Đạo Phật phải là đạo giác ngộ
Ngộ Chân Lý
08/03/2010 02:43 (GMT+7)

Trong công cuộc chấn hưng và tiếp nối sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp, nếu ánh sáng giác ngộ được duy trì và thắp lên mọi nơi với chí nguyện diệt khổ độ đời, chắc chắn tứ chúng sẽ tìm thấy và đi vững chãi trên con đường đạo.


Xuyên suốt hơn hai mươi thế kỷ qua, Đạo Phật có mặt trên trái đất này nói chung, Việt Nam nói riêng. Trải qua bao biến cố thăng trầm, đến hôm nay, thế kỷ 21, thế kỷ của sự phát triển văn minh, khoa học và tâm linh, nhưng đồng thời, những hiện tượng tiêu cực từ lòng tham lam, thù hận, ích kỷ của những con người bất thiện cũng không ngừng nhen nhúm.

Điều này cho ta thấy cái thiện và cái ác luôn tồn tại hiện hữu trong cuộc sống. Do vậy chúng ta, những người con Phật, cần nên quán xét và nhận rõ vị trí và trách nhiệm của mình.

Muốn hoàn thiện trách nhiệm thiêng liêng của người con Phật nhằm góp phần phụng sự cho Đạo, cho đời, làm cho điều thiện, điều tốt ngày càng tăng thêm, và cái ác, cái bất thiện ngày càng giảm xuống.

Tôi thiết nghĩ, những người con trong chính pháp của chư Phật cần nỗ lực tinh tấn tu tập nhiều hơn nữa trong tinh thần tam tụ, lục hoà của Phật dạy, cần nên sống và tu theo hiến chương, theo nội qui trong lòng ngôi nhà GHPGVN.

Làm được như vậy, chúng ta mới thực sự có đủ sức mạnh tinh thần, thể hiện cái hay, cái đẹp, cái thiện, cái diệu của Phật pháp, góp phần phụng sự nhân sinh.

Đồng thời, phải chung tay góp sức đem giáo lý Phật Đà soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người ra khỏi hận thù, đau khổ, tối tăm, tiến tới một thế giới đầy tình thương, hạnh phúc và ánh sáng.

Muốn thực hiện những việc trên, quả thật khó, vì như quí đạo hữu đã biết, thời gian gần đây, qua thông tin đại chúng hay trang nhà phattuvietnam.net, chúng ta gặp rất nhiều bài viết, những người con Phật nóng lòng vì Đạo Pháp lên tiếng về thực trạng PGVN. Thế nhưng chưa tìm được tiếng nói chung, nhịp đập chung cùng chư Tôn Đức lãnh đạo.

Khi mà chúng ta trăn trở vì sự thiếu đoàn kết, hoà hợp giữa các Tông phái, vùng miền, thậm chí ngay trong một tỉnh, thành phố, thậm chí một huyện thị. Chùa to Phật lớn nhưng nhưng thiếu đi sự giáo hoá nhân sinh. Vùng sâu, vùng xa thiếu ánh sáng Phật Pháp, thanh thiếu niên ngày càng xa dời Phật pháp, sự lợi dưỡng không hiếm gặp, Phật tử đến chùa chỉ vì tham cầu thì nhiều  mà tu học thì ít v.v…

Đúng như tác giả Minh Thạnh trình bày, tôi là người trực tiếp sống tại nơi mà mỗi ngày chủ nhật, đông đảo bà con dân tộc ít người đi lễ nhà thờ (dù rằng họ đi vì lợi nhuận hay khát ngưỡng tôn giáo), thì lòng vẫn cảm thấy xót xa.

Đạo Phật chúng ta chưa thực sự tiếp cận đại chúng, nhằm giúp họ hiểu rõ giáo lý Phật Đà là tìm nguồn hạnh phúc trong cuộc sống, chứ không phải đi theo một tôn giáo nào đó với mục đích nhận gạo hay nhận tiền.

Cần đem ánh sáng Phật Pháp đến những vùng như vậy, cần lắm …

Cần giúp họ hiểu thấu, giáo lý Phật Đà là Đi tìm cái chân -thiện -mỹ.

Thầy Tuệ Sĩ cũng đã dịch kinh tam Bảo ra tiếng dân tộc thiểu số, thế nhưng than ôi, trong số người qui y Tam bảo mấy ai biết chữ, ngay cả ngôn ngữ của chính dân tộc họ chưa biết, thì lấy đâu mà học giáo lý Phật Đà.

