Wikileaks hành động vì công lý hay tạo kẻ thù
Thích Duy Tân
05/03/2011 02:09 (GMT+7)

Cơn bão rò rỉ các tài liệu bí mật ngoại giao, quân sự và an minh Mỹ được Wikileaks công bố trong thời gian qua đã trở thành “cơn động đất chính trị” của Mỹ và giảm uy tín của ngoại giao Mỹ trên trường quốc tế. Trong khi Mỹ và một nhà chính trị hàng đầu thế giới chỉ trích hành động của Wikileaks là “vô trách nhiệm” thuộc loại “tội phạm, huỷ ổn định thế giới” thì ông Julian Assange, 39 tuổi, công dân Úc, người sáng lập Wikileaks cho rằng mọi công dân thế giới được quyền biết những gì chính phủ của họ làm nhân danh họ trong nước và ở nước ngoài.

Wikileaks là gì?

Wikileaks là trang chuyên “rò rỉ thông tin” hay tung tin nội gián về các chính phủ và nhiều tổ chức thế giới. Đây là các tài liệu nhạy cảm về tình báo, quân sự và ngoại giao, có khả năng gây tranh cãi trái chiều trong cộng đồng thế giới. Ông Julian Assange làm tổng giám đốc, Wikileaks thành lập vào tháng 12-2006 được xem là trang mạng điều tra độc lập, trong khi một số chính phủ cho rằng hoạt động của trang mạng này là hiểm hoạ, gây chia rẽ và ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của các quốc gia và an ninh thế giới.

Các nguồn tin của Wikileaks có được từ bất cứ ai tình nguyện cung cấp, thường là các “tài liệu mật, bị kiểm duyệt hoặc bị hạn chế, có tầm quan trọng về chính trị, ngoại giao hay đạo đức.” Ngân sách hoạt động của Wikileaks dựa vào đóng góp của các nhà hoạt động nhân quyền, phóng viên điều tra và công chúng. Trong 5 năm qua, Wikileaks phải đương đầu với hơn “100 vụ tấn công bằng pháp lý” nhưng chưa bị thua trong vụ kiện nào.

Các tài liệu mật bị rò rỉ

- Tháng 7-2010: WikiLeaks công bố 75.000 trang tài liệu về cuộc chiến tranh ở Afghanistan và khoảng 400.000 trang về cuộc chiến Iraq.

- Ngày 1-10: 10 tờ báo lớn trên thế giới như: Tờ New York Times (Mỹ), Le Monde (Pháp), CNN (Mỹ), The Guardian (Anh), BBC (Anh), Channel 4 (Anh), SVT (Thụy Điển), Al-Jazeera (Ả rập), Der Spiegel (Đức),… và Văn phòng Báo chí điều tra (Anh), Tổ chức Đếm xác Irag, Tổ chức Các luật sư vì lợi ích chung đã cam kết với Wikileaks  đồng loạt tung tài liệu mật sau ngày 22-10.

- Ngày 22-10: Wikileaks công bố 391.831 tài liệu mật về chiến tranh Iraq.

- Ngày 23-10: Assange chủ trì họp báo tại London về việc tung tài liệu mật.

- Đêm 28-11: WikiLeaks công bố 251.287 bức điện từ 274 sứ quán, lãnh sự quán và ngoại giao đoàn của Mỹ ở khắp thế giới gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ và hơn 8.000 chỉ thị từ Bộ Ngoại giao Mỹ gửi cho các cơ quan này. Trong số đó, 3.102 bức điện từ Việt Nam, bao gồm 2.325 bức từ sứ quán tại Hà Nội và 777 bức từ lãnh sự tại TP.HCM.

- Khoảng 2,5 triệu trang sẽ tiếp tục công bố trước lễ tạ ơn, có dung lượng lớn gấp 7 lần qui mô của đợt về cuộc chiến Iraq.

- Ngày 5-12: Công bố danh sách bí mật các địa điểm hạ tầng quan trọng khắp thế giới, có khả năng đe doạ an ninh Mỹ và thế giới. Các địa điểm này bao gồm cáp ngầm dưới đáy biển, hệ thống viễn thông, hải cảng, mỏ khoáng sản, đường ống dầu khí, công ty sản xuất văc-xin bệnh đậu mùa, hệ thống vệ tinh và các nhà máy của BAE Systems (tập đoàn vũ khí lớn của Anh) v.v…

- Ngày 6-12: Bưu điện quốc gia Thụy Điển đã phong tỏa tài khoản trị giá 31 nghìn EUR của Assange vì đã cung cấp thông tin giả mạo về nơi ở hiện tại.

- Ngày 7-12: Ông Assange chính thức ra hầu tòa ở Anh.

Các đòn đánh trả chí tử

Assange cho rằng việc truy tố về tội cưỡng dâm đối với ông chỉ là hành động “đổ vạ tội lỗi” nhằm mục đích ngăn chặn WikiLeaks tiếp tục công bố các tài liệu “bom tấn” tấn công nước Mỹ và một số chính phủ trên thế giới. Assange cho đó là “trò bẩn” và kêu gọi cộng đồng truyền thông báo chí ủng hộ ông. Sau đây là diễn tiến của các vụ đánh trả từ hai phía.

- Ngày 20-8: Văn phòng công tố Thuỵ Điển tuyên án vắng mặt đối với Julian Assange về tội cưỡng dâm và ra lệnh truy nã.

- Ngày 18-11: Viện kiểm sát Quốc tế tại Gothenburg của Thụy Điển ra lệnh truy nã Assange về tội “hiếp dâm, xâm hại tình dục và lạm dụng quyền lực”.

- Ngày 30-11: Assange kêu gọi ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton nên từ chức vì theo ông, bà Hilary yêu cầu các quan chức ngoại giao làm tình báo trong Tổ chức Liên hợp quốc, vốn vi phạm công ước quốc tế mà Mỹ đã ký.

- Cuối tháng 11, các công ty dịch vụ Internet tẩy chay Wikileaks. Wikileaks.ch phần lớn nằm trong hệ thống máy chủ của nhà cung cấp Thụy Điển PeRiQuito (PRQ) vẫn đang hoạt động an toàn, trong khi trang chủ wikileaks ở Pháp đã bị tê liệt.

- Đầu tháng 12: Công ty PayPal đã đóng cửa các tài khoản nhận tiền quyên góp của Wikileaks. Một số nước bao gồm Trung Quốc và Thái Lan đã chính thức chặn Wikileaks.

- Ngày 1-12: Interpol ra “Thông báo đỏ” yêu cầu cảnh sát 188 nước thành viên bắt giữ Julian Assange vì tội hiếp dâm 2 phụ nữ Thụy Điển. Julian Assange đã 2 lần đệ đơn bác lệnh truy nã tới tòa án phúc thẩm của Thụy Điển nhưng đều bị từ chối.  Ecuador, quốc gia cánh tả, đề nghị cung cấp tị nạn cho Assange nhưng rút lại một ngày sau đó.

- Ngày 2-12-2010, Wikileaks đã thành lập hơn 10 tên miền mới và nhân bản khoảng 335 trang mạng con, chứa toàn bộ nội dung của máy chủ.

- Ngày 3-12: Assange đe doạ nếu bị bắt về tội cưỡng dâm ở Thuỵ Điển hoặc tội phản gián ở Mỹ, ông sẽ cho công bố “chìa khoá” giải mật mã tập tin khổng lồ 1,4 gigabyte được Wikileaks công bố nhưng chưa giải mã trước đây.

Trận “động đất” về ngoại giao Mỹ

Sự kiện rò rỉ tai tiếng nhất lịch sử này cho thấy chính phủ Mỹ quá lỏng lẻo trong việc bảo vệ các bí mật quốc gia. Tòa Bạch ốc đã yêu cầu các cơ quan chính phủ quản lý chặt hơn việc truy cập các thông tin mật. Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder hứa hẹn rằng kẻ thủ phạm gây ra vụ rò rỉ điện tín ngoại giao sẽ bị truy tố nghiêm khắc trước pháp luật.

Điều không thể phủ nhận là vụ tiết lộ 250,000 thông tin ngày 29-11 của Wikileaks gây tổn thất nghiêm trọng cho ngoại giao thế giới, bao gồm những nước đồng minh và kẻ thù của Mỹ.

Về bản chất, trong số hàng trăm ngàn các bức điện ngoại giao Mỹ, có 40,5% được xếp loại “confidential” (giữ kín), có 6% (tức 15.652 bức điện) thuộc loại “secret” (mật), có 4.330 bức điện dán nhãn “noforn” (viết tắt từ “no foreigners”) là không được chia sẻ với người nước ngoài vì những nội dung nhạy cảm.

Thủ tướng Iraq - ông Nouri al-Malaki cho rằng việc Wikileaks tiết lộ tài liệu mật được thúc đẩy bởi động cơ chính trị nhằm vào cá nhân ông, làm cản trở sự thành lập chính phủ mới.

Chính phủ Nga, Pháp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự tức giận đối với nội dung của các bức thư điện tín ngoại giao của Mỹ đề cập đến họ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đòi kiện cựu đại sứ Mỹ Eric Edelman ra tòa vì cho rằng ông có các tài khoản bí mật ở ngân hàng Thuỵ Sĩ.

Ngày 5-12, Bộ ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ giải quyết đúng đắn về việc cáo buộc Trung Quốc làm trung gian xuất khẩu trái phép các linh kiện tên lửa giữa Triều Tiên và Iran, để tránh ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.

Cựu đại sứ Mỹ ở Nga James Collins cho rằng vụ tiết lộ thông tin này “chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm khả năng xây dựng niềm tin của Mỹ, vì người ta sẽ khó có thể tin rằng nội dung cuộc trao đổi được giữ kín”. Ngoại trưởng Thuỵ Điển Carl Bildt nhận định vụ này: “Làm suy yếu hoạt động ngoại giao trên toàn thế giới mà trước hết là của Mỹ, đồng thời làm cho thế giới ít an toàn hơn”.

Trả lời báo giới hôm 29-11, ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton bày tỏ thái độ “rất lấy làm tiếc” trước vụ tiết lộ của WikiLeaks vì "Đây không đơn thuần là tấn công vào lợi ích ngoại giao của Mỹ mà còn tấn công vào cả cộng đồng quốc tế.” Bà cho rằng: “Tất cả các nước, trong đó có Mỹ, cần các cuộc trao đổi riêng tư và thành thực”. Bà tin rằng: “Các mối cộng tác với bè bạn trên thế giới mà chính quyền Obama xây dựng, sẽ vượt qua được thử thách này.”

Bài học ngàn vàng

Không ai có thể phủ định rằng các tài liệu bị rò rỉ này không chỉ đơn thuần là “những đánh giá bộc trực về cá nhân, các nhà lãnh đạo nước ngoài” của giới ngoại giao Mỹ mà còn phơi bày hoạt động nội bộ trong quan hệ ngoại giao nhạy cảm của Mỹ đối với các chính phủ đối tác trên thế giới.

Không riêng gì Hoa Kỳ, nhiều chính phủ cho rằng hành động tiết lộ của Wikileaks, đặc biệt là “danh sách các cơ sở an ninh trọng yếu của Mỹ” là “cực kỳ nguy hiểm và hoàn toàn vô bổ.” Cựu Ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind đã lên án hành động của WikiLeaks là “bằng chứng thêm cho thấy sự vô trách nhiệm của họ, gần với ranh giới của hành vi phạm pháp”. Theo ông Malcolm, đây là “loại thông tin khủng bố gây tò mò nhất”.

Ông Anders Fogh Rasmussen, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cảnh báo tính mạng của nhiều binh lính và dân thường có thể gặp nguy hiểm nếu WikiLeaks công bố thêm các tài liệu quân sự mật.

Pháp chỉ trích vụ tiết lộ thông tin là “thiếu trách nhiệm” và “xâm phạm chủ quyền của các quốc gia”. Anh cũng nhận định vụ này gây tổn hại cho lợi ích an ninh quốc gia của họ nhưng tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Hàng loạt nước khác cũng lên án WikiLeaks.

Đây không chỉ là bài học ngàn vàng mà Mỹ phải trả giá trong giai đoạn hậu khủng hoảng toàn cầu và đang khi chính quyền tổng thống Obama củng cố niềm tin và sự hợp tác với các quốc gia khác thông qua con đường ngoại giao và kinh tế. Tổng thống Obama quyết định triệu hồi các nhà ngoại giao Mỹ (bị “đụng chạm” trong tài liệu do WikiLeaks công bố) ở nước ngoài vào những tháng tới vì những nhân vật này sẽ không thể tiếp tục làm công tác ngoại giao, khi chính quyền các nước sở tại đã mất niềm tin về họ.

Ai cũng thấy rõ rằng không có quốc gia nào, nhân vật nào “bị mổ xẻ” trong các tài liệu của Wikileaks công bố, thu được lợi ích gì, ngoài sự rạn nứt, mất tín nhiệm lẫn nhau. Khủng hoảng rò rỉ này ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến uy tín của Mỹ trên trường thế giới cũng như làm tổn thương nặng nề đến ngoại giao thế giới và có khả năng tạo điều kiện tiêu cực cho các băng nhóm khủng bố mở rộng mạng lưới tấn công.

Theo học thuyết duyên khởi của Phật giáo, mọi sự vật là tương tác nên cuộc cách mạng truyền thông kỹ thuật số trong thời hiện đại mang nhiều lợi ích cho xã hội thì đồng thời cũng tạo nhiều lo ngại cho đạo đức xã hội, an ninh thế giới nếu các nội dung được truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng không hướng đến tích cực và lợi ích số đông. Trước đây, khi tài liệu giấy bị đánh cắp, việc nhân bản bằng máy photocopy và gửi bưu điện tương đối lâu, mất thời gian vài chục năm mới có thể phổ biến rộng rãi khối lượng khổng lồ các tài liệu mật được chứa trong 1,4 gigabyte.

Theo đức Phật, để tránh những nuối tiếc về sau, trong phát ngôn và truyền thông, mỗi người phải đề cao chính niệm, chỉ nên “nói những gì là chân lý, có lợi ích cho mình và người, hướng đến các giá trị cao đẹp và mang lại hạnh phúc cho con người” (Kinh Trung Bộ). Đồng thời, đức Phật cũng dạy nội dung truyền thông phải thể hiện đủ bốn phương diện: “Chân lý và chân thật, không gây chia rẽ và mất đoàn kết, không thô lỗ và kém văn hoá, không tầm phào và kém giá trị.”

Nếu ai cũng có phong cách sống có trách nhiệm như lời Phật dạy thì chắc hẳn rằng thế giới này sẽ không còn các quốc gia, cộng đồng, tổ chức và những cá nhân thể hiện sự vô trách nhiệm với việc làm và lời nói vốn gây thương tổn đến quyền lợi tha nhân và an ninh thế giới, chỉ vì lòng hiếu kỳ, sự háo danh hay bị khiêu khích.

Các tin đã đăng: