Nói thêm về vấn đề thiểu số hóa của PGVN
Minh Thạnh
05/03/2010 11:30 (GMT+7)

Tiếng súng và những dòng máu đổ ở những khu vực Phật giáo thiểu số hóa ở Việt Nam, trở thành “tỉnh tự trị” hay các lãnh địa giáo phái vũ trang vào giữa thế kỷ XX, vẫn còn là bài học nóng hổi.

Trong những ý kiến phản hồi bài Suy nghĩ 2010: Phật giáo Việt Nam, hưng thịnh hay vẫn trong diễn biến thiểu số hóa, vẫn có sự băn khoăn trước khái niệm “thiểu số hóa” của Phật giáo.

Do vậy, người viết thấy cần phải nói rõ hơn.

Thiểu số hóa một tôn giáo, mà ở đây là Phật giáo, được hiểu với các nghĩa:

1)    Một tôn giáo dẫn đầu về số lượng tín đồ (đa số ở một đơn vị địa lý, như một quốc gia) chuyển biến hẳn sang tình trạng thiểu số (có số lượng tín đồ đứng hàng thứ hai trở đi).

2)    Một tôn giáo vẫn dẫn đầu về số lượng tín đồ ở một đơn vị địa lý, nhưng đang trong quá trình giảm thiểu số lượng tín đồ (bỏ đạo, cải đạo…), đang trong xu thế dần dần chuyển sang tình trạng thiểu số (từ hàng thứ hai trở đi).

3)    Một tôn giáo đã ở trong tình trạng thiểu số đối với một đơn vị địa lý, nhưng số tín đồ theo hướng ngày càng giảm bớt đi hơn nữa (bỏ đạo, cải đạo…).

4)    Một tôn giáo có số lượng tín đồ tăng không tương ứng với sự phát triển dân số. Số lượng tín đồ tăng, nhưng tỷ lệ tín đồ so với dân số, so với chỉ số tương ứng của các tôn giáo khác là giảm.

Chúng tôi nghĩ rằng, Phật giáo tại Việt Nam đang trong tình trạng thiểu số hóa, ứng với trường hợp 2 và 4.

Cơ sở của kết luận này là, Phật giáo, từ mấy trăm năm nay, đã chịu những tác động mạnh mẽ của hoạt động cải đạo từ các tôn giáo khác, có thể là du nhập từ phương Tây, có thể là tôn giáo bản địa.

Còn hoạt động ngược lại, tức cải đạo từ tôn giáo khác sang Phật giáo, là không đáng kể.

Quá trình thiểu số hóa Phật giáo có thể miêu tả như sau:

-   Phật giáo là quốc giáo của Đại Việt (quốc hiệu của Việt Nam dưới hai vương triều Lý và Trần), với gần như là 100% dân số theo đạo Phật. Phật giáo là tôn giáo duy nhất (các đạo khác chỉ là những hệ thống tư tưởng, không có giáo sĩ, giáo hội, cơ sở tôn giáo…).

-    Phật giáo chuyển sang tình trạng không còn là tôn giáo duy nhất tại Việt Nam khi đạo Thiên Chúa tại Việt Nam rửa tội cho những tín đồ đầu tiên.

-    Diễn biến thiểu số hóa Phật giáo diễn ra ở cấp độ làng (có thể hiểu tương đương với cấp xã bây giờ), khi bắt đầu xuất hiện những làng đạo tân tòng.

-    Diễn biến thiểu số hóa Phật giáo Việt Nam diễn ra cấp độ huyện, với những huyện mà tín đồ Phật giáo trở thành thiểu số (chẳng hạn Kim Sơn, Ninh Bình).

-    Diễn biến thiểu số hóa Phật giáo Việt Nam diễn tiến ở cấp độ tỉnh. Cái mốc thời gian cấp độ tỉnh có thể ghi nhận chính xác vào giữa thế kỷ XX, khi nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp, với tỉnh Công giáo tự trị ở Bắc Bộ, các lãnh địa giáo phái ở tỉnh Tây Ninh và An Giang, Nam Bộ. Có thể vùng tín đồ Phật giáo thiểu số không trùng khớp hoàn toàn với ranh giới  tỉnh hành chánh, nhưng diện tích vùng thiểu số Phật giáo xấp xỉ diện tích một tỉnh.