Phải làm gì đây?

Còn nữa, thật không nói sai tí nào, khi bảo Đạo Phật là Đạo người chết, khi một số người chỉ chạy đến chùa khi gia đình có người quá vãng. Xong rồi, nhiều nhất thì một năm, ngắn thì 49 ngày, nhận một pháp danh, xong tạm biệt, thì có thể gọi là Phật tử hay không?

Sao quí Thầy không dùng chánh pháp độ họ? Như giáo lý thường dạy: Phật giáo độ sinh, không độ tử. Tất cả việc làm của Phật Giáo đều tập chú cho chúng sanh. Chúng sanh là đối tượng duy nhất của Phật giáo.

Thế nên sự truyền bá của Đạo Phật vì lợi ích chúng sanh. Nếu không vì lợi ích chúng sanh, sự truyền bá ấy vô nghĩa lý. Chúng sanh ở đây là những người hiện có mặt, nghe hiểu được những lời giáo hoá.

Chúng ta đừng hiểu chúng sanh là âm hồn, những kẻ chết. Nếu Phật giáo sống với kẻ chết, thực chất Phật giáo đã chết mất rồi. 

Nếu ai cố tình đem Phật Giáo vào cõi tử, chính là kẻ làm hoại diệt Phật Giáo
Còn nhiều vấn đề, khía cạnh khác đó là Mê tín và chánh tín. Đạo Phật chủ trương giác ngộ mang ánh sáng trí tuệ soi rọi thế gian. Mọi lẽ thật đều hiện bày dưới ánh sáng giác ngộ, nhận thấy lẽ thật rồi mới khởi lòng tin đó là chánh tín.

Ngược lại, bày những mê hoặc làm mù quáng người đời, lừa bịp thế gian, ấy là mê tín. Hoặc không hiểu rõ, không có lý lẽ mà tin quàng, tin bướng là mê tín.

Người học Đạo cần có lòng tin, song lòng tin đã qua sàng lý trí gạn lọc kỹ càng. Tuyệt đối không được tin càn, tin bướng  làm băng hoại tinh thần  giác ngộ của Đạo Phật.

Những hình thức như đồng cốt, lịch số, sao hạn, xin xăm, bói quẻ, đốt giấy tiền vàng mã sẽ làm cho chúng ta tin quàng xiên khờ khạo, bị cột trói ích kỷ, bị khiếp nhược mất tự tin.

Chúng ta chỉ nên tu theo bản hoài của Phật là giác ngộ lý vô thường, vô ngã, sanh tử luân hồi.

Phật là người đã giác ngộ và giải thoát, từ giáo lý của Ngài , từ vị trí căn bản đó tu học thì nhất định tìm được lẽ sống thanh cao.

Học Phật là tiến bước trên con đường giác ngộ, là nhận hiểu, quán xét những lẽ thật của Phật dạy, đem chỗ nhận hiểu ứng dụng vào cuộc sống con người.

Thực hiện được những điều này, cần nhờ cặp mắt trí tuệ sáng suốt mới thành công. Tu Phật là ứng dụng những lẽ thật, nhận xét được vào cuộc sống hằng ngày của mình.

Gỡ sạch mọi phiền não kiến chấp đang trói buộc tâm tư chúng ta, nhằm đem lại sự an lạc ngay trong hiện tại và miên viễn ở vị lai.Chẳng những thế, tu Phật còn có nghĩa vượt ra ngoài vòng đối đãi sanh diệt, thoát khỏi mọi khuôn khổ hạn cuộc.

Với những điểm chủ yếu đó, chúng ta nhận thức chắc hắn sâu xa, là trong tay đã sẵn có ngọn đuốc sáng, thì lộ trình tìm về quê nhà sẽ không lầm lạc.

Giá trị của Phật Pháp là biết để hành, không phải biết để nói. Thực hành sâu chừng nào, càng thấy giá trị Phật Pháp cao chừng ấy.

Trong công cuộc chấn hưng và tiếp nối sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp, nếu ánh sáng giác ngộ được duy trì và thắp lên mọi nơi với chí nguyện diệt khổ độ đời, chắc chắn tứ chúng sẽ tìm thấy và đi vững chãi trên con đường đạo.

PTVN

Các tin đã đăng: