Vào
lúc 8 giờ 40 phút ngày 31-8-2012, khi tiến hành kiểm tra nhà trọ số 1
(khóm Đông Thịnh 2, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên-An Giang), lực
lượng Công an phường phát hiện 6 đối tượng nghi vấn giả danh nhà sư
trục lợi.
Danh tính của các đối tượng là: Võ Duy Ngân (sinh năm 1969), Nguyễn
Thị Quỳnh Nga (sinh năm 1982), Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1983), Nguyễn
Cảnh Cần (sinh năm 1986), Nguyễn Thị Kiều (sinh năm 1975) và Trần Thị
Hoa (sinh năm 1962, cùng ngụ huyện Tân Kỳ, Nghệ An).
Qua kiểm tra, trong phòng trọ của các đối tượng trên có nhiều thùng
sách kinh Phật (không rõ nguồn gốc nhà xuất bản), trang phục tu sĩ, các
giấy tờ chứng nhận tăng ni… Thấy có dấu hiệu khả nghi, cả 6 đối tượng
được mời về trụ sở Công an phường làm việc. Đặc biệt, ba đối tượng
Ngân, Cần, Thành đều cho kết quả dương tính với heroin khi thử test
nhanh.
Đi sâu vào điều tra, các đối tượng trên cho biết, chúng là đồng hương
với nhau. Ngân và Nga quen biết nhau, dần nảy sinh tình cảm và sống
chung như vợ chồng đã hai năm nay. Hoa và Thành là hai mẹ con; còn
Kiều, Cần và Nga là bạn bè thân thuộc. Ở quê, tất cả đều chung nghề làm
ruộng, nhưng cuộc sống khó khăn khiến mạnh ai nấy đi tìm công ăn việc
làm mới. Cuối cùng, Thành nghĩ ra một kế - tuy quen nhưng vẫn xài tốt:
Giả danh nhà sư đi vận động công đức xây chùa, sẵn tiện bán sách giáo
lý nhà Phật luôn.
Vậy là trên đường từ Nghệ An ra Bến xe miền Đông (TP. HCM), Thành giữ
vai trò tìm người làm giả các giấy tờ chứng nhận là tăng ni của chùa
S.T (Quảng Trị), các giấy tờ liên quan đến việc vận động xây cất chùa…,
với con dấu và chữ ký “y như thiệt”, chỉ 150.000 đồng. Riêng Cần tìm
mua được mấy bộ quần áo tăng ni của một người đàn ông lạ với giá
280.000 đồng. Sách giáo lý, đĩa thuyết giảng… thì do Hoa đảm nhận mua
về.
Tính sơ sơ, chỉ với khoảng 1 triệu đồng, cả nhóm đã đầy đủ “phương
tiện hành nghề”, bắt đầu hành trình thẳng tiến về… An Giang. Tuy nhiên,
chúng không đi cùng thời điểm với nhau, mà chia thành từng tốp. Hai mẹ
con Thành và Cần xuống đầu tiên, vào ngày 15-8-2012. Các đối tượng
khác “nhảy” xe khách xuống lần lượt sau đó, trễ nhất là Kiều, vào ngày
30-8.
Thành khai tại cơ quan Điều tra: “Sáng sớm, tôi và Cần thay đồ nhà
sư, sau đó cả hai di chuyển bằng xe Honda dọc theo Quốc lộ 91 hướng
Long Xuyên – Châu Đốc. Gặp những gia đình có vẻ khá giả, trong nhà thờ
hình Phật thì sẽ dừng lại, hỏi chủ nhà có cần mua sách kinh Phật không,
nếu có thì bán sách. Chúng tôi quy định: sách dày giá 30.000
đồng/cuốn, sách mỏng giá 12.000 đồng/cuốn, lời từ 5.000 – 10.000
đồng/cuốn.
Cần, Ngân, Thành khi bị tạm giữ tại cơ quan Điều tra
Sau khi chủ nhà mua sách xong rồi, Cần sẽ đem cuốn sổ to, màu đen, có
nhiều hình ảnh chụp một ngôi chùa xây dựng dở dang, cùng các “giấy tờ”
mộc đỏ để lấy lòng tin của chủ nhà, đề nghị họ đóng góp chút công đức
trong việc xây chùa. Cần sử dụng lời lẽ “nhà sư” để cố gắng thuyết phục
họ, rằng đây là việc thiện, cần làm để tích đức, nên tu hành theo đúng
đạo lý…, khiến chủ nhà tin tưởng và sẵn lòng ủng hộ tiền”. Chỉ với thủ
đoạn đơn giản như thế, mỗi ngày bọn chúng kiếm được vài trăm nghìn,
trừ chi phí ra còn lời khoảng 200.000 đồng.
Thành khai thêm, trong nửa tháng ở Long Xuyên, y và Cần đã đi “vận
động” tổng cộng 7 ngày, gom được vài triệu đồng. Số tiền lừa đảo được,
cả hai cùng chia đều. Mẹ y cũng thấy ham “công việc”, nên xin đi với
Cần 2 ngày. “Lúc mẹ về, tôi có hỏi được bao nhiêu, nhưng mẹ không nói.
Toàn bộ tiền kiếm được, chúng tôi mua ma túy sử dụng, tiêu xài lặt vặt
cá nhân”.
Ngân lại thú nhận thêm: Một thời gian trước đó, cả nhóm đã đi “vận
động tiền công đức” tại nhiều địa phương khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm
Đồng, Đà Nẵng. Thấy An Giang là vùng đất có “khả năng” làm ăn tốt, nên
bọn chúng quyết định mò đến. Nào ngờ, chỉ sau ít ngày, bọn chúng bị
phát hiện.
Phía sau vụ việc, lại là một khía cạnh khác khiến người viết không
khỏi ngán ngẩm. Nga làm “vợ” của Ngân một thời gian dài mà không biết
rõ về chồng mình: “Thời gian ở dưới quê, tôi có nghe mọi người nói anh
ấy sử dụng ma túy, nhưng tôi chưa trực tiếp nhìn thấy lần nào, nên cũng
chỉ bán tín bán nghi. Tôi không tham gia vào việc giả nhà sư vận động
công đức của anh ấy. Tôi đến Long Xuyên chỉ với mục đích thăm chùa ở
Châu Đốc”.
Tại cơ quan Điều tra, sự thật về hành vi sử dụng ma túy của Ngân đã
rõ, hành vi tiếp tay lừa đảo của thị cũng rõ, nhưng thị nhất quyết
không cho chụp hình, vì lý do “Tôi chẳng biết gì cả, chẳng liên quan
đến các tang vật này, tôi không chụp”.
Còn bà Hoa, “nhân vật chính” được làm thẻ tăng ni tu hành lại một mực
khăng khăng đổ lỗi cho con trai mình: “Thẻ chứng tu do Thành làm, với
mục đích đi vận động bán sách Phật. Tôi biết việc mình chụp ảnh làm thẻ
chứng nhận là sai trái, nhưng do Thành dụ tôi mới nghe theo”. Hỏi lý
do vì sao lại đến Long Xuyên, thị cho biết “Tôi đi kiếm Thành, kêu nó
về nhà vì nó đã bỏ nhà đi lâu rồi”, hoàn toàn không thừa nhận việc mình
có tham gia cùng Cần đi “vận động”! Có lẽ, bản tính lương thiện và
hành xử có đạo đức đã bị họ “bỏ quên” đâu đó trong quãng thời gian đi
lừa đảo. Họ chỉ biết lợi dụng đức tin và lòng tốt của người dân để trục
lợi cho bản thân mình, mà không hề nghĩ đến hậu quả sẽ ra sao!
Hiện, lực lượng chức năng đã cho 3 đối tượng nữ làm cam kết không tái
phạm, đồng thời trục xuất họ ra khỏi An Giang và yêu cầu trở về Nghệ
An. Riêng 3 đối tượng nam bị lập hồ sơ đưa vào trung tâm cai nghiện
theo quy định. Qua vụ việc này, người dân cần nâng cao cảnh giác trước
các thủ đoạn tương tự, tránh trường hợp dở khóc dở cười khi “đóng góp
công đức” vào tay kẻ lừa đảo.
Theo Khánh Hưng - AGO