con nếu có gì còn thô kệch con xin thành tâm lắng nghe chư tôn đức, quý cư sĩ phật tử chỉ dạy thêm.

Nam Mô A Di Đà Phật!

phattuvietnam.net

Các tin đã đăng: