Kỹ thuật cải đạo tín đồ PG: khuếch đại một đạo Phật phiến diện trên các phương tiện truyền thông?
Minh Thạnh
08/03/2010 11:32 (GMT+7)

Để thu hút thính giả, một số đài phát thanh địa phương nói tiếng Việt ở nước ngoài đã xây dựng các chương trình phát thanh tôn giáo, gồm có các tôn giáo chính như Phật giáo, Thiên Chúa giáo La Mã, Tin Lành, Hòa Hảo…

Trong một bài trước, chúng tôi đã đề cập đến kỹ  thuật cải đạo Phật giáo bằng giải pháp “liên tôn”.
 
Ở đây, vấn đề đề cập ở đây không phải “liên tôn”, nhưng tính chất của nó tương tự “liên tôn”.
 
Để thu hút thính giả, một số đài phát thanh địa phương nói tiếng Việt ở nước ngoài đã xây dựng các chương trình phát thanh tôn giáo, gồm có các tôn giáo chính như Phật giáo, Thiên Chúa giáo La Mã, Tin Lành, Hòa Hảo…
 
Trước hết, phải ghi nhận việc dành cho Phật giáo một tiết mục, một thời lượng phát thanh chẳng hạn, không hẳn là có lòng tốt với Phật giáo.
 
Nó xuất phát từ thực tế khách quan, Phật giáo là một tôn giáo lớn, đồng thời từ nhu cầu thương mại, nhu cầu công chúng của cơ quan truyền thông.
 
Để kết luận về các thực tâm của các đài phát thanh thương mại dành cho Phật giáo thời lượng phát thanh đó, không nên mang bất cứ một định kiến nào, mà hãy nhìn vào chính nội dung chương trình phát thanh.
 
Đây là quan điểm chung để chúng ta nhìn nhận bất kỳ sự vật, hiện tượng nào. Cơ sở của quan điểm là bài kinh Kalama nổi tiếng.
 
Công bằng mà nói, những buổi phát thanh Phật giáo trên các  đài phát thanh thương mại nói tiếng Việt ở nước ngoài, một số cũng là cơ hội để truyền bá Phật pháp, hướng dẫn người Việt ở  nước ngoài tu học.
 
Nhiều vị  giảng sư uyên thâm Phật pháp, lưu loát trong giảng thuyết, có trình độ học vấn ngoại điển, xứng đáng là đại diện tiếng nói Phật giáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng công cộng.
 
Nhưng chúng ta chú ý đến cách làm sau, mà chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng, đó là một kỹ thuật cải đạo tinh vi.
 
Người ta không bộc lộ việc nói xấu Phật giáo, nhưng dụng ý trình bày Phật giáo, sao cho, không phải là nói xấu, mà đạt được mục đích gây thất vọng ở người nghe.
 
Người ta cung thỉnh, có thể vẫn là nhà sư thật, có lập chùa, có thọ giới, nhưng không hẳn tiêu biểu cho tầng lớp tinh hoa Phật giáo, đảm nhận chương trình Phật pháp trên sóng phát thanh.
 
Tất nhiên, với tâm nguyện hóa độ chúng sinh, thì vị  tăng nào cũng muốn đóng góp tiếng nói cả.
 
Nhưng một số tình huống có lẽ không được lưu  ý tới.
 
Người ta cố ý để vị pháp sư nói trực tiếp trên sóng phát thanh (live), không ghi âm. Một chương trình phát trực tiếp có nhược điểm là không sửa chữa được những sai sót. Không phát trực tiếp, nhưng thu âm ra sao cứ phát như vậy, thì cũng thế.
 
Không khó  để người ta thu băng trước rồi biên tập lại, nhưng lại cố ý để vị giảng sư nói trực tiếp, mà nhất là nhắm vào vị giảng sư, tuy có tâm đạo, có kiến thức Phật pháp, nhưng có hạn chế nào đó về kỹ thuật diễn giảng.
 
Trong thực tế, cho dù có tài diễn giảng đến đâu, thì  việc kiểm tra lại nội dung phát biểu trước khi phổ  biến rộng rãi đều không thừa. Các nhà lãnh đạo, chính khách… đều cẩn thận như thế cả.  Ở đây, tầm mức vấn đề cũng đáng để cẩn trọng như vậy khi tạo tiếng nói cho một tôn giáo lớn  trên phương tiện thông tin đại chúng.
 
Tình huống phát biểu trực tiếp khiến vị giảng sư không tránh khỏi việc bộc lộ những sai sót, hạn chế của mình.
 
Có lẽ, trước hết, người ta chờ đợi những điều như thế.
 
Nhà sư  nói vần, nói vè, nói đủ thứ…, nói cả sang kinh tế học, khoa học tự nhiên và kỹ thuật… Càng hay. Càng dễ sai sót, trước hàng trăm ngàn thính giả phát thanh và vì trực tiếp truyền thanh nên không thể sửa chữa được.
 
Rồi nhà  sư nói luôn cả các khái niệm không hẳn là  của Phật giáo, như cầu tài, cầu lộc, cầu cúng thánh thần, nhân điện, từ trường… Chắc chắn là những người dàn dựng chương trình nhắm tới thể hiện hình ảnh Phật giáo theo ý của họ để phục vụ cho việc cải đạo rất muốn như vậy.
 
Đi xa hơn, họ đẩy nhà sư vào thế phải trả lời trực tiếp trên sóng phát thanh. Thính giả hỏi ngay qua đường dây điện thoại, cũng trực tiếp phát thanh.
 
Người hỏi xem chừng như một phần không phải là tín đồ đạo Phật. Họ chờ sẵn những sai sót ở nhà sư thuyết pháp, hỏi xoáy vào sao cho để cho mọi người cùng nghe, cùng thấy, cố gắng nhấn mạnh sai sót của nhà sư.
 
Họ gọi một cách xách mé: “ông thầy”. Trong một trường hợp, sau khi nhà sư thuyết giảng về… giải pháp cho tình trạng suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ, câu hỏi nêu ra là cờ Mỹ có 50 ngôi sao, nhưng “ông thầy” nói nước Mỹ có 51 tiểu bang. Vậy tiểu bang thứ 51 là tiểu bang nào? Nhà sư trả lời… để hỏi lại (!).
 
Buổi thuyết pháp chuyển thành một màn tấu hài, phô ra trước thính giả truyền thanh và lưu trữ trên internet. Họ  xây dựng cái hài, sự bôi bác và chế giễu dựa trên nguyên tắc mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa sự  tôn nghiêm của vị pháp sư Phật giáo và những sai sót quá kỳ cục.
 
Nếu  điều này chỉ diễn ra một lần thì có lẽ  chưa nói lên điều gì. Nhưng nếu nó lặp đi lặp lại nhiều lần thì không thể không nghĩ đến một kịch bản toan tính, dàn dựng.
 
Chúng ta nghĩ  sao khi nhà sư cứ tiếp tục nói vần, nói vè,  đọc một thứ thơ chữ Hán không ra Hán, Việt không ra Việt, rồi chê cả người phụ nữ đang phỏng vấn mình già đi và xấu đi (vì lo chạy theo việc thế gian)…
 
Yêu cầu vị pháp sư phải lưu loát thuyết giảng trên nền tảng kiến thức như một vị trí thức cỡ  lớn không quá đáng nếu đặt vào bối cảnh có  sự tham gia khuếch đại của truyền thông đại chúng. Còn cách thuyết pháp bình dân, vần vè chỉ có thể trong giới hạn thầy trò vài chục bổn đạo.
 
Đàng này…!
 
Việc làm trên có lợi cho ai thì đã rõ. Người ta không cần bận tâm vẽ vời gì thêm nữa, mà chỉ cần cho nó diễn ra với tần suất ngày càng nhiều hơn.
 
Như vậy là đã có tác dụng.
 
Cho nên, kỹ thuật cải đạo tín đồ Phật giáo đến mức tinh vi, thì không cần nói rõ là hãy bỏ đạo Phật đi, mà trình bày, khuếch đại một kiểu đạo Phật để cười cợt. Cười thầm thôi, để ai cũng hiểu chỉ một vài người không hiểu, còn mọi việc cứ lại diễn ra, là đủ rồi.
 
Nếu chúng ta cứ như không biết gì  là ngày càng bị cái bẫy cải đạo thít chặt.

phattuvietnam.net

Các tin đã đăng: