Đặt vấn đề
Ngày trước, việc giảng các bộ kinh Phật chỉ được tổ chức ở các chùa lớn, các Phật học viện.
Hiện
nay, việc giảng kinh có ở khắp nơi và được ghi bằng dĩa để phổ biến. Cả
Phật tử cũng “đăng đàn thuyết pháp” tại… phòng ghi âm, nhưng băng dĩa
được gởi bán rộng rãi ở nhiều chùa lớn nhỏ, kể cả bán…lưu động. Người ta không ngần ngại giảng các bộ kinh lớn như Hoa
Nghiêm, Pháp Hoa, Đại Bảo Tích, cho đến các bộ kinh A Hàm, Nikaya…
Người viết bài này có thỉnh một số bộ
băng giảng kinh về nghe. Nhiều bộ rất “đồ sộ”, đến mấy dĩa MP3, hay mấy
chục cuộn băng cassette, nghe có khi năm bảy chục giờ mới hết. Nghe qua
mới thấy được nhiều vấn đề.
Chất lượng việc giảng kinh không đồng
đều, nếu không muốn nói là chênh lệch. Có nhiều trường hợp chênh lệch
hết sức nghiêm trọng. Nếu việc giảng kinh được thực hiện nghiêm túc, thì
không đặt vấn đề bàn luận làm gì.
Nhiều vị chưa ý thức được tầm
quan trọng của việc giảng kinh, cứ nhắm mắt làm đại việc diễn giải phân
tích lời Phật, mà có khi chưa hiểu thật rõ, thật thấu đáo. Cứ giảng để
mà có giảng.
Từ đó, có tình trạng 3,4 bộ băng giảng cùng một bộ
kinh, nhưng nội dung hoàn toàn khác nhau, đưa đến những cảm nhận hoàn
toàn khác nhau từ phía người nghe. Chừng như là có nhiều bộ kinh khác
hẳn nhau, dù các băng giảng cùng có tựa đề một bộ kinh.
Nhiều bộ
băng giảng chỉ là việc kể những câu chuyện bên ngoài mà người giảng kinh
cho là liên hệ với nội dung kinh. Từ đó, nội dung lời giảng đi rất xa
so với nội dung kinh. Với kiểu “giảng” này người nghe không còn thấy
được diện mạo bộ kinh Phật đâu nữa, mà chỉ nghe những câu chuyện ngoài
lề, có chuyện không dính dáng gì đến nội dung bản kinh, dẫn người nghe
đi lan man… Loại băng giảng này không có đủ bộ cũng không sao, nghe vẫn
“hiểu”, dù nghe cuốn băng sau trước, cuốn băng trước lại nghe sau. Tư
tưởng chính của đức Phật thể hiện trong bản kinh biến mất chỉ còn nghe
được những câu chuyện minh họa chủ quan của người “giảng” kinh. Không
thể coi đây là những buổi giảng kinh, mà chỉ có thể là những buổi kể
chuyện, kể kinh nghiệm mà thôi… Đó là chưa nói đến việc kể chuyện đi lạc
đề, câu chuyện kể xa lạ với nội dung kinh, người giảng cố ý đưa vào một
cách sống sượng, khiên cưỡng, gượng ép…
Có trường hợp người
“giảng” kinh không kể chuyện liên hệ thực tế, mà đi diễn nôm nội dung
kinh. Tức là kể lại nội dung kinh bằng hình thức diễn giải dài dòng. Tóm
lại, cũng không giảng gì cả. Người nghe “giảng” cảm nhận một sự pha
loãng lời kinh bằng sự hiện hữu của người “giảng”. Lời “giảng” không
đóng góp vào việc làm sáng rõ lời kinh, mà nó gián tiếp làm mờ nhạt đi
lời kinh.
Cũng có trường hợp cách “diễn nôm” và kể chuyện liên hệ
thực tế được kết hợp với nhau tạo thành bài giảng kinh. Việc kết hợp
này càng đẩy người nghe giảng đi xa bản kinh hơn nữa. Lời kinh vừa bị
làm cho loãng, sau đó chỉ kể chuyện vòng ngoài. Cũng là một hình thức
không giảng gì cả!
Một trường hợp khác cũng cần nhắc đến là người
giảng chỉ giảng một số khái niệm Phật học trong một số lời kinh và bỏ
qua những lời kinh khác. Người nghe giảng sẽ được chú giải một số khái
niệm Phật học, nhưng diện mạo bản kinh cũng đã phần nào thay đổi, vì có
nội dung được nhấn mạnh chú giải, có nội dung bị bỏ qua, chừng như không
có. Sau khi nghe giảng, người ta sẽ cảm nhận một bản kinh mới, không
giống với kinh văn nguyên thủy. Vai trò của người giảng đã làm biến dạng
tư tưởng đức Phật ở một chừng mực nào đó. Người nghe cảm nhận những
điều người giảng nhấn mạnh và tập trung chú giải hơn là toàn bộ tư tưởng
đề cập trong bản kinh. Người giảng đã thay đức Phật tạo thành một bản
kinh mới, chỉ có một số yếu tố của bản kinh nguyên thủy.
Cũng có
trường hợp người giảng “đại luận”, nói ra những điều mà thực tế mà nội
dung kinh không có, thoát ly nội dung kinh nhằm biểu diễn vốn kiến thức
Phật học chứ không giảng bám sát nội dung kinh. Kết quả là gì nếu không
là… một bộ kinh khác! Người nghe giảng có thể được phổ biến một số kiến
thức Phật học, nhưng không gắn gì với nội dung bản kinh, Rốt cuộc đây
cũng không giảng gì vào kinh cả. Băng nghe cuốn nào trước hay sau đều có
“kiến thức” Phật học, không cần phải nghe theo thứ tự. Cũng là một bản
kinh “mới” hình thành thông qua chủ quan riêng của người giảng.
Hiện
nay, nhiều ý kiến nói đến những kiến giải riêng của người giảng kinh
trái ngược với tinh thần nội dung kinh, hoặc những ý kiến mở rộng quá
mức, thậm chí là phê phán cả nội dung kinh, cho rằng không thích hợp với
ngày nay, v.v… Tất nhiên đây không phải là giảng kinh, mà vẫn được giới
thiệu như là giảng cụ thể một bộ kinh nào đó. Những lời bình luận, phê
phán như vậy xuyên tạc hẳn nội dung kinh, còn đâu việc giảng?
Có
lẽ, không thể cấm những ý kiến về một số nội dung nào đó trong một bản
kinh cụ thể, nhưng đó hoàn toàn không phải giảng kinh, mà phải tách hẳn
ra ở một lãnh vực khác.
Cũng có trường hợp, người giảng e người
nghe nhàm chán, buồn ngủ, nên cố xen vào những câu chuyện vui, pha trò,
hài hước. Tác dụng của những câu chuyện như vậy gây tươi vui cũng có,
nhưng làm mất trang nghiêm cũng có. Đó là con dao hai lưỡi, mà nhiều khi
người giảng quá lạm dụng. Kết quả là bản kinh cũng biến dạng vì những
câu chuyện hài hước ngoại đề như vậy. Thật ra, Phật tử tìm nghe giảng
kinh chứ không phải nghe… tấu hài. Không thể khỏa lấp những hạn chế
trong kỹ thuật diễn giảng bằng phương thức “cù léc” được. Tiếng cười
trong cử tọa là phản ứng tự nhiên của những câu chuyện vui, không nên
coi là một sự hưởng ứng tích cực, cổ võ. Tiếng cười làm mất ngay tâm thế
thành kính khi nghe kinh dù nó làm tỉnh ngủ, hay gây không khí sinh
động.
Băng giảng tràn ngập trên tủ kính phòng phát hành các chùa,
phát hành lưu động trước cửa chùa vào những ngày lễ lớn, thậm chí bày
bán trên xe đẩy, hay tặng biếu ấn tống dưới những cái tên rất bảo đảm:
Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Đại Bảo Tích, v.v… Nhưng một phần
trong số đó có những vấn đề như vừa kể trên, nội dung kinh đã biến dạng
thành nội dung gì đó, không thể thống kê hết được. Hoạt động tưởng chừng
như hoằng pháp, trong những trường hợp như vậy lại có tác dụng ngược
lại. Vai trò chủ quan của người giảng kinh loại trừ vai trò đức Phật,
tác giả thực sự của các bộ kinh.
Những yêu cầu của người nghe giảng kinh đối với việc giảng kinh
Cũng
như nhiều Phật tử khác, người viết bài này cũng thường xuyên nghe giảng
kinh, và tất nhiên, cũng có nhiều yêu cầu, mong mỏi đối với việc giảng
kinh từ cương vị của người nghe giảng. Dưới đây, xin ghi lại những yêu
cầu chính:
Người nghe giảng kinh khác với người đi nghe pháp nói
chung ở chỗ người nghe giảng kinh muốn tìm học sâu vào một bộ kinh cụ
thể, xác định. Chính việc tìm học sâu một bộ kinh cụ thể, xác định khiến
yêu cầu đối với việc giảng kinh có thể nói là cao hơn yêu cầu của việc
nghe thuyết pháp nói chung. Trong việc nghe thuyết pháp, người pháp sư
giữ vai trò chủ động hoàn toàn trong việc truyền giảng nội dung kiến
thức Phật học nói chung, còn trong giảng kinh, vai trò của vị giảng sư
trở nên thụ động hơn, vì đã trở thành người giúp người nghe giảng học
một bản kinh cụ thể.
Do vậy, vị giảng sư không thể có vai trò
lấn át tác giả bản kinh, tức đức Phật, và phải phụ thuộc vào nội dung
kinh văn. Như vậy, việc trung thành và bám sát nội dung kinh văn là yêu
cầu hàng đầu. Vẫn đề cập đến kiến thức Phật học nhưng xa rời nội dung
kinh văn là đã lạc đề, chệch hướng.
Chúng tôi nghĩ rằng bỏ qua
việc đọc nội dung kinh văn như một số vị giảng kinh vẫn làm có lẽ để
tiết kiệm thời gian, như vậy thật là một điều hết sức đáng tiếc. Kinh
văn, trước hết là kim ngôn của đức Phật, là đối tượng mà buổi giảng kinh
đang tìm hiểu, nghiên cứu. Không có việc đọc kinh văn, đối tượng nghiên
cứu bị tách rời khỏi hoạt động nghiên cứu, người nghe giảng kinh cảm
thấy thêm khó hiểu, người giảng kinh dễ bị lạc đề. Vị tôn đức giảng kinh
mẫu mực là Hòa thượng Thích Thiện Hoa, trong những tập giảng kinh trong
bộ Phật học phổ thông, luôn luôn có phần “chánh văn” đặt trước phần
lược giải. Để học kinh, hiểu kinh thì không thể bỏ qua, không nhắc đến
kinh văn. Kinh văn là yêu cầu quyết định trong việc giảng kinh.
Việc
dẫn rõ lời kinh là cũng để xác định đâu là lời Phật, đâu là lời người
giảng. Giảng kinh mà không có kinh văn được dẫn lại rõ ràng, thì tất sẽ
dẫn đến sự lầm lẫn, ngộ nhận nguy hiểm. Người nghe sẽ mù mờ, không biết
đâu là “chánh văn”, đâu là diễn giải. Khi đó, vai trò của người giảng sẽ
lấn át vai trò của đức Phật - tác giả bộ Kinh. Người nghe giảng không
xác định được rõ ràng lời Phật, ý Phật, mà tất cả chỉ thông qua lời
giảng mà thôi.
Tôn trọng, dẫn lại kinh văn, buổi giảng kinh mới đúng là một buổi giảng kinh thật sự, không bị nhiễu tạp, pha lộn.
Nắm
được lời kinh là yếu tố bắt buộc phải có để hiểu kinh. Do đó, kinh văn
không những cần được dẫn lại qua lời của vị giảng sư, mà còn cần phải
đọc rõ nguyên văn (từng đoạn, từng phần). Trong Phật học Phổ thông, phần
“Chánh văn” không những tách biệt lên phía trên, mà còn được in đậm.
Kinh Phật là những tác phẩm triết học cao sâu, thâm thúy. Con đường để
hiểu một tác phẩm triết học trước hết là phải đọc. Đọc lời kinh Phật
trước khi bắt đầu tìm hiểu kinh Phật là thỉnh đức Phật về giữa chúng ta.
Việc đọc chính xác và trang trọng lời kinh có tác dụng tạo trạng huống
đưa người nghe về với khung cảnh khi Phật thuyết kinh, tạo một tâm thế
nghe kinh. Điều đó rất thuận lợi cho quá trình nghe giảng kinh tiếp sau
đó.
Đọc văn kinh để xây dựng tâm thế nghe kinh nơi người giảng là
cơ sở tâm lý cho buổi giảng kinh thành công. Không có kinh văn, mà trái
lại là những câu chuyện dông dài, pha trò, buổi giảng kinh sẽ biến
thành một buổi nói chuyện vui về kinh, “tán” rông về kinh mà thôi, không
còn tính chất thiêng liêng, trang nghiêm nữa.
Tâm thế nghe kinh
là một tâm lý thành kính, lắng lòng, cộng với xúc động trong tình cảm
tôn giáo. Trạng thái tâm lý đó không đồng đều cường độ ở mỗi người nghe
giảng, nhưng cần luôn duy trì khi nghe giảng kinh, mà việc đọc trang
trọng các đoạn kinh văn góp phần duy trì quá trình tâm lý đó. Khi có
được tâm lý nghe kinh, người nghe giảng như nâng mình lên, trở về gần
với Đức Phật hơn qua chính văn lời kinh được đọc nghiêm cẩn. Lời kinh
văn là sự gián tiếp xác định việc hiện diện của đức Phật. Đọc kinh văn
cũng là xác định việc giảng kinh phải bám sát nội dung kinh văn được
đọc. Có thể liên hệ thực tế, có thể tự kể kinh nghiệm bản thân…, nhưng
tất cả đều phải phục vụ cho việc hiểu sâu hơn lời kinh. Kinh văn tạo
thành một cái trục, một cái xương sống, mà lời giảng bám vào đó để phát
triển, bồi đắp, đào sâu phân tích. Không có lời kinh văn, buổi giảng
kinh trở thành một thứ cấu trúc không khung sườn, chông chênh, lệch lạc.
Việc đọc kinh văn trong các buổi giảng kinh tạo cho người nghe kinh đồng thời 2 quá trình “thâm nhập kinh tạng”.
Quá trình thứ nhất là hiểu kinh thông qua chính văn trực tiếp.
Quá
trình thứ hai là hiểu kinh thông qua người giảng. Hai quá trình này bổ
sung cho nhau, tạo nên “thâm nhập kinh tạng” ở người nghe giảng. Không
có kinh văn trong buổi giảng kinh, nhất là không được đọc trang trọng là
điều hết sức bất bình thường khi thâm nhập kinh tạng. Nó tạo ra một thứ
“kinh văn mới” thông qua diễn giải của người giảng kinh và người nghe
kinh chỉ biết đến “kinh văn” chủ quan, đã khúc xạ qua người giảng. Đây
là điều nên hết sức tránh. Vì qua khúc xạ, mỗi bài giảng từ mỗi người
hình thành những bộ “kinh mới”, ngày càng xa dần lời Phật dù rằng lời
Phật vẫn còn đó.
Một trong những yêu cầu nữa của người nghe giảng
kinh đối với việc giảng kinh là được chỉ ra và khắc sâu các ý chính.
Trong khi đó, việc giảng kinh hiện nay lại thiên về hướng mở rộng, bàn
ra… là chính.
Mục tiêu của việc nghe giảng kinh không phải chỉ là
“mãn nhĩ”, hỷ lạc tức thời, mà quan trọng là nắm được toát yếu của từng
bộ kinh, làm kim chỉ nam cho việc tu học, hành đạo. Vì vậy, việc giúp
người nghe giảng kinh thấy được chủ đề bộ kinh, ghi nhớ những ý chính là
điều cần thiết hàng đầu. Học kinh không chỉ nghe suông rồi quên đi, mà
cái cần là người nghe giảng nắm và nhớ được những điều gì. Được xoáy sâu
vào những chủ đề chính của bộ kinh, hướng vào trong thay vì bàn ra,
người nghe giảng sẽ hết sức biết ơn người giảng kinh.
Lời kinh là
lời Phật, bàn rộng ra nhiều quá, e có khi sai ý Phật, hay gán ghép cho
kinh những liên hệ có thể không có. Yêu cầu bám sát kinh văn, hướng vào
lời kinh cũng là nhằm bảo đảm tính chính xác của lời giảng. Giảng sâu
vào lời kinh, lấy lời kinh làm trung tâm là bước thứ hai của việc đọc
lại kinh văn trong buổi giảng. Hướng vào lời kinh, tập trung vào ý nghĩa
bên trong là điều kiện để việc giảng không lạc đề, hay đi lan man quá
xa chủ đề bộ kinh. Tất nhiên, giảng “ra”, kể chuyện ngoài quá nhiều là
làm mờ nhạt đi vai trò của đức Phật. Khi đó, người nghe giảng chỉ biết
đến những câu chuyện liên hệ minh họa, kinh nghiệm tu tập cá nhân của
người giảng. Đây là khuyết điểm thường thấy ở việc giảng kinh.
Thường,
đến nghe giảng kinh, người nghe giảng còn mong được bổ sung những hiểu
biết xung quanh về bộ kinh. Thường kinh văn chỉ gói gọn trong nội dung
kinh, ít đề cập đến hoàn cảnh ra đời của bộ kinh, bối cảnh xã hội đương
thời khi đức Phật thuyết kinh, những nguyên do chính đưa đến bộ kinh,
quá trình lưu hành, phiên dịch bộ kinh… cho đến khi bản dịch đến trên
tay người nghe giảng. Để làm được việc này, đòi hỏi trước tiên là người
giảng phải am hiểu lịch sử của đức Phật, lịch sử Phật giáo. Không có
hiểu biết nhất định về những vấn đề trên, thì không dễ làm sáng tỏ nội
dung kinh. Đức Phật không giảng kinh theo một “kế hoạch” đã định sẵn, mà
người tùy thời mà thuyết pháp. Đối với giới luật cũng vậy. Kinh và luật
không thể tách rời bối cảnh sản sinh ra nó. Làm sáng tỏ bối cảnh đó là
giúp cho người nghe giảng hiểu sâu hơn về bộ kinh. Đây là nghiên cứu
những vấn đề ngoài bộ kinh, nhưng vẫn đi theo hướng đào sâu vào bộ kinh,
tìm hiểu những yếu tố gắn bó mật thiết với kinh, không phải giảng theo
hướng bàn ra, đề cập đến những yếu tố không liên hệ, hay chỉ có liên hệ
mờ nhạt.
Tìm hiểu bối cảnh lịch sử xã hội của việc ra đời bản
kinh không phải đơn thuần chỉ là chuyện nhắc lại lịch sử, hay đối chiếu
văn bản kinh với lịch sử, mà người nghe giảng yêu cầu chỉ ra mối liên hệ
giữa hoàn cảnh lịch sử và việc hình thành bộ kinh. Mối liên hệ đó biến
lịch sử, yếu tố bên ngoài của bộ kinh, thành một thành tố của chính bộ
kinh.
Được nghe chú giải về bộ kinh cũng là một yêu cầu quan
trọng của người nghe giảng kinh. Kinh văn là những văn bản đã có lịch sử
2.500 năm và ra đời ở một quốc gia cách chúng ta cả chục ngàn km. Vì
vậy, những khoảng cách về thời gian, không gian tất yếu sẽ làm nảy sinh
yêu cầu chú giải nhiều chi tiết, từ ngữ, tên người, tên đất, v.v… Chú
giải cũng là giảng theo hướng đi sâu vào nội dung kinh, bám sát nội dung
kinh, trung thành với nội dung kinh. Chú giải là phá vỡ các chướng ngại
về không gian, thời gian, đưa kinh văn thâm nhập sâu hơn vào người nghe
giảng. Chú giải là bước phát triển của bước đọc kinh văn trong giảng
kinh.
Từ trước đến nay, việc giảng kinh thường chỉ là một chiều.
Người ngồi trên pháp tòa cứ nói, người nghe giảng ngồi nghe một cách thụ
động. Phương thức này chẳng những xa lạ với phương thức truyền đạt kiến
thức trong giáo dục hiện đại, mà nó cũng không giống với tinh thần
thuyết pháp của đức Phật ngày xưa. Hơn 2500 năm trước, đức Phật đã vận
dụng những phương thức của giáo học pháp hiện đại: hoạt động truyền thụ
kiến thức không phải là hoạt động một phía, một chiều, mà người dạy,
người học cùng làm việc để truyền đạt và lãnh hội. Kinh Phật không chỉ
là lời đức Phật mà còn là lời đối đáp giữa đức Phật và các đệ tử. Đức
Phật đã dùng đến phương pháp giáo dục mà ngày nay gọi là phương pháp gợi
mở.
Các câu hỏi của đức Phật không những để thu nhận những phản
hồi từ các đệ tử, kiểm tra sự tiếp thu, lãnh hội của họ mà còn có tác
dụng thúc đẩy cử tọa cùng suy nghĩ, cùng đào sâu vấn đề, tham gia bàn
luận… không thụ động nghe giảng pháp một chiều.
Rất tiếc là từ
các băng giảng kinh và cả thuyết pháp hiện nay, chúng ta chỉ nghe được
lời của giảng sư và phần nhiều là như vậy. Đây là một bước lùi so với
giáo học pháp hiện đại, mà còn là lùi so với 2500 năm trước thời đức
Phật còn hiện tiền.
Việc so sánh, mở rộng bản kinh hiện đang
giảng với các bộ kinh khác, với các tư tưởng khác và với đời sống thực
tế là điều thường gặp trong các buổi giảng kinh hiện nay. So sánh mở
rộng, liên hệ là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong đó, việc liên hệ thực
tế cuộc sống hiện tại, liên hệ kinh nghiệm bản thân người giảng kinh, kể
chuyện ví dụ… lại chiếm một tỷ trọng áp đảo. Người nghe giảng kinh mong
tỷ lệ này được điều chỉnh lại.
Phần dành cho việc so sánh kinh
đang giảng với các bộ kinh Phật khác, với các luồng tư tưởng triết học
khác có lẽ cần được chú trọng hơn. Điều này đòi hỏi ở người giảng kinh
kiến thức vừa sâu, vừa rộng, lại vừa linh hoạt. Chỉ so sánh mở rộng với
đời sống thực tế, buổi giảng kinh sẽ trở thành nôm na, hời hợt. Chỉ so
sánh, đối chiếu với các bộ kinh khác, với các trước tác triết học khác
buổi giảng kinh sẽ trở nên kinh viện, hàn lâm, cao siêu…, tất nhiên khó
hiểu. Vì vậy, yêu cầu của người nghe giảng kinh là mong được cân đối ở
giữa hai cực này của hoạt động giảng kinh.
Giảng kinh là cùng học
kinh, tìm hiểu kinh, không phải là “bình” kinh, đánh giá kinh. Xu hướng
bình “kinh” giống như bình văn rõ ràng không thích hợp với việc giảng
kinh. Nếu chỉ khen kinh, lật tới lật lui lời kinh để rồi tấm tắc, ca
ngợi những chỗ hay của kinh là làm què quặt đi tiến trình giảng kinh.
Giảng kinh, nếu chỉ có vậy thì chỉ là những lời tán than suông, không
giúp ích thiết thực cho việc giảng kinh, hiểu kinh. Càng không nên phê
phán một số điểm trong kinh như một vài xu thế nổi lên gần đây.
Có
thể người viết chưa chia sẻ với một số vấn đề trong kinh điển, đây là
điều có thể chấp nhận, nhưng nêu ra trước đại chúng, lại thu vào băng
phổ biến, qua nhiều năm tháng, số người nghe có thể lên đến hàng chục
ngàn và hơn nữa, thì việc “bình” kinh theo hướng phê phán, nghi vấn, cho
là không hợp thời… là điều cần phải hết sức thận trọng. Mai kia nếu
người giảng suy nghĩ lại, phát hiện ra ý kiến mình nếu lúc trước là sai,
muốn rút lời lại cũng không thể được.
Người nghe giảng kinh cũng
không chia sẻ với việc đi quá sâu vào những ý nhỏ mà người giảng tâm
đắc. Như vậy, cấu trúc của buổi giảng kinh chẳng những mất cân đối mà
ngay cả diện mạo của bộ kinh cũng phần nào biến dạng. Người giảng cần tự
hạn chế những cảm hứng chủ quan của mình khi giảng kinh, dành vài trò
chủ đạo cho lý trí. Giảng kinh khác rất xa với giảng văn. Giảng văn
thiên về tình cảm còn giảng kinh yêu cầu cao ở lý trí, kiến thức người
giảng, kinh nghiệm tự học. Cảm hứng tùy tiện, sa đà cũng không thích hợp
với việc giảng văn huống hồ là đối với việc giảng kinh.
Giảng
kinh khó hơn nhiều lần so với thuyết pháp, cả đối với người giảng lẫn
người nghe giảng. Vì thế, ngày xưa Hòa thượng Thích Thiện Hoa xếp giảng
kinh vào phần nâng cao của bộ Phật học Phổ thông. Về phía người nghe
giảng yêu cầu đặt ra đối với việc giảng kinh, như trình bày ở trên chỉ
là tối thiểu, để có những buổi giảng kinh thực sự là giảng kinh. Những
yêu cầu cao hơn cần được tiếp tục nghiên cứu cả ở người nghe giảng lẫn ở
phía giảng sư.
MT.