-    Diễn biến thiểu số hóa Phật giáo Việt Nam diễn ra ở cấp độ liên tỉnh. Điều này đang diễn ra ở Tây Nguyên với các khu vực đồng bào dân tộc toàn tòng Tin Lành. Các tỉnh thiểu số Tây Bắc, nơi mà hoạt động truyền đạo Tin Lành diễn ra mạnh, một số nơi ban trị sự Phật giáo chưa thành lập, hoặc còn yếu, cũng là vùng liên tỉnh đang trong tình trạng diễn biến như trên.

Nếu trình bày diễn biến trên bản đồ Việt Nam, với 3 giai đoạn: đầu thế kỷ XX, giữa thế kỷ XX, cuối thế kỷ XX, chúng ta sẽ thấy vùng thiểu số Phật giáo gia tăng về diện tích, nhưng có sự khác biệt tôn giáo cải đạo Phật giáo. Nếu giữa thế kỷ XX, vùng thiểu số Phật giáo được hình thành do các tôn giáo như Thiên Chúa giáo La Mã, Cao Đài, Hòa Hảo ở đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ, thì cuối thế kỷ XX, vùng thiểu số Phật giáo được hình thành do đạo Tin Lành ở Tây Nguyên, trên diện tích do người dân tộc sinh sống.

Nếu xét về tốc độ diễn biến thiểu số hóa Phật giáo Việt Nam, thì có thể ghi nhận sự khác biệt tốc độ, diễn biến nhanh nhất xảy ra vào giữa thế kỷ XX khi đột ngột có hàng triệu người theo đạo Cao Đài, đặc biệt là ở Tây Ninh và tuy ít hơn nhưng vẫn là rất đông đảo số người theo đạo Hòa Hảo, tập trung ở An Giang.

Chúng ta có thể cảm nhận tính chất thiểu số Phật giáo khi đi vào những vùng nói trên. Nhiều huyện ở Ninh Bình, Đồng Nai… đi vài trăm mét đã thấy một nhà thờ với thánh giá vươn cao, hầu như không còn một ngôi chùa nào. Ở Tây Ninh cũng thế, với những ngôi thánh thất. Còn ở An Giang là những tháp giảng, dù có thể không còn sử dụng. Quan sát từng nhà thì thấy nhà nào của thờ trần điều. Có thể sót lại một ít chùa chiền, nhưng rất hiếm.

Còn ở Tây Nguyên thì chùa cũng chỉ có cấp tỉnh lỵ, ít hơn ở cấp huyện lỵ. Suốt trên đường đi tới các xã, đặc biệt trên đường đi đến các địa điểm du lịch nằm nơi hẻo lánh chừng như không thấy ngôi chùa Phật nào. Nhất là nếu đi vào sáng ngày chủ nhật, chúng ta sẽ thấy đồng bào dân tộc ít người đi lễ nhà thờ nườm nượp.

Là một tôn giáo, tất nhiên, diễn biến thiểu số hóa như trên gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho Phật giáo. Thế nhưng, diễn biến thiểu số hóa Phật giáo, đặc biệt là khi đã phát triển ở cấp độ tỉnh, thì nhiều vấn đề khác nảy sinh.

Trong kháng chiến chống Pháp, các vùng thiểu số Phật giáo, như ở Bắc Bộ và Nam Bộ, đều nằm trong sự kiểm soát của quân đội các tôn giáo. Tất nhiên là đã nổ ra nhiều cuộc giao tranh với quân đội Việt Minh. Có nơi xảy ra những vụ giết chóc tàn nhẫn do quân đội các giáo phái tiến hành.

Giữa những năm 1950, khi Ngô Đình Diệm cố gắng kiểm soát toàn bộ miền Nam, thì đã xảy ra nhiều trận đánh kéo dài, đặc biệt ở vùng Tây Nam bộ với các tướng lãnh của quân đội Hòa Hảo như Ba Cụt, Năm Lửa…Năm 1974 – 1975, cũng vùng này, xung đột lẻ tẻ cũng xảy ra chống chính quyền Sài Gòn. Tháng 4 năm 1975, ở vùng này đã diễn ra những trận đánh tử thủ, kéo dài sang những ngày đầu tháng 5.

Bây giờ, thì những vùng Phật giáo thiểu số là những vùng nhạy cảm, nhất là khu vực Tây Nguyên, nơi vấn đề tôn giáo lại đi kèm với cả vấn đề dân tộc.

Hiện nay, diễn biến thiểu số hóa Phật giáo cũng diễn ra tập trung ở các thành phố lớn, nơi có những hoạt động cải đạo mạnh mẽ từ Tin Lành và Thiên Chúa La Mã, bằng nhiều biện pháp: hôn nhân, “giúp đỡ” tiền bạc, kèm cặp thuyết phục…

Quan sát ở hình thức bề mặt, thì dễ ngỡ rằng vấn đề chưa đến mức trầm trọng, nhưng thật ra các tôn giáo khác “giấu mình chờ thời”, tiến hành diễn biến trong thầm lặng, tránh sự chú ý không cần thiết.

Có thể một số người, kể cả không theo bạn đọc Phattuvietnam.net, chưa thống nhất  trước hiện trạng diễn biến thiểu số hóa Phật giáo, là do kết quả của việc “giấu mình chờ thời” này. Trên đường phố nếu thấy tu sĩ tôn giáo, thì hầu như chỉ toàn là tu sĩ Phật giáo. Chừng như Phật giáo là tôn giáo duy nhất tại Việt Nam vậy.

Nhưng, cần lưu ý, tu sĩ tôn giáo khác đã chuyển sang mặc y phục gần như người thường, tinh ý lắm mới nhận thấy. Có thể nghĩ đây là điều vô tình khi tất cả tu sĩ một tôn giáo đều làm như vậy hay không?

Còn chưa kể đến số tu sĩ tu “chui”. Tu nhưng không công khai, để không phải thông qua cơ chế quyền lực nào ngoài giáo quyền. Họ có danh sách ở nước ngoài, còn tại Việt Nam thì ăn mặc như người bình thường. Số này cũng không nhỏ. Phần lớn họ là những người trẻ và trung niên.

Bao giờ thì những thầy tu “bí mật” này xuất đầu lộ diện?

Còn số tín đồ. Nếu tính bằng số ghế (seat) ở các cơ sở thờ tự (được hiểu là khả năng cơ sở thờ tự dành cho một số lượng tín đồ), chứ không tính trên số lượng đơn vị cơ sở, thì Phật giáo đã có thể coi là tôn giáo thiểu số (chùa có thể nhiều hơn nhưng diện tích chánh điện ứng với số ghế thì đều kém xa nhà thờ).

Trong khi đó, do tránh áp lực số lượng tín đồ, nhiều nhà thờ làm lễ nhiều lần vào ngày chủ nhật. Hiện nay, một số nhà thờ mở cửa đến 21 giờ để đón tín đồ cầu nguyện. Trong khi lễ có tín đồ tham dự ở Phật giáo thì thường chỉ có thời công phu chiều, thường kết thúc khoảng 19 giờ.

Trong sự so sánh này, Phật giáo đã là tôn giáo thiểu số tại nhiều khu vực ở các thành phố lớn ở Việt Nam.

Có thể, không chỉ là một thiểu số các nhà lãnh đạo Phật giáo, mà số đông tín đồ Phật giáo cũng không biết đến điều này.

Các tôn giáo khác, liệu họ có muốn đông đảo tăng ni Phật tử nhận thức tình trạng thiểu số hóa của Phật giáo, để báo động và đối phó, hay là để Phật giáo Việt Nam tự “ru ngủ” trong “điệu ru hưng thịnh”?

Còn Phật giáo Việt Nam, nếu vẫn không nhận thức đầy đủ về diễn biến thiểu số hóa, vẫn ảo tưởng về sự hưng thịnh, không nhìn thấy thực tế diễn biến xung quanh, không biết thực trạng đạo pháp ra sao, thì trách nhiệm của tăng ni Phật tử Việt Nam có thể không giới hạn trong phạm vi tôn giáo.

Tiếng súng và những dòng máu đổ ở những khu vực Phật giáo thiểu số hóa ở Việt Nam, trở thành “tỉnh tự trị” hay các lãnh địa giáo phái vũ trang vào giữa thế kỷ XX, vẫn còn là bài học nóng hổi.

MT

Các tin đã đăng